Kỳ 91: John Broadus Watson và văn hóa “coffee break” biểu dương lối sống sáng tạo

17/12/2022
1996

Văn hóa “coffee break” đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và lối sống sáng tạo của xã hội nước Mỹ cũng như toàn thế giới.

Kỳ 91: John Broadus Watson và văn hóa “coffee break” biểu dương lối sống sáng tạo

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Tâm lý học – Từ lý thuyết đến định hình văn hóa, lối sống

Sau khi Wilhelm Wundt thiết lập phòng thí nghiệm Tâm lý học đầu tiên ở Leipzig, Đức và tách Tâm lý học trở thành một ngành khoa học độc lập vào năm 1879, tâm lý học đã nhanh chóng lan ra khắp các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Tại các trường cao đẳng và đại học ở Mỹ vào đầu những năm 1800, các nguyên lý tâm lý học đã được dạy trong những khoá học về triết học tinh thần và đạo đức. Đến năm 1892, Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association, viết tắt là APA) ra đời định hình sự phát triển của ngành tâm lý học tại quốc gia này.

Từ khoảng năm 1920 đến giữa những năm 1950, Tâm lý học Hành vi, một học thuyết mới do nhà tâm lý học John Boardus Watson (1878 – 1958) thiết lập vào năm 1913, bắt đầu trở thành trường phái tư tưởng thống trị trong tâm lý học Hoa Kỳ. Tâm lý học Hành vi đã làm thay đổi cơ bản hệ thống quan niệm và khắc phục tính chủ quan trong nghiên cứu về tâm lý học đương thời. Theo đó, đối tượng của Tâm lý học là hành vi, không phải ý thức như các thuyết tâm lý trước đó. Phương pháp nghiên cứu tâm lý là thực nghiệm khách quan thông qua các hành động quan sát được, không phải là những suy nghĩ và cảm giác. Watson tin rằng di truyền học không phải là yếu tố quyết định duy nhất cho sự phát triển của con người và học tập, mà còn phụ thuộc vào các phản xạ có điều kiện và môi trường.

Với bản chất nghiên cứu các trạng thái cảm xúc và hành vi của con người, trong hơn một thế kỷ, các nhà tâm lý học đã đưa những luận thuyết khoa học ứng dụng vào đời sống thực tế. Theo đó, chủ nghĩa Hành vi và cách tiếp cận tâm lý học của Watson đã mở đường cho nhiều nhà tâm lý học nghiên cứu và đặt nền móng cho các lĩnh vực trị liệu, giáo dục và nuôi dạy trẻ. Riêng đối với Watson, sau khi kết thúc con đường học thuật, chuyển sang ngành quảng cáo, ông đã ứng dụng thành công học thuyết của mình vào công việc, góp phần tạo nên sự bùng nổ của ngành truyền thông, tiếp thị lúc bấy giờ.

Với việc áp dụng các kỹ thuật của thuyết hành vi, đặc biệt là công thức ba tác nhân kích thích: nỗi sợ hãi, giận dữ và tình yêu để thúc đẩy hành vi tiêu dùng, Watson đã khởi xướng nhiều chiến dịch quảng cáo thành công. Đặc biệt, trong các chiến dịch quảng cáo cho cà phê vào năm 1921 và những năm 1952, trên cơ sở sử dụng các kỹ thuật điều hòa cổ điển kết hợp ý tưởng về giờ nghỉ giải lao uống cà phê, Watson đã cho ra đời thuật ngữ “coffee-break” và định hình nó như một nét văn hóa, lối sống của người Mỹ lúc bấy giờ. Qua các chiến dịch quảng cáo do John Board Watson thực hiện, “coffee-break” nhanh chóng được phổ biến, trở thành một vấn đề mang tính quốc gia và là một trong những nền tảng quan trọng trong đời sống của người lao động Mỹ thế kỷ 20.

Văn hóa “coffee break” biểu dương lối sống sáng tạo

Sau sự kiện Boston Tea Party (1773), cà phê được xem là “vua trên bàn ăn Mỹ”. Sức ảnh hưởng của cà phê và hàng quán cà phê đã vượt qua một dạng thức uống và không gian đàm thoại. Hàng quán cà phê trở thành không gian giao dịch kinh doanh, hội nghị chính trị, nhà hát kịch, triển lãm và những hoạt động văn hóa xã hội khác của xã hội Mỹ. Đặc biệt, trong thế kỷ 19, mang trong mình năng lượng phát huy sự tập trung, gia tăng hiệu suất làm việc và khả năng sáng tạo của con người, cà phê trở thành một thức uống “mẫu mực” trong xã hội Mỹ. Mức tiêu thụ cà phê trung bình tăng từ 3 pound mỗi năm lên 5.5 pound trong năm 1850 và 8 pound trong năm 1859. Vào năm 1876, lượng cà phê nhập khẩu vào Mỹ chiếm khoảng 1/3 cà phê trên thế giới.

Sự phổ biến của cà phê cùng sự phát triển của truyền thông quảng cáo tại Mỹ lúc bấy giờ đã thúc đẩy nền văn hóa cà phê đại chúng tại quốc gia này. Cà phê có mặt khắp các ngã đường, trong phòng làm việc, nhà máy, bếp ăn của các hộ gia đình, và được uống dưới nhiều hình thức đen hay pha với các nguyên liệu khác như đường, sữa, kem… Đặc biệt, thưởng thức cà phê đã trở thành một hoạt động được cho phép và khuyến khích trong giờ nghỉ giải lao buổi sáng và buổi chiều của công nhân tại các nhà máy từ cuối thế kỷ 19 nhằm cải thiện hiệu suất làm việc. Đến đầu thế kỷ 20, khái niệm “coffee-break” – “nghỉ giải lao cà phê” lần đầu tiên được lồng ghép trong chiến dịch quảng cáo của hãng cà phê Maxwell House do nhà tâm lý học hành vi John Boardus Watson thực hiện. Tuy nhiên, phải đến những năm 1950, thuật ngữ “coffee-break” – “nghỉ giải lao cà phê” được phổ biến rộng rãi qua chiến dịch quảng cáo “Give yourself a coffee-break” của The Pan American Coffee Bureau cũng do John Boardus Watson đảm trách.

Cùng thông điệp “Give yourself a coffee-breakand get what coffee gives to you”, những giá trị của cà phê đem lại cho người thưởng thức như “Work better” – Làm việc tốt hơn, “Feel Better” – Cảm giác hạnh phúc hơn, “Think Better” – Suy nghĩ tốt hơn, được khẳng định mạnh mẽ qua những mẫu quảng cáo. Với các câu chuyện cụ thể cùng hình ảnh của những con người hạnh phúc, thuộc mọi lĩnh vực từ công nhân, ngư dân, nhân viên văn phòng, kỹ sư, chuyên gia, nghệ sỹ… cùng ngồi xung quanh cốc cà phê để nghỉ ngơi, nạp năng lượng, tìm lại sự tỉnh táo, tập trung làm việc; hay trò chuyện, chia sẻ; tìm kiếm những ý tưởng… tại nơi làm việc, văn phòng, trong bếp ăn, nhà hàng… vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, đã khơi gợi, thúc đẩy cộng đồng thực hiện “coffee-break” . Ngay sau chiến dịch này, cùng việc thúc đẩy lượng tiêu thụ cà phê tại Mỹ, “coffee-break” được đưa vào từ vựng quốc tế, và đến năm 1957 đã trở thành điểm thương lượng về chính sách phúc lợi cho công nhân, người lao động trong ngành công nghiệp Mỹ.

Với hoạt động truyền thông rầm rộ, biểu dương cho lối sống năng động, giàu có và hạnh phúc hơn, văn hóa “coffee-break” đã lan rộng khắp nước Mỹ vào nửa cuối thế kỷ 20, được áp dụng như văn hóa doanh nghiệp Mỹ. Ở đây, “coffee-break” đã tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội trao đổi về nhiều chủ đề khác nhau, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó giúp giảm bớt căng thẳng, thúc đẩy tinh thần cộng đồng, giúp con người tái tạo năng lượng, tăng năng suất và phát huy tư duy sáng tạo. Những giá trị của “coffee-break” nhanh chóng được cả thế giới công nhận và ứng dụng.

Tại Thụy Điển, với mức tiêu thụ 7,32kg cà phê/người/ năm (Theo International Coffee Organization), quốc gia này rất coi trọng việc uống cà phê và Fika – một cách gọi khác của “coffee-break” trong văn hóa nơi đây. Tại các doanh nghiệp, Fika có thể diễn ra bất cứ lúc nào và nhiều lần trong ngày, nhằm nâng cao tinh thần nhóm, giao tiếp xã hội, giảm căng thẳng và tìm kiếm sự hỗ trợ, lời khuyên từ đồng nghiệp. Trong khi đó tại Anh, “Elevenses” là thuật ngữ chỉ giờ nghỉ giải lao để uống trà hoặc uống cà phê diễn ra truyền thống vào khoảng 11 giờ sáng và được xem là một phần không thể thiếu trong ngày làm việc. Các doanh nghiệp tại Anh còn tạo ra các khu vực trung tâm để thực hiện Elevenses và tạo điều kiện cho nhân viên từ các phòng ban khác nhau có thể giao lưu trao đổi công việc trực tiếp thay vì qua email. Với đất nước Nhật Bản, “coffee-break” bao gồm cả cà phê và trà xanh. Thời gian “coffee-break” tại các doanh nghiệp Nhật Bản là lúc để nhân viên cập nhật các vấn đề và thể hiện mình là người tham gia tích cực trong nhóm làm việc.

Ngày nay, nền kinh tế thế giới dần dịch chuyển đến hình thái kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo với hạt nhân là năng lực sáng tạo đổi mới của mỗi cá nhân, tổ chức, quốc gia… Giá trị văn hóa “coffee-break” tạo điều kiện tự do giao tiếp xã hội, trao đổi trí tuệ và phát huy tinh thần sáng tạo trở nên phổ biến, xuất hiện trong hầu hết các buổi hội nghị, hội thảo của tất cả các lĩnh vực; trong các cuộc gặp gỡ, hội họp của mỗi doanh nghiệp, cũng như trong thời gian nghỉ ngơi tại các nhà máy hay của mỗi cá nhân.

Mang trong mình nguồn năng lượng tỉnh thức, cà phê ngày càng có vị trí đặc biệt trong tiến trình thúc đẩy văn hóa sáng tạo của cá nhân, tổ chức, quốc gia. Đồng thời, cà phê đóng vai trò là năng lượng chủ đạo đóng góp vào công cuộc định hình phong cách sống, tạo nên quyền lực mềm cho các quốc gia trong kỷ nguyên kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo.

Thân mời bạn đọc đón xem loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh https://bit.ly/caphetrietdao

Cà Phê Triết Đạo

Đón đọc kỳ sau: Hàng quán cà phê và sự hình thành các thiết chế xã hội