Kỳ 87: Avicenna Bukhara – Cà phê tăng cường sinh lực và sức mạnh tinh thần

20/06/2022
2133

Ngay khi được phát hiện tại Ethiopia, cà phê đã được đón nhận như một thảo dược quý để tăng cường sinh lực, đem lại sự hứng khởi và sức mạnh tinh thần cho con người.

Cà phê triết đạo kỳ 87

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… của cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Thần dược trong huyền thoại và đời thực

Câu chuyện về nguồn gốc của cà phê đến nay được biết đến qua các truyền thuyết, và những ghi chép sơ khai còn sót lại từ thời Trung Cổ. Dù khác nhau về thời gian, tình tiết câu chuyện, nhưng tất cả đều thừa nhận sự xuất hiện của cà phê gắn liền với công năng là thần dược giúp tăng cường sinh lực cho cơ thể, đem lại sự hứng khởi và sức mạnh cho tinh thần.

Gắn với vùng đất Ethiopia huyền thoại là câu chuyện về chàng chăn dê Kaldi phát hiện ra cà phê nhờ những chú dê sau khi ăn những quả mọng tìm thấy trong rừng đã trở nên hưng phấn. Anh chàng chăn gia súc nghèo có trái tim nặng trĩu quyết định ăn thử thứ quả lạ này và đã quên đi những muộn phiền của mình, trở thành người chăn gia súc hạnh phúc nhất Ả Rập. Không những thế, Kaldi đã kể cho vị tu sĩ trong vùng về khám phá quý giá của mình. Vị tu sĩ thử nghiệm làm khô và luộc loại quả mà Kaldi tìm thấy để sử dụng giúp tỉnh táo suốt những buổi cầu nguyện và đã thành công. Những vị tu sĩ tin rằng nhà tiên tri Mohamed đã tiết lộ loại trái cây kỳ diệu này cho họ để xua tan mệt mỏi và những cơn buồn ngủ, đồng thời mang lại cho cơ thể sự hoạt bát và mạnh mẽ để tôn vinh Chúa trời. Từ các buổi cầu nguyện tôn giáo này, việc sử dụng và công dụng kỳ diệu của cà phê đối với sức khỏe đã lan rộng khắp thế giới Hồi giáo.

Một câu chuyện khác cho rằng, cà phê có thể được phát hiện bởi Sufi Sheikh al-Shadhili người Morocco. Khi thám hiểm qua Ethiopia, quan sát thấy một số loài chim đột nhiên tràn đầy năng lượng sau khi ăn một số quả mọng, ông đã nếm thử và trải qua cảm giác sinh lực dồi dào.

Trong một biên niên sử cổ được lưu bằng bản viết tay của Abd-Al-Kadir, thầy thuốc Sheik Omar – một người trị bệnh thông qua thiền định và cầu nguyện – trong quá trình bị lưu đày đến Ả Rập bị đói đến kiệt sức, ông đã được một con chim đầy màu sắc chỉ dẫn tìm thấy những trái cà phê chín mọng để ăn và đã phục hồi sinh lực, mạnh khỏe diệu kỳ. Sau đó, ông đã nghiên cứu đun sôi cà phê để sử dụng nhằm duy trì năng lượng sống sót, cũng như sử dụng cà phê làm thuốc chữa bệnh cho nhiều người khác. Khi được quay trở về quê hương Mocha, Omar tiếp tục pha cà phê để chữa bệnh. Cà phê được ca ngợi là thần dược, Omar được tôn làm Thánh.

Đồng thời, trong cộng đồng Hồi giáo cũng lưu truyền một câu chuyện rằng, cà phê là một món quà được Đấng Allah chỉ dẫn thiên sứ Gabriel ban cho nhà tiên tri Mohammed để tiếp thêm sinh lực và sức mạnh tinh thần, giúp Mohammed chiến thắng những kẻ ngoại đạo chỉ trong một đêm.

Một câu chuyện gắn với đời thực cho thấy, vào khoảng những năm 575 đến 850 sau công nguyên – cà phê đã được các bộ lạc miền núi vùng Kaffa của Ethiopia, tổ tiên của người Oromo, tìm thấy và sử dụng để duy trì sức lực đi bộ nhiều ngày mà không cảm thấy đói.

Cùng những truyền thuyết, các tư liệu ghi chép đầu tiên về cà phê của các bác sỹ, nhà triết học người Ba Tư Rhazes (850 – 922), Avicenna (980 – 1037) còn sót lại đến ngày nay, đến những tài liệu nghiên cứu của các sử gia, triết gia, nhà khoa học phương Tây sau đó, như: Leonhard Rauwolf (mất năm1596), A.Galland (1644 –1715), Philippe Sylvestre Dufour (1622 – 1687), Prospero Alpini (1553 – 1617)…  đều ghi nhận cà phê đã sớm xuất hiện trong thời kỳ y học cổ điển của Ả Rập, được dùng để chữa bệnh và các mục đích y tế như một loại thảo dược quý, tốt cho sức khỏe và thần trí.

 

Avicenna Bukhara và những khảo chứng đầu tiên về công năng của cà phê trong y học

Những công dụng chữa bệnh thực tiễn của cà phê lần đầu tiên được ghi nhận trong văn bản y học mang tên Al-Haiwi (The Continent) của bác sỹ Ba Tư Rhazes (850 – 922), người được biết đến với những công trình y học nổi tiếng tiếp nối các danh y vĩ đại của y học Hồi giáo Galen và Hippocrates. Ông là người đầu tiên đề cập đến các đặc tính của hạt cà phê dưới cái tên bunn và buncham với những thông tin sơ khai.

Phải đến cuối thế kỷ thứ 10, Avicenna Bukhara hay còn gọi là Ibn Sina (980 – 1037), một trong những bác sĩ, nhà thiên văn học, nhà tư tưởng và nhà văn lỗi lạc nhất của thời kỳ hoàng kim Hồi giáo, “cha đẻ của y học hiện đại”, đã tổng hợp và có những ghi chép mô tả có hệ thống về đặc điểm cùng công dụng y học của cà phê đối với con người như một loại thuốc.

Tài năng y học của Avicenna được công nhận từ 17 tuổi, khi chữa trị cho người cai trị của Bukhara. Phần thưởng dành cho công lao ấy của ông là được phép sử dụng Thư viện Hoàng gia của Samanids – nơi ông được tiếp cận với toàn bộ lĩnh vực học thuật, trong đó có y học. Avicenna đã phát triển hệ thống y tế kết hợp những kinh nghiệm của mình với y học Hồi giáo, hệ thống y học của các thầy thuốc Hy Lạp như Galen, Ba Tư cổ đại, Mesopotamia và Y học Ấn Độ. Cùng với Rhazes, Abulcasis, Ibn al-Nafis và al-Ibadi, Avicenna được coi là nhân vật quan trọng của y học Hồi giáo sơ khai. Ông được ghi nhớ trong lịch sử y học phương Tây như một nhân vật lịch sử lớn có đóng góp quan trọng cho y học và thời kỳ Phục hưng Châu Âu.

Trong số 240 tác phẩm còn tồn tại của Avicenna có 40 tác phẩm về y học. Đặc biệt, phải kể đến cuốn sách Tiêu chuẩn Y học (The Canon of Medicines, hay còn gọi là Al-Qanun fi al-Tibb) hoàn thành vào năm 1025. Đây là cuốn sách nổi tiếng nhất lịch sử y học, bộ bách khoa toàn thư về thông tin và kiến ​​thức học y tiêu chuẩn tại nhiều trường đại học thời Trung Cổ ở Trung Đông và châu Âu trong hơn 500 năm, cung cấp nền tảng vững chắc cho y học hiện đại sơ khai.

Trong Tiêu chuẩn Y học, Avicenna mô tả cà phê đến từ Yemen và những hạt cà phê có màu vàng chanh, nhạt và có mùi thơm sẽ cho công dụng tốt nhất, trong khi những hạt có màu tối là không sử dụng được. Tổng hợp, nghiên cứu phát triển trên những tư liệu của Rhazes, Avicenna ghi nhận công dụng y học của cà phê một cách có hệ thống và rõ ràng hơn. Tài liệu của Avicenna nêu rõ, đặc tính của cà phê là nóng và khô, trong khi một số ý kiến khác cho rằng nó có tính lạnh. Cà phê có công dụng tăng cường sinh lực, làm sạch da và phục hồi da bị hư tổn, đồng thời mang lại một hương thơm tuyệt vời cho toàn bộ cơ thể.

Từ những nghiên cứu sơ khai, Avicenna đã tìm ra công năng chữa bệnh của cà phê và đưa cà phê vượt xa giá trị của một loại thức uống thông thường. Đây cũng là nền tảng để khoa học hiện đại đi sâu và minh chứng nhiều lợi ích đáng kinh ngạc của cà phê đối với sức khỏe và tâm trí con người. Với sự bảo chứng của các nghiên cứu từ thời Trung Cổ đến nay, cà phê ngày càng được con người tiếp nhận tích cực và trở thành một phần quan trọng trong lối sống lành mạnh.

Thân mời bạn đọc đón xem loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh https://bit.ly/caphetrietdao

Cà Phê Triết Đạo

Đón đọc kỳ sau: Cà phê trong triết lý y học phương Đông