Cà phê triết đạo kỳ 67: Cà phê vinh thăng sự sống
Vượt thoát giá trị vật chất, cà phê đã mang đến phương hướng để người thưởng lãm thấu cảm và vinh thăng ý nghĩa của đời sống.
Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… của cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!
Cà phê – năng lượng khám phá chân lý mới
Từ nửa cuối thế kỷ 20, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và tốc độ toàn cầu hóa đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức con người định dạng – định danh bản thân trong thế giới. Các cá nhân có nhiều lựa chọn lối sống của mình một cách có ý thức. Con người dần hoài nghi cao độ những chủ thuyết lớn từng cho là nguyên lý phổ quát, họ chỉ chấp nhận những gì do chính mình trải nghiệm. Vì thế, con người chất vấn liên tục với những gì đang tồn tại, khám phá những cái chưa từng có, những sự thật nằm cận kề, nằm song song với những cái đã khẳng định để tìm ra giá trị mới, chân lý mới, lẽ sống mới.
Trong chiều hướng ấy, thưởng thức cà phê cũng trở thành một loại kiến lập xã hội – văn hóa nhằm xác minh danh phận, phản ánh nhân sinh quan, đăng quang hình ảnh mới cho bản thân người tiêu dùng.
Cuối thế kỷ 20, những quán cà phê từng là trung tâm văn hóa nghệ thuật dành cho giới trẻ đã nhường chỗ cho một nền văn hóa cà phê hoàn toàn mới, đề cao việc thưởng lãm cà phê như những khoảnh khắc vinh thăng sự sống. Năm 1983, Hiệp hội Cà phê Hoa Kỳ phát động chiến dịch The Coffee Achievers giới thiệu những con người thành công uống cà phê, phủ rộng thông điệp “Cà phê mang lại sự bình tâm để mơ ước và sức mạnh để thực hiện điều đó!”. Chiến dịch quy tụ “thế hệ yêu cà phê kiểu mới” bao gồm những người ưu tú, có ảnh hưởng thuộc mọi lĩnh vực như ca sĩ – nhạc sĩ David Bowie, ban nhạc Electric Light Orchestra, tác gia Kurt Vonnegut, nữ diễn viên Jane Curtin, người mẫu Cicely Tyson, cầu thủ bóng đá Ken Anderson…
Đến những năm 1990, bối cảnh xã hội quan trọng trong các chương trình truyền hình dần thay đổi từ quán bar sang hàng quán cà phê. Friends, Seinfeld – hai bộ phim sitcom nổi tiếng nhất ở Mỹ và chương trình “Le Café C’est la Vie en Mieux – cà phê là cuộc sống được vinh thăng” phổ biến khắp Tây Âu đã góp phần làm cho việc thưởng thức cà phê trở thành xu hướng văn hóa.
Cùng với việc hiển dương ý nghĩa văn hóa cà phê, một thế hệ trí thức trẻ chọn việc tái cơ cấu hàng quán cà phê như đường hướng khởi nghiệp, cũng chính là tái cấu trúc hình ảnh bản thân. Nổi tiếng nhất có thể kể đến Donald Schoenholt – chủ sở hữu thương hiệu Gillies Coffee (Mỹ), đồng sáng lập Hiệp hội Cà phê Đặc sản Hoa Kỳ với lý tưởng “Hãy vươn lên, hỡi những người đức hạnh, hãy khẳng định ý chí của bạn”. Erna Knutsen tham gia vào ngành cà phê như một nỗ lực nâng cao vai trò của phụ nữ. George Howell – người sáng lập Coffee Connection xem cà phê là trải nghiệm thẩm mỹ và tiên phong xây dựng chuỗi cung ứng cà phê bản địa -single-origin. Hay Bill Fishbein sáng lập Coffee Exchange theo đuổi mục tiêu cải thiện cuộc sống của những người phụ thuộc vào ngành cà phê…
Hàng quán cà phê vinh thăng sự sống
Theo thời gian, nhiều xu thế mới trong lĩnh vực tổ chức hàng quán cà phê được hình thành. Khởi đầu là sự tái sinh của hình thái cà phê có chủ đề còn vang vọng trong tiềm thức châu Âu, nhiều hàng quán cà phê mới ra đời theo chiều hướng tôn vinh quán cà phê như không gian sự sống. Quán cà phê Activist Coffee và Social Cafe (quán cà phê của những người hoạt động xã hội) vận hành như những không gian mang tính giáo dục cộng đồng, bao gồm việc tổ chức những buổi đàm luận hoặc sự kiện được thiết kế để giải quyết thách thức cụ thể trong xã hội.
Trong đó nổi danh nhất là loại hình quán cà phê triết học Café Philosophique (hay café-philo) được thành lập bởi triết gia Marc Sautet tại Paris, Pháp. Café Philosophique nỗ lực làm sống lại thời kỳ Socrates ở Athens, khi các triết gia còn đối thoại công khai trong các “polis”. Quán cà phê với tư cách là một diễn đàn công cộng đã trở thành “viện hàn lâm vỉa hè”, nơi mọi người có thể tụ tập lại với nhau và thảo luận các vấn đề nhân sinh bên tách cà phê. Café Philosophique mang triết học trở lại đường phố, để tất cả mọi người đều có thể tìm hiểu về những ý tưởng mới và bộc lộ tư duy của chính mình như một con đường khám phá cá nhân. Chỉ sau hơn 5 năm, loại hình quán cà phê triết học phát triển khắp nước Pháp và có khoảng 150 Café Philosophique trên toàn thế giới.
Sự ra đời của quán cà phê triết học thúc đẩy con người tư duy, khám phá và nhận ra mỗi người đều có thể là một triết gia. Từ nguồn cảm hứng đó, những loại hình quán cà phê khoa học Café Scientifique, quán cà phê văn học Café Litteraire, quán cà phê đa ngôn ngữ Café Polyglotte, quán cà phê tôn giáo Cafés Religious… ra đời, tập hợp một cộng đồng có xu hướng tự đào luyện để khẳng định mẫu hình văn hóa, vị thế bản thân.
Một chiều hướng khác là thể loại hàng quán Coffee Lounge được khởi đầu sử dụng bởi các hãng hàng không Úc, chỉ định các phòng chờ riêng dành cho khách đặc biệt. Coffee Lounge trang trí thoáng đãng, tạo tác một không khí sống chậm, như sự tĩnh lặng cần thiết để nhìn lại bản thân trong đời sống xô bồ triền miên. Song hành với nó là xu hướng Caffè Farniente. Farniente, gốc tiếng Ý, có nghĩa là thời gian của sự lắng đọng, tĩnh tâm. Những người đang ngồi ở quán cà phê để đắm chìm trong suy tư, đánh giá ý nghĩa của cuộc sống.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà cà phê được đề cao là năng lượng tư duy nhằm khám phá những chân lý mới, và hàng quán cà phê được biểu dương là chốn kiến lập văn hóa, lối sống. Bởi chính bên tách cà phê, trong không gian cà phê mà con người đạt được hãnh diện về sự tự do lựa chọn giá trị của cá nhân. Trong mỗi người vốn tiềm ẩn khao khát vượt thường, mong muốn định danh mình gần nhất với mẫu hình lý tưởng, hoặc luôn hướng vọng đến một tương lai mà mình mơ ước. Những giá trị lý tưởng lại không đến duy nhất từ ý muốn chủ quan mà còn bị tác động bởi xã hội, do vậy những trải nghiệm mà con người có với một không gian xã hội nhất định sẽ có sự liên quan mật thiết, ảnh hưởng đến tư duy và hành xử.
Trong diễn trình đó, cà phê và hàng quán cà phê đã cung ứng một “không gian xã hội đặc thù” cổ vũ, củng cố niềm tin của con người về chính bản thân họ, để khám phá và dám sống trong sự lựa chọn đúng đắn mà thâm tâm họ ước nguyện, cuối cùng chính là không gian vinh thăng sự sống. Có thể nói cà phê và hàng quán cà phê đã góp phần như chất liệu sống và phương thức kích xúc con người nhận diện căn tính của chính mình trong diễn trình hiện sinh.
*Đón đọc kỳ sau: Cà phê và những ý niệm giao hòa Đông – Tây.