Triển lãm chuyên đề “Gần hai thế kỷ cà phê Việt Nam chinh phục toàn cầu”
Sáng 19/8/2023, Bảo tàng Thế giới Cà phê chính thức khai mạc triển lãm chuyên đề “Gần hai thế kỷ cà phê Việt Nam chinh phục toàn cầu” nhằm giới thiệu về hành trình phát triển của ngành cà phê Việt Nam qua gần hai thế kỷ. Triển lãm có sự hội tụ của các đơn vị sản xuất cà phê đạt tiêu chuẩn OCOP đến từ những vùng nguyên liệu cà phê nổi tiếng tại Việt Nam.
Du ngoạn cùng cà phê Việt Nam qua hai thế kỷ
Theo nhiều khảo cứu, hành trình phát triển của cà phê Việt Nam có thể chia thành 3 giai đoạn cơ bản: giai đoạn du nhập từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX; giai đoạn phát triển từ khoảng những năm 1925 khi cà phê được trồng trên quy mô rộng tại Việt Nam; và giai đoạn đổi mới hội thập từ năm 1986 đến nay, trở thành cường quốc xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Với mong muốn giới thiệu và làm rõ sự khác biệt – đặc biệt – duy nhất của văn hoá cà phê Việt Nam tới cộng đồng du khách khi đến thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, Trung Nguyên Legend và Bảo tàng Thế giới Cà phê tiếp tục tổ chức triển lãm chuyên đề “Gần hai thế kỷ cà phê Việt Nam chinh phục toàn cầu” từ ngày 19/8/2023 đến tháng 11/2023.
Thông qua triển lãm, khách tham quan sẽ được du ngoạn cùng hành trình của cây cà phê tại Việt Nam qua hai thế kỷ từ những vùng đất, những đồn điền cà phê đầu tiên tại Việt Nam; quá trình khai phá tiềm năng vùng đất Tây Nguyên trong việc trồng, phát triển cây cà phê, giúp Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu cà phê robusta hàng đầu thế giới, chinh phục cộng đồng người yêu và đam mê cà phê toàn cầu.
Với cách trưng bày sống động, sáng tạo, khách tham quan sẽ được thưởng lãm nhiều không gian độc đáo như: không gian sống, làm việc của bác sĩ, nhà khoa học, nhà thám hiểm A.Yersin – một công dân danh dự của Việt Nam. Trong thời kỳ cà phê mới xuất hiện, ông đã thực hiện nhiều chuyến thám hiểm và trồng thử nghiệm cây cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Buôn Ma Thuột ngày nay. Các không gian quán hàng cà phê cùng hàng trăm hiện vật văn hoá cà phê ở thời kỳ “tem phiếu” được tái hiện cùng các cửa hàng mậu dịch, cà phê vỉa hè… trong thời kỳ cây cà phê phát triển tại Việt Nam giúp khách tham quan có thể trải nghiệm, tương tác. Khi đến giai đoạn đổi mới và hội nhập từ năm 1986 tới nay, triển lãm giới thiệu 7 sáng kiến dành cho ngành cà phê toàn cầu Nhà sáng lập – Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ đã đề xướng cùng hành trình hơn 2 thập kỷ nỗ lực hiện thực hoá. Những công trình biểu tượng của ngành cà phê Việt Nam, các lễ hội mang tầm vóc quốc gia nhằm tôn vinh văn hoá cà phê; các không gian quán hàng góp phần xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam trên toàn cầu. Đây cũng là giai đoạn cà phê Việt Nam tăng trưởng từ 258,7 triệu đô la năm 1996 và lần đầu tiên lên tới 4 tỷ đô la năm 2022, tăng hơn 16 lần và xuất khẩu tới hơn 80 quốc gia trên thế giới.
Chị Cầm Thị Mòn – Giám đốc HTX Ara-Tay đến từ Bản Lọng Nghịu, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Không gian trưng bày triển lãm trực quan, sáng tạo giúp tất cả các đơn vị tham gia, khách tham quan đều thấy rõ cà phê Việt Nam được nâng tầm lên thành thưởng lãm văn hoá cà phê chứ không chỉ là một thức uống. Chúng tôi được học hỏi trong cách trưng bày, giới thiệu mang đến trải nghiệm tương tác và có thể áp dụng cho chính sản phẩm của HTX trong việc quảng bá, nâng cao giá trị của cây cà phê tại Sơn La”.
Hội tụ các vùng nguyên liệu cà phê nổi tiếng tại Việt Nam
Với mong muốn cùng xây dựng cộng đồng những người yêu và đam mê cà phê phát triển, sáng tạo, bền vững, tôn tạo và có trách nhiệm, triển lãm “Gần hai thế kỷ cà phê Việt Nam chinh phục toàn cầu” có sự tham gia của của các đơn vị sản xuất, chế biến cà phê có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đến từ các tỉnh thành trồng cà phê nổi tiếng tại Việt Nam như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị… Ngoài việc giới thiệu sản phẩm cà phê của các vùng nguyên liệu nổi tiếng tại Việt Nam, các đơn vị tham gia còn giới thiệu trưng bày các sản vật văn hoá đặc sắc như: công cụ lao động, thổ cẩm, các loại nhạc cụ… đặc trưng của mỗi cộng đồng đồng bào đang gắn liền với cây cà phê ở từng địa phương.
Tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Quốc Tế – Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Quốc tế Hồng Kỳ đến từ huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: “Trong các tiêu chuẩn OCOP thì theo tôi tiêu chí quan trọng nhất để giúp hạt cà phê nâng cao được vị thế và phát triển một cách bền vững chính là yếu tố con người, sức mạnh của cộng đồng dân tộc địa phương đã trực tiếp tham gia quá trình chăm sóc, sản xuất vùng nguyên liệu cà phê có chất lượng tốt cho sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn OCOP”.
Ngoài ra, ông Trần Đình Trọng – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Công bằng Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột cũng chia sẻ: “Tôi chân thành cảm ơn Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã tạo điều kiện cho chúng tôi đến triển lãm để giới thiệu, trưng bày sản phẩm cà phê; đồng thời tạo cơ hội quý giá kết nối giao lưu với các đơn vị hợp tác xã cà phê ở các vùng miền khác trên cả nước. Từ nhiều năm qua, Trung Nguyên Legend là một trong những tập đoàn cà phê hàng đầu, đã tích cực quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới. Nhờ đó mà khách hàng thế giới đã hiểu hơn chất lượng thơm ngon của cà phê Việt Nam với phong phú các loại cà phê đặc sản tương tự các nước khác. Với sự lan tỏa này mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa như chúng tôi cũng có thể học hỏi, góp phần cùng xây dựng chất lượng cà phê Việt Nam ngày càng tốt hơn, đồng thời người nông dân cũng được hưởng lợi khi giá trị cà phê Việt ngày càng được nâng cao”.
Triển lãm chuyên đề cà phê là một hoạt động được tổ chức định kỳ theo quý tại Bảo tàng Thế giới Cà phê với mục tiêu: phổ biến tri thức về cà phê trên toàn cầu cũng như giới thiệu và làm rõ sự khác biệt – đặc biệt – duy nhất của văn hoá cà phê Việt Nam ra thế giới; xây dựng cộng đồng những người yêu và đam mê cà phê phát triển, sáng tạo, bền vững, tôn tạo và có trách nhiệm… Nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế nhận định, đánh giá cao về mặt chuyên môn nội dung cũng như cách trưng bày sáng tạo, đem đến nhiều trải nghiệm cho khách tham quan. Tiêu biểu có thể kể đến các triển lãm: “Lịch sử Cà phê thế giới” (năm 2019 và 2023); “Cà phê – Thần dược cho não, Thần dược cho sáng tạo”; “Nghệ thuật thưởng lãm cà phê”; “Văn minh cà phê – Hành trình khám phá những giá trị nhân văn”; “Cà phê – năng lượng của sáng tạo nghệ thuật”; “Cà phê và sự trở về với tự nhiên”; “Cà phê – năng lượng của nền kinh tế tri thức”; “Cà phê và lối sống tỉnh thức”; “Cà phê ở những vùng đất thiêng phương Đông”; “Trịnh Công Sơn – Cảm hứng từ Thiền và Cà phê”; triển lãm ảnh nghệ thuật “Cà phê Việt Nam – hành trình kiến tạo di sản văn hoá thế giới”…
Theo tầm nhìn của Trung Nguyên Legend, ngành cà phê Việt Nam có thể đem về lợi nhuận khoảng 20 tỷ USD/năm nếu chúng ta biết cách làm tốt hơn hiện nay cũng như xây dựng được một chiến lược quốc gia về phát triển ngành cà phê.
Với tầm nhìn ấy, Trung Nguyên Legend luôn trăn trở: hiện nay, ngành cà phê Việt Nam đang ở đâu trên tầm nhìn đó? Nhất là trong bối cảnh hiện tại, chất lượng cà phê Việt Nam đã bắt đầu được các chuyên gia trong ngành cà phê và lĩnh vực ẩm thực toàn cầu công nhận, chiếm vị thế cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thế giới. Ngoài những dự án, công trình trọng điểm như Thành phố Cà phê – khu đô thị được xây dựng dựa trên cảm hứng cà phê đầu tiên trên thế giới, trong đó Bảo tàng Thế giới Cà phê, khách sạn “La Forêt En Ville” và trung tâm hội nghị “The World Coffee Center”… Trung Nguyên Legend cũng là tổ chức thực hiện tiến trình đề xuất “Cà phê sữa đá”, “cà phê phin” của Việt Nam và vùng trồng cà phê Buôn Ma Thuột trở thành di sản văn hóa được UNESCO công nhận; Đồng hành xây dựng Lễ hội Cà Phê Buôn Ma Thuột trở thành lễ hội mang tầm vóc quốc tế, đồng hành với tỉnh Đắk Lắk trong đề án phát triển thương hiệu Buôn Ma Thuột trở thành “thành phố cà phê của thế giới”.