Kỳ 8: Nghi lễ cà phê của người Ethiopia
Thưởng thức cà phê là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống xã hội và văn hóa của người Ethiopia. Tham dự một buổi lễ cà phê là biểu hiện của tình bạn, sự tôn trọng và lòng hiếu khách.
Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…của cà phê trong mọi lĩnh vực của đời sống để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo ”.
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!
Tên gốc của Ethiopia là Abyssinia và là nước độc lập cổ xưa nhất của Châu Phi, đã được văn minh Ai Cập biết đến từ hai ngàn năm trước công nguyên. Nằm ở đông bắc Châu Phi, đây là nơi phát tích cây cà phê Arabica trong những thung lũng hoang vắng đất đỏ của núi lửa xa xưa và sương mù ở độ cao hàng ngàn thước trên mặt biển.
Người Ethiopia rất coi trọng nghi lễ cà phê. Nghi lễ không chỉ là một hình thức văn hoá mà còn là sự kiện gắn kết tình cảm bằng hữu và thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giữa người với người. Ở hầu hết các khu vực của Ethiopia, nghi lễ cà phê diễn ra ba lần một ngày – buổi sáng, trưa và tối. Đây là sự kiện xã hội chính trong làng và là thời gian để thảo luận về cộng đồng, chính trị, cuộc sống. Nghi lễ cà phê cũng có thể tiến hành bất cứ lúc nào tại nhà để đón tiếp bạn bè.
Người phụ nữ đóng vai trò chủ chốt trong việc tiến hành nghi thức pha chế lẫn dọn bày. Họ mặc trang phục truyền thống màu trắng và thực hiện nghi thức từ rang, xay cà phê. Đầu tiên, khu vực thực hiện nghi thức được quét gọn sạch, rải thảo mộc và hoa tươi. Người nữ chủ lễ đốt hương trầm để thanh tẩy bầu không khí và xua đuổi tà ma.
Nước sạch được đong vào ấm đất hoặc gốm đen, đáy bằng tròn (gọi là Jebena) rồi đặt lên than hồng. Hạt cà phê tươi được rửa sạch và rang trong chảo gang có cán gỗ dài. Cà phê được rang chậm với lửa thật đều và đảo luôn tay để dầu thơm tiết ra nhưng không bị cháy đen. Hương cà phê thơm phảng phất khi rang cũng góp phần cho khí quyển của buổi lễ.
Khi cà phê giã xong cũng là lúc nước đã đủ nóng. Người nữ phụ trách giở nắp ấm bằng rơm và trút cà phê vừa xay thơm ngát vào. Ấm đun lại tới khi cà phê được chiết xuất vừa đúng độ và sẵn sàng rót ra cho khách. Một chiếc khay gồm những tách không quai bằng gốm hoặc thủy tinh (Cini) đặt sát nhau được rót một lần cho đồng đều từ trên cao độ hơn một gang tay. Bã cà phê còn nằm trong ấm, không trút vào các tách.
Người ít tuổi nhất lúc đó mời người cao tuổi nhất thưởng thức tách cà phê đầu tiên. Người hành lễ mời tất cả cùng tham dự cùng uống cà phê (Bunna Tetu). Khách có thể thêm đường nếu muốn. Sữa thường không được sử dụng. Khách lịch thiệp sẽ khen người pha chế cà phê cũng như tán thưởng nguyên liệu chọn lọc của chủ nhà.
Sau tuần cà phê thứ nhất, nghi thức được lặp lại đến vòng thứ hai và thứ ba. Ba vòng của cà phê được gọi liên tiếp là Abol, Tona và Baraka. Hai tách cà phê đầu tiên, Abol và Tona tượng trưng cho độ cao thay đổi về tinh thần, từng bước đưa người uống ngày càng gần hơn với sự chuyển hóa thần khí. Tách thứ ba – Baraka có nghĩa là sự ban phước chúc phúc cho tất cả.
Những biến thiên của việc pha chế là người cử hành có thể thêm đậu khấu (cardamom), quế (cinnamon) và đinh hương (clove) vào khi rang cà phê để làm phong phú thêm với các gia vị. Những hương liệu giàu có của trái đất vùng nhiệt đới, nhờ ánh sáng và hơi ấm của mặt trời – với sự kết hợp của cả bốn nguyên tố đất, nước, lửa, gió giúp con người hòa hợp với nhau và với đất trời để hưởng hạnh phúc trần gian.
Nghi lễ cà phê xuất hiện từ hàng trăm năm trước và được phát triển thành một phần của nền văn hóa, được truyền từ đời này sang đời khác trong xã hội người Ethiopia.
* Đón đọc kỳ sau: Văn minh cà phê Ottoman – Di sản văn hóa nhân loại