Cà phê triết đạo kỳ 74: Sheik Abd-al-Kadir “Cà phê dẫn lối cho những người tìm kiếm sự thông thái”

24/08/2021
2601

Vượt qua mọi rào cản, cà phê đã trở thành năng lượng không thể thay thế của những người sáng tạo, những người khao khát xã hội tiến bộ và không ngừng vượt lên giới hạn bản thân để đóng góp nhiều hơn nữa cho đời.

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… của cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Không gian xã hội mới

Trong thế kỷ 15, cà phê đã theo chân những tu sĩ Hồi giáo đến thánh địa Mecca và Medina, rồi từ đó lan rộng tới vương quốc Ba Tư, Ai Cập, Syria,… Vào thời điểm đó, người Hồi giáo thường uống cà phê trong thánh đường và các tu viện. Cà phê được coi trọng đến mức không bao giờ được thiếu khi cử hành các nghi lễ tôn giáo ở nơi công cộng, thậm chí hiếm khi có một dhikr hay mawlid (lễ kỷ niệm ngày sinh của nhà tiên tri Muhammad) nào mà không uống cà phê”.

Theo thời gian, cà phê dần đi vào đời sống thế tục và bất kỳ ai cũng có thể thưởng thức cà phê công khai tại hành lang nhà thờ, đặc biệt tập trung xung quanh al-Azhar (khu phức hợp nhà thờ và trường học). Những điểm tụ họp uống cà phê trở thành trung tâm của cuộc sống trí thức, cư dân thuộc mọi tầng lớp, ngành nghề có thể ngồi lại gần nhau, thưởng thức hương vị tuyệt vời của cà phê và trò chuyện, luận bàn những tin tức trong ngày. Họ còn có thể giải trí bằng ca hát, nhảy múa và đọc thơ, trái ngược với cách cư xử đầy quy tắc ở tu viện.

Tuy nhiên, sự phổ biến nhanh chóng của cà phê trong đời sống xã hội lại làm bùng nổ những cuộc tranh cãi lớn, viện dẫn cả tôn giáo, pháp luật, đạo đức lối sống. Bởi lẽ, nếu như cà phê chỉ là thức uống thực hành tôn giáo hay trên các chặng đường giao thương, hành giả thì không ảnh hưởng đến trận tự thể chế đương quyền. Nhưng khi cà phê quy tụ thường nhật những con người khao khát truy cầu tri thức và dần hình thành thể loại không gian công cộng mới, không nằm trong sự kiềm tỏa của thế quyền thì lại là một vấn đề không còn giản đơn.

Trong những hành lang cà phê, giới tinh hoa khuyến khích lớp người nghèo tham gia vào các hoạt động nghệ thuật và học thuật, vốn là đặc trưng của tầng lớp thượng lưu. Sự tự do trong suy nghĩ đang ngày càng công khai và người dân đã dũng cảm nói lên chính kiến của bản thân. Dưới cái nhìn của nhà cầm quyền, sự tụ tập đông người và những quan điểm cấp tiến đang manh nha sẽ là mầm mống tạo phản, tiềm ẩn nguy cơ thiết lập lại trật tự xã hội theo hướng bất lợi cho địa vị của họ.

Một số ulema (học giả Hồi giáo ngoan đạo) cũng không chấp nhận việc sử dụng cà phê trong dân chúng, điều này làm bình dân hóa cà phê, mất đi tính thiêng liêng của cà phê trong nghi thức tôn giáo. Đồng thời, cà phê thu hút dân chúng hơn cả nhà thờ, nghĩa là những cuộc thảo luận và giải trí được tiến hành bên ngoài sự giám sát của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Các ulema dựa vào niềm tin tín ngưỡng cản trở việc uống cà phê.

 

Năm 1511, Kha’ir Beg al-Mi’mar, thống đốc của Mecca đã ra lệnh đóng cửa tất cả các quán cà phê và đàn áp những người uống hoặc bán cà phê. Tiếp đó, vào năm 1535 tại Cairo, những người buôn bán cà phê đã bị tấn công bởi các tín đồ phe bảo thủ, những người không công nhận tính hợp pháp của cà phê. Tàn ác và hà khắc nhất chính là bạo chúa Murad IV, ông săn lùng những người uống cà phê và xử tử họ ngay tại chỗ để đảm bảo tiêu diệt mầm mống các tư tưởng chống đối. Mặc dù vậy, Murad IV vẫn luôn sử dụng cà phê trong hoàng cung của ông.

Nhà thần học Sheik Abd-al-Kadir và những đóng góp khẳng định vai trò của cà phê

Phải chịu nhiều ngăn cấm và đàn áp, cà phê đã trải qua một quá trình để khẳng định vị thế của mình trong lòng xã hội. Khởi đầu là sự trỗi dậy một cách liên tục của những tư tưởng và các luận thuyết tôn vinh ý nghĩa cũng như công năng của cà phê. Năm 1587, nhà thần học Sheik Abd-al-Kadir đã cho ra đời tác phẩm “Lập luận ủng hộ quyền sử dụng hợp pháp cà phê” (Umdat al safwa fi fill al-qahwa). Đây được xem là công trình nghiên cứu đầu tiên về cà phê một cách toàn diện từ cơ sở nguồn gốc, bản chất, đặc tính cho đến lịch sử phát triển của cà phê. Mặc dù còn sơ khai, nhưng tác phẩm đã trở thành cơ sở lý luận thuyết phục, giúp xóa đi nghi ngại của những tín đồ Hồi giáo bảo thủ chưa chấp nhận các giá trị mà cà phê mang lại.

Trong một chương đề cập đến cuộc luận chiến lịch sử tại Mecca năm 1511, Sheik Abd-al-Kadir đã trình bày quan điểm bảo vệ giá trị của cà phê và kết thúc với một bộ sưu tập các câu thơ do các học giả xuất sắc nhất thời bấy giờ sáng tác. Điển hình nhất là hai bài thơ đều mang tựa “Ca ngợi cà phê” (In praise coffee) do chính Sheik Abd-al-Kadir viết. Ông nhấn mạnh, nơi cà phê xuất hiện con người sống có mục đích, trở nên cao quý, chân chính và phấn đấu đến sự thông thái hơn. Trong bài thơ có tên “Cà phê bằng hữu” (Coffee Companionship), ông cổ vũ dân chúng “Hãy uống cà phê một cách tự tin, và đừng để ý đến lời nói của kẻ ngu ngốc, kẻ lên án nó mà không có lý do”.

Lập luận ủng hộ quyền sử dụng hợp pháp cà phê trở thành sử liệu nổi tiếng, hiện được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Pháp. Tác phẩm đưa Sheik Abd-al-Kadir trở thành một trong những học giả tiên phong cho những khảo luận, chuyên đề về cà phê. Sau ông, nhiều học giả và nhà khoa học khác đã công bố các công trình nghiên cứu về ích lợi của cà phê. Năm 1671, bác sỹ người Đức – Johannes Faust xuất bản cuốn chuyên luận phân tích về công dụng của cà phê trong y học. Cùng năm, triết gia Philippe Sylvestre Dufour viết cuốn “Cách pha cà phê, trà và sô cô la” đầu tiên bằng tiếng Pháp. Năm 1686, John Ray, một nhà sinh học người Anh đã ca ngợi những phẩm chất của cà phê trong tác phẩm “Thực vật phổ quát” (Universal Botany of Plants). Triết gia Francis Bacon đã viết về cà phê trong tác phẩm “Historia Vitae et Mortis”…

Ngoài ra còn nhiều nhà thực vật, triết gia, nhà khoa học trên khắp châu Âu nghiên cứu chuyên sâu về cà phê như Leonhard Rauwolf, Adam Olearius, Prospero Alpini, Antony Sherley, George Sandys, Thomas Herbert… đã góp phần cởi trói tư duy để nhìn nhận rõ ràng hơn bản chất những gì cà phê mang lại. Từ đấy, cà phê được thừa nhận như năng lượng mới, tham gia tích cực vào sự tiến bộ của các xã hội. Quán cà phê cũng đã trở thành không gian cần thiết để kết nối mọi người từ các xã hội, văn hóa và các nền kinh tế xích lại gần nhau hơn.

Thân mời bạn đọc đón xem loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh https://bit.ly/caphetrietdao

Đón đọc kỳ sau: Cà phê và tiến trình phát triển của triết học.