Cà phê triết đạo kỳ 75: Cà phê và tiến trình phát triển của triết học

08/09/2021
3372

Trong suốt chiều dài lịch sử, cà phê và hàng quán cà phê đã tạo dựng môi trường lý tưởng cho sự hình thành những suy niệm về cuộc sống và thúc đẩy con người khám phá các chân lý toàn diện về cuộc đời.

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… của cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Cà phê – diễn ngôn của sự sống

Triết học khởi sinh khi con người bắt đầu tìm kiếm lời giải đáp có luận chứng về sự sống trong tất cả các biểu hiện của nó, và không ngừng đi tìm chân lý để sống sáng suốt, hạnh phúc. Các trường phái, hệ thống triết học đã được định hình khi các triết gia liên tục trình bày, tranh luận, biện chứng xung quanh các quan điểm lý giải cho các câu hỏi.

Một thuật ngữ quan trọng trong triết học là Logos xuất phát từ chữ “λέγω” của Hy Lạp, dịch nghĩa là “tôi nói”. Logos được sử dụng trong triết học kể từ thời đại của triết gia Heraclite (khoảng 535 – 475 TCN) với khá nhiều nghĩa, có thể hiểu Logos là trí tuệ, sức mạnh sáng tạo, lý tính tối cao, quy luật phổ biến hoặc đơn thuần là lời nói thông thường… Cũng có thể hiểu “tôi nói” – Logos là một dạng biểu đạt của sự thông thái, như lập luận của Heraclite “sự thông thái bao gồm việc nói ra chân lý”.

Các triết gia đã coi ngôn luận – đối thoại là cần thiết cho tiến trình phát triển triết học. Bản thân các triết gia cũng là những người dám nói, dám công khai sử dụng lý trí của mình trong mọi vấn đề. Đồng thời họ cũng luôn biết lắng nghe người khác. Từ thế kỷ 4 trước công nguyên, Socrates – cha đẻ của triết học Hy Lạp cổ đại đã thảo luận về triết học trên đường phố Athens. Trong những cuộc nói chuyện, Socrates chia nhỏ vấn đề thành một hệ thống các câu hỏi liền mạch và những câu trả lời sẽ dần dẫn đến chân lý. Sau ông, các triết gia lừng danh như Plato, Aristotle, Epictetus,… cũng đã khám phá chân lý phổ quát thông qua những cuộc đối thoại biện chứng triệu tập trí tuệ của nhiều người.

Theo chiều kích đó, tính chất hàng quán cà phê đã trở thành nơi chốn để con người nói với nhau, về nhau, cho nhau. Bởi lẽ chỉ ở quán cà phê con người mới đủ tỉnh thức để nói về mình và lắng nghe người khác. Từ sự hội tụ chung quanh cà phê mà con người đã thật sự truy vấn trực diện các vấn đề về thế giới, về vai trò của con người và cách con người nên sống. Thông qua cà phê, con người đã nói về bản thân và tất cả những vọng động đã tạo nên con người.

Thế nên, chẳng phải ngẫu nhiên mà phần lớn các triết gia có ảnh hưởng chủ chốt trong sự ra đời của những trường phái triết học đã luôn xem cà phê là thức uống cần thiết. Triết gia Francis Bacon, người sáng lập chủ nghĩa kinh nghiệm từng viết trong tác phẩm Historia Vitae et Mortis rằng “Cà phê mang lại sức sống, sự thông thái và lòng dũng cảm”. Triết gia Immanuel Kant, người có ảnh hưởng nhất trong triết học phương Tây cận đại, luôn yêu cầu phải có cà phê đúng giờ để tỉnh thức thực hiện các công việc trong ngày. Một trong những nhà sáng lập triết học chính trị hiện đại – Thomas Hobbes thường xuyên tham gia các cuộc thảo luận trong các quán cà phê ở Oxford (Anh), nơi ông bày tỏ sự ủng hộ với các nguyên tắc cơ bản của tư tưởng tự do. Còn phòng làm việc của Søren Kierkegaard – triết gia đầu tiên của thuyết hiện sinh có ít nhất 50 bộ cốc đĩa để tự pha cà phê theo cách riêng của mình,…

Hàng quán cà phê – không gian hội tụ những tâm hồn lớn

Nếu cà phê là thức uống thăng hoa trí tuệ và là năng lượng thúc đẩy các triết gia khao khát truy cầu chân lý, thì hàng quán cà phê đã cung ứng không gian lý tưởng để hình thành các hệ thống tri thức lý luận, đóng vai trò quan trọng trong sự ra đời các trường phái triết học lớn.

Thế kỷ 17 – 18, thời kỳ rực rỡ của phong trào khai sáng, hàng quán cà phê là nơi hội tụ thường xuyên của các triết gia, bậc văn nhân, học giả tham gia đàm luận khai mở những luồng tư tưởng mới. Tại Pháp, quán Café Procope là nơi những nhà triết học vĩ đại như Denis Diderot, Voltaire, Montesquieu, Le Rond d’Alembert, Jean-Jacques Rousseau… thảo luận tìm đường cải thiện thế giới bằng sức mạnh tri thức. Café Procope cũng là nơi các triết gia khai sáng soạn thảo cuốn Encyclopédie nổi tiếng, tổng hợp kiến thức của thời đại nhằm thay đổi cách tư duy của con người. Vang danh trong lịch sử triết học còn có quán Café de la Régence, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Karl Marx và Friedrich Engels vào tháng 8 năm 1844. Hai người đã tìm thấy sự đồng nhất về tư tưởng, quan điểm trong mọi vấn đề lý luận và thực tiễn, từ đó cộng tác theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học.

Đến thế kỷ 20, một thời kỳ sôi động với những cuộc phiêu lưu lớn của tinh thần. Trong những bứt phá quan trọng của triết học thế kỷ 20 là sự ra đời của chủ nghĩa thực chứng logic, triết học ngôn ngữ và thuyết hiện sinh. Đây là các trường phái triết học được khởi xướng từ những tham luận học thuật tại quán cà phê, mà điển hình là từ nhóm Vienna Circle và nhóm Berlin Circle.

Vienna Circle là nhóm các nhà triết học và khoa học tìm cách tái nhận thức triết học một cách khoa học với các phương tiện logic hiện đại. Nhóm tổ chức thảo luận hàng tuần tại các quán cà phê ở Áo như Café Reichsrat, Café Central, Café Arkaden, Café Josephinum… Các vấn đề đưa ra tranh luận được đóng góp ý kiến và hoàn thiện thành các học thuyết triết học mới. Nổi bật trong đó, triết gia Moritz Schlick sáng lập trường phái triết học thực chứng logic, Ludwig Wittgenstein khám phá các khái niệm về bản chất ngôn ngữ và nhận thức luận, đặt nền móng cho bước chuyển biến của triết học ngôn ngữ.

Tính chất hoạt động tương đồng với Vienna Circle, nhóm Berlin Circle được thành lập vào năm 1926 ở Đức đặt trọng tâm vào mục tiêu khám phá các vấn đề triết học trong từng lĩnh vực cụ thể. Berlin Circle gọi triết học của mình là chủ nghĩa kinh nghiệm logic, để phân biệt chủ nghĩa thực chứng logic của Vienna Circle. Các thành viên Berlin Circle gặp nhau tại Café Dobrin ở Đức và một số quán cà phê ở Vienna. Nhóm đã đóng góp nhiều thành tựu trong toán học, vật lý, khoa học tự nhiên, đặc biệt là lý thuyết xác suất, logic toán học và thuyết tương đối.

Từ nửa sau thế kỷ 20 là bước phát triển của chủ nghĩa hiện sinh, tập trung phân tích ý nghĩa sự tồn tại của mỗi người thông qua cách sống, sự dấn thân và trách nhiệm cá nhân. Tiên khởi cho phong trào hiện sinh là Søren Kierkegaard – một triết gia uống cà phê như nghi thức sống, sau đó bùng nổ mạnh mẽ ở châu Âu. Nhiều nhà hiện sinh cho rằng triết học hàn lâm quá trừu tượng và tách biệt với trải nghiệm cụ thể của con người, và họ chọn hàng quán cà phê làm nơi suy niệm, luận bàn và viết. Quán Café de Flore được xem như trụ sở làm việc của Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir. Ngoài ra còn có quán Les Deux Magots, La Closerie des Lilas cũng là điểm tập trung của các nhà triết học hiện sinh.

Triết học đang phát triển dựa trên đại đối thoại liên văn hóa với tinh thần cởi mở và tương kính. Trong tiến trình này, loại hình quán cà phê triết luận khởi động tại Pháp từ cuối thế kỷ 20 đã phổ biến khắp thế giới với những cái tên như Café philosophique, Café-philo, Socrates Café,… đưa triết học xuống đường như phương pháp Socrates để giúp con người thấu suốt trên đường tìm kiếm ý nghĩa của sự sống. Những cật vấn trong quán cà phê là hình ảnh của những câu chuyện triết học từ thời sơ khởi với luận điểm “con người hãy tự nhận thức chính mình” của Socrate, đi qua giai đoạn bừng tỉnh của thế kỷ khai sáng đến các biến động trong triết học đương đại để làm sáng tỏ đến tận cùng các câu hỏi về vũ trụ và nhân sinh.

Có thể nói, bản chất việc gặp gỡ ở quán cà phê để hàn huyên chính là một biểu hiện của “văn minh đối thoại”, thông diễn ở mức cao nhất triết lý sống của mỗi người. Hay nói cách khác, hàng quán cà phê là không gian mà ở đấy bản thân con người được hoàn thiện triết lý sống bằng khả năng đối thoại với chính mình và đối thoại với người khác, làm gia tăng ý nghĩa của tồn tại con người để không chỉ sống mà là sống chân – thiện – mỹ.

Thân mời bạn đọc đón xem loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh https://bit.ly/caphetrietdao

Đón đọc kỳ sau: Søren Kierkegaard – triết học bên tách cà phê