Từ Lai Châu, đoàn xe vượt đèo Ô Quy Hồ là cung đèo dài nhất vùng núi Tây Bắc, đồng thời hiểm trở bậc nhất Việt Nam, cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn để đến Lào Cai. Rồi từ Lào Cai, đoàn xe tiếp tục di chuyển liên tục 12 giờ để đến được cao nguyên đá Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Đường đi trùng trùng điệp điệp thử thách giữa đỉnh mây mù và những mỏm đá bủa vây. 8 giờ tối, đoàn xe vẫn nối đuôi nhau cẩn trọng lăn từng vòng bánh xe giữa lưng chừng đèo. Đất trời tối tăm mù mịt, chỉ còn ánh sáng từ phía đoàn xe chiếu sáng cả một vùng.

Mèo Vạc là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang. Tại đây, “Hành trình Từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt” đã đến trao tặng sách cho xã Giàng Chu Phìn – xã nghèo nằm cheo leo trên độ cao hơn 1.200m và trường THPT Mèo Vạc là điểm trường THPT duy nhất của huyện.


Chào đón Hành trình, thầy trò trường THPT Mèo Vạc rất vui mừng. Ông Trần Bách Tùng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên 70% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ chọn con đường đi làm ngay, không tiếp tục học cao hơn. Các em gần như không có nhiều ước mơ, hoặc ước mơ lớn nhất chính là muốn giúp gia đình thoát nghèo. Tuy nhiên, để nuôi ước mơ đó đã muôn phần vất vả. Ở độ tuổi 15, 16 các em đã rời bản lên thị trấn ở trọ để đi học. Nhà nước hỗ trợ chi phí và 15kg gạo hàng tháng, các em chỉ dùng một phần gạo, còn lại gửi về cho gia đình. Rồi sau đó, phần lớn các em tranh thủ làm thuê bưng bê, rửa bát cho các hàng quán trong thị trấn để có tiền tiếp tục đi học.


Nhận 5 cuốn sách Nền Tảng Đổi Đời, ông Trần Bách Tùng trân trọng: “Những cuốn sách này rất ý nghĩa, giúp các em nhận định đúng năng lực, đam mê của mình để chọn một nghành phù hợp thi đại học, cao đẳng. Hoặc không, sách cũng khơi lên những khát vọng lớn lao hơn, để những em không thi đại học vẫn có thể chọn được một con đường khởi nghiệp tốt hơn”. Ông cho biết thêm, trường THPT Mèo Vạc sẽ lưu sách tại thư viện để các thế hệ học sinh kế cận mai sau cũng sẽ được đọc 5 cuốn sách do Tập đoàn Trung Nguyên Legend trao tặng.

Em Nông Văn Định (người Giáy) gửi đến Hành trình lời cảm ơn “Anh chị đã vượt hàng ngàn km đèo núi tới tận quê em tặng sách, phải thương người miền núi lắm mới làm được vậy. Bây giờ em chưa có khát vọng gì lớn, nhưng sau này dù làm nghề gì nhất định cũng sẽ làm tốt, làm người có ích”.

Rời Mèo Vạc, Hành trình tiếp tục vượt đèo Mã Pí Lèng, đi qua con đường Hạnh Phúc trên những núi đá dựng đứng, xuyên hẻm Tu Sản nổi tiếng là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á để đến huyện Đồng Văn. Ngược thêm hơn 30km đường núi và 286 bậc thang đá để đến cột cờ Lũng Cú, nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.

Tại đỉnh cao vùng biên giới, tất cả những người tham gia “Hành trình Từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt” đã cùng nhau thực hiện nghi thức chào cờ thiêng liêng. Đứng dưới lá cờ 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, trái tim mỗi người đập nhanh nhịp đập lòng yêu nước, nhịp đập của quyết tâm hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, vĩ đại.


Sau phút thiêng liêng đó, Hành trình Từ Trái Tim cũng đã đến trao tặng sách cho các chiến sĩ Đồn biên phòng Lũng Cú. Thượng tá Phạm Ngọc Thủy, Chính trị viên đồn biên phòng Lũng Cú chia sẻ: “Đây là một Hành trình rất nhân văn, mang một thông điệp cho thế hệ thanh niên cả nước cùng nhau học tập, sáng tạo, cùng nhau đóng góp xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn”.

Chỉ trong hai ngày, Hành trình Từ Trái Tim đã vượt 2 cung đèo thuộc tứ đại đỉnh đèo Việt Nam, xuyên qua hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, lướt trên những mỏm đá Đồng Văn, đến địa đầu Lũng Cú… trao tặng sách đến những bản vùng cao nhất biên cương. Thử thách, gian nan không kể hết, nhưng trên tất cả chính là tâm huyết, là lòng quyết tâm đưa ánh sáng tri thức đến mọi miền Tổ quốc, tạo nên sức mạnh phát triển đất nước sánh ngang các cường quốc năm châu.