Kỳ 5: Con người cà phê
Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là còn là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…của cà phê trong mọi lĩnh vực của đời sống để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo ”.
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!
“Homo Coffea” (Con Người Cà Phê), phát triển đồng thời với thế kỷ Khai Sáng ở Tây Âu, đã biểu trưng cho sự đổi đời, đoạn tuyệt với quá khứ và thẳng tiến đến tương lai. Trong chiều hướng ấy, cà phê trở thành thức uống “tối thượng” của nền kinh tế tư bản ngay từ lúc mới manh nha. Khẳng định trên sáng tỏ khi tiếp cận vấn đề từ việc trả lời câu hỏi, thoạt tiên ngỡ là ngây ngô: trước khi có cà phê, Tây Âu uống gì trong buổi ăn sáng để bắt đầu ngày lao động?
Biết đến từ thời cổ đại ở Trung Đông, tôn vinh như thức uống của thần linh ở Ai Cập, lan truyền rộng rãi sang Tây Âu kể từ những năm đầu của thời Trung Cổ, được khởi sự sản xuất đại trà từ cuối thế kỷ thứ VI, bia – cùng với bánh mì (trước khi khoai tây được du nhập từ Trung Mỹ) – là hai thể loại ẩm thực phổ cập ở các xã hội Tây Âu, từ thế kỷ thứ VII: buổi sáng bắt đầu bằng bia trắng trộn với lòng đỏ trứng gà ăn như súp với bánh mì đen, buổi trưa thì bia vàng và buổi tối là bia nâu. Trung bình, mỗi người dân Tây Âu, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVII, tính theo đầu người, nghĩa là bao gồm cả phụ nữ và thiếu nhi, tiêu thụ không dưới ba lít bia mỗi ngày, bởi lẽ bia được cho là có công dụng chống nhiều bệnh dịch chết người, lại dễ sản xuất, chế biến ít tốn kém hơn rượu và thêm nữa là có thể dùng nhiều mà không vi phạm các giới luật chay tịnh và kiêng cữ của Nhà Thờ Công Giáo thời ấy!
Trong bối cảnh đó, không ngẫu nhiên khi thời Trung Cổ của Tây Âu đã mang hình ảnh “hơn 10 thế kỷ của đêm dài mộng mị” và cũng chẳng vô cớ mà tầng lớp tư bản phôi thai đã hiển dương cà phê, được du nhập từ Trung Đông vào giữa thế kỷ XVII, như thức uống của “nhân văn thời đại” và đả kích việc lạm dụng bia như sự “tàn hại nhân cách”.
Nói cách khác, ngay từ khởi đầu, cà phê, đối với Tây Âu, đã hiện hình là một thức uống nặng tính ý thức hệ: tích luỹ và phát triển tư bản cần một lực lượng lao động có hiệu năng, mà bản thân bia, lẫn rượu, không thể đáp ứng được đòi hỏi trên trong khi cà phê lại hoàn toàn thích hợp cho việc phát huy sự sáng tạo của trí năng lẫn nhịp độ của lao động. Chính vì vậy, tư bản khởi nguyên cần đến cà phê như thức uống để thăng hoa trí tuệ và sức lao động lẫn tính kỷ luật của con người.
* Đón đọc kỳ sau: Xã hội cà phê