Hội thi ủ rượu Cần – Tái hiện và Phát triển Văn hóa Bản địa

31/12/2018
2044

Trong 2 ngày 29-30 tháng 12 năm 2018, Trung Nguyên Legend – Tập đoàn chuyên Cà phê Năng lượng Cà phê Đổi đời – tổ chức chương trình “Hội thi ủ rượu Cần”, với sự tham gia của đồng bào Ê đê xã Ea Tiêu, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk tại Bảo tàng Thế giới Cà phê. Điều đặc biệt của chương trình là những hũ rượu Cần được ủ đến ngày 12/02/2019 (tức mùng 8 Tết Kỷ Hợi) sẽ được Ban Giám khảo là các nghệ nhân, các già làng bình chọn đồng thời mang ra mời bà con, cư dân cùng thưởng thức trong dịp Tết Trồng cây, một sự kiện thường niên của Trung Nguyên Legend được tổ chức lần đầu vào năm 2018.

Các đội thi chụp hình lưu niệm cùng Ban tổ chức và khách du lịch

Các đội thi chụp hình lưu niệm cùng Ban tổ chức và khách tham quan

Hội thi Ủ rượu cần tại Bảo Tàng Thế giới Cà phê là một trong nhiều hoạt động nhằm tái hiện, phát triển và quảng bá những nét đẹp văn hoá bản địa tới khách du lịch nhân dịp Tết Kỷ Hợi. Bà A Mí Ngân, buôn trưởng buôn Êa Tiêu, xã Êa Tiêu, TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Rất lâu rồi trong buôn làng chúng tôi không có những hoạt động khiến chúng tôi hào hứng và vui như vậy. Nhiều khi nhớ lại những thứ mình đã làm xa xưa như chuẩn bị cho các lễ hội, chúng tôi cũng muốn làm, nhưng hầu hết bà con đều thấy khó khăn khi đóng góp kinh phí thực hiện. Vì vậy khi Trung Nguyên hỗ trợ chúng tôi chuẩn bị hội thi ủ rượu cần này, bà con rất vui mừng, nhiệt tình chuẩn bị, từ các vật dụng, dụng cụ được để bài trí không gian nhà dài đến việc chọn gạo, trấu, lá men và cả nội dung giới thiệu quy trình ủ rượu với mọi người. Chúng tôi xin cảm ơn Tập đoàn Trung Nguyên Legend”.

Thành viên mỗi đội giới thiệu về cách chế biến các món ăn truyền thống

Thành viên mỗi đội giới thiệu về cách chế biến các món ăn truyền thống

Truyền thuyết của người Ê Đê kể rằng: Từ thuở xa xưa khi con người còn đang trong cơn mông muội, họ chưa biết làm ăn sinh sống. Thương tình Giàng sai thần GI-Rim xuống trần giúp họ mở mang sinh hoạt; cần mẫn ngày qua ngày, thần GI-Rim bày dạy cho con người trên khắp các buôn làng cách trồng tỉa lúa bắp, nấu cơm, thổi xôi. Khi cuộc sống khấm khá, thần lại dạy cách nấu rượu để uống trong các ngày xuân lễ Tết. Từ đó, với các dân tộc ít người ở Tây Nguyên nói chung và cộng đồng người Ê-đê ở Đắk Lắk nói riêng, rượu cần (rượu ghè, rượu ché) có vai trò quan trọng trong văn hoá sinh hoạt cộng đồng, Các trường ca sử thi Đăm San, sử thi Xinh Nhã, những ché rượu cần được nhắc đến rất nhiều lần khi buôn làng tổ chức lễ hội, mừng chiến công. Và mãi sau này cho tới bây giờ, với người Ê-đê, ở đâu có lễ hội, cưới hỏi, mừng thọ, chuyện vui, chuyện buồn, khách khứa, bầu bạn… ở đó có rượu cần.

Các món ăn truyền thông được giới thiệu cho du khách

Các món ăn truyền thông được giới thiệu đến du khách

Không chỉ vậy, trong đời sống của các dân tộc này, ché (ghè, choé) rượu cần còn thể hiện cho sự thịnh vượng, giàu có của mỗi gia đình, mỗi buôn làng. Ché rượu được coi là một loại tài sản quý giá, linh thiêng như trâu bò để tế thần linh, như cồng chinh để mời gọi các thần về để bảo buôn làng…  Nhà nào giàu có, nhiều ché, rượu có thể được ủ và chôn dưới đất cả năm vì rượu càng ủ lâu càng ngon; không thì cũng phải từ 2-3 tháng. Đặc biệt, với hầu hết mọi nơi, rượu cần không bao giờ uống một mình. Nếu gia đình nào quý khách, buổi gặp mặt mang tính trang trọng thì ché rượu được chọn mời khách là ché rượu quý nhất trong nhà, trong làng. Khi uống rượu cần, người uống không được phép từ chối và phải mời mọi người xung quanh như là cách để thể hiện phép lịch sự. Đặc biệt, thưởng thức rượu cần cũng có nghi lễ rất độc đáo. Rượu cần phải được thưởng thức cùng âm vang của tiếng cồng chiêng. Phong tục đẹp này đã trở thành văn hoá đặc trưng, riêng biệt trong sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc được nhiều du khách quốc tế biết đến và yêu thích.

Du khách Bảo tàng hào hứng tìm hiểu các món ăn bản địa

Du khách Bảo tàng hào hứng tìm hiểu các món ăn bản địa

Với vai trò khách mời cũng như cố vấn nội dung cho chương trình, Tiến sĩ Tuyết Nhung Buôn Krông – giảng viên ĐH Tây Nguyên, phó Giám đốc trung tâm xã hội và nhân văn trường ĐHTN; Uỷ viên BCH Hội VĂn học Nghệ thuật Đắk Lắk và cũng là một thành viên trong Ban gián khảo của hội thi ủ rượu chia sẻ: “Tôi thật sự rất vui mừng, cảm kích khi nhìn thấy những người bà con đồng bào của mình thể hiện rất tốt, có ý thức trong việc quảng bá và giới thiệu văn hoá bản địa bằng việc giới thiệu quy trình ủ rượu cần của người Ê-đê. Tôi cũng xin cảm ơn về những định hướng trong việc xây dựng, tái hiện văn hoá bản địa của Bảo tàng Thế giới Cà phê, của Tập đoàn Trung Nguyên Legend. Không chỉ phát triển về kinh doanh, tạo ra thương hiệu cà phê toàn cầu mà còn rấ chú trọng vào phát triển văn hoá. Đây chính là sự khác biệt giữa Trung Nguyên và những doanh nghiệp khác. Tôi rất mong những chương trình văn hoá như vậy thường xuyên được tổ chức để người dân bản địa có cơ hội trải nghiệm những nét đặc biệt trong văn hoá của mình để có thể giới thiệu với bạn bè bốn phương ”.

Nhiều món ăn ngon lạ được đồng bào mời thưởng thức tại chỗ

Nhiều món ăn ngon lạ được đồng bào mời thưởng thức tại chỗ

Hội thi Ủ rượu Cần do Bảo tàng Thế giới Cà phê tổ chức là một trong nhiều hành động thể hiện  sự cam kết, và khẳng định vai trò của Bảo tàng Thế giới Cà phê là một bảo tàng của tương lai, một trung tâm giáo dục, đào tạo kiến thức nền tảng, nâng cao hiểu biết và tạo cảm hứng sáng tạo, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa dân tộc.

“Bảo tàng Thế giới Cà phê là một bảo tàng của tương lai, sống động trong cách trưng bày, triển lãm với Không gian triển lãm tương tác với khách tham quan cùng những trải nghiệm tham quan với ngũ quan (nghe, nhìn, nềm, ngửi, chạm). Là nơi thẩm thấu các giá trị đương đại và tiếp biến của đời sống không đóng mình vào với khái niệm “bảo tàng” theo cách tư duy cũ. Ở đây có không gian triển lãm mang tính Mở: mở rộng cho các hoạt động về Thân – Tâm – Trí với giá trị cốt lõi là Tinh thần Cà phê, mở mang tư tưởng, tri thức và tầm nhìn.”