Tác phẩm “Đề cương nội dung Thông truyền” của Đặng Lê Nguyên Vũ có 12 kỳ trong đó nổi lên nhiều mảng lớn:

  • – Mảng nội dung nói về những hành trình “vô tiền khoáng hậu” nhiều thử thách và nỗ lực thao thức của tác giả để thấu ngộ ra các chân lý.
  • – Mảng thứ hai là các “Đạo” – các nguyên lý, nguyên tắc  từ “Thiện Minh triết và Thiền Minh triết”, đạo trị quốc, đạo làm giàu và thành công, cho đến phương thức sống sao cho đúng, cho mạnh khỏe (đạo Trường Xuân).

Trong mảng nội dung còn có cuộc hành trình vô tiền khoáng hậu “đau đớn từng sát na” chịu thử thách – dù có cả chất huyền bí nhưng vẫn hiện ra rõ nét một con người mà công chúng quen thuộc.

Xuất thân trong nghèo khó và chứng kiến nhiều cảnh đời ngang trái – người thanh niên Đặng Lê Nguyên Vũ ngay từ rất trẻ đã bị dằn vặt suy tư nhiều câu hỏi không lời giải đáp. Nay trải qua nhiều nỗ lực thành công có một doanh nghiệp lớn, thành ông chủ giàu có, Anh vẫn thao thức ở những tầm rộng lớn hơn, từ cá nhân đến gia đình, Quốc gia và xã hội mà anh cho rằng mình “cô đơn nói không ai hiểu” (như lời Anh được trích trên báo Dân trí).


Vậy những điều gì đã dằn vặt Đặng Lê Nguyên Vũ?

Với cấp độ cá nhân, gia đình, Anh trăn trở vì sao có người giàu kẻ nghèo, người thành công kẻ thất bại, có dòng họ đoàn kết thịnh vượng bên cạnh có dòng họ gia tộc phân ly và đói nghèo.

Người ta thấy dù thành công, giàu có nhưng Nguyên Vũ ít khi thực sự vui vẻ vì trăn trở “nghĩ lớn” Nhân sinh quan, Thế giới quan và cả Vũ trụ quan. Anh tự  tìm ra 3 nghịch lý ngàn năm của dân tộc Việt Nam.

  • ▪️ Đó là: Một Dân tộc luôn yêu hòa bình nhưng lại có quá nhiều thời gian chịu cảnh chiến tranh.
  • ▪️ Hai là: Quốc gia nhiều tài nguyên và điều kiện để trở nên thịnh vượng, văn minh nhưng lại luôn trong tình trạng đói nghèo và lạc hậu.
  • ▪️ Ba là: Một dân tộc được coi là thông minh hiếu học mà lại không hề có đóng góp đáng kể và quan trọng nào trong diễn trình phát triển văn minh của nhân loại. Không có phát minh, phát kiến hay tư tưởng gì đi từ Việt Nam mà ảnh hưởng ra được với Thế giới.

Về Nhân sinh quan, tại sao kiếp người toàn nhân loại đều chịu “Tam độc”: bệnh tật, đói nghèo và đau khổ. Sinh lão bệnh tử có phải là thứ mặc định hay có một nguyên lý nào về sự sống vĩnh hằng không? Hay sinh lão bệnh tử là do sự hiểu biết không trọn vẹn về chính bản thể toàn diện của mình nên phải chấp nhận nó như thứ không thể tránh khỏi?

Về Thế giới quan, Anh tự đặt câu hỏi có công thức nào để các đế chế vượt qua mọi trở ngại xuất phát điểm tài nguyên, dân số, bề dày lịch sử… để trở nên hùng mạnh và vì sao các đế chế suy tàn? Phải chăng các đế chế “đều thiếu đi một tinh thần cốt lõi, một trái tim bất diệt, một tư tưởng bất hoại”?


Có những câu hỏi tối hậu về Vũ trụ quan cũng thành trăn trở của Anh.

Theo Anh, nhân loại phân ly và đối kháng không ngừng nghỉ là nguyên nhân dẫn đến các vòng lặp lại thịnh – suy – hoang lạc – chiến tranh. Sự phát triển đi kèm môi trường sống liên tục bị tàn phá tới mức không thể phục hồi. “Chủ nghĩa tăng trưởng kinh tế thống trị toàn cầu gây ra sự tàn phá ghê gớm với môi trường tự nhiên”.

Theo Đặng Lê Nguyên Vũ để chữa trị sự phân ly đó liệu có thể tìm ra “một thuật toán chung thống nhất một mẫu thức” để ngăn ngừa hay không?

Những câu hỏi kỳ bí về Vũ trụ quan, bí ẩn của vũ trụ – là những thứ dày vò một con người kỳ lạ: “Ý nghĩa của  toàn bộ sự sống trên trái đất đối với vũ trụ rộng lớn? Sự khởi đầu đích thực của vũ trụ là gì, nó vận hành và tiến hóa như thế nào? Ai là người kiến tạo và quyết định số phận của nó?”.

Những câu hỏi dày vò Đặng Lê Nguyên Vũ thật ra đều là vấn đề của nhân loại, của các nghiên cứu tìm tòi. Nó chỉ lạ ở chỗ, sao nó lại chiếm suy nghĩ của một cá nhân, một doanh nhân thành đạt không màng tới phú quý hưởng thụ sự thành công của mình mà tự chọn sống cô đơn  trong hang để… đi tìm câu trả lời.


Dù rằng từ cái “Nhà hang” cho đến các “Nhà trên đồi”  và “Bảo tàng thế giới cà phê” ở Buôn Ma Thuột cho tới hệ thống cửa hàng cà phê Trung Nguyên đã mang ra Thế giới một phong cách riêng… luôn tỏa ra sự trang nhã sang trọng, có ý thức chăm chút chi tiết như của một “Tay chơi có gu”, “Tay chơi thứ thiệt”…

(Còn tiếp Bài 2: Chịu những thử thách “đau đớn từng sát na”)

Nguồn: Một Thế Giới