Cà phê triết đạo kỳ 72: Hàng quán cà phê – những học viện tỉnh thức

26/07/2021
2485

Hàng quán cà phê đã cung ứng một khí quyển văn hóa góp phần tích cực nhất trong việc kích xúc trí năng, hun đúc cảm thức về cái tự ngã để tìm đến chân lý.

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… của cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Không gian tạo tác văn hóa và kiến thức

Giữa thế kỷ 16, khi cà phê đã là thức uống thiết yếu trong đời sống xã hội Ottoman, hai thương gia người Hồi giáo đã mở quán cà phê đầu tiên tại thủ đô Constantinople. Kể từ đó, quán cà phê đóng vai trò là chốn quy tụ và lan tỏa văn minh cà phê, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống nhân sinh.

Không phải ngẫu nhiên mà quán cà phê đầu tiên được hình thành tại Constantinople. Constantinople là điểm gặp gỡ giữa Đông và Tây, Á và Âu – vùng đất mà các đế chế cổ đại đều khao khát có được. Constantinople từng là kinh đô của đế chế La Mã, đế chế Byzantine và đến giữa thế kỷ 15 thì thuộc đế chế Ottoman. Với lịch sử trải dài qua nhiều đế chế như vậy, Constantinople là thành phố cực kỳ đa dạng về sắc tộc, tôn giáo, văn hóa. Chưa kể thương nhân các quốc gia đổ về phát triển rất nhiều ngành nghề kinh tế.

Giai đoạn này, không gian công cộng chỉ có nhà thờ, nhà tắm, các quán rượu. Cả ba đều có sự hạn chế nhất định trong việc kết nối con người với nhau, bởi nó không phá vỡ được các khác biệt về đức tin, giai cấp, sắc tộc… Dù cùng tồn tại trong một đế chế Ottoman nhưng người Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Do Thái, Zoroastrian xem mình là thành viên của các cộng đồng riêng biệt, sống theo các chuẩn mực khác nhau. Nếu như nhà thờ là nơi tu hành riêng của các tôn giáo, nhà tắm phân chia đẳng cấp địa vị và quán rượu bị người Hồi giáo xem là nơi cấm kị thì sự xuất hiện của quán cà phê đã thiết lập không gian trải nghiệm “văn minh giao tiếp” hoàn toàn khác biệt.

Quán cà phê thời kỳ đầu là không gian lớn có tường và trần làm bằng đồng chạm trổ hoa văn phức tạp. Những băng ghế đơn cho khách ngồi bao quanh đài phun nước giữa phòng. Mục đích của quán cà phê là khuyến khích những người lạ ngồi gần nhau. Vì vậy, quán cà phê tạo nên một thiết chế xã hội chưa từng có, ở đó các cá nhân thuộc mọi tôn giáo, mọi tầng lớp, mọi ngành nghề, cả biết chữ lẫn không biết chữ… hợp nhất trong một không gian, trò chuyện và cùng nỗ lực khai phá trí tuệ vô hạn.

Khởi nguyên, những cuộc trò chuyện được dẫn dắt bởi những bậc tinh hoa, những người có hiểu biết sâu rộng, do đó quán cà phê Ottoman sớm định hình như một trung tâm giáo dục công cộng (halk eğitim merkezleri), trường học tri thức (mekteb-i ‘irfan) hay phòng đọc sách (okuma evi) cung cấp và phổ biến các ý tưởng. Ngồi uống tách cà phê, các học giả chia sẻ tác phẩm mới, bậc nghệ nhân trình diễn tài nghệ, các thương gia tìm kiếm cơ hội kinh doanh, một số khác đến đọc sách, hoặc đơn giản là chơi backgammon – và tự hào vì đây là trò chơi đầy tính trí tuệ.

Tinh thần học hỏi và sáng tạo được đánh thức, các hoạt động văn học nghệ thuật phát triển nhanh chóng. Kể từ khi có cà phê và quán cà phê trong xã hội Ottoman, một số khái niệm, thành ngữ, tục ngữ mới đã xuất hiện. Vô số bài thơ dân gian, ca dao, văn vần, giai thoại được sáng tác và phổ biến trong quán cà phê. Những tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo từ xúc cảm khi thưởng thức cà phê và trưng bày tại quán cà phê. Quán cà phê cũng là sân khấu biểu diễn nhạc kịch, nghệ thuật Karagöz (múa rối bóng) và meddah (kể chuyện)…

Trong giai đoạn cực thịnh, hàng quán cà phê trải dài khắp đế chế Ottoman, đến tận các ngôi làng xa xôi. Loại hình quán cà phê cũng đa dạng chức năng như: quán cà phê trong nhà, quán cà phê ngoài trời, quán cà phê bờ biển, quán cà phê đồng quê, quán cà phê mùa hè, quán cà phê di động… quy tụ công dân toàn xã hội tham gia vào các hoạt động giáo dục, kinh tế và nghệ thuật.

Với tư cách là không gian văn hóa, không gian đánh thức khao khát truy cầu tri thức đã làm cho quán cà phê về cơ bản trở thành một trong những trung tâm trí tuệ của đế chế Ottoman, có vai trò quan trọng trong quá trình thay đổi của đời sống văn hóa Ottoman.

Không gian thức tỉnh khát vọng truy cầu và sẻ chia chân lý

Quán cà phê hiện diện khắp Châu Âu từ giữa thế kỷ 17, là giai đoạn hệ tư tưởng và chuẩn mực xã hội Châu Âu thay đổi siêu vượt, còn được gọi là thời kỳ Khai sáng.

Hàng quán cà phê đã có sự can dự trong cột mốc lịch sử làm thay đổi vĩnh viễn và tích cực đến tiến trình phát triển của nhân loại. Đây là thời đại của lý trí, thời đại của những cuộc tranh luận tự do, cởi mở và bao trùm nhiều mặt vấn đề xã hội. Trong cái nao nức của niềm tin vô bờ bến về khả năng và trí tuệ con người, hàng quán cà phê đã hóa thành diễn ngôn của tất cả những khao khát dấn thân cho tiền đồ chung của nhân loại.

Năm 1645, quán cà phê đầu tiên được mở tại Venice, sau đó là ở Oxford (năm 1650), London (năm 1652), Paris (năm 1672) và Hamburg (năm 1679). Hàng quán cà phê trở thành trung tâm tinh thần của kỷ nguyên Khai sáng, phổ biến lý tưởng, kiến thức đến toàn xã hội thông qua các hoạt động trí tuệ độc đáo.

Vai trò của cà phê được nhà sử học người Pháp – Jules Michelet (1798 – 1874) đánh giá là “thần dược cho trí tuệ minh mẫn – elixir of mental clarity”. Cà phê cung cấp năng lượng và sự tỉnh táo cần thiết để những con người mang khát vọng thời đại tư duy sáng suốt và làm việc hăng say nhiều giờ. Chính vì thế, quán cà phê hội tụ những đại diện tiêu biểu nhất của phong trào Khai sáng khắp Châu Âu như: Immanuel Kant, Voltaire, Jean-Jacques Rousseau, Denis Diderot, d’Alembert, Isaac Newton, Hans Sloane, Edmund Halley,… Họ đã thảo luận và viết nên những công trình nghiên cứu vang danh, ảnh hưởng triệt để trên tất cả các lĩnh vực, định hình lại hiểu biết về thế giới và về nhân sinh.

Châu Âu đã vươn lên bằng sức mạnh tri thức, và ánh sáng tri thức đó bàng bạc chiếu rọi trong các không gian cà phê. Quán cà phê không chỉ là nơi thảo luận mà còn đào luyện trí tuệ cũng như trau dồi đức hạnh thông qua các bản tin, báo chí, sách. Đây là nền tảng cho các cá nhân khơi thông năng lực phản tư về chính mình và thế giới xung quanh, dũng cảm vượt qua mọi rào cản để sử dụng lý trí tạo dựng cuộc sống mới. Đồng thời, những nhà tư tưởng vĩ đại không còn suy nghĩ một mình mà có thể mang ý tưởng ra cùng tham luận. Sự tập hợp trí tuệ này là động lực của những sáng tạo tiến bộ vượt bậc trong chính trị, triết học, khoa học, kinh tế, văn hóa… dẫn đến sự phát triển lớn về hệ tư tưởng xã hội, hình thành nên văn minh phương Tây hiện đại như chúng ta thấy hôm nay.

Hàng quán cà phê mang hình ảnh biểu trưng của tiến bộ văn minh, bởi một lẽ chỉ ở quán cà phê con người mới đủ sức mạnh để dám nói lên những hoài vọng, những khát khao đời mình và đủ tỉnh thức để lắng nghe người khác. Từ đó mà quán triệt thấu đáo vai trò của mình đối với xã hội và lịch sử để sống cho nhau, sống vì nhân sinh hạnh phúc.

Từ khi sáng nghiệp đến nay, Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã nỗ lực hoàn thiện hệ sinh thái cà phê toàn diện: Cà phê vật chất – Cà phê tinh thần – Cà phê xã hội hướng đến cung ứng một lối sống mới – Lối sống Minh Triết, đem đến giàu có và hạnh phúc đích thực cho cộng đồng nhân sinh. Một trong những nỗ lực đó là định hình các không gian hàng quán cà phê khơi nguồn sáng tạo – nơi hội tụ những tâm hồn lớn.

Trong mỗi không gian Trung Nguyên Legend Café, Trung Nguyên E-Coffee, Không gian Sáng Tạo, Cà phê Thứ Bảy, Bảo tàng Thế Giới Cà Phê, Làng cà phê Trung Nguyên, bên những ly cà phê năng lượng sáng tạo, người yêu cà phê còn có thể thấu đạt sức mạnh tri thức từ những cuốn sách quý trong Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời do Nhà sáng lập – Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết tuyển chọn từ hàng triệu cuốn sách, hàng ngàn tấm gương danh vĩ nhân thành công của nhân loại, giúp mỗi cá nhân thay đổi tư duy, hun đúc khát vọng lớn, rút ngắn con đường đạt đến thành công và hạnh phúc đích thực.

Thân mời bạn đọc đón xem loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh https://bit.ly/caphetrietdao

Cà Phê Triết Đạo

*Đón đọc kỳ sau: Cà phê trong tâm thức thần thoại.