Cà phê triết đạo Kỳ 28: Cà phê và những “Thanh niên Italia” thống nhất nước Ý
Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…của cà phê trong mọi lĩnh vực của đời sống để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo ”.
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!
“Không thể viết một trang lịch sử, chính trị hay văn học nghệ thuật trong thế kỷ 19 mà không đề cập đến tên một quán cà phê. Cà phê là năng lượng của các cuộc cách mạng thay đổi vận mệnh cả một dân tộc” – Chính trị gia Piero Bargellini đã khẳng định như vậy khi luận về vai trò và tầm quan trọng của cà phê trong phong trào khai minh văn hóa và phong trào thống nhất Ý.
Sự kiện quan trọng nhất của Ý trong thế kỷ 19 là Risorgimento (Hồi sinh), một phong trào tư tưởng và văn hóa khởi dậy ý thức quốc dân, khát vọng tái tạo vinh quang quốc gia của người Ý. Risorgimento đã dẫn đến một loạt sự kiện hợp nhất các lãnh địa, thị quốc trên bán đảo Ý thành một đất nước duy nhất. Phong trào này bắt nguồn từ ý niệm hồi sinh bản sắc văn hóa đặc biệt của Ý thông qua việc truyền bá tư tưởng, giáo dục chí tự cường quốc dân, trách nhiệm của mỗi người đối với vận mệnh dân tộc, toàn kết người Ý để tạo sức mạnh phục hưng sự cường thịnh của quốc gia.
Hàng quán cà phê thời kỳ này được nhận định như trái tim của Risorgimento, nhịp đập thông tin, tri thức vận động liên tục. Chính lẽ đó, từ giữa thế kỷ 17, hàng quán cà phê tại Ý được gọi là Đại học Tự do (Liberissima Università), Lớp học Khai sáng (Classe Culturale Illuminista), Quán Văn học (Il Caffè Letterario), và cà phê được vinh danh là Thức Uống Trí Tuệ “Bevanda Intellettuale”…
Sách và hình ảnh các triết gia vĩ đại phủ kín tường, trên bàn là những tờ tạp chí, công báo phát hành định kỳ, điều đó làm cho quán cà phê trở thành học viện khai sáng, trung tâm thảo luận về văn hóa, nghệ thuật, văn học, triết học và cả chính trị. Thậm chí nhiều quán cà phê không cửa “caffè senza porte” luôn có người thưởng thức cà phê và đàm luận cả ngày lẫn đêm. Cụm từ “restare al verde” thông dụng trong giai đoạn Risorgimento bắt nguồn từ những sinh viên nghèo, người không có tiền thường ngồi đọc và nghiên cứu hàng giờ liền trong phòng Verde (Xanh) của quán cà phê Caffè Pedrocchi (1772).
Các nhân vật chính trị quan trọng như Camillo Benso, Cesare Balbo, Massimo d’Azeglio, Giuseppe Mazzini… những người theo chủ nghĩa dân tộc, các tổ chức ái quốc như Hội Thanh niên Italia “La Giovine Italia”, Neo-Guelph, Carbonari, Neapolitan… trên khắp nước Ý gặp nhau tại quán cà phê. Bất kỳ thành bang nào của Ý cũng có quán cà phê chứng tích lịch sử. Ở Milan, quán cà phê Caffè della Peppina, Caffè-Pasticceria Cova là nơi hoạt động của Hội Thanh niên Italia. Tại Naples, quán cà phê Gran Caffè Gambrinus là điểm gặp gỡ nổi tiếng nhất của giới trí thức theo chủ nghĩa Neapolitan. Caffè dell’Infrascata là nơi những thanh niên yêu nước đã hô vang khẩu hiệu “Nước Ý tự do và trường tồn” trước khi bị đàn áp vào năm 1801. Và trên những chiếc bàn của quán Caffè delle Quattro Stagioni, nhóm nhà báo cách mạng đã cùng biên soạn nên tạp chí khai sáng “Il Caffè del Molo”…
Caffè Florian (Venice), Caffè Pedrocchi (Padua), Caffè delle Giubbe Rosse (Florence), Caffè Fiorio (Torino), Antico Caffè Greco (Rome), Caffè Tasso (Bergamo), Caffè Tommaseo (Trieste), Caffè dell’Ussero (Pisa), Caffè dei Cacciatori (Bologna)… đi vào lịch sử Ý như nơi tổ chức các cuộc thảo luận chiến lược cho phong trào Risorgimento, nơi Hội Thanh niên Italia, sinh viên đại học, công nhân và các chí sĩ yêu nước tập hợp thành đội quân tình nguyện “I Mille – Một nghìn”. Đây cũng chính là hạt nhân quân đội đầu tiên đóng vai trò then chốt trong phong trào giải phóng, thống nhất Ý.
Trên những con tàu giải phóng từ nam ra bắc luôn có một khoan chứa cà phê. Mỗi lúc tướng quân – người anh hùng nước Ý Giuseppe Garibaldi (1807 – 1882) uống cà phê, ông lại cùng đoàn quân I Mille ngân nga bài dân ca “Những ngày tươi sáng sẽ đến sớm thôi”. Đoàn chiến binh ấy đã chiến đấu đầy dũng mãnh và kiên cường, sau hàng loạt trận đại thắng, đoàn quân chinh phục được phần lớn các lãnh địa, góp phần hợp nhất quốc gia về mặt địa lý.
Năm 1847, giữa bầu không khí hào hùng tại quán Caffè Calosso (Torino), những nốt nhạc của bài quốc ca Fratelli d’Italia (Những người anh em nước Ý) lần đầu tiên được vang lên, chạm vào trái tim và lòng yêu nước nhiệt thành của hàng triệu thanh niên Ý.
Tháng 12 năm 1847, hơn 30.000 người yêu nước từ khắp nước Ý đã tề tựu về các quán cà phê trên quảng trường Genève để tham gia sự kiện kỷ niệm 101 năm giải phóng khỏi quân đội Áo. Khi quốc ca vang lên, sự kiện nhận được sự hưởng ứng của 40.000 người khắp các ngã đường và biến thành cuộc biểu tình yêu nước vĩ đại đầu tiên của Risorgimento.
Đến tháng 2 năm 1848, nhà chính trị Massimo d’Azeglio đã đến quán cà phê Il Caffè Nazionale (cũng tại Torino) để thông qua Đạo luật Albertine trước khi xuất bản rộng rãi. Các điều lệ của đạo luật là cơ sở hình thành nên Hiến pháp đầu tiên của Ý. Từ sự kiện này, các quán cà phê tại Torino đã trở thành di sản lịch sử quốc gia và là biểu tượng của khát vọng, của niềm tin chiến thắng toàn nước Ý. Sự kiện ban hành hiến pháp tại Il Caffè Nazionale cũng là cột mốc quan trọng trong suốt chuỗi hành trình hình thành chính phủ lập hiến đầu tiên. Và từ đây ngọn lửa cách mạng bùng nổ mạnh mẽ trên toàn bán đảo Ý. Đến năm 1861, Ý hoàn toàn thống nhất sau nhiều thế kỷ phân chia về chính trị và địa lý.
Trong suốt diễn trình từ khởi phát khát vọng “Ý trở thành một và không thể chia cắt”, minh định bản sắc, giáo dục tinh thần quốc dân đến khi hợp nhất nước Ý, cà phê đã luôn giữ vai trò không thể thiếu. Có thể nói, cà phê là động lực tâm thức, tâm thế kích xúc và toàn kết những tâm hồn lớn của thời đại, tạo nên một thế hệ người Ý đầy chí khí để vượt qua khác biệt giữa các lãnh địa đang chia năm xẻ bảy, làm nên sức mạnh thần kỳ tái lập một nước Ý toàn vẹn về lãnh thổ, một dân tộc Ý có đặc trưng văn hóa khác biệt, rạng danh.
*Đón đọc kỳ sau: Cà phê và giấc mơ Ý •