Gặp Đặng Lê Nguyên Vũ ở Sài Gòn
Đó là một sáng cuối năm 2024, nhân viên của Đặng Lê Nguyên Vũ gọi cho tôi nói Chủ tịch Vũ đang ở TP.HCM, hỏi tôi có rảnh không. Tất nhiên là tôi tới ngay.
Từ sau lần xuất hiện đầu tiên sau hơn 5 năm ở ẩn tại trụ sở Trung Nguyên trên đường Bùi Thị Xuân (quận 1. TP.HCM) năm 2018, tôi chưa gặp Đặng Lê Nguyên Vũ ở Sài Gòn thêm lần nào. Những cuộc gặp sau đó, đều tại trang trại của Vũ ở M’Drăk (Đắk Lắk). Có lần tôi ngỏ ý muốn gặp anh tại TP.HCM nhưng anh bảo, không gian tĩnh lặng ở núi rừng Tây nguyên mới là nơi sẻ chia. Thế nên, cuộc gặp lần này không chỉ bất ngờ mà còn mang rất nhiều xúc cảm hoài niệm, tất nhiên là với cá nhân tôi, chứ Vũ thì…
Người xưa, chốn mới
Tôi tới sớm gần 30 phút, nên cuộc hẹn được đẩy lên. Vũ như thường lệ, đã ngồi sẵn từ lúc nào, ở M’Đrắk cũng thế và ở TP.HCM cũng thế. Tư thế thiền, nụ cười hiền, quần áo trắng, khăn rằn quấn hờ trên cổ, giọng nhẹ bỗng… Mọi cái quen đến độ, khi viết những dòng chữ này, tôi vẫn thấy như nghe tiếng anh văng vẳng “ngồi đi, ngồi đi” mỗi khi thấy tôi, vẫn rõ mồn một cái dáng vẻ khi cao hứng, khi trầm buồn… của Vũ.
Đó là một quán cà phê Trung Nguyên Legend ở trung tâm quận 1, không có phòng riêng nhưng cả tầng 2 sáng đó là dành riêng cho cuộc nói chuyện kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ của chúng tôi. Chỗ Vũ ngồi, xuyên qua những ô cửa kính được lau chùi kỹ lưỡng và chiếc rèm buông hờ nhìn thẳng ra công viên xanh mướt. Nó làm tôi nhớ đến những “tầng 2” ở quán cà phê Trung Nguyên trên đường Nguyễn Văn Chiêm và Đồng Khởi mà Đặng Lê Nguyên Vũ dành riêng cho các cuộc gặp gỡ với bạn bè trí thức thân thiết thời chưa ở ẩn trên núi. Đó là những “thư phòng” rộng rãi, được thiết kế riêng với cà phê, nhạc, tranh, sách… Tất cả các không gian “bên trên tầng lầu” đó, tôi đã từng tới một vài lần, dù không nằm trong danh sách bạn bè trí thức của anh.
Hồi đó, Đặng Lê Nguyên Vũ với tôi như một người anh, mỗi khi đọc một bài báo tôi viết “được”, Vũ gọi điện rủ qua chơi, có khi thì khích lệ, có khi thì góp ý… Tôi cũng thế, mỗi khi muốn phỏng vấn hay cần ý kiến của anh, lại chạy qua tận nơi. Khi tại trụ sở Trung Nguyên ở đường Bùi Thị Xuân, khi thì tầng 2 các quán cà phê Trung Nguyên, tùy anh đang ở đâu. Thời ấy – gần 2 thập kỷ trước internet chưa phát triển như bây giờ, và nguyên tắc cố hữu của tôi khi làm việc là phải gặp trực tiếp (giữ đến tận bây giờ). Có khi chỉ hỏi một ý kiến, có khi chỉ thỉnh giáo một vấn đề chưa rõ… cũng phải tới tận nơi, thậm chí sẵn sàng bay cả chặng dài. Tính ra chi phí đi lại, còn cao gấp nhiều lần nhuận bút. Nhưng cũng nhờ sự chấp niệm đó, tôi có cơ hội gặp gỡ và thân thiết với nhiều chuyên gia, doanh nhân, bạn đọc… duy trì mối quan hệ cho tới tận sau này.
Đặng Lê Nguyên Vũ cũng là trường hợp như vậy. Còn nhớ lần đầu tiên anh rủ tôi lên trang trại ở M’Đrắk khoảng gần 20 năm trước, tôi đồng ý ngay mà chẳng hỏi lên làm gì, ở đó như thế nào, có những ai. Với tôi lúc đó mọi cái đều đơn giản, cứ gặp là ra vấn đề. Nên đúng nghĩa là “huýt sáo lên đường”. Và cũng vì thế, tôi không lường được kịch bản, sau bữa tối với Đặng Lê Nguyên Vũ, tôi được nhân viên của anh chở đến nghỉ đêm ở cái lán rộng mênh mông giữa núi rừng Tây nguyên đen đặc, hun hút gió, chỉ có tiếng côn trùng hoang hoải, âm u… Sợ đến tê liệt. Sau này trang trại của Đặng Lê Nguyên Vũ đã xây dựng khu “Nhà trên đồi” khang trang, đầy đủ cho khách. Mỗi lần lên, tôi được sắp xếp ở đó. Nhưng cũng sau này tôi mới biết, cả khu nhà rộng lớn mênh mông đêm đến chỉ còn mình tôi vì nhân viên xong việc về hết. Nghĩ lại cũng sởn da gà nhưng lúc đó, tôi ngủ quay đơ, không biết đất trời gì.

Dù ở M’Đrắk hay ở TP.HCM thì không gian, trang phục, chủ đề, tư thế… của Đặng Lê Nguyên Vũ không thay đổi. ẢNH: N.H
Nếu không tính cuộc gặp bất ngờ năm 2018, cũng phải tới chục năm rồi tôi chưa gặp Đặng Lê Nguyên Vũ ở Sài Gòn. Anh đi thiền 49 ngày, rồi ở ẩn lúc nào tôi không biết. Trong ký ức của tôi vẫn nhớ một tin nhắn anh gởi khi đó, nói về việc đang ở trên núi cao. Giờ nghĩ lại thấy nó như một thông báo chia tay nhưng lúc ấy tôi không nhận ra (mà thực sự thì có biết gì đâu để nhận ra). Chỉ thấy văn phong, khẩu khí lạ lẫm… nhưng cũng kệ. Rồi cuộc sống cuốn trôi, mãi cho tới cuộc gặp năm 2018. Vì thế, gặp Vũ ở TP.HCM lần này với tôi rất đặc biệt, cứ như thấy lại một Đặng Lê Nguyên Vũ của ngày trước, thân thuộc hơn.
Trong hoài niệm đó, tôi hỏi Đặng Lê Nguyên Vũ, sao không hẹn ở Nguyễn Văn Chiêm hay Đồng Khởi? Vũ bảo, hơn 10 năm rồi anh không quay về những nơi cũ. “Hồi Qua hay hẹn mấy anh em Hà Nội ở đó. Nhưng gặp rồi tan, mọi thứ tan hết. Qua không vui, nên không gặp nữa. Sau Qua lên núi là gần như không gặp ai hết”, Vũ trả lời, giọng bình thản đến lạ (tôi hình như lại chờ đợi một sự nuối tiếc nhẹ nhàng nào đó. Ngẫm lại, tôi đúng là vẫn không thể “nâng tầm” ra khỏi những xúc cảm nhỏ nhặt đời thường). Tôi nhớ đến không gian thấm đẫm cà phê ở tầng 10 tại trụ sở Trung Nguyên ở đường Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM), nơi tôi gặp anh nhiều nhất. Vũ bảo chốn riêng của anh còn đó. Âm thanh, âm nhạc đầy đủ hết “nhưng không có vui”, giọng Vũ trùng xuống rồi lại cười xòa độ lượng và nhẫn nại khi thấy tôi hào hứng nói về không gian sang trọng cũ. “Nói chung Qua cũng không còn giống như người chị em, cũng không còn muốn những thứ như vậy nữa. Bao lâu ở trên núi chỉ làm bạn với cái này”, anh giơ điếu xì gà trên tay và chỉ vào ly cà phê trước mặt…
Đặng Lê Nguyên Vũ nhiều lần nhắc nhở tôi anh đã khác, những vấn đề anh quan tâm, cảnh giới của anh, sứ mệnh của anh… Vũ cũng hơn một lần nhắc nhở tôi chừng mực trong cử chỉ, lời nói, cách xưng hô… vì “bữa nay Qua không còn giống như người chị em thấy. Thân thiết gì đó nhưng luôn giữ sự trầm tĩnh…”. Nhưng với tôi, Đặng Lê Nguyên Vũ luôn là một doanh nhân đầy khát vọng, sáng tạo và đáng kính trọng. “Ở đây Qua đối xử với người chị em là trên hình chấp của người chị em thôi chứ Qua đã khác rồi. Người chị em biết không, ông trời từ xưa đến nay chưa khảo, chưa dạy ai giống như Qua hết. Mười mấy năm, không có một cái gì mà Qua chưa trải qua. Những gì đưa vào khảo nghiệm là ghê gớm lắm, đưa vào cõi chết luôn, lấy luôn linh hồn. Còn những chuyện mất mát ở thế gian, chỉ là chuyện vặt”, Vũ vẫn thế, lần nào gặp anh cũng nói như vậy. Kiên nhẫn và độ lượng trước sự u tối của tôi.

Cổng trang trại ở M’Drăk của Đặng Lê Nguyên Vũ

Nhà trên đồi cô độc trong núi rừng Tây Nguyên

Lối vào trang trại có biển chỉ dẫn hướng khu ở cho khách mang tên “Nhà trên đồi”
Kỷ nguyên làm cho đất nước vĩ đại
Vũ khác, rất khác… tất nhiên rồi. Không chỉ tôi mà rất nhiều người đều đã và đang chứng kiến sự thay đổi bí ẩn và kì dị của anh. Nhưng khác của Đặng Lê Nguyên Vũ ở lần gặp này mà tôi cảm nhận được là sự phấn chấn qua giọng nói, qua thần sắc của anh. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy một Đặng Lê Nguyên Vũ sinh khí đến như vậy. Vũ bảo anh vui “vì gặp người chị em” rồi quay sang hỏi tôi: “Nguyên Hằng thấy không, những chuyện Qua nói với người chị em, giờ nó bắt đầu diễn ra y như vậy”.
Trí nhớ tôi một cách tự động “tua” lại – không khó khăn gì những điều Vũ nói. Bởi lần nào gặp, Đặng Lê Nguyên Vũ bắt đầu và kết thúc cùng một thông điệp: “Thượng đế đã chọn dân tộc của người chị em lên ngôi. Nếu làm đúng sách lược trời chỉ dạy thì chỉ cần 20 năm để dân tộc của người chị em trở thành dân tộc lãnh đạo”. Miền ký ức của tôi chầm chậm trôi về những lần gặp trước. 20 năm là quãng thời gian Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao và 20 năm nữa “dân tộc của người chị em trở thành dân tộc lãnh đạo” có gì liên quan, có gì điềm báo…?
Tôi vẫn đang cố gắng kết nối các thông tin thì giọng nói trầm dầy đầy nội lực của Đặng Lê Nguyên Vũ kéo tôi trở lại với thực tại. “Không phải tự nhiên Tổng Bí thư nói kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Dân tộc này gần 5.000 năm chỉ chia 3 thời kỳ thôi. Thứ nhất là thời kỳ của tổ tiên cha ông dựng nước. Thứ 2 của những người giữ nước. Còn thời kỳ thứ 3, thời kỳ hiện tại này này, là thời kỳ làm vĩ đại đất nước. Đó là một sự liên tục, không đứt gẫy. Dựng nước- giữ nước và làm vĩ đại đất nước. Hai thời kỳ trước thì ai cũng đã biết rồi và bây giờ là thời kỳ thứ 3, làm cho đất nước vĩ đại. Thế thì mới gọi là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Vũ hào hứng, người anh chồm hẳn về phía trước.
Đến lúc này thì tôi đã lý giải được phần nào sự hưng phấn của Đặng Lê Nguyên Vũ, tôi có thể cảm nhận nó bao trùm lên không gian mà chúng tôi đang có mặt. Bởi có một điều không bao giờ thay đổi ở một Đặng Lê Nguyên Vũ doanh nhân hay một Đặng Lê Nguyên Vũ được “trời chọn” là khát vọng về đất nước hùng cường.
“Nhưng làm thế nào để dân tộc này vĩ đại và hình dung cảnh giới vĩ đại của một dân tộc là gì? Phải làm rõ điều này và phải để toàn bộ dân tộc này và toàn nhân loại thấu hiểu. Để giương ngọn cờ tụ nó lại, kết cấu nó lại… Hiện tại, thế giới đang bế tắc, các nước lớn đang bế tắc. Vậy đâu là thứ khai mở hết mà không xung động? Trời đã chọn dân tộc này là dân tộc lãnh đạo thì nó phải xảy ra. Cái đạo đúng là nó đi êm lắm. Nó còn sung động, nghĩa là còn có vấn đề. Nên phải làm rõ nội hàm để tất cả mọi người cùng thấy và ủng hộ kỉ nguyên mới của đất nước”, Vũ dặn dò tôi.
Khi hứng khởi, giọng của Đặng Lê Nguyên Vũ vang, choán hết cả không gian tầng 2 rộng lớn. Có lúc anh chồm hẳn về phía trước, mắt mở lớn… tràn đầy năng lượng. Tôi bất giác cảm thấy có gì đó như sự may mắn khi được là một phần trong bầu không gian đầy cảm hứng dân tộc ấy. Để nghe các bậc đàn anh bàn luận về đất nước, về kỷ nguyên mới của dân tộc, về khát vọng Việt Nam hùng cường…
(Còn tiếp)