Trung Nguyên tự hào phục dựng văn hóa truyền thống của bà con đồng bào Ê đê sau 31 năm bị lãng quên
Sau khoảng thời gian dài chuẩn bị, ngày 20/03/2017, những Người Anh Chị Em Trung Nguyên tại M’Đrăk với tinh thần phụng sự đã tổ chức Lễ cúng bến nước truyền thống Ê-đê Đrao, giúp bà con đồng bào buôn M’Um, xã Krông Jing, huyện M’Đrăk khôi phục văn hóa truyền thống sau hơn 31 năm bị lãng quên trong sự mong mỏi và háo hức vô bờ.
Để chuẩn bị cho buổi Lễ, từ ngày 18/3, những Người Anh Chị Em Trung Nguyên tại Khu sinh thái Cổng Trời M’Đrăk đã miệt mài chuẩn bị, sơn phết lại nhà cộng đồng – nơi thực hiện các hoạt động cộng đồng trong Lễ cúng bến nước cũng như nơi để bà con sinh hoạt truyền thống về lâu dài. Chỉ trong 2 ngày 1 đêm, tất cả mọi thứ trong khâu chuẩn bị đã được hoàn tất bằng chính sự cố gắng của Anh Chị Em cùng với sự chung lòng của bà con tại đây.
Lễ cúng bến nước là một nghi lễ quan trọng trong đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên. Để chuẩn bị cho Lễ cúng bến nước, bà con cùng nhau dọn dẹp buôn làng, dọn sạch bên nước, cùng nhau hòa vào âm vang cồng chiêng và những điệu xoang bên bếp lửa trong nhà sàn, cùng nhau dự bữa cơm cộng cảm dành cho cả cộng đồng. Văn hóa truyền thống tốt đẹp này như một lời tạ ơn trời đất, tạ hơn thiên nhiên, cây cỏ vạn vật trong vũ trụ đã nuôi sống, giúp mỗi người anh em trong buôn làng được khỏe mạnh, no đủ. Đây cũng là dịp để cộng đồng ngày một thêm gắn kết, yêu thương nhau hơn.
Trải qua hàng nghìn năm, văn hóa đồng bào Ê-đê đã tạo lên văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại. Với những ý nghĩa đó, cùng với tinh thần phụng sự cộng đồng vô vị lợi, mục tiêu kiến tạo Cộng đồng Bản sắc – Thịnh vượng, Trung Nguyên đã phối hợp hỗ trợ bà con buôn M’Um, M’Suốt xã Krông Jing phục dựng lại Lễ cúng bến nước truyền thống của cộng đồng Ê-đê Đrao. Suốt trong nhiều tháng liền, những Người Anh Chị Em Trung Nguyên tại M’Đrăk đã không quản ngại khó khăn vất vả về điều kiện thời tiết, địa hình để tìm đến từng nhà, từng người và chính quyền để giải thích ý nghĩa, thuyết phục cũng như giúp đỡ bà con.
Và cuối cùng, mọi công sức đều được đáp đền khi chứng kiến sự háo hức và có mặt đông đảo của bà con. Bất chấp cái nắng gắt gắt của núi rừng Tây Nguyên, chiều ngày 20/3, Lễ cúng bến nước đã được tổ chức, thu hút được đông đảo sự quan tâm của bà con hai buôn M’Um, M’Suốt, chính quyền xã Krông Jing, chính quyền huyện M’đrắk, các chuyên gia văn hóa Tây Nguyên cùng giới truyền thông trong và ngoài nước về tham dự. Người chị em H’Sara Byă – một cô gái Ê-đê 18 tuổi tại buôn M’Um đã tham gia việc chuẩn bị cho Lễ cúng bến nước nhiều ngày liền chia sẻ: “Em cảm thấy rất vui vì đây là lần đầu tiên được chuẩn bị cho Lễ cúng bến nước của buôn làng mình. Từ nhỏ đến giờ em cũng chưa biết thế nào là múa xoang, chưa biết cồng chiêng là thế nào, cũng chưa được tham dự lễ hội nào của cộng đồng mình. Vì vậy em cảm thấy rất vui, rất tự hào. để những người trẻ như em hiểu rõ hơn những thứ khác biệt của dân tộc mình với các dân tộc khác. Em nghĩ là từ nay về sau em sẽ nói nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn về những văn hóa tốt đẹp của mình với những người xung quanh. Cảm ơn công ty Trung Nguyên đã giúp đỡ buôn M’Um của em khôi phục lại văn hóa của dân tộc mình.”
Còn với Y Gút Byă (tên thường gọi là Aê Dịu) – người chủ trì nghi Lễ cúng bến nước truyền thống khi biết được Buôn M’Um, nơi ông sinh ra lớn lên được hỗ trợ, khôi phục lại một nghi lễ quan trọng của dân tộc mình thì rất xúc động. Khi những người anh em trong buôn làng tìm đến, Aê Dịu chậm chạp tìm cuốn sổ ghi chép nhật ký của mình từ năm 1977 để hồi tưởng, hướng dẫn lại các nghi thức. Lật từng trang giấy ố nhòe được viết bằng chữ Ê-đê trong niềm vui xúc động, ông chia sẻ bằng ngôn ngữ bản địa: “Đã hơn 31 năm nay tôi mới lại được làm nghi lễ cúng thần nước cho bà con mình. Tôi vui lắm, không làm sao nói hết. Đây là nghi lễ cầu cho tất cả buôn làng được may mắn, sức khỏe, mùa màng tươi tốt, yêu thương và đoàn kết với nhau. Tôi xin cảm ơn công ty Trung Nguyên. Mong rằng từ đây đồng bào chúng tôi sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ để những văn hóa truyền thống tốt đẹp này không bị mất đi mai một”.
Bên cạnh nghi thức lễ cúng truyền thống, các Anh Chị Em Trung Nguyên còn tổ chức nhiều hoạt động để gắn kết cộng đồng trong phần hội như: chơi kéo co, chơi đẩy gậy, nặn gốm – do những Anh Chị Em chuyên gia về gốm của Trung Nguyên hướng dẫn, đốt lửa trại chơi cồng chiêng và nhảy múa…
Từ ngàn đời xưa, bà con trong các buôn làng Ê-đê đã biết đến sự quan trọng của nước. Mỗi người Ê-đê đều mang trong mình lòng biết ơn và tôn thờ thần nước. Nước giúp cây lúa lớn lên, giúp người Ê-đê được sống trong no ấm. Hàng năm, sau khi thu hoạch vụ mùa, bà con Ê-đê trong mỗi buôn làng lại tổ chức một Lễ cúng tạ thần nước đã đem lại những may mắn trong năm cũ và cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi cho năm mới. Để chuẩn bị cho Lễ cúng bến nước thì bà con lại cùng nhau dọn dẹp buôn làng, dọn sạch bên nước, cùng nhau hòa vào âm vang cồng chiêng và những điệu xoang bên bếp lửa trong nhà sàn, cùng nhau dự bữa cơm cộng cảm dành cho cả cộng đồng.
Mô tả sơ lược nội dung Lễ cúng bến nước truyền thống Ê-đê Đrao:
• Tất cả quan khách, người dân tập trung ở Nhà cộng đồng buôn M’Um để cùng nhau tuyên bố lý do và ý nghĩa của Lễ cúng bến nước.
• Sau khi tuyên bố xong lý do, người tham dự sẽ đi theo thầy cúng để tới địa điểm bến nước làm lễ cúng. Khi nghi lễ cúng kết thúc, quan khách tham dự sẽ được mời uống rượu ché ngồi chơi ngay tại bến nước.
• Kết thúc nghi lễ cúng tại bến nước mọi người đến nhà chủ bến nước để cúng thần núi. Nghi lễ cúng tại nhà chủ bến nước kết thúc thì chủ bến nước mời quan khách uống rượu ché.
• Sau khi nghi tức tại nhà chủ bến nước kết thúc tất cả cùng trở lại nhà cộng đồng để tam dự bữa cơm cộng cảm và các hoạt động cộng đồng.
Trong suốt các nghi lễ và trong các hoạt động gắn kết cộng đồng, âm vang cồng chiêng lúc nào cũng được vang lên. Đây là cách để bà con trong buôn làng tạ ơn thần nước, thần núi đã luôn bảo vệ, đem lại sự ấm no cho dân làng mình.