Cà phê triết đạo kỳ 58: Ấn Độ – Từ 7 hạt cà phê thiêng đến quốc gia cà phê bóng râm

05/01/2021
2355

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… của cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Từ 7 hạt cà phê thiêng, Ấn Độ đã hình thành nên vùng nguyên liệu “cà phê bóng râm” đặc biệt, hướng tới việc tạo nên hệ sinh thái bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi sinh.

7 hạt cà phê thiêng

Sau khi được phát tích trong những thung lũng Abyssinia (nay là Ethiopia) vào thế kỷ thứ 9, cà phê đã được suy tôn là “món quà của Thượng đế”. Đến thế kỷ 14 – 15, người Hồi giáo Sufi xác tín cà phê mang năng lượng tỉnh thức và có sức mạnh giúp giáo dân nảy sinh những ý tưởng mới. Họ gọi năng lượng đặc biệt này là “Marqaha” và thưởng thức cà phê trong nghi lễ Dhikr thường diễn ra vào nửa đêm.

Cà phê nhanh chóng lan rộng khắp thế giới Hồi giáo, bao gồm thánh địa Mecca, thánh địa Medina và các thành phố lớn như Cairo, Aleppo, Damascus, Constantinople. Năm 1475, quán cà phê đầu tiên được mở tại Constantinople (nay là Istanbul). Không lâu sau, quán cà phê xuất hiện khắp đế chế Ottoman, trở thành diễn đàn thảo luận trí tuệ và được gọi là “mektab-i-irfan”, hàm nghĩa “trường học tri ​​thức”. Giai đoạn này, cà phê vừa là thức uống thần thánh mang ý nghĩa tôn giáo, vừa có sự ảnh hưởng sâu rộng vào đời sống thế tục. Trong khi cà phê trở thành lĩnh vực hoạt động kinh tế mới thì hàng quán cà phê đóng vai trò quan trọng trong tiến trình mở ra thể chế xã hội dân sự mới. Đế chế Hồi giáo Ottoman đã cố gắng kiểm soát, ngăn chặn hạt giống cà phê rời khỏi lãnh thổ để giữ vị thế độc quyền thụ hưởng giá trị thương mại của cà phê.

Thế kỷ 17, một giáo sĩ Hồi giáo Sufi có tên Baba Budan sống ở Ấn Độ thực hiện cuộc hành hương đến thánh địa Mecca. Trên hành trình đón nhận phước lành, Baba Budan được các tín đồ Hồi giáo Sufi khác chia sẻ thức uống cà phê, và ông vô cùng kinh ngạc về năng lượng tỉnh thức kỳ diệu của thức uống này. Baba Budan vốn là một học giả thông thái, ông ngay lập tức tìm hiểu sâu hơn về quá trình sinh trưởng, phát triển và cách thức sử dụng cà phê. Ông nhận ra rằng những ngọn đồi Chandragiri (thuộc dãy Western Ghats) ở Ấn Độ là vùng đất thích hợp để trồng cây cà phê. Baba Budan lên kế hoạch giấu hạt cà phê giống đưa về Ấn Độ, mang phước lành từ thánh địa về với quê nhà.

Baba Budan chọn đúng 7 hạt cà phê. Số 7 là con số thiêng liêng trong đức tin của người Hồi Giáo. Trong Kinh Qur’an, số 7 có giá trị biểu tượng to lớn, liên kết trực tiếp với sức mạnh của thần thánh như 7 tầng trời, 7 thời kỳ sáng tạo, 7 vòng đi bộ quanh Kaaba (địa điểm linh thiêng nhất trong đạo Hồi)… Mặt khác, với Ấn Độ giáo, số 7 tượng trưng cho trái đất và 7 nguồn năng lượng sẽ thức tỉnh trong quá trình thực hành tâm linh của con người. Nhờ những ý nghĩa thiêng liêng đó, 7 hạt cà phê được chấp thuận gieo trồng trên những sườn đồi Chandragiri, là gốc gác đầu tiên của vùng nguyên liệu cà phê Ấn Độ. Ghi ơn vị giáo sĩ, dãy Chandragiri – nơi 7 hạt cà phê nảy mầm đã được đặt tên là “Baba Budangiri” (Ngọn đồi Baba Budan). Ông cũng nhận được sự tôn kính của người Ấn Độ, được phong thánh và có đền thờ ngay trên đồi Baba Budan.

Cà phê bóng râm trong sự hòa hợp với môi trường sống

Đến thế kỷ 19, Ấn Độ là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ 6 thế giới. Dãy Western Ghats – di sản Thế giới được UNESCO công nhận – chính là vùng nguyên liệu cà phê đặc biệt nhất hiện nay. Dưới những tán lá rừng nguyên sinh phủ dài bất tận, cây cà phê phát triển cạnh quần thể thực vật và sinh vật đa dạng bậc nhất thế giới, hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Bóng râm hạn chế hiện tượng ức chế quang hợp (photoinhibition), vì thế, cây cà phê trồng trong bóng râm có hiệu suất quang hợp cao hơn so với cà phê phát triển dưới ánh nắng trực xạ. Ước tính, một hecta cà phê trồng dưới bóng râm có thể hấp thụ và tích trữ 70-100 tấn carbon, tương đương một khu rừng. Điều này giúp giảm nồng độ carbon trong khí quyển, góp phần giảm thiểu hiện tượng hiệu ứng nhà kính đang tác động trực tiếp đến biến đổi khí hậu trái đất. Bên cạnh đó, hầu hết các đồn điền cà phê Ấn Độ nằm ở những vùng có lượng mưa từ trung bình đến lớn, lớp lá mục từ cây cà phê đóng vai trò làm chậm dòng chảy và tăng độ thấm nước mưa vào lòng đất, ngăn chặn xói mòn rửa trôi chất dinh dưỡng trong đất.

Cà phê được trồng trong bóng râm là nơi ẩn náu của các sinh vật, tạo thành liên minh cộng sinh bảo vệ đa dạng sinh học. Các nhà khoa học thuộc Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) đã khảo sát sự đa dạng của các loài trong vùng nguyên liệu cà phê ở Western Ghats. Nghiên cứu này cho thấy cà phê trồng trong bóng râm mang lại lợi ích đa dạng sinh học đáng kể và hỗ trợ môi trường bảo tồn quần thể các loài thực vật, động vật đặc hữu, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Các nhà khoa học đã tìm thấy khoảng 350 đến 400 loài sống trong các đồn điền cà phê, trong đó có 79 loài sống phụ thuộc, bao gồm 3 loài chim nằm trong danh sách Đỏ: vẹt đuôi dài Alexandrine, bulbul đầu xám và bồ câu gỗ Nilgiri.

Các loài cây rừng và gia vị mọc hoang dã như tiêu piper argyrophyllum miq, quế cinnamomum malabatrum, nghệ curcuma neilgherrensis wight, gừng zingiber capitatum roxb…. sống phổ biến trong các đồn điền cà phê. Nông dân Ấn Độ cũng trồng thảo mộc và cây lấy quả như cam, quýt, quế, bạch đậu khấu, nhục đậu khấu, đinh hương… xen kẽ trong trang trại cà phê. Hệ thống nông lâm kết hợp này phối kết cà phê cùng với các cây bản địa và cây du nhập. Do đó, tầng sinh quyển cà phê ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh. Rễ cà phê có sự tương tác với rễ của nhiều loài cây khác nhau, dịch tiết từ bộ rễ tạo ra môi trường vi sinh vật rhizospheric, thiết lập mối quan hệ cộng sinh có lợi cho rừng. Trong khi hợp chất được tiết ra từ rễ cà phê thúc đẩy sự hình thành và tăng sinh của quần thể vi sinh vật cao hơn so với phần còn lại của đất thì vi sinh vật rhizospheric cũng tham gia vào việc sản xuất hormone tăng trưởng thực vật bằng cách làm tăng các chất dinh dưỡng trong đất mà cây có thể hấp thụ được. Chúng còn bảo vệ cây khỏi một số mầm bệnh, giảm thiểu việc sự dụng phân bón hoặc tác động của thuốc hóa học vào môi trường sống của đồn điền cà phê.

Dãy Western Ghats còn là điểm nóng về đa dạng sinh học trên thế giới. Theo một cách nào đó, hệ thống đồn điền cà phê bóng râm tương tác chặt chẽ với môi trường sinh học (biotic) và phi sinh học (abiotic) có chức năng như một vùng sinh thái và hoạt động như một khu bảo tồn đa dạng sinh học. Người trồng cà phê cũng nhận thức rõ về vấn đề quản lý, bảo tồn, phát triển bền vững rừng cà phê của quốc gia. Hơn 90% diện tích cà phê được bao quanh bởi các công viên quốc gia và khu bảo tồn động vật hoang dã. Ủy ban Cà phê Ấn Độ, Hội đồng Cà phê Ấn Độ, Quỹ Tín thác Cà phê Ấn Độ chung tay kiểm soát và khuyến khích thực thi nông nghiệp bền vững, tăng cường quảng bá cà phê trồng trong bóng râm với mục tiêu nâng cao nhận thức về việc bảo tồn và phát huy các giá trị của cây cà phê.

Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của con người trên mọi lĩnh vực. Hiện nay, các vùng nguyên liệu cà phê trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam đã áp dụng hệ thống nông lâm kết hợp vì vai trò quan trọng của nó trong việc hỗ trợ đa dạng sinh học và giảm thiểu các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra. Nỗ lực phát triển ngành cà phê bền vững trên toàn cầu là một hình thái nhân bản nhân văn, cộng lực tạo dựng quan niệm sống có trách nhiệm, con người tương sinh thuận thảo và sống hài hòa với môi sinh chứ không khai thác triệt để, đối kháng với thiên nhiên.

Canh tác nông lâm thuận thiên nhiên là một phần trong di sản khổng lồ của nền văn minh Ấn Độ. Nông lâm Ấn Độ vốn có sự tác động từ tôn giáo, triết học đến khoa học kỹ thuật… điều này tạo nên bản sắc khác biệt không lẫn với các quốc gia nào khác. Trong tác phẩm “Lịch Sử Văn Minh Ấn Độ”, nhà sử học Will Durant đã dẫn chứng những nỗ lực thuần hóa cây trồng từ giai đoạn khởi sinh văn minh lưu vực sông Ấn (2.800 – 1.800 TCN) đến văn hóa nông nghiệp toàn diện trong thời kỳ hoàng kim Gupta (năm 319 – 467) đưa Ấn Độ phát triển thành một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của nhân loại. Cho đến nay, thực vật và động vật vẫn luôn được người Ấn Độ tôn thờ trong các nghi thức tín ngưỡng. Tác phẩm “Lịch Sử Văn Minh Ấn Độ” cũng là một trong 100 cuốn sách quý thuộc “Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời” do Nhà sáng lập – Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn nhằm khuyến khích việc học hỏi, tiếp thu và ứng dụng tinh hoa tri thức nhân loại từ đó vươn lên xứng tầm với tiềm năng của trí tuệ dân tộc Việt, tạo ra thịnh vượng và sự hùng mạnh cho quốc gia.

*Đón đọc kỳ sau: Văn hóa cà phê – Nghi thức của sự hiếu khách ở Dubai.