Cà phê triết đạo Kỳ 29: Cà phê và giấc mơ Ý

26/03/2020
3263


Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…của cà phê trong mọi lĩnh vực của đời sống để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo ”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Nguồn nguyên liệu cà phê Ý phần lớn phải nhập khẩu từ các quốc gia khác. Thế nhưng với sự sáng tạo phong cách thưởng lãm và triết lý sống trong một tách cà phê, Ý vươn lên trở thành nền văn minh cà phê tiêu biểu.

Định danh bản sắc khác biệt

Xuất phát từ cội nguồn gốc gác là nền văn minh tiêu biểu, trung tâm văn hóa nhân loại, người Ý dù trải qua hàng ngàn năm phân ly vẫn không ngừng khao khát tìm lại “sự khác biệt phi thường của người Ý”.

Thưởng lãm cà phê liên quan mật thiết đến lịch sử văn hóa. Và thực tế cũng đã chứng thực, trong suốt tiến trình khải ngộ bản sắc Ý, phẩm cách Ý, cà phê đã luôn là chất xúc tác tâm thức, tâm thế để người Ý ghi dấu chí khí và vinh thăng văn hóa dân tộc. Ở chiều kích này, cà phê phong cách Ý cũng mang trong nó nội hàm “hồn nước” bàng bạc trong khát vọng định danh bản sắc khác biệt của người Ý.

Một trong những biểu hiện của bản sắc văn hóa chính là xác lập lối sống, lý tưởng thẩm mỹ cũng như đời sống tinh thần của dân tộc. Cà phê Espresso, biểu tượng cà phê phong cách Ý ra đời và phát triển trong thế kỷ 20, khi văn hóa cà phê bùng nổ trên toàn cầu. Các quốc gia từ đông sang tây định hình phong cách thưởng thức cà phê riêng. Mỹ sáng tạo Cà phê hòa tan (năm 1901), Đức phát minh bộ lọc cà phê và phương pháp rót cà phê nhỏ giọt Pour-Over Coffee (năm 1908), Pháp chế tạo máy ép cà phê French Press (năm 1929)… Ra đời cùng thời điểm, người Ý đã liên tục sáng tạo và cải tiến để Espresso trở nên độc đáo, khác biệt với phần còn lại của văn hóa cà phê thế giới.

Espresso không đơn thuần là thiết bị pha chế, tên gọi một loại cà phê mà phát triển thành phong cách thưởng lãm, một nghệ thuật sống đậm đà bản sắc Ý. Bắt đầu từ sáng chế “Đổi mới máy móc để chuẩn bị và phục vụ ngay đồ uống cà phê”, tiếp đó là văn hóa đứng thưởng thức tại quán, tương ứng với triết lý sống “Fare Meno e Farlo Meglio” được hiểu là khám phá sự vĩ đại trong những điều giản đơn.

Một tách cà phê Espresso chiết xuất trong vỏn vẹn 27 giây là cả quy trình tạo tác phức tạp có sự liên đới hoàn hảo từ thời điểm chọn hạt, rang xay đến nhiệt độ, lưu lượng nước, áp suất, thời gian chiết xuất… Tách Espresso tuyệt hảo nhất là khi lớp crema vẫn còn trên bề mặt, nếu để lâu trong không khí lớp crema sẽ bị oxy hóa và mất đi hương vị. Ngay trong khoảnh khắc thụ hưởng tách cà phê, người thưởng lãm đồng thời cảm nhận sự kỳ diệu trong vận hành tương quan của tự nhiên (cà phê), con người (barista) và công nghệ (vốn nảy sinh từ tư duy con người làm chủ tự nhiên). Và đó cũng chính là thời khắc để bản thân được sống trọn vẹn với chính mình, nhìn nhận sự vĩ đại tiềm ẩn trong mỗi người và hướng vọng đến những ước mơ cao đẹp trong đời.

Từ tiến trình thăng hoa của phong cách thưởng lãm cà phê, Espresso như thế cũng đã mang đến cảm nhận về sự vượt thường của con người. Vượt lên đặc tính sản phẩm, Espresso đạt đến thực thể văn hóa, vừa chuyển tải giá trị bản sắc cội nguồn của Ý lại đồng thời tương ứng với những khát vọng sâu thẳm nhất của con người. Chính vì thế, Espresso trở thành biểu tượng của lối sống mới. Sự định danh khác biệt này đã đưa cà phê phong cách Ý trở thành văn minh cà phê tiêu biểu của nhân loại.

Tư duy toàn cầu

“Hồn nước” trong phong cách cà phê Ý không chỉ là “Made in Italia” mà được ấn định sứ mệnh hiện thực hóa “Dream Italia”, đưa Ý trở thành trung tâm văn hóa thế giới một lần nữa.

Từ năm 1999, Ý thành lập Đại học Cà Phê “Università del Caffè” với mục đích đào tạo nên những chuyên gia am hiểu về văn hóa, khoa học, kinh tế cà phê. Đến nay, “Università del Caffè” đã có 28 cơ sở trên khắp thế giới, tiên phong truyền bá văn hóa cà phê Ý trên toàn cầu.

Năm 2014, Hiệp hội Bảo tồn cà phê Espresso truyền thống Ý (CTCEIT) ra đời, chính thức thực hiện lộ trình đề cử phong cách cà phê Ý là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hành trình này được nhận định là một trong những cấu phần quan trọng để quảng bá văn hóa Ý, song song đó là tham vọng bá chủ thị trường cà phê – một trong những mặt hàng có lợi nhuận cao nhất thế giới.

Hầu hết các doanh nghiệp và những người tham gia vào chuỗi cung ứng cà phê trên toàn nước Ý đã liên hợp hưởng ứng tầm nhìn quốc gia. Người Ý hãnh diện và giương cao ý chí bảo vệ cà phê truyền thống. Hiệp hội Bảo tồn cà phê Espresso tổ chức hội thảo, khảo luận với sự tham gia của nhiều nhóm xã hội bao gồm các nhà sản xuất, nhà xã hội học, kinh tế, văn hóa và cả nhà văn để truyền bá câu chuyện toàn diện về lịch sử văn hóa cà phê Ý, đánh động sự chú ý của truyền thông toàn cầu.

Bên cạnh đó, Ý xây dựng những bảo tàng cà phê chuyên biệt như Bảo tàng Máy pha cà phê MUMAC, Bảo tàng Cà phê Lavazza, Bảo tàng Cà phê Dersut, Bảo tàng Cà phê Bontadi, Bảo tàng Cà phê Omkafe… trưng bày hiện vật, tài liệu quan trọng trong lịch sử cà phê, bao gồm nghệ thuật tạo tác, trình bày và triết lý sống định hình trong nghi thức thưởng lãm cà phê. Những thành phố vang danh văn hóa cà phê như Rome, Milan, Torino, Venice… được chọn là thành phố sáng tạo. Trong đó, những hàng quán cà phê lịch sử: Antico Caffè Greco, Caffè Tommaseo, Caffè Mulassano… được vinh danh là di tích quốc gia nằm trong tour du lịch khám phá tầm ảnh hưởng của cà phê suốt tiến trình hình thành xã hội Ý hiện đại.

Người Ý cũng định chuẩn nghi thức thưởng lãm cà phê bằng những thuật ngữ tiếng Ý. Ví như Galateo del Caffè là bộ quy tắc mà người Ý tuân thủ khi phục vụ và uống cà phê, Caffè Sospeso (cà phê cho người lạ) chỉ văn hóa đoàn kết xã hội, Barista là chuyên gia pha chế…

Toàn bộ chuỗi hoạt động từ định chuẩn quy tắc, hành vi văn hóa, thông điệp tinh thần… khẳng định rõ tầm nhìn dài hạn của Ý trong hành trình đưa phong cách cà phê quốc gia trở thành biểu tượng trường cửu, chiếm lĩnh không gian văn hóa cà phê toàn thế giới. Từ đây tạo đà cho sự phát triển ngày càng lớn của đất nước trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, thành toàn cho giấc mơ Ý.

 

Nhìn nhận thành công của Ý, nghĩ về Việt Nam – một cường quốc cà phê nhưng vẫn chưa đạt được vị thế xứng đáng – đây rõ ràng là nghịch lý mà chúng ta cần chung tay thay đổi. Kể từ khi sáng nghiệp đến nay, Trung Nguyên Legend đã tâm huyết sáng tạo nhiều chương trình hành động góp phần vinh thăng giá trị hạt cà phê Việt, một trong những nỗ lực đó là phát triển những hình mẫu cà phê từ không gian, sản phẩm, văn hóa, tư tưởng… đến triết lý sống mới của cà phê. Các chuyên gia cà phê Trung Nguyên Legend cũng đã nghiên cứu giới thiệu 3 nền văn minh cà phê thế giới Ý – Thổ Nhĩ Kỳ – Phương đông thông qua những tuyệt phẩm cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend Capsule với 3 hương vị Roman – Ottoman -Thiền khẳng định quyết tâm xác lập văn minh cà phê mới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng, ảnh hưởng toàn diện thế giới.

*Đón đọc kỳ sau: Cà phê thức tỉnh nhân tình – Tâm thức Viên