Cà phê triết đạo kỳ 73: Cà phê trong tâm thức thần thoại

10/08/2021
2916

Trong rất nhiều tín ngưỡng, cà phê được tôn là phước lành từ thế giới vượt thường gieo xuống trần gian nhằm thúc đẩy con người tỉnh thức để nhận chân ý nghĩa về sự sống của mình nơi hạ giới.

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… của cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Hành trình của cà phê từ khởi thủy đến khi lan tỏa bốn phương tám hướng có sự can hệ mật thiết với đức tin về Đấng tạo hóa và các thánh thần. Truy về gốc gác, sự xuất hiện cà phê được lý giải trong những câu chuyện thiêng lưu truyền qua hàng ngàn năm.

Ân điển thiên thượng

Ethiopia được cho là nơi đầu tiên khám phá ra công năng của cà phê. Tại quốc gia này vẫn phổ biến một truyền thuyết về ba người đàn ông có tên Abol, Atona, Baraka lang thang qua sa mạc với hi vọng có thể tìm thấy Chúa Trời và được nhận manna (thức ăn). Khi gần như chết đói, Chúa Trời đã hiện ra trước mặt họ, Ngài ban sự cứu rỗi bằng lời khải thị về việc uống nước cà phê và nhai lá cây qat. Sau khi thực hành theo, cơn đói của họ liền biến mất. Từ câu chuyện này, ba vòng thưởng lãm cà phê trong nghi lễ cà phê Ethiopia đã được đặt tên Abol, Atona và Baraka. Trong đó, hai vòng đầu tiên là thanh lọc tinh thần, chuyển hóa thần khí, vòng thứ ba – Baraka tượng trưng cho sự ban phước.

Người Oromo – sắc tộc chiếm hơn một phần ba dân số Ethiopia thì tin rằng cây cà phê đầu tiên nảy mầm từ những giọt nước mắt của Waaqa (Thần Trời). Vì thế, cà phê là một phần cốt lõi trong mọi thực hành tôn giáo liên quan đến vòng đời của một người Oromo từ lúc được sinh ra, đặt tên, trưởng thành, kết hôn và chết đi. Khi thực hiện nghi lễ, họ dâng hiến cà phê và nguyện cầu Waaqa che chở, ban phúc lành. Một nghi lễ nổi bật vẫn còn thực hiện đến ngày nay là Buna Qalaa. Trong nghi lễ Buna Qalaa, quả cà phê được rửa sạch, tách nứt vỏ bằng răng và rang với bơ. Sau đó cho cà phê và sữa vào nồi waciitii tiếp tục nấu chín. Cuối nghi lễ, những người tham dự sẽ cùng uống cà phê, cùng thụ hưởng phước lành. Bên cạnh đó, theo truyền thống Oromo, uống chung waciitii là biểu thị của sự hợp nhất trong tình yêu và hòa bình.

Khi cà phê lan rộng đến cộng đồng Hồi giáo, người Hồi giáo cũng kể những câu chuyện thiêng xung quanh nguồn gốc cà phê. Họ tin rằng, trước trận chiến quyết định của nhà tiên tri Mohammed chống lại những kẻ ngoại đạo, Đấng Allah đã chỉ dẫn thiên sứ Gabriel mang cà phê ban cho Mohammed. Năng lượng từ cà phê lập tức tiếp thêm sinh lực và tăng sức mạnh tinh thần, giúp Mohammed chiến thắng chỉ trong một đêm.

Trong một biên niên sử cổ, thầy thuốc Sheik Omar – một người trị bệnh thông qua thiền định và cầu nguyện – bị lưu đày đến Ả Rập. Tại đây, khi kiệt sức và đói, ông nhìn thấy một con chim sắc màu lạ thường sà xuống cành cây cà phê. Sheik Omar liền ăn loại quả đó và trở nên mạnh khỏe diệu kỳ. Ông nghiên cứu cách pha nước sắc từ cà phê để sống sót. Sheik Omar cũng sử dụng cà phê làm thuốc chữa bệnh cho nhiều người khác. Ông được đón trở về quê hương Mocha và tiếp tục pha cà phê cứu chữa bệnh theo cách của mình. Cà phê được ca ngợi là thần dược, Omar được tôn làm Thánh và có một tu viện riêng để vinh danh ông. Đây cũng là một trong những lý giải cho việc vì sao cà phê xuất hiện trong nghi lễ nhập định cầu nguyện lúc nửa đêm ở các tu viện Sufism.

Tỉnh thức kiến tạo cuộc sống

Khoảng giữa thế kỷ 13, người Hồi giáo Sufism đã truyền bá việc uống cà phê khắp thế giới Hồi giáo. Cà phê giúp các giáo dân tỉnh táo và tràn đầy năng lượng trong những đêm thực hành nghi lễ Dhikr. Họ gọi trạng thái đó là “marqaha” – một từ tiếng Ả Rập có nghĩa là “hạnh phúc ngộ đạo”. Dhikr là một nghi thức thiền định (Hồi giáo gọi là Murāqabah) và hồi tưởng, mục đích là đạt được cảm giác định tâm định thần, tách biệt khỏi các giá trị thế tục và củng cố đức tin. Người Hồi giáo Sufism thực hành nghi lễ Dhikr để trở về với Thượng Đế. Các nhà thần bí Sufism truyền rằng, uống cà phê và cầu nguyện với lòng sùng kính có thể dẫn đến trải nghiệm “Qahwat al-Sufiyya”, được dịch nghĩa là “nhìn thấy các bí ẩn và nhận được những mặc khải vĩ đại”. Khi hoàn thành trạng thái tinh thần đó, con người trở lại sự tồn tại của mình và hoàn thành những sứ mệnh được giao phó.

Đầu thế kỷ 17, cà phê du nhập vào châu Âu và xuất hiện tại Roma, những người theo đạo Thiên Chúa đã gọi thức uống đến từ thế giới Hồi giáo là “thức uống của quỷ”. Họ bài xích và kêu gọi cấm sử dụng cà phê. Trước khi đưa ra quyết định, Giáo hoàng Clement VIII (1536–1605) uống thử một ngụm cà phê và vui mừng báo “Thức uống này quá ngon nên thật tiếc nếu để cho những kẻ ngoại đạo độc quyền sử dụng nó. Chúng ta sẽ rửa tội cho nó và biến nó thành thức uống của Cơ đốc giáo”. Sau nghi thức rửa tội, cà phê được chấp nhận và phổ biến rộng rãi tại châu Âu, đồng thời cũng được người Thiên Chúa giáo yêu thích.

Các cơ đốc nhân phụng sự Chúa thông qua thờ phượng và hầu việc theo thánh ý. Thế nên không quá khó hiểu khi nhiều hàng quán cà phê do các cơ đốc nhân điều hành đã phục vụ theo đường hướng biểu lộ lòng thuận phục tôn thờ Chúa. Một hệ thống quán cà phê do các nhà thờ xây dựng và hoạt động như điểm sinh hoạt cộng đồng của cơ đốc nhân. Bên cạnh đó, thông qua các buổi nói chuyện, trình diễn nghệ thuật, phát triển kỹ năng, các tín đồ rao truyền đức tin với những cộng đồng khác trong khu vực sống.

Một số quán cà phê nhà thờ nổi tiếng như quán The Vaults & Garden Café nằm trong khuôn viên Nhà thờ St Mary the Virgin tại thành phố Oxford (Anh) phục vụ cà phê kết hợp tổ chức các sự kiện thúc đẩy lối sống lành mạnh. Quán cà phê The Loft do Nhà thờ Giám lý Alamo Heights xây dựng ở tiểu bang Texas (Mỹ) là một trong những mục vụ cốt lõi của cộng đồng nhà thờ. Các tín hữu đến The Loft học Kinh Thánh và các linh mục cũng đến chia sẻ giáo lý hoặc tham gia chương trình từ thiện định kỳ.

Nằm trên địa phận Washington (Mỹ), quán Ebenezer’s Coffeehouse do Nhà thờ Cộng đồng Quốc gia điều hành và quán Potters House của Nhà thờ Chúa Cứu Thế là nơi các tín đồ sinh hoạt cộng đồng và tìm sự nương tựa đức tin. Quán Glebe Café Church ở New South Wales (Úc) và One World Coffeehouse của Hội Nhất thể Phổ quát khu Columbia cung cấp không gian bình đẳng và nhân ái, không phân biệt con đường tâm linh, ai cũng có thể bày tỏ đức tin và cách thức thờ phượng của bản thân… Điểm chung của những quán cà phê nhà thờ là tạo ra một môi trường hỗ trợ phát triển tinh thần và khuyến khích theo đuổi ý nghĩa sống của mỗi người. Qua đó, tạo nên những thay đổi tích cực trong cộng đồng và thế giới.

Cà phê khởi nguyên như một thức uống của việc kiếm tìm “bản thể thần linh”. Những tín ngưỡng đi kèm với cà phê không là gì khác ngoài cách biểu lộ của con người về những điều hằng ngưỡng vọng và tin tưởng. Và với công năng mang đến sự tỉnh thức, cà phê đã làm bừng tỉnh những khao khát vượt thường của con người, để không ngừng dấn thân phụng sự cuộc sống.

*Đón đọc kỳ sau: Sheik Abd-al-Kadir “Cà phê dẫn lối cho những người tìm kiếm sự thông thái”