Cao Bằng là tỉnh miền núi biên cương, nơi đấy điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, rừng chiếm hơn 90% diện tích, đất canh tác chỉ có gần 10%, chưa kể giao thông đi lại muôn phần hiểm trở. Đảm bảo được cái ăn, cái mặc đã cần rất nhiều nỗ lực. Thế nhưng, chính trong khó khăn đấy, những con người luôn nuôi khát vọng lớn, không chấp nhận thực tại lại nhìn thấy cơ hội thay đổi cuộc đời.
Núi rừng giăng thử thách, nhưng núi rừng cũng ban tặng cho Cao Bằng những cảnh quan vô cùng hùng vĩ như Thác Bản Dốc – đệ nhất danh thác Việt Nam và là một trong 10 thác nước hùng vĩ nhất thế giới, động Ngườm Ngao – một trong những hang động đẹp nhất Việt Nam. Nằm giữa hai danh thắng đó là bản Khuổi Ky (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng), một bản làng với những ngôi nhà sàn đá hàng trăm tuổi nằm dưới chân núi Khuổi Ky cao vút, phía trước là dòng suối Khuổi Ky yên ả lượn lờ. Đây là không gian sinh sống của người Tày bản địa. Người Tày trước đây sống phụ thuộc vào nương rẫy, rất bấp bênh vì thiên tai có thể đến bất cứ lúc nào. Nhưng nay, thế hệ trẻ người Tày đã bắt kịp tư duy làm giàu bền vững, tận dụng lợi thế cảnh quan và văn hóa dân tộc để phát triển quê hương mình.
Mạc Thị Khon, quản lý Khuổi Ky Homestay cho biết, trong quá trình tìm kiếm giải pháp phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tham quan của du khách, người Tày đã rất nỗ lực học tập thay đổi tư duy. “Khách nước ngoài đến với bản rất nhiều nên người Tày phải cập nhật thêm kiến thức của thế giới, vì bây giờ mình không chỉ làm việc với người Việt mà còn phải làm việc với bạn bè quốc tế”. Khon chia sẻ thêm phần lớn những hiểu biết có được là đọc trên internet, đôi khi không đầy đủ hoặc thiếu chính xác. Khon mong muốn những người trẻ trong bản có được những cuốn sách về khởi nghiệp để nghiên cứu phương thức khai thác hiệu quả nhất những tiềm năng vốn có của địa phương.
Chiều 18/4, khi “Hành trình Từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt” đến trao tặng sách Nền Tảng Đổi Đời, bản Khuổi Ky đã chào đón rất hào hứng. Không chỉ người trẻ, ngay cả các bác cao tuổi cũng vui mừng. Bà Nông Thị Vẻ (Chủ tịch Hội Người Cao Tuổi xã Đàm Thủy) đánh giá cao những cuốn sách của Tập đoàn Trung Nguyên Legend trao tặng “Đây là những món quà quý cho lớp trẻ. Phải đọc những cuốn sách như thế này thì các em các cháu mới mở rộng được hiểu biết. Tôi tin sau khi đọc sách, lớp trẻ sẽ có được câu trả lời về cách thức làm giàu cho quê hương”.
Đóng quân trên địa bàn, các chiến sĩ Đồn biên phòng Đàm Thủy cũng đã rất nhiệt tình chào đón Hành trình Từ Trái Tim. Nhận những cuốn sách quý đổi đời, Thượng tá Lý Ngọc Danh – Chính trị viên Đồn Biên phòng Đàm Thủy cho rằng “Có tri thức mới có thể lập thân lập nghiệp và hỗ trợ nhân dân khu vực biên giới phát triển kinh tế, xã hội”.
Đồng hành cùng Hành trình Từ Trái Tim đến Cao Bằng trao tặng sách là Á hậu Hoàng My, Á hậu Lệ Hằng, Á hậu Trương Thị May và diễn viên Lương Thanh. Là Á hậu các dân tộc Việt Nam và là người gốc Khmer nên Trương Thị May đã có cảm xúc rất đặc biệt: “Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây còn nghèo khó, nhưng ai cũng có giấc mơ đổi đời, giấc mơ làm giàu cho quê hương. May hi vọng, những cuốn sách do Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend tâm huyết lựa chọn từ kho tàng tri thức nhân loại sẽ giúp được người dân nơi đây. Bời chứa đựng trong những cuốn sách là câu chuyện của những danh vĩ nhân, những quốc gia đã thực sự hùng mạnh, đó sẽ là bài học thành công cho chúng ta”.
Không phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên giàu nghèo, không phụ thuộc vào diện tích lớn nhỏ hay dân số ít nhiều, chính tri thức, khát vọng và chí hướng của con người sẽ làm nên sức mạnh thay đổi nghịch cảnh để đi đến cuộc sống giàu có và hạnh phúc đích thực. Thông qua việc trao tặng hàng chục triệu cuốn sách quý đổi đời tới Thanh niên Việt ở khắp mọi miền Tổ quốc từ thành phố, nông thôn, biên cương, hải đảo…, Tập đoàn Trung Nguyên Legend đang trao tặng sức mạnh tri thức đúng đắn và toàn diện cho từng người, cho dân tộc, để từ đó tạo nên sức mạnh xây dựng quốc gia giàu có, hùng cường.
Ngày 16/4, đoàn xe “Hành trình Từ Trái Tim” do Tập đoàn Trung Nguyên Legend khởi xướng đã di chuyển gần 300km đường núi sương mù và gập ghềnh từ Đồng Văn (Hà Giang) ghé thăm Đồn Biên phòng Cô Ba trước khi đặt chân đến những bản nghèo của tỉnh Cao Bằng.
Sương mù dày đặc khi Đoàn “Hành trình từ trái tim” xuất phát từ Đồng Văn đi Cao Bằng
Đoàn xe “Hành trình Từ Trái Tim” khởi hành lúc 7h00 sáng, di chuyển liên tục trong vòng 5 giờ đồng hồ qua nhiều ngọn núi, đường đèo mù sương để dẫn vào Đồn Biên phòng Cô Ba lúc 12h30.
Đồn Biên phòng Cô Ba quản lý 19.080 km đường biên với 33 vị trí cột mốc, thuộc 2 xã: Cô Ba, Thượng Hà (Bảo Lạc). Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn luôn thực hiện hiệu quả các mặt công tác, góp phần xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, giữ vững mối quan hệ quân – dân và chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Đoàn ghé thăm Đồn Biên Phòng Cô Ba khi trời đã quá trưa, nắng gắt
Nắm rõ từng ngóc ngách địa bàn, đồng chí Hoàng Văn Đóng (Đồn trưởng đồn biên phòng Cô Ba) chia sẻ chân thành, người dân ở đây quanh năm chỉ cấy vụ lúa, trồng ngô. Nông sản, vải vóc đều được sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp nhưng hầu như là không đủ nên cơ bản là rất nghèo.
Giữa khí hậu sáng sương mù bao phủ nhưng trưa thì nắng hửng lên gay gắt nhưng dọc đường đi, trẻ con vẫn chạy chân đất, đầu trần, nhiều em còn không mặc quần áo, nhìn ngơ ngác. Đồng chí Đồn trưởng cho biết: “Chẳng riêng mùa nắng nóng trẻ nhỏ mới không mặc quần áo mà ngay cả khi trời lạnh thấu da, đám con nít vẫn hồn nhiên không một manh áo che thân chạy chơi ngoài đường.
Đói khổ đã khiến nhiều em nhỏ còi cọc, đen nhẻm nhưng hầu như các em không ý thức hết sự khó khăn của mình. Trong đôi mắt trong veo của tụi nhỏ vẫn ánh lên nét hồn nhiên, vô lo vô nghĩ. Có lẽ bởi một một phần, cuộc sống ở đây bị giới hạn bởi những dãy núi cao trùng điệp, một phần vì sự thiếu thốn của ánh sáng tri thức”.
Chính vì thế, hưởng ứng chương trình “Cùng em vượt khó” và “Nâng bước em tới trường” Đồn biên phòng Cô Ba đã quyên góp được nhiều sách báo, quần áo, học bổng cho nhiều trẻ em nơi đây. Đồng thời Đồn Cô Ba cũng nhận 4 em nhỏ có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn để chăm sóc và nuôi dạy ăn học.
Trước tấm lòng của các chiến sĩ vùng biên, và thực hiện đúng mục đích của chuyến đi, đại diện Đoàn “Hành trình từ trái tim” đã gửi tặng Đồn Cô Ba cũng như thông qua đây để gửi những cuốn sách quý báu tới cho thanh niên, học sinh như món quà động viên, truyền lửa.
NCE Võ Thị Hà Giang tặng sách cho Đồn Biên phòng Cô Ba
Cảm động trước hoạt động của Đoàn, Đồn trưởng Hoàng Văn Đóng cho biết: “Trước giờ Đồn chúng tôi cũng ý thức rất rõ vai trò, tầm quan trọng của sách nhất là đối với những em học sinh thiếu thốn nơi đây. Từ mấy năm nay chúng tôi luôn cố gắng vận động, xin sách giáo khoa để các em có đủ kiến thức. Nhưng ngoài sách giáo khoa ra thi thoảng mới có một vài cuốn truyện hay tập thơ “lạc loài” trong đó. Việc chúng tôi muốn đẩy mạnh là ngoài giờ học chính thức trên lớp, trong giờ ra chơi có thêm lựa chọn sách cho các em nhỏ đọc vừa giải trí vừa để định hướng cho các con. Nhưng điều đó vẫn chưa thực hiện được.
“Hành trình từ trái tim” là đơn vị tư nhân đầu tiên đến đây không phải mục đích công việc đơn thuần mà trao gửi nguồn kiến thức vô tận. Với những câu chuyện truyền cảm hứng trong những cuốn sách “Nghĩ Giàu Làm Giàu”, “Khuyến Học”, “Quốc Gia Khởi Nghiệp”, “Đắc Nhân Tâm”, “Không Bao Giờ Là Thất Bại – Tất Cả Chỉ Là Thử Thách” giống như đưa ánh sáng tri thức về bản nghèo. Chúng tôi sẽ cố gắng lan toả rộng nhất có thể kiến thức cho các em học sinh, thanh niên.
Từ Lai Châu, đoàn xe vượt đèo Ô Quy Hồ là cung đèo dài nhất vùng núi Tây Bắc, đồng thời hiểm trở bậc nhất Việt Nam, cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn để đến Lào Cai. Rồi từ Lào Cai, đoàn xe tiếp tục di chuyển liên tục 12 giờ để đến được cao nguyên đá Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Đường đi trùng trùng điệp điệp thử thách giữa đỉnh mây mù và những mỏm đá bủa vây. 8 giờ tối, đoàn xe vẫn nối đuôi nhau cẩn trọng lăn từng vòng bánh xe giữa lưng chừng đèo. Đất trời tối tăm mù mịt, chỉ còn ánh sáng từ phía đoàn xe chiếu sáng cả một vùng.
Mèo Vạc là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang. Tại đây, “Hành trình Từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt” đã đến trao tặng sách cho xã Giàng Chu Phìn – xã nghèo nằm cheo leo trên độ cao hơn 1.200m và trường THPT Mèo Vạc là điểm trường THPT duy nhất của huyện.
Chào đón Hành trình, thầy trò trường THPT Mèo Vạc rất vui mừng. Ông Trần Bách Tùng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên 70% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ chọn con đường đi làm ngay, không tiếp tục học cao hơn. Các em gần như không có nhiều ước mơ, hoặc ước mơ lớn nhất chính là muốn giúp gia đình thoát nghèo. Tuy nhiên, để nuôi ước mơ đó đã muôn phần vất vả. Ở độ tuổi 15, 16 các em đã rời bản lên thị trấn ở trọ để đi học. Nhà nước hỗ trợ chi phí và 15kg gạo hàng tháng, các em chỉ dùng một phần gạo, còn lại gửi về cho gia đình. Rồi sau đó, phần lớn các em tranh thủ làm thuê bưng bê, rửa bát cho các hàng quán trong thị trấn để có tiền tiếp tục đi học.
Nhận 5 cuốn sách Nền Tảng Đổi Đời, ông Trần Bách Tùng trân trọng: “Những cuốn sách này rất ý nghĩa, giúp các em nhận định đúng năng lực, đam mê của mình để chọn một nghành phù hợp thi đại học, cao đẳng. Hoặc không, sách cũng khơi lên những khát vọng lớn lao hơn, để những em không thi đại học vẫn có thể chọn được một con đường khởi nghiệp tốt hơn”. Ông cho biết thêm, trường THPT Mèo Vạc sẽ lưu sách tại thư viện để các thế hệ học sinh kế cận mai sau cũng sẽ được đọc 5 cuốn sách do Tập đoàn Trung Nguyên Legend trao tặng.
Em Nông Văn Định (người Giáy) gửi đến Hành trình lời cảm ơn “Anh chị đã vượt hàng ngàn km đèo núi tới tận quê em tặng sách, phải thương người miền núi lắm mới làm được vậy. Bây giờ em chưa có khát vọng gì lớn, nhưng sau này dù làm nghề gì nhất định cũng sẽ làm tốt, làm người có ích”.
Rời Mèo Vạc, Hành trình tiếp tục vượt đèo Mã Pí Lèng, đi qua con đường Hạnh Phúc trên những núi đá dựng đứng, xuyên hẻm Tu Sản nổi tiếng là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á để đến huyện Đồng Văn. Ngược thêm hơn 30km đường núi và 286 bậc thang đá để đến cột cờ Lũng Cú, nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.
Tại đỉnh cao vùng biên giới, tất cả những người tham gia “Hành trình Từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt” đã cùng nhau thực hiện nghi thức chào cờ thiêng liêng. Đứng dưới lá cờ 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, trái tim mỗi người đập nhanh nhịp đập lòng yêu nước, nhịp đập của quyết tâm hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, vĩ đại.
Sau phút thiêng liêng đó, Hành trình Từ Trái Tim cũng đã đến trao tặng sách cho các chiến sĩ Đồn biên phòng Lũng Cú. Thượng tá Phạm Ngọc Thủy, Chính trị viên đồn biên phòng Lũng Cú chia sẻ: “Đây là một Hành trình rất nhân văn, mang một thông điệp cho thế hệ thanh niên cả nước cùng nhau học tập, sáng tạo, cùng nhau đóng góp xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn”.
Chỉ trong hai ngày, Hành trình Từ Trái Tim đã vượt 2 cung đèo thuộc tứ đại đỉnh đèo Việt Nam, xuyên qua hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, lướt trên những mỏm đá Đồng Văn, đến địa đầu Lũng Cú… trao tặng sách đến những bản vùng cao nhất biên cương. Thử thách, gian nan không kể hết, nhưng trên tất cả chính là tâm huyết, là lòng quyết tâm đưa ánh sáng tri thức đến mọi miền Tổ quốc, tạo nên sức mạnh phát triển đất nước sánh ngang các cường quốc năm châu.
Mất 8 giờ vượt qua một chặng đường chỉ dài hơn 150km để đến được Pa Vệ Sử – xã xa xôi và khó khăn nhất huyện Mường Tè, Lai Châu. Một điểm đến mà tất cả những người tham gia “Hành trình Từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt” sẽ không bao giờ quên được.
Pa Vệ Sử là xã biên giới nghèo nhất, xa xôi nhất của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Đây là nơi sinh sống của người La Hủ và người Mảng – 2 trong 4 dân tộc ít người thuộc diện bảo tồn, phát triển bền vững của nhà nước. Họ sống trong những căn nhà vách gỗ tạm bợ, nằm chênh vênh giữa sườn núi. Mới đây thôi, một cơn gió lốc đã thổi bay vài căn nhà xập xệ như thế. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất đai canh tác ít nên họ vẫn còn săn bắn hái lượm hoặc sống nhờ trợ cấp của nhà nước.
Xuất phát từ 5 giờ sáng, núi rừng Lai Châu vẫn còn mịt mù trong đêm tối lẫn màn sương dày đặc. Đoàn xe chuyên chở ánh sáng tri thức nối đuôi nhau dò dẫm theo những cung đường đèo hiểm trở vừa hẹp, vừa gập ghềnh, vừa có những khúc cua nín thở. Trên đầu là những vạc đất đá dựng đứng xẻ dọc rừng. Dưới bánh xe là thung lũng sâu hun hút, chỉ nghe được tiếng suối gầm. Đến quá 13 giờ trưa, Hành trình mới đến được Pa Vệ Sử. Và lúc đó, tất cả gần như lặng đi. Không phải vì mệt mà vì cái nghèo nơi đây thật sự khiến người ta lặng đến nhói tim, không một từ nào có thể diễn tả được.
Cái ăn, cái mặc còn chưa đủ nên việc đi học lại càng nan giải. Hơn 90% người lớn không biết chữ, phần lớn học sinh chưa học hết cấp 3. Trình độ dân trí thấp khiến đời sống người dân còn lạc hậu, kinh tế chậm phát triển. Cũng chính vì vậy, những chiến sĩ đóng quân tại Đồn biên phòng Pa Vệ Sử vẫn luôn tìm cách để người dân được tiếp cận với tri thức.
“Tri thức vẫn là nền tảng gốc rễ để phát triển kinh tế, xã hội. Giải quyết cái ăn cái mặc trước mắt thì dễ nhưng để người dân có được nhận thức, kiến thức cho họ tự phát triển thì lại khó. Càng khó càng phải bắt đầu sớm, vì nếu hôm nay không làm thì ngài mai vẫn sẽ nghèo đói” – Thiếu tá Đinh Quang Học, Chính trị viên Đồn biên phòng Pa Vệ Sử đau đáu khi nghĩ về những người đồng bào của mình.
Cách đồn biên phòng không xa là trường Tiểu học Pa Vệ Sử điểm bản Thò Ma. Thầy cô giáo ở đây còn rất trẻ, phần lớn cũng là người dân tộc thiểu số. Họ dành tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình ở lại cùng đồng bào chỉ mong đưa kiến thức về với bản, giúp người dân được phổ cập kiến thức, từ đó thoát khỏi đời sống tận cùng nghèo đói. Cô giáo Nông Thanh Lan (người Tày) chia sẻ: “Chỉ có tri thức mới có thể giải cứu đồng bào khỏi cuộc sống nghèo khó, nên tâm huyết lớn nhất là người lớn đọc được chữ, trẻ em được đọc sách tiếp cận tri thức, văn minh thế giới”.
Khi nhận tủ sách Nền Tảng Đổi Đời bao gồm 5 đầu sách: Khuyến Học, Quốc Gia Khởi Nghiệp, Nghĩ Giàu Làm Giàu, Đắc Nhân Tâm, Không Bao Giờ Là Thất Bại Tất Cả Là Thử Thách, các chiến sĩ Đồn biên phòng Pa Vệ Sử và thầy cô trường Tiểu học Pa Vệ Sử đã rất vui mừng. Họ cho biết Hành trình Từ Trái Tim là đoàn đầu tiên và duy nhất vượt chặng đường đầy khó khăn, hiểm trở mang sách đến trao tặng vùng biên giới xa xôi này. Thiếu tá Đinh Quang Học trân trọng từng cuốn sách, đặc biệt, người chiến sĩ này rất hào hứng với cuốn Quốc Gia Khởi Nghiệp viết về nền kinh tế thần kỳ Israel. Anh cho biết đây sẽ là nguồn cảm hứng để anh và đồng đội của mình tiếp tục nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới và giúp đỡ đồng bào vươn lên thay đổi nghịch cảnh, thay đổi cuộc sống.
Tại Điện Biên, Hành trình Từ Trái Tim tiếp tục trao tặng hàng ngàn cuốn sách đến trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên và Thư viện tỉnh Điện Biên. Thế hệ thầy cô giáo tương lai của tỉnh Điện Biên cũng đã rất hào hứng với những cuốn sách chứa đựng công thức thành công của các danh vĩ nhân, các cường quốc lớn mạnh để làm bài học thành công cho bản thân, từ đó nhận lấy trọng trách với xã hội, đất nước.
Đã có một Israel 95% diện tích là hoang mạc, còn lại là đồi núi không thể canh tác. Nhưng hiện nay Israel là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới và là quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu vùng Trung Đông. Họ có sức mạnh tri thức, tinh thần kiến quốc và họ đã tạo nên những bước phát triển thần kỳ. Rời Pa Vệ Sử, những người tham gia Hành trình Từ Trái Tim đều mong ngày trở lại, lúc đó sẽ thấy một vùng biên cương giàu đẹp. Israel đã từng làm được, tin rằng với sức mạnh tri thức, tinh thần Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc, người dân nơi đây cũng sẽ làm được.
Vượt qua những khúc cua “cùi chỏ” hiểm trở, núi tiếp núi lơ lửng giữa mây trời, “Hành trình Từ Trái Tim – Hành Trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh Niên Việt” đã chinh phục đèo Pha Đin, một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam để đến với các tỉnh biên giới Sơn La, Điện Biên.
Đèo Pha Đin là nơi gặp gỡ giữa đất và trời. Trên đỉnh đèo là bức tranh thiên nhiên vô cùng hùng vĩ, núi non tầng tầng lớp lớp, những con dốc ôm lấy núi vươn lên cao rất ngoạn mục. Nhưng dưới chân đèo lại là một bức tranh rất khác. Những mái nhà sàn liêu xiêu tạm bợ. Những em bé đi chân trần, áo mỏng giữa cái lạnh Tây Bắc. Có chăng giống nhau chính là khát vọng trỗi dậy vươn lên của những người trẻ vùng biên giới xa xôi này.
Anh Cà Văn Tân, cán bộ Y tế bản Ỏ (xã Chiềng Ngần, TP Sơn La) học xong ra trường trở về cống hiến cho quê hương. Mỗi ngày đều đặn đi tới các bản gần xa khám chữa bệnh cho người dân, anh chưa từng ngại đường dài đi lại khó khăn. Anh bộc bạch “Mình có thể tìm việc ở một nơi tốt hơn, đồng lương cao hơn. Nhưng mình giàu trong khi người dân quê mình nghèo thì giàu đâu có ý nghĩa gì. Điều kiện quê mình còn nghèo thì mình còn cố gắng”.
Cũng tốt nghiệp đại học và quay về quê hương, Lường Thị Thoa giáo viên người Thái đang giảng dạy tại trường mầm non Hoa Hồng (xã Chiềng Ngần, TP. Sơn La) chỉ tâm nguyện “Dốc hết trái tim và trí óc để dạy cho các cháu nhỏ những hiểu biết về xã hội rộng lớn bên ngoài, chỉ mong cho các cháu sau này thành người hữu ích”. Lường Thị Thoa cho biết bản thân luôn phải đọc thêm sách để phục vụ cho công việc. Tuy nhiên ở nơi còn nghèo như Chiềng Ngần thì vẫn rất khó để tìm được những đầu sách đa dạng lĩnh vực.
Ở Điện Biên, các chiến sĩ Đồn biên phòng Thanh Luông ngoài công tác bảo vệ biên giới còn giúp sức hỗ trợ đồng bào người Thái, Khơ Mú các xã Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Nưa (huyện Điện Biên) phát triển kinh tế. Ngoài hướng dẫn canh tác nuôi trồng cho đồng bào, các chiến sĩ còn ưu tiên tạo điều kiện cho các em nhỏ được đến trường học tập với chương trình hỗ trợ vật chất như “Nâng bước em tới trường” và đặc biệt là vận động sách từ các thư viện để tặng cho học sinh. Thiếu tá Nguyễn Văn Thọ, Đồn trưởng Đồn biên phòng Thanh Luông cho rằng: “Sách là nguồn tài liệu quý, là nền tảng quan trọng để trang bị kiến thức cho bà con phát triển tư duy, từ đó mới có thể phát triển kinh tế được. Còn với các em nhỏ thì sách sẽ giúp các em trở thành công dân có ích”.
Tiếp sức và kết nối những trái tim luôn khát vọng vì một quê hương giàu mạnh, Hành trình Từ Trái Tim đã đến Sơn La, Điện Biên trao hàng ngàn cuốn sách Nền Tảng Đổi Đời và lập các tủ sách tại Đồn biên phòng Thanh Luông, bản Hua Pe xã Thanh Luông thuộc tỉnh Điện Biên. Trường Mầm non Hoa Hồng xã Chiềng Ngần, trường Tiểu học Chiềng Ngần, trường ĐH Tây Bắc, thư viện tỉnh Sơn La thuộc tỉnh Sơn La.
Cầm những cuốn sách quý trên tay, Bà Quàng Thị Hên (người Khơ Mú, bản Hua Pe xã Thanh Luông) cười rất tươi: “Cảm ơn anh chị đã không ngại đi xa vất vả đến giúp đỡ bản nghèo, tặng sách cho các cháu học hành giỏi, thoát nghèo”.
Những con người luôn mang trong tim tình yêu và khao khát phát triển quê hương, cùng những cuốn sách được Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết tuyển chọn từ hàng triệu cuốn sách, hàng ngàn tấm gương danh vĩ nhân thành công nhất của nhân loại sẽ là sức mạnh đưa khát vọng làm giàu bền vững nơi chân đèo Pha Đin thành công. Và xa hơn là xây dựng Sơn La, Điện Biên một lần nữa “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
3 giờ sáng, lạnh cắt da cắt thịt, em gái nhỏ Bành Thị Dung trở mình thức dậy ăn vội quả ngô, chuẩn bị sách vở, men theo mấy con dốc đến trường. Em phải đi học khi núi rừng còn đang say giấc bởi trường em cách nhà 7km đường núi. Có ai đó hỏi: Ngày nào em cũng đi bộ như vậy à? – Dạ vâng ạ!. Em không sợ, không mệt sao? – Dạ không ạ!. Tại sao? – Dạ em muốn sau này làm cô giáo!
Bành Thị Dung là một trong hàng trăm em nhỏ người Dao, người Mường, người Tày,… mà “Hành trình Từ Trái Tim – Hành Trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh Niên Việt” đã gặp tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Nơi các em sống núi gối đầu núi, thò chân xuống dòng sông Đà, địa hình vô cùng hiểm trở. Xe lăn bánh phải cẩn trọng từng chút một, vì một bên là núi đá dựng đứng có thể sạt lở bất cứ lúc nào, một bên là vực sâu thăm thẳm kéo dài đến tận lòng sông. Sống cheo leo giữa bốn bề núi non, sông nước như thế, các em nhỏ vẫn nuôi những giấc mơ rất lớn lao. Được trở thành cô giáo, được là kỹ sư, được là bác sĩ… Nhưng không phải để thoát ly khỏi huyện nghèo mà là để giúp ích cho quê hương.
Bành Thị Dung (người Dao) chỉ mới 12 tuổi, học lớp 6 trường THCS Hiền Lương khi nói về mơ ước của mình đã rất vui vẻ: “Em muốn mọi trẻ em đều được đi học. Em muốn sau này được dạy cho trẻ em quê mình những điều tốt đẹp”. Đinh Văn Vương (người Mường) thì ước mơ được làm bác sĩ: “Sau này ai bị bệnh thì em sẽ cứu, không cần phải đi xa”. Đó là động lực để các em thức dậy từ 3 giờ sáng, đi học giữa cái lạnh thấu da, mòn mỏi lội bộ 7 – 10km đường đèo núi bất kể ngày mưa nắng.
Điều đặc biệt, các em nhỏ nơi đây rất thích đọc sách. Cầm sách trên tay là ngấu nghiến đọc say mê. Thích sách nhưng lại thiếu sách. Nếu muốn có sách đọc, các em phải xuống trung tâm huyện cách chừng 15km để mua hoặc thuê về đọc. Khi Hành trình Từ Trái Tim đến tận nơi, trao cho từng em một túi quà có cả sách và đồ dùng học tập. Các em ngay lập tức chỉ đón nhận lấy sách và tìm một góc chăm chú đọc từng trang.
Anh Đặng Văn Hùng – giáo viên trường Tiểu học Hiền Lương nhiệt tình dẫn đường cho Hành trình Từ Trái Tim đến với từng gia đình. Anh tâm đắc: “Tôi rất mong mỏi các em có đầy đủ kiến thức. Để sau này có thể làm được tất cả những gì các em mơ ước. Dù là ở nhà làm rẫy trồng ngô thì có kiến thức vẫn mang lại lợi ích hơn. Cho nên đây là Hành trình rất ý nghĩa, rất thiết thực”.
Trưởng xóm Mái, xã Hiền Lương – ông Nguyễn Duy Hoàng chia sẻ thêm: “Tôi rất cảm ơn Hành trình đã quan tâm, tặng sách tới những vùng xa xôi như thế này. Đây là món quà quý, là tiền đề để các cháu có tri thức sau này phát triển quê hương, đất nước”.
Cùng ngày, Hành trình Từ Trái Tim cũng đã trao tặng hàng ngàn cuốn sách quý đổi đời đến sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình và Thư viện tỉnh Hòa Bình, khơi dậy tinh thần thượng tôn tri thức, khát vọng khởi nghiệp kiến quốc cho thế hệ trẻ Hòa Bình.
Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng đã biến giấc mơ cà phê Việt Nam vươn tầm thế giới thành sự thực. Chung Ju Yung từ một nông dân thuần phác trở thành ông chủ một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc. Tất cả là nhờ khát vọng lớn, ý chí nỗ lực không ngừng nghỉ, và trên hết là tinh thần ham học hỏi, thượng tôn tri thức. Những em nhỏ huyện vùng cao và những thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình hôm nay đã được tiếp thêm sức mạnh tri thức từ những cuốn sách Nền Tảng Đổi Đời. Ngày mai, các em sẽ là một thế hệ thanh niên mới, dám ước mơ, dám khát vọng và dám thực hiện khát vọng đời mình. Cùng nhau làm cho quê hương mình giàu mạnh, cùng nhau hiện thực hóa khát vọng Việt Nam vĩ đại.
Ngày 9.4.2019, Hành trình Từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 Triệu Thanh Niên Việt đã tổ chức chương trình trao tặng hơn 10.000 cuốn sách cho đoàn viên, thanh niên và các chiến sĩ quân đội TP. Nam Định tại Nhà văn hoá 3.2. Chương trình có sự tham gia của các khách mời: TS Lê Doãn Hợp nguyên Bộ trưởng Bộ TTTT, đồng chí Lê Chí Kiên, Bí thư thành đoàn, Hoa hậu Thu Ngân, Á hậu Hoàng My và Á hậu Dương Tú Anh.
Vậy là Hành trình từ trái tim đã khép lại chặng miền Trung dưới cái nắng như thiêu như đốt để đến với các vùng đồng bằng và miền núi phía Bắc. Nam Định là thành phố đầu tiên mà Hành trình dừng chân.
Nhắc đến Nam Định, ai cũng biết đó là một trong những địa danh nổi tiếng về truyền thống hiếu học. Trên mảnh đất khoa cử này, việc học hành được nhân dân coi trọng, không chỉ là đạo lý “tôn sư trọng đạo” thông thường, mà trở thành phong cách sống, phạm trù đạo đức để mỗi người, gia đình, dòng họ, làng xã noi theo. Chính vì vậy mà Hành trình từ trái tim đã có một buổi giao lưu với 600 em học sinh đến từ trường chuyên Lê Hồng Phong, sinh viên trường ĐH điều dưỡng, trường CĐ Y dược… cùng các chiến sĩ quân đội tại địa phương.
Là người đồng hành thân thiết với Hành trình, TS Lê Doãn Hợp đã có những chia sẻ rất thẳng thắn và nghiêm khắc với các bạn trẻ tại buổi giao lưu: “Bạn có thể đọc báo để làm giàu tốt hơn, có thể đọc tạp chí để làm nghề tốt hơn nhưng chỉ có đọc sách mới có thể làm người tốt hơn. Đặc biệt những cuốn sách nói về các nhân tài thế giới được Trung Nguyên lựa chọn cũng là sự lựa chọn của lịch sử. Sách có thể cải tạo được bản thân, tôn vinh để cải tạo và ngược lại, những người tân tiến luôn luôn đọc sách, không đọc sẽ trở nên cổ hủ. Sẽ vẫn là mù chữ nếu bạn biết chữ mà không chịu đọc. Những nước văn minh tiên tiến nhất là những nước có văn hoá đọc và Trung Nguyên đang giúp Việt Nam ngang tầm thế giới thông qua việc tặng sách cho thanh niên Việt. Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ đã đưa ra 1 ý tưởng tuyệt vời bằng sức lực, vốn liếng, tâm huyết và bằng tất cả những kinh nghiệm xương máu của đời mình để tìm ra điều quan trọng nhất là đem đến cho mọi người những cuốn sách quý. Tôi rất ngưỡng mộ Trung Nguyên khoảng 4 năm gần đây, cho dù gặp rất nhiều áp lực về những vấn đề riêng tư nhưng chưa khi nào ông lơi là mà vẫn tiếp tục Hành trình 1 cách quyết liệt. Y thức về Hành trình đã thấm sâu vào những người làm chương trình, làm về cuộc cách mạnh đổi đời này. Một cô gái đẹp cho chúng ta vui mắt, một cô gái ngoan cho chúng ta vui lòng nhưng chỉ 1 cô gái thông minh mới cho ta niềm tin cậy vì thế muốn được mọi người tin cậy, muốn được thành công thì phải trau dồi đọc sách. Tôi mong rằng các bạn trẻ hãy đọc sách để cải tạo cuộc sống, cải tạo đất nước” – ông nói.
Không giấu được sự xúc động khi được các bạn học sinh đón tiếp nồng nhiệt, Hoa hậu Thu Ngân đã mạnh dạn chia sẻ về quan điểm đọc sách của mình. Cô muốn mang lại cho các bạn sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, một ý chí lớn cho dù bạn là ai, bạn xuất thân như thế nào thì sự học hỏi và rèn dũa bản thân là không ngừng nghỉ. Chia sẻ về vấn đề “Khởi nghiệp” Thu Ngân khuyên các bạn trẻ “Không ngại khó, không ngại việc nhỏ, thậm chí phải kiêm tất cả công việc từ bảo vệ, giao hàng, tạp vụ, giám đốc, kế toán…thì mới nắm rõ được lỗ hổng của các khâu, hiểu được nhân sự, từ đó sẽ rút ra được kinh nghiệm và cách quản lý. Khởi nghiệp là lựa chọn của các bạn và thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý chí”. Thu Ngân có thói quen đọc sách và cuốn sách “gối đầu giường” của Thu Ngân chính là 2 cuốn Đắc Nhân Tâm, Nghĩ giàu và làm giàu. Sách đã giúp cô thay đổi tư duy, từ suy nghĩ đến hành động nhanh hơn rất nhiều.
Còn về Hoàng My, sau khi đạt danh hiệu Á hậu, Hoàng My đã có một bước chuyển khá táo bạo – quyết định đi du học ngành Điện ảnh thay vì bước chân vào showbiz phù hoa. Cô dành thời gian đi qua bao vùng đất mới, thưởng thức hương vị cuộc sống và thu thập tư liệu làm phim. Sau khi kết thúc việc học, Hoàng My đến Israel, vùng đất chưa bao giờ thiếu những xung đột và nguy hiểm. Ở đây, cô đã trải qua những tháng ngày cô đơn, phải làm mọi thứ một mình và đối mặt những tình huống sợ hãi. Hoàng My tâm niệm: “Hãy luôn lắng nghe trái tim của mình khao khát điều gì và quyết tâm theo đuổi, dám đối mặt với khó khăn, thử thách để không phải hối tiếc vì chưa dám sống hết mình.” Chia sẻ thói quen đọc sách, Hoàng My cho biết, cô đã đọc và nghiền ngẫm cuốn Quốc Gia Khởi Nghiệp, cuốn sách đã gắn bó với cô trên hành trình thực hiện bộ phim tài liệu đầu tay –“Trí tuệ Do Thái”.
Hoà với không khí rộn ràng của chương trình, Á hậu Tú Anh mang đến cho các bạn trẻ những lời khuyên hữu ích được rút ra từ những vấp váp, trải nghiệm của bản thân mình. “Trong cuộc sống không thể tránh khỏi những cạm bẫy nếu không có bản lĩnh và không hiểu được bản thân mình thì rất dễ dàng phạm phải sai lầm mà không thể vực dậy” Tú Anh chia sẻ. Phương châm sống của cô là Muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì cần những cộng sự. Và để có được những cộng sự tốt thì trước tiên phải khẳng định được giá trị bản thân, gây dựng được niềm tin bằng những việc làm. Đừng bao giờ than vãn và trách móc bất kỳ ai vì mỗi người xuất hiện trong cuộc đời ta đều cho ta những bài học và sự trải nghiệm, cô nói.
Để thực hiện phong trào công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi TP.Nam Định năm 2019 nhằm khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên nên nhân dịp này anh Nguyễn Trí Kiên, Bí thư thành đoàn đã có những chia sẻ về vấn đề khởi nghiệp cho các bạn học sinh sinh viên: “Thanh niên luôn có hoài bão lớn, có khả năng nắm bắt công nghệ nhanh, có tư duy đột phá hoặc đều mong muốn khởi nghiệp sáng tạo và thành công. Tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì thất bại là điều khó tránh khỏi. Có mặt tại chương trình Khởi nghiệp sáng tạo gắn liền với đổi mới tư duy sáng tạo vì ý tưởng thông minh là chưa đủ mà cần có sự dũng cảm, bản lĩnh dám đương đầu với rủi ro thất bại. Bởi vậy , bên cạnh sự hỗ trợ của tổ chức đoàn thanh niên muốn khởi nghiệp thành công cần có sự nỗ lực học tập, tự trau dồi nâng cao kỹ năng, kiến thức, có như vậy mới phát huy hết tính sang tạo, khởi nghiệp thành công góp phần đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói chung xây dựng và phát triển TP.Nam Định nói riêng. Tôi tin rằng chương trình này sẽ mang đến khát vọng khởi nghiệp cho các bạn đoàn viên thanh niên góp phần chung xây dựng TP.Nam Định giàu đẹp, văn minh từng bước trở thành trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng”.
Tiếp theo, Hành trình sẽ di chuyển tới các tỉnh thành miền núi phía Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Ngày 5/4, Hành trình Từ Trái Tim đến Ngã Ba Đông Dương, nơi có cột mốc biên giới 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Những Người Anh Chị Em nắm chặt tay nhau, quyết tâm hiện thực hóa khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường.
Vượt cung đường đèo dài nhất Việt Nam, men theo sườn đông của dãy Trường Sơn Nam, “Hành trình Từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh Niên Việt” đến với vùng cao nguyên M’Đrắk – một trong những huyện xa nhất của tỉnh Đắk Lắk.