Cuộc sống bí ẩn của Đặng Lê Nguyên Vũ
Lần này gặp lại, tôi cảm nhận sâu sắc nỗi cô đơn và cuộc sống kỳ dị của Đặng Lê Nguyên Vũ – người được mệnh danh và “vua” cà phê Việt. Còn Vũ cứ dặn đi dặn lại trước khi chia tay “cần gì cứ hỏi nhé, cái gì Qua cũng biết”, “lên đây chơi Qua vui lắm”…
Cuối tháng 4, có vấn đề liên quan đến công việc cần tư vấn, tôi nhắn tin cho Đặng Lê Nguyên Vũ mong gặp anh ở TP.HCM. Vũ lập tức đồng ý nhưng yêu cầu tôi lên M’Drắk. Nhưng sắp xếp mãi, cũng phải đến cuối tháng 5 tôi mới có thời gian trở lại trang trại của anh. Lần này gặp lại, tôi cảm nhận sâu sắc nỗi cô đơn và cuộc sống kỳ dị của Đặng Lê Nguyên Vũ – người được mệnh danh và “vua” cà phê Việt. Còn Vũ cứ dặn đi dặn lại trước khi chia tay “cần gì cứ hỏi nhé, cái gì Qua cũng biết”, “lên đây chơi Qua vui lắm”…
Trở lại M’Drắk
Chúng tôi có mặt ở trang trại của Vũ khoảng lúc 15 giờ 30. Thời điểm đó, TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước đang nắng như đổ lửa nhưng Đắk Lắk mát mẻ lạ thường. Vừa kịp uống ly nước sau hành trình gần 6 giờ đồng hồ thì nhân viên của Vũ nhắn: “Chủ tịch đẩy cuộc hẹn lên sớm hơn nên chúng ta tranh thủ ăn tối, chủ tịch sẽ tiếp chị ở nhà hang”.
Từ “Nhà trên đồi”, nơi chúng tôi ở, đến chỗ Đặng Lê Nguyên Vũ khoảng 2,5 km. Hơn 3 năm trước khi lên gặp Vũ, tôi đã đi cung đường này nhưng khi đó trời tối mịt mù nên không nhìn thấy gì. Lần này thì khác, Đắc Lắk những ngày tháng 5 tối muộn, gần 6 giờ vẫn sáng rõ mặt người. Tôi mở kính xe, hứng gió nơi núi rừng Tây nguyên mát rượi, lòng thư thái.
Trang trại của Vũ xanh mướt cây cối. Anh Sơn, tổng quản ở đây, cũng là người chở chúng tôi đi gặp Vũ, bảo trước khu vực này là đồi trọc, mưa thì xói, nắng thì đất cứng ngắc, không cây gì mọc nổi. Vũ yêu cầu bằng mọi cách phải trồng lại rừng. “Tôi dùng đường đồng mức giữ nước mưa đầu mùa ở các bậc thang này, bù hữu cơ cho đất bạc, cứ làm dần dần bao năm, giờ mới được như vậy” – anh Sơn chỉ tay vào những vạt cây giải thích.
Lối vào khu vực Vũ ở phải qua một cánh cổng màu xám không quá lớn, đã mở sẵn. Nhưng lọt vào bên trong, không gian mở bung với những con đường nội khu thảm đầy lá rụng. Rải rác những chiếc xe hơi đủ loại nằm im lìm dưới các tán cây… trông vừa bí ẩn, vừa thân thuộc. Trên thân những chiếc xe đều in 2 chữ UN mà sau Vũ giải thích, đó là viết tắt của chữ Liên Hiệp Quốc. “Việt Nam được trời chọn làm dân tộc lãnh đạo nên chúng ta phải biết sử dụng Liên Hiệp Quốc”.
Chúng tôi được hướng dẫn đi bộ tới một cổng chào nằm ở phía tay phải lối vào. Sau khung cổng có bậc thang đi xuống mà nhìn từ xa tôi nhận ngay ra hồ nước trước cửa nhà hang tôi đã từng tới. Đó là một hồ nước không quá lớn, trông có vẻ không sâu, xung quanh được kè bằng đá lô nhô. Cắt ngang mặt hồ là con đường hình chữ L dẫn tới cánh cửa tròn đen đóng im ỉm nổi bật trên màu bạc đặc trưng của đá. Ở góc nhìn này, nhà hang được khoét âm vào một tảng đá lớn chứ không phải âm vào lòng đồi như tôi tưởng.
“Không biết hòn đá này là tự nhiên hay được mang về đây” – tôi thầm nghĩ và phóng mắt nhìn xung quanh, không một bóng người. Đến lúc này tôi mới giật mình nhận ra, từ lúc có mặt ở trang trại của Vũ, ngoài những người có phận sự tiếp chúng tôi, tôi chưa gặp bất cứ một ai dù vẫn có khoảng hơn 100 người đang làm việc ở nơi này. Chỉ có gió, đá, cây cối và tiếng của núi rừng thoảng vọng.
“Chủ tịch tiếp chị ở nhà hang mới”, cô nhân viên cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi và chỉ tay lên con dốc thoai thoải kế bên. Lúc này, trời bắt đầu tối, những ánh đèn hắt sáng từ lùm cây khiến cho khung cảnh mang một vẻ đẹp ma mị, hoang dã. Tôi đứng dưới chân dốc nhìn lên phía nhà hang mới. Khu vực này được xây dựng hoàn toàn bằng đá: Đá lát đường, đá đẽo thành các bậc thang, đá xây tường, đá chen lẫn cây cỏ, hoa lá… Nhà hang mới nằm trên mỏm đồi, nhìn xuống nhà hang cũ. Cả hai đều bằng đá, vừa hoài cổ, vừa bí ẩn.
Gặp gỡ ở nhà hang mới
Nhà hang mới khá hiện đại với khung cửa được đóng bằng gỗ màu đen, bên trong là kính. Hai chiếc đèn bão treo hai bên mái hiên hắt ra ánh sáng vàng mờ ảo. Trước hiên dựng cây gậy gỗ nhỏ Vũ dùng mỗi khi đi dạo. Hôm sau, khi qua thăm khu nhà Đặng Lê Nguyên Vũ ở trước khi dọn qua đây, tôi cũng gặp cây gậy gỗ dựng lặng lẽ bên trái hiên. Cô đơn như chủ nhân của nó. Nghe nói, từ hồi dọn về nhà hang mấy năm nay, Vũ chưa trở lại nơi này. Hằng ngày, vẫn có người dọn dẹp, cửa vẫn khép hờ, đồ đạc vẫn giữ y nguyên…, chỉ có chủ nhân thì đã đi rồi. Đã khác rồi.
Tôi bỏ dép ở ngoài, bước vào bên trong và nhận ngay ra những khác biệt của nhà hang mới. Nền nhà trải thảm thay vì cát như nhà hang cũ; bộ sofa gỗ có nệm ngồi êm ái thay bộ bàn đá; trần nhà cũng bằng gỗ màu đen, gắn những chiếc đèn tròn đánh ánh sáng theo dụng ý của chủ nhân… Ngoài ra, mọi vật dụng đều được làm bằng đá: Một chiếc ghế đẽo hoàn toàn từ đá, bồn rửa mặt bằng đá, tường đá, nền đá… Đặng Lê Nguyên Vũ đã ngồi chờ sẵn và ngay lập tức lên tiếng khi thấy chúng tôi. Vũ vẫn thế, không để trống bất cứ phút nào, thậm chí không đợi khách chào hỏi rào đầu. Anh vào chuyện ngay lập tức…
Nhưng tôi thì chưa kịp bắt nhịp… Đã gần 4 năm tôi không gặp Đặng Lê Nguyên Vũ. Anh khoanh chân, kiểu ngồi thiền, lọt thỏm trong chiếc ghế, trông có vẻ ốm và đen hơn (cũng có thể là do ánh đèn vì sau này xem lại ảnh, ở một số góc chụp, thần sắc anh hoàn toàn khác). Vũ mặc bộ quần áo trắng, cổ quấn khăn rằn, trước mặt là chiếc khay nhỏ đựng hộp quẹt, một cái chén nhỏ dùng để gạt tàn thuốc từ điếu xì gà luôn gắn chặt trên tay, ly cà phê đặc quánh…
Đấy là hình ảnh quen thuộc của Đặng Lê Nguyên Vũ từ khi rút về cuộc sống bí ẩn ở M’Drắk để nhận các thông điệp của trời, như anh tuyên bố. Lúc đó khoảng hơn 18 giờ, giờ mỗi gia đình sum họp bên bữa cơm chiều sau một ngày tản đi học hành, làm việc. Tôi chợt nhớ về bữa cơm chiều hơn chục năm trước khi tôi lên thăm Vũ. Anh đợi tôi cùng mấy người bạn của mình. Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện. Hôm sau tôi lại cùng anh ăn sáng, cà phê, nghe anh nói chuyện về khát vọng một nước Việt Nam hùng cường. Toàn bộ thời gian tôi ở trang trại là nghe anh nói chuyện, đến tận lúc rời đi. Còn giờ thì…
Và tôi bất chợt nhận ra, mối quan hệ của chúng tôi cũng đã trở nên kỳ dị. Tôi vẫn giữ liên lạc với Đặng Lê Nguyên Vũ qua tin nhắn, anh luôn trả lời đầy đủ. Khi tôi muốn, Vũ sẵn sàng gặp. Nếu tôi cần tư vấn, anh luôn có mặt. Nhưng bất chấp tất cả những điều đó, kể cả khi tôi vượt mấy trăm km tới nơi Vũ ở; kể cả chúng tôi vừa may mắn bình an sau mấy năm đại dịch thế kỷ hoành hành cướp đi bao sinh mệnh của con người… thì tôi dường như không bao giờ có thể ăn với anh một bữa cơm được nữa. Vũ nắm hành trình của tôi, anh biết tôi có mặt ở trang trại vào giờ nào, anh tính toán thời gian tôi nghỉ ngơi, ăn uống và ấn định thời điểm gặp gỡ. Sau cuộc gặp, dù tôi còn ở trang trại thì cũng mỗi người mỗi ngả. Vũ ở trong nhà hang, tôi ở “Nhà trên đồi”. Khu vực nào Vũ đi dạo thì tôi sẽ được chở đi thăm các khu vực khác. Anh vẫn dõi theo hành trình của tôi những ngày ở đây nhưng hai bên tuyệt nhiên không còn liên lạc chứ đừng nói đến gặp mặt. Chúng tôi vừa thân thiết, vừa xa lạ. Tưởng như tri kỷ, lại xa cách ngàn trùng.
Cuộc sống không tivi, không wifi, không giao tiếp
Cả trang trại của Vũ không sử dụng ti vi, không có wifi…, điều đó khiến cho người ta cảm giác tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Những thứ tôi được thết đãi mấy ngày ở đây như khoai lang luộc, thạch lá dứa, mít, cháo gà, thịt heo, các loại rau… đều tự trồng, tự chế biến. Lâu nay ở trang trại, mọi cái cũng tự sản tự tiêu và được nuôi trồng hoàn toàn tự nhiên.
Vũ sống trong nhà hang, gần như không giao tiếp với bất cứ ai. Hơn 3 giờ ngồi nói chuyện với chúng tôi, anh không thay đổi tư thế, không đứng lên lần nào, không sử dụng điện thoại, không có ai ra vào phục vụ… thậm chí không cả uống nước. Đến khi khát quá, tôi tự đi quanh nhà hang tìm nước uống và lấy cho anh một chai. Vũ bảo, có khi cả tháng anh không nói câu nào. Có khi vài tháng anh không rời khỏi trang trại. Ngay cả khi có việc phải về TP.HCM, anh cũng không tới trụ sở tập đoàn ở đường Bùi Thị Xuân, nơi trước kia anh vẫn thường ngồi.
“Qua không bao giờ họp hành. Lâu lắm nếu cần, Qua triệu tập mọi người, nói khoảng 1 giờ rồi Qua đi. Qua nói ý này thì Qua bảo đọc cái này. Đọc rồi chuẩn bị cho kỹ đi. Qua chuẩn bị hết rồi, từng yếu tố A, B, C… giống như cẩm nang ấy mà. Chịu khó đọc thì nó nhẹ, không thì nó phiền. Giờ các em cũng hiểu ý. Thế nên nó đỡ cho Qua (trong điều hành công việc – NV), chứ không Qua đâu có yên mà ngồi như thế này”- Vũ nói.
Mỗi khi cần truyền đạt hay triển khai cái gì, Vũ sẽ nhắn đi một tin cho tổ trưởng tổ trợ lý. Người này sẽ phân bổ các đầu việc đó đến các bộ phận có trách nhiệm. “Nếu có con số lệch lạc thì Qua nói các em phải tự giải quyết, thống nhất với nhau vì chỉ có nô lệ mới đi chăn dắt. Qua muốn các em tự do. Tung cánh hết đi, thỏa mãn hết đi. Để nữ thì nữ kiệt, nam thì anh hùng. Tự giải quyết với nhau, vặt vãnh mà lên tới Qua là không được. Qua không cho phép” – Vũ nhẫn nại giải thích thắc mắc nhiều lần của tôi về việc anh điều hành công ty như thế nào khi suốt ngày suốt đêm bận rộn thông linh với đất trời ở nhà hang.
Vũ bảo, mỗi ngày anh chỉ dành 5 phút cho việc của Trung Nguyên. Thời gian chủ yếu của anh là ở nhà hang để nhận chỉ dạy của trời, để thiền. Tất nhiên là một mình. “Nguyên Hằng hình dung đi, gần 10 năm một mình Qua ở trong này. Qua cần gì thì qua viết ra, sẽ có một cô phục vụ bưng vô, lặng lẽ vào, lặng lẽ ra. Không cần chào hỏi. Qua né hết” – Vũ giải thích về chuyện mở rộng nhà hang mới, liên thông với nhà hang cũ.
Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn nói liên tục từ lúc chúng tôi bước vào. Nhưng điều đó không đủ xua đi nỗi cô đơn đã đặc quánh bầu không khí trong nhà hang. Còn tôi thì vẫn loanh quanh tự hỏi, không biết Vũ đã ăn cơm chiều nay hay chưa?.
-Mỗi ngày chỉ dành 5 phút cho công việc, lại không họp hành, không gặp gỡ, không đến công ty, anh điều hành dựa trên cái gì?
*Dưới thì về mặt đạo đức thuần túy, hai là về mặt tổ chức trong tập thể, cao nhất là Qua biết. Luật nhân – quả không bao giờ chừa một ai. Nó ngán Qua vì cái gì Qua cũng biết. Giống như người phàm của các người chị em. Qua biết hết chuyện của Hằng nhưng Qua không bao giờ Qua nói. Hỏi thì Qua nói, không bao giờ Qua can thiệp. Qua thấy Qua nói để điều chỉnh theo hướng tốt.
-Nghĩa là họ sợ anh hay anh tin họ?
*Phải tin chứ, phải tin các em ấy chứ. Đương nhiên Qua nói rồi, Qua tin các em, nếu sau này không đúng thì các em phải chịu trách nhiệm.
Nguồn: Báo Thanh Niên