Gặp Đặng Lê Nguyên Vũ ở Sài Gòn: Có gì trong đồ hình không chữ?

18/02/2025
106

Điểm lại 6 năm kể từ khi xuất hiện trở lại, không biết vô tình hay chủ ý, mỗi năm tôi đều gặp Đặng Lê Nguyên Vũ ít nhất một lần.

Năm ngoái là Đặng Lê Nguyên Vũ muốn tôi lên M’Drak. Vũ không nói lý do, xưa nay vẫn thế. Tôi cũng không hỏi, cứ thế đi. Cho tới lúc gặp, Vũ cũng không nói muốn tôi lên để làm gì. Tôi cũng không hỏi, lần nào cũng vậy. Chúng tôi cứ nói chuyện, thực ra là Đặng Lê Nguyên Vũ nói, tôi nghe và thắc mắc. Câu chuyện chênh vênh, kỳ dị giữa một người được “trời chọn” và một người trần mắt thịt trong nhà hang giữa núi rừng Tây nguyên thường kéo rất dài…

Bữa tiệc lạ kỳ của Đặng Lê Nguyên Vũ

Đến hôm sau ngủ dậy, ngồi ăn sáng ở “Nhà trên đồi” trước khi ra sân bay trở lại TP.HCM, tôi mới nhớ ra hôm đó chính là ngày thành lập Tập đoàn Trung Nguyên. 28 năm trước trong một con hẻm nhỏ ở TP.Buôn Ma Thuột, chàng sinh viên y khoa Đặng Lê Nguyên Vũ đã mở “Hãng cà phê Trung Nguyên” với khát khao duy nhất là kiếm tiền, thoát nghèo. Giờ cà phê của anh đã có mặt ở hàng trăm quốc gia. Trung Nguyên E-Coffee, mô hình cà phê khởi nghiệp đã lên tới con số gần 800 cửa hàng, bao phủ khắp Việt Nam, xuất hiện tại Mỹ, Iceland và hơn 1.000 hợp đồng nhượng quyền được ký kết thành công.

Năm 2023, khi quán cà phê Trung Nguyên Legend đầu tiên ra mắt tại Mỹ, chuyên trang về ẩm thực Eater Los Angeles (Mỹ) mô tả: “Không gian Trung Nguyên Legend tại Mỹ là điểm đến đặc biệt để thưởng thức cà phê pha phin và espresso sử dụng 100% nguyên liệu từ hạt cà phê robusta và arabica trồng tại Việt Nam…”. Trước đó, không gian cà phê mang đậm văn hóa Việt của Trung Nguyên cũng gây sốt tại thủ phủ cà phê thế giới Thượng Hải. Cà phê đạo của Trung Nguyên cũng xuất hiện trên các hãng thông tấn hàng đầu thế giới…

Khát vọng mang văn hóa Việt, cà phê Việt ra thế giới để “nhắc đến cà phê, thế giới nghĩ tới Việt Nam” vẫn luôn tuôn chảy trong Đặng Lê Nguyên Vũ, hiện diện mọi nơi, mọi lúc trên hành trình của Trung Nguyên và của chính Vũ.

Thế nhưng ông chủ của nó, người được tôn vinh là “vua cà phê Việt”, linh hồn của hành trình 28 năm đầy kinh ngạc đó đang ở cách tôi gần 2 km nơi nhà hang. Một mình, trong ngày khai sinh ra Trung Nguyên. Cả trang trại vắng ngắt, không có một dấu hiệu gì về lễ lạt, hội hè. Những nhân viên làm việc ở “Nhà trên đồi” không ai nhắc đến. Như bao lần chúng tôi đến đây, họ lúc nào cũng tối giản, từ trang phục, đi lại, giao tiếp. Họ luôn ở đó, nhẹ nhàng, chu đáo, không xa cách nhưng không gây bất cứ một sự chú ý nào về phía mình. Tôi nhớ đến lời Đặng Lê Nguyên Vũ “Qua không còn muốn những thứ như vậy nữa”, ý là những vật chất, hội hè… để tự lý giải cho sự im ắng lạ thường của ngày kỷ niệm ra đời thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam mà tôi vô tình chứng kiến.

Vũ bảo “tiệc tùng thật sự chính là tiệc tùng trong tư duy”. Bữa tiệc đó chỉ diễn ra khi Đặng Lê Nguyên Vũ gặp được người có cùng tần số thì “qua có thể nói 7 ngày 7 đêm không ăn uống gì cũng được. Dùng cà phê nói chuyện với những người mà mình nói chuyện được, mình vui được, mình chia sẻ được thì đó là nguồn vui thực sự của người giống như Qua. Còn không thì Qua im lặng suốt, Qua đâu có nói. Qua im lặng suốt thôi”.

 

Tôi cố hình dung xem Đặng Lê Nguyên Vũ làm gì vào lúc đó. Anh thiền? Anh đang đi vòng quanh khu vực nhà hang? Anh đang nhận ý chỉ từ trời (như Vũ đã có lần tiết lộ) hay đang suy tư về thời cuộc? Tôi không biết.

Đặng Lê Nguyên Vũ bảo, có nhiều ngày anh thức dậy từ lúc 2 – 3 giờ sáng, ngồi một mình trong nhà hang nhìn ra khoảng không bên ngoài tối đen như mực. “Qua cứ cầm cái điện thoại lên rồi lại bỏ xuống. Qua muốn gọi cho người anh em của mình vì qua nhìn thấy nhiều chuyện xảy ra với họ nhưng không được. Qua thấy Qua khổ quá”, giọng Vũ có gì đó bứt rứt. Vũ kể đã hơn một lần gọi cho những người anh em của mình để cảnh báo, để nhắc nhở nhưng họ không nghe. Và khi kiếp nạn đến thật, thì đã muộn. Vì thế, mỗi lần nhận thông điệp của Trời chuyển cho ai đó Vũ lại khổ sở giữa chuyện báo hay không báo tin cho những người bạn của mình. “Nói không nghe thì thôi, Qua buồn nhưng biết làm sao”. Nhưng không chuyển tin thì Vũ lại ôm nỗi day dứt trong sự tĩnh lặng cô độc của mình. Đó có lẽ là một phần lý do lâu lâu Vũ nhắn cho tôi một cái tin. Hoặc thần giao cách cảm, tôi lại muốn gặp anh dù cuộc nói chuyện giữa anh và tôi luôn chênh vênh. Có một khoảng trống trong não bộ của tôi về thế giới siêu nhiên, về cảnh giới vô tận của anh – không thể kéo lại gần.

18 giờ khi tôi tới, lối vào nhà hang nơi Đặng Lê Nguyên Vũ ở trời vẫn sáng

18 giờ khi tôi tới, lối vào nhà hang nơi Đặng Lê Nguyên Vũ ở trời vẫn sáng

Ở M'Drak trời tối rất nhanh, khu vực nhà hang cũng lên đèn rất sớm

Ở M’Drak trời tối rất nhanh, khu vực nhà hang cũng lên đèn rất sớm

Bởi chỉ cần trong chớp mắt, bóng tối đã bao phủ. Toàn trang trại chìm trong màn đêm u tịch...

Bởi chỉ cần trong chớp mắt, bóng tối đã bao phủ. Toàn trang trại chìm trong màn đêm u tịch…

Miếng “ngọc bội” bí ẩn

Thực ra thì tôi cũng đã rất cố gắng, những sách Đặng Lê Nguyên Vũ tặng, tôi đều đọc, dù chẳng hiểu gì. Tôi cũng nhiều lần soi vào bản đồ hình mà theo Vũ “đã hệ thống tất cả những bí kíp mà trời dạy” mà anh cho mượn, nhưng còn tệ hơn. Mắt tôi nhòe đi, phải dùng điện thoại phóng to ra mới đọc nổi những dòng chữ li ti được sắp xếp tầng lớp. Được vài lần, tôi chào thua.

Lần này lên núi, chúng tôi mang trả lại các bản đồ hình cho Vũ mà chưa lĩnh hội được gì. Nhưng Vũ đã chuyển sang một cấp độ cao hơn. “Toàn bộ mô hình vũ trụ của người nén trong cái này”, Vũ cầm miếng “ngọc bội” (tôi láng máng nhớ đến chuyện chưởng Kim Dung) màu xám nhạt đeo trên cổ nói và giơ về phía tôi. “Cái đấy gọi là cái gì ạ?”, tôi hỏi. “Đồ hình không chữ”, Vũ trả lời. Một cơn choáng nhẹ chạy vụt qua đầu tôi, ngây ngất. Tôi nhớ đến bản đồ hình có chữ mượn cả năm không luận nổi chữ nào, huống hồ… “Bao nhiêu học thuyết, lý thuyết, triết thuyết, giáo thuyết của thế gian người chị em chỉ một phần nhỏ bé trong này thôi”, Vũ hào hứng hẳn.

Vũ ngồi đối diện, cách tôi một cái bàn không quá lớn, người hơi chồm về phía trước. Tôi cố nhìn thật kỹ, chỉ thấy một miếng đá bằng 2 đầu ngón tay, sỏ vào sợi dây màu đen, như những món đồ trang sức mà tôi thường thấy, nhưng hơi thô kệch. Đây là lần đầu tiên tôi thấy anh đeo nó. Vũ bảo “tới lúc thì Qua đeo thôi”, khi tôi thắc mắc.

Nhận ra vẻ hoang mang của tôi, Đặng Lê Nguyên Vũ giải thích. “Người chị em nhìn không thấy gì nhưng Qua thấy hết. Bình thường cơ thể con người nhìn tưởng chỉ có thân xác nhưng không, mình còn cái thể khí và thể linh hồn, nó được đóng bế. 7 cái luôn luân xa ở đây và 360 cái huyệt đạo lớn, huyệt đạo con nữa. Khi bị đóng bế thì cái linh hồn mình không giao tiếp được với thế giới bên ngoài. Qua cũng thế, trước 43 tuổi, Qua đâu có biết cái linh hồn của mình ai là chủ tể, cầm nắm ra sao, điều khiển làm sao. Nhưng khi “mở ra” rồi, cái tai của Qua, cái mắt của Qua, mọi thứ là thông suốt. Và khi thấy rồi, Qua thực sự sợ cho toàn bộ người anh chị em. Cái gì người ta (Trời – NV) cũng biết nhưng hồi xưa tại sao người ta không can dự? Vì người ta để đó xem anh luyện anh rèn thế nào”, Vũ nói một lèo.

Lần nào gặp, Đặng Lê Nguyên Vũ cũng nhẫn nại “thông não” cho cho tôi về cảnh giới “chưa từng ai có được” mà anh đang sở đắc. Lần này cũng thế, anh tìm cách giải thích cho tôi dễ hiểu nhất: “Qua là bác sĩ, hồi trước về mặt giải phẫu, mình cứ tưởng mình là một cái thể xác. Nhưng người chị em còn có một thể khí nữa. Nó vi tế giống như cái sóng điện thoại này, nó cấu trúc bằng 108.000 kinh lạc mạch. Nhưng khoa học ngày nay cũng không biết nó tồn tại và cấu trúc của nó như thế nào, nuôi dưỡng nó như thế nào. Đây là một điểm mù rồi. Đây chỉ là một cơ thể trung gian thôi (chỉ vào mình), còn một thể nó vi tế hơn nhiều, đó là thể linh hồn. Mình không thấy nó tồn tại, không biết ai nuôi dưỡng, ai quản trị nó, ai nắm giữ nó. Thế thì làm sao mình hiểu, mình nói chuyện được. Chỉ khi ngộ ra, thì mỗi người đều có một bác sĩ trong người. Nhưng làm sao để loài người thấu được chuyện đó, để nuôi dưỡng nó đúng cách?. Giống như khi Qua nói với người chị em về đạo trường xuân, trường thọ và bất tử. Trừ khi qua làm gì đó sai, Trời giáng cho Qua, rút năng lượng, xử lý để cảnh báo chứ Qua giờ không bệnh, không chết nữa”.

Tôi thú nhận với Đặng Lê Nguyên Vũ, nghe anh nói (rất dài) tôi thấy sự logic nhưng tôi vẫn không hiểu. Vũ nhìn tôi cảm thông “Qua nói ngôn ngữ bình thường để Hằng hiểu, nó xa nhưng nó gần. Vì thái cực của thượng đế là vô biên vô lượng, cái nhỏ nhất và cái lớn nhất là hợp nhất. Nên khi Qua nói về toán học, nếu các nhà bác học trên thế gian chứng minh được đẳng thức này, loài người sẽ đi đến một điểm khác: 0 = 1, 1 = 0. Làm sao mà chứng minh được. Những cái đó, Hằng phải tu luyện. Qua không biết là Hằng phải tu bao nhiêu thứ, thì Hằng mới thấu được, chứng thực được”.

Tôi nhìn ra bên ngoài, tai vẫn nghe, lùng bùng và biết mình chẳng bao giờ có thể hiểu nổi. Tôi nhớ khi tôi có mặt lúc 18 giờ, trời vẫn sáng, giờ chỉ là màn đêm mờ ảo sau tấm kính cửa nhà hàng. Ở M’Drak trời tối rất nhanh, có khi đi khoảng vài trăm bước, không gian đã chuyển màu. “Ngày xưa ngài Giesu nói, hãy như một đứa trẻ lên 3. Sau này Qua mới hiểu được cái điều đó. Đứa trẻ luôn tò mò, nó hỏi và nó muốn học. Nó trong sáng. Nhưng khi mình có một chút, đọc vài cuốn sách nào đó, mình chấp vào đó, mình dựa vào đó, cái điểm tựa đó không bao giờ là điểm tựa đúng hết. Nó có thể đúng một phần nào đó là đem lại lợi ích một phần nào đó nhưng không phải là tất cả. Khi dạy Qua (ông trời) cũng y chang vậy, Qua là đứa trẻ lên 3. Đừng có chấp gì hết, cứ mở đi”, Vũ động viên.

Tôi chính là đứa trẻ lên 3 trước thế giới của Đặng Lê Nguyên Vũ, tôi nào có gì đâu để chấp?

(Còn tiếp)