Cà phê triết đạo kỳ 70: Hương vị cà phê trong nhân giới

29/06/2021
2856

Khởi nguyên là thức uống được ưa chuộng trong những chuyến viễn hành muôn dặm từ xa xưa, rốt cuộc con đường lan tỏa của cà phê cũng đã kết nối phương Đông với phương Tây, tạo cầu nối giữa các nền văn hoá, văn minh.

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… của cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Hương vị cà phê – khởi nguyên và tiếp biến

Hạt cà phê khi được phát hiện ở Ethiopia đã bị các tu sĩ ném vào bếp lửa như hình thức diệt trừ ma quỷ. Tuy nhiên, hương thơm dễ chịu tỏa ra đã khiến những người đứng gần đó cảm thấy tỉnh táo kinh ngạc. Họ nhanh chóng lấy hạt cà phê đang cháy ra và cho vào nước để làm nguội. Một tu sĩ đã nếm thử nước ngâm hạt cà phê và nhận thấy cả cơ thể lẫn tinh thần được tiếp thêm sinh lực. Cà phê từ đó được đón nhận và tôn là quà tặng của thượng đế.

Người Ethiopia rang cà phê và luộc như sắc thuốc để uống trong các nghi lễ tâm linh. Vì có thể tăng cường sức lực, nước cà phê cũng được sử dụng để chữa bệnh như một loại dược phẩm. Trong khi đó, các bộ tộc chiến binh nghiền những quả cà phê chín mọng, trộn chung với mỡ động vật làm thành lương thảo cung cấp năng lượng trên đường hành quân mở mang bờ cõi.

Đến khi cà phê được cung tiến vào hoàng gia Ottoman, phong cách thưởng lãm cà phê tiến thêm một bước với sự ra đời của phương pháp pha chế, bộ công cụ dụng cụ và nghi thức phục vụ mới. Trong cung điện Ottoman, các Sultan (tước hiệu chỉ vua ở đế chế Hồi giáo) đặc biệt thiết lập đội ngũ bảo trợ cà phê, người được chọn thực thi nhiệm vụ này tuyệt đối trung thành với Sultan và được gọi là Kahvecibaşı. Kahvecibaşı rang hạt cà phê rồi xay thành bột mịn, sau đó đun sôi trong nước và rót ra những chiếc cốc bằng vàng dâng lên Sultan. Một số Kahvecibaşı đã xay cà phê cùng các loại thảo quả như bạch đậu khấu, đinh hương, quế nhằm làm dịu tinh thần và kéo dài hương thơm trong vòm miệng.

Đôi khi Kahvecibaşı pha cà phê cùng xạ hương để thêm phong phú về hương thơm và đậm đà tiền vị lẫn hậu vị, được gọi là mümessek kahve. Hoặc pha với long diên hương để ra cà phê muanber kahve thơm nồng lại bùi như pha sữa, vừa thoang thoảng ngọt vừa có chút mặn mà huyền diệu của muối biển, uống vào mấy ngày sau khứu giác còn đậm mùi thơm.

Đối thoại giữa các nền văn minh

Cùng với những bước chân hành hương, những chuyến viễn du thám hiểm và những tuyến đường thương mại quốc tế thời trung cổ như “con đường hương liệu”, “con đường gia vị”, cà phê lan tỏa khắp bốn phương tám hướng. Từ đó, làm nổi bật ý nghĩa của việc pha chế cà phê với những nội hàm triết lý về văn hóa ẩm thực của các nền văn minh khác nhau trong lịch sử nhân loại.

Đế chế Ottoman nằm ở vị trí trọng yếu, có thể kiểm soát các tuyến giao thương qua cả 3 lục địa Á – Phi – Âu. Trong đó, “con đường hương liệu” kết nối những nền văn minh thuộc các vùng Địa Trung Hải, vịnh Ả Rập đến Ấn Độ và đông Á; “Con đường gia vị” nối liền bờ biển phía tây của Nhật Bản, các hòn đảo của Indonesia, qua Ấn Độ dương đến các vùng đất ở Trung Đông, và từ đó qua Địa Trung Hải đến châu Âu. Nhờ những chuyến giao thương băng qua nhiều biển lớn nối liền các bờ đất lạ mà con người đã có thêm cơ hội để khám phá sự kết hợp giữa cà phê và những hương liệu – gia vị trân kỳ quý hiếm của tạo hóa.

Cà phê pha với bạch đậu khấu và quế theo phong cách truyền thống của Ottoman được xem là dược ẩm của những con người dọc ngang đây đó, tránh được việc ngủ gục và phòng lạnh giữa trời khuya sa mạc. Pha chế cà phê với tiêu đen và cả ớt cay, thoạt nghe, ngỡ là một “đặc sản kỳ bí”, nhưng lại rất phổ biến với các thương nhân trên đường về phương Đông. Đặc tính cay nồng của hạt tiêu che đi mùi khó chịu của những hạt cà phê bị mưa lâu ngày, đồng thời tăng cường sức khỏe khi gặp thời tiết lạnh. Đoàn người Tây tiến lại chuộng cà phê pha với quế và mật, vốn được truyền tụng là thức uống phòng chống gió sương của thuyền trưởng và thủy thủ xuôi ngược trên sóng biển. Hành trình từ Ấn Độ trở về Âu châu bằng “con đường gia vị trên biển” gặp đợt gió mùa đông – bắc mang hơi mặn của muối biển ngấm dần vào trong các bao cà phê nằm ở hầm tàu tạo ra cà phê Malabar mang hương vị rất mặn vì ngấm đầy chất iode.

Cũng do tính chất đặc trưng của địa lý gia vị – hương liệu, mà ở rất nhiều nơi trên thế giới, cà phê được thưởng ngoạn mang đậm dấu ấn niềm tin, văn hóa ẩm thực bản địa. Người Cuba có cà phê Cuban Espresso được pha với đường mía. Người Trung Quốc uống cà phê với trà, thức uống này gọi là Yuanyang. Ireland –đất nước có truyền thống sản xuất rượu whisky lâu đời pha cà phê với whisky, đường và một lớp kem đánh bông. Mexico có Café de Olla nấu trực tiếp cà phê, quế, đường phên trong một chiếc ấm đất tráng men. Người Malaysia rang cà phê trong dầu cọ để lại hậu vị hơi đắng nhưng hương thơm lại đậm đà. Người Indonesia có cà phê pha sả, đường thốt nốt và thậm chí là uống với than củi được gọi là Kopi Joss.

Năm 1660, nhà thám hiểm người Hà Lan – Johan Nieuhof đến phương Đông và học cách sử dụng sữa trong thức uống của giới thượng lưu. Ông cho sữa vào cà phê khiến cà phê có vị ngọt ngào hơn. Và từ đó, cà phê pha sữa trở thành thức uống yêu thích, thậm chí là tiêu chuẩn trong công thức pha chế cà phê phương Tây. Đây cũng là gốc gác của các dạng cà phê nổi danh ở các quốc gia như: Cappuccino, Latte (Ý), Café au Lait (Pháp), Wiener Melange (Áo), Café Bombón, Café Dulce de Leche (Tây Ban Nha), Galão Coffee (Bồ Đồ Nha) Frappé Coffee (Hy Lạp),…

Hương vị cà phê tạo tác hạnh phúc

Hương thơm đậm đà của cà phê là kết quả của khoảng 50 – 60 hợp chất được giải phóng trong quá trình pha chế. Cà phê phổ biến đến hai bán cầu cũng đã có sự giao thoa với những liệu pháp y học chữa lành đã được truyền tụng trong nhân gian hàng ngàn năm. Ở phương Đông, cà phê đã được sử dụng trong triết lý y học Ayurvedic của Ấn Độ và phương pháp chữa bệnh bằng thảo dược của Trung Quốc. Ở vùng Địa Trung Hải, các nhà y học đã chiết xuất tinh dầu cà phê, ứng dụng trong liệu pháp chữa bệnh bằng hương thơm – vốn được người Hy Lạp và người La Mã xem là “sức mạnh chữa lành của tự nhiên”.

Cho đến ngày nay, có rất nhiều nghiên cứu khoa học ở cả phương Đông lẫn phương Tây xác thực rằng, hương thơm cà phê có thể cải thiện trí nhớ, tăng cường sự tỉnh táo và làm tăng cảm xúc hạnh phúc. Các nhà khoa học tại Đại học Y tế Công cộng Harvard, Trung tâm Cà phê đại học California, Đại học Temple, Viện Y tế Quốc gia (Mỹ), Đại học Navarra (Tây Ban Nha), Đại học Ruhr (Đức), Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Đại học Mae Fah Luang (Thái Lan),… đã công bố nhiều nghiên cứu khẳng định hương thơm cà phê điều chỉnh tâm trạng, hiệu suất nhận thức, sóng não, nhịp tim, huyết áp tạo ra những thay đổi về dược lý, sinh lý và tâm lý. Do vậy, ngửi hương cà phê có tác động tích cực đến trạng thái tinh thần và nhận thức của con người, làm giảm các triệu chứng căng thẳng, trầm cảm, lo lắng.

Tinh dầu cà phê đã là một trong những liệu pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện về thể chất, tâm trí, tinh thần. Trị liệu bằng hương thơm (Aromatherapy) được xem như nghệ thuật cải thiện chất lượng cuộc sống và đã được công nhận trong lĩnh vực khoa học lẫn y học. Hiện nay, trên khắp thế giới, tinh dầu cà phê được sử dụng trong một số chế độ dinh dưỡng, thể thao, thẫm mỹ, thiền định… giúp con người đạt đến trạng thái an lành, hạnh phúc.

*Đón đọc kỳ sau: Cà phê và quan niệm về sự sống