Mất 8 giờ vượt qua một chặng đường chỉ dài hơn 150km để đến được Pa Vệ Sử – xã xa xôi và khó khăn nhất huyện Mường Tè, Lai Châu. Một điểm đến mà tất cả những người tham gia “Hành trình Từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt” sẽ không bao giờ quên được.
Pa Vệ Sử là xã biên giới nghèo nhất, xa xôi nhất của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Đây là nơi sinh sống của người La Hủ và người Mảng – 2 trong 4 dân tộc ít người thuộc diện bảo tồn, phát triển bền vững của nhà nước. Họ sống trong những căn nhà vách gỗ tạm bợ, nằm chênh vênh giữa sườn núi. Mới đây thôi, một cơn gió lốc đã thổi bay vài căn nhà xập xệ như thế. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất đai canh tác ít nên họ vẫn còn săn bắn hái lượm hoặc sống nhờ trợ cấp của nhà nước.
Xuất phát từ 5 giờ sáng, núi rừng Lai Châu vẫn còn mịt mù trong đêm tối lẫn màn sương dày đặc. Đoàn xe chuyên chở ánh sáng tri thức nối đuôi nhau dò dẫm theo những cung đường đèo hiểm trở vừa hẹp, vừa gập ghềnh, vừa có những khúc cua nín thở. Trên đầu là những vạc đất đá dựng đứng xẻ dọc rừng. Dưới bánh xe là thung lũng sâu hun hút, chỉ nghe được tiếng suối gầm. Đến quá 13 giờ trưa, Hành trình mới đến được Pa Vệ Sử. Và lúc đó, tất cả gần như lặng đi. Không phải vì mệt mà vì cái nghèo nơi đây thật sự khiến người ta lặng đến nhói tim, không một từ nào có thể diễn tả được.
Cái ăn, cái mặc còn chưa đủ nên việc đi học lại càng nan giải. Hơn 90% người lớn không biết chữ, phần lớn học sinh chưa học hết cấp 3. Trình độ dân trí thấp khiến đời sống người dân còn lạc hậu, kinh tế chậm phát triển. Cũng chính vì vậy, những chiến sĩ đóng quân tại Đồn biên phòng Pa Vệ Sử vẫn luôn tìm cách để người dân được tiếp cận với tri thức.
“Tri thức vẫn là nền tảng gốc rễ để phát triển kinh tế, xã hội. Giải quyết cái ăn cái mặc trước mắt thì dễ nhưng để người dân có được nhận thức, kiến thức cho họ tự phát triển thì lại khó. Càng khó càng phải bắt đầu sớm, vì nếu hôm nay không làm thì ngài mai vẫn sẽ nghèo đói” – Thiếu tá Đinh Quang Học, Chính trị viên Đồn biên phòng Pa Vệ Sử đau đáu khi nghĩ về những người đồng bào của mình.