Đại văn hào Honoré de Balzac ‘Khi tôi uống cà phê, các ý tưởng xuất hiện’

07/12/2019
5237

Trên tiến trình sáng tạo tương lai, cà phê đóng vai trò là dưỡng chất của tinh thần, tâm thế, tâm thức và là tác nhân thăng hoa cuộc sống của chính bản thân con người. Một trong những điển hình là đại văn hào Honoré de Balzac.

"Khi tôi uống cà phê, các ý tưởng xuất hiện" - Đại văn hào Honoré de Balzac

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…của cà phê trong mọi lĩnh vực của đời sống để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo ”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

“Tôi sẽ trở thành một nhà văn vĩ đại”

Honoré de Balzac sinh năm 1799 – năm Cách mạng Pháp chiến thắng, giới tri thức đương thời ý thức sâu sắc hơn về khát vọng đổi mới, không chỉ của cá nhân hay một lĩnh vực, mà là cải biến tổng thể xã hội để tạo lập một thời đại nhân tính, lý tính, tự do. Trưởng thành giữa thời thế vận động sáng tạo liên tục, Balzac sớm có tâm thế và ước muốn trở thành người xoay chuyển thế sự.

Balzac không phải là thiên tài bẩm sinh. Từ nhỏ đã sống xa gia đình và nhầm tưởng rằng mình bị bỏ rơi. Balzac cố chống chọi cảm giác đơn độc bằng cách đọc sách điên cuồng, đọc mọi tác phẩm tôn giáo, lịch sử, văn học, triết học, vật lý… mà mình có. Càng đọc, Honoré de Balzac càng suy nghĩ nhiều hơn về sứ mệnh đời người, về vai trò của con người đối với xã hội, đối với thế giới và đối với vũ trụ. Nói cách khác, toàn bộ nhân sinh quan đều thay đổi. Từ trong tâm thức, Balzac khao khát tái tạo một xã hội hoàn chỉnh ở đủ mọi góc cạnh mà ông ví như “công trình kiến trúc của vũ trụ”. Một “vũ trụ” được chính ông sáng tạo nên.

Đâu đó trong những cuốn sách, Honoré de Balzac bắt lấy những nhân cách điển hình, hệ thống các dữ liệu không gian, thời gian liên kết thành mạch truyện. Ông viết ra tất cả ý tưởng của mình và nuôi ước mơ “Tôi sẽ trở thành một nhà văn vĩ đại, nổi tiếng và được yêu thương”.

Thế nhưng, khi Honoré de Balzac bày tỏ tâm nguyện của mình, ông đã bị chê cười. Thầy cô, bạn bè không tin ông có thể tạo nên tiền đồ. Gia đình ngăn cản vì muốn ông học ngành Luật để kế thừa sản nghiệp gia đình. Chịu đả kích quá lớn, Balzac kìm nén tổn thương và chấp nhận học ngành Luật theo ý nguyện của cha mẹ.

Sống cuộc đời mình không mong muốn, Honoré de Balzac lại cố tìm kiếm câu trả lời về sứ mạng của mỗi con người. Không thể sống như một cổ máy, ở tuổi 21, Honoré de Balzac quyết định từ bỏ ngành Luật để thực hiện khát vọng trở thành “một nhà văn vĩ đại”. Đó là giai đoạn vô cùng khó khăn trong cuộc đời Balzac, không ai khích lệ, bị gia đình bỏ mặc với cuộc sống nghèo nàn trên căn gác xép giữa thủ đô Paris.

Ngược với suy nghĩ của gia đình rằng ông thấy khó khăn mà từ bỏ, Honoré de Balzac cảm thấy hạnh phúc khi được sống cùng đam mê của mình, tiếp tục xây dựng vũ trụ mà ông hằng ao ước. Trong một bức thư gửi cho em gái, Honoré de Balzac viết rằng: “Anh đã nhìn thấy rõ định mệnh của anh. Định mệnh chỉ có thể đạt được sau khi vượt qua những trở ngại khó khăn nhất bằng sự mạnh mẽ của chính mình. Anh sẽ tạo nên kỷ nguyên của anh”.

Những năm tháng đó, Honoré de Balzac thường đến các hàng quán cà phê – nơi diễn ra những buổi hội đàm văn học, đắm mình trong hơi thở thời đại, quan sát diễn biến xã hội đương thời thông qua những cuộc bình luận bên trong quán cà phê. Chiêm nghiệm, suy tư và sáng tạo nên những câu chuyện bất tận.

Honoré de Balzac giữ cho sức sáng tạo liên tục không ngừng và sự tỉnh táo thăng hoa bằng những ly cà phê được pha chế theo phong cách Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc sống của ông dường như chỉ bao quanh ngôn ngữ văn học, sách và cà phê. Balzac uống tới 50 tách cà phê mỗi ngày. Trong tiểu luận “The Pleasures and Pains of Coffee”, đại văn hào người Pháp viết rằng ông không thể sống nổi nếu thiếu cà phê. Balzac khẳng định, cà phê là nguồn năng lượng sáng tạo đầy huyền thoại, thưởng thức cà phê là một điều cần thiết tuyệt đối để trí tưởng tượng tạo ra những điều kỳ diệu: “Khi tôi uống cà phê, các ý tưởng xuất hiện như đi diễu hành trong quân đội”.

“Không có tài năng vĩ đại nào thiếu đi được ý chí mạnh mẽ”

Honoré de Balzac bước vào văn đàn với trái tim đầy nhiệt huyết. Thế nhưng, cuộc sống liên tiếp giáng xuống những thách thức phũ phàng. Các tác phẩm đầu tiên không được đánh giá cao, không đủ tiền trang trải cho nhu cầu tối thiểu nhất. Để có thể tồn tại, Balzac vay tiền mở nhà in, xuất bản sách, phát hành báo chí… Dù vô cùng nỗ lực nhưng sau 3 năm, ông phá sản, nợ nần không thể chi trả.

Tận sâu dưới bi kịch đã bộc phát tất cả sức mạnh ý chí và năng lực tiềm ẩn trong Balzac. Ông hoàn toàn tập trung năng lượng sáng tạo cho văn học và viết không ngừng nghỉ. Honoré de Balzac như trở thành con người khác, đầy năng lượng và làm việc trong trạng thái xuất thần khiến người khác phải kinh ngạc.

Thời điểm này, tiểu thuyết lịch sử và trào lưu lãng mạn đang phát triển, Balzac tìm cho mình một phong cách khác biệt. Ông phản chiếu hiện thực vào trong tiểu thuyết theo con đường tái tạo dựa trên những điển hình của xã hội. Tác phẩm của ông mô tả các hoạt động của xã hội, nhưng không đơn thuần là dòng chảy lịch sử mà hiển thị đến tận cùng nguyên do của mọi tình huống, hình thái, động lực thúc đẩy sự chuyển hóa nhân cách và ước vọng của thời đại. Có thể nói là văn – sử – triết hòa hợp.

Dưới ngòi bút sáng tạo, hàng loạt các tác phẩm như Vinh quang và bất hạnh (1829), Miếng da lừa (1830-1831), Kiệt tác vô danh (1831), Eugénie Grandet (1833), Lão Goriot (1835)… ra đời đưa Balzac trở thành nhà văn hiện thực Pháp lớn nhất nửa đầu thế kỷ 19, danh tiếng vang khắp thế giới.

“Công trình kiến trúc của vũ trụ” mà ông khao khát được kết tinh trong bộ Tấn trò đời (La Comédie Humaine) – tác phẩm được đánh giá là biên niên sử nước Pháp đầu thế kỷ 19. Bao trùm bộ Tấn trò đời là những thái cực thiện – ác, đời sống tâm linh, thế giới tâm hồn và tư duy khoa học hài hòa giao thoa nhau, làm rõ sự thay đổi của con người trong sự vận động xã hội.

Vũ trụ trong Tấn trò đời, không chỉ là 2.209 nhân vật liên kết chặt chẽ mà còn là vũ trụ trong mỗi người. Với Balzac, sức mạnh tinh thần kỳ diệu của con người là một bí mật của vũ trụ cần được khai phá đến tận cùng. Tác phẩm của Balzac được trân trọng như mặt gương cho con người soi rọi, khám phá thiện ác trong nhân cách, từ đó thiện hóa bản thân để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Chính vì thế, Tấn trò đời được vinh danh là thiên hà văn học độc đáo, có giá trị rất lớn đối với kho tàng văn học nhân loại.

Không phải ngẫu nhiên mà cà phê và hàng quán cà phê tại Pháp vào thế kỷ 18 và nửa đầu thế kỷ 19 gắn liền với vai trò “Thức tỉnh nhân tình”. Thưởng lãm cà phê và chiêm nghiệm để hiểu thêm được ý nghĩa cuộc sống con người và đời sống xã hội. Từ việc nhìn nhận thực tại với mục đích siêu vượt chính nó, lại nhìn thấu ước vọng bản thân. Rốt cuộc, cà phê không chỉ đơn thuần là thức uống mà chủ yếu là dưỡng chất của tinh thần, của tâm thế và cả của tâm thức. Con người cần ở cà phê như tác nhân mang đến cảm thức về khả năng thăng hoa cuộc sống của chính bản thân mình.

* Đón đọc kỳ sau: Triết gia Jean - Jacques Rousseau và khát vọng xã hội “người được là Người”