Thập Nhị Binh Thư – Binh thư số 5: Ngô Tử Binh Pháp

27/04/2021
1388

“Ngô Tử Binh Pháp” là một trong những binh thư kinh điển của lịch sử quân sự thế giới. Nhưng tầm ảnh hưởng của nó không chỉ gói gọn ở lĩnh vực quân sự mà còn được vận dụng vào nhiều lĩnh vực như: khoa học, kinh tế học, kinh doanh và chiến lược…

Ngô Khởi (440 – 381 TCN) – nước Vệ sống thời Chiến Quốc (sau Ngũ Viên và Tôn Vũ) – là nhà cải cách chính trị, chỉ huy quân đội và lý luận quân sự kiệt xuất. Xét về binh học, danh tiếng của ông không hề kém Tôn Vũ. Hậu thế từng nhập chung 2 bộ binh thư của họ thành một, gọi là “Tôn Ngô Binh pháp”. Điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 trước tác của Tôn và Ngô là: Tôn Vũ thuần túy luận bàn từ giác độ quân sự; Ngô Khởi khi lập thuyết đã khéo léo kết nối võ bị với chính trị.

Ngô Khởi thời trẻ đã sớm rời nước Vệ nhỏ bé, sang nước Lỗ tìm công danh. Ông theo học với nhà Nho nổi tiếng Tăng Sâm (Tăng Tử). Chẳng bao lâu sau, ông bỏ văn học võ, nghiên cứu binh pháp. Có thực tài, Ngô Khởi được tiến cử và trở thành đại tướng của nước Lỗ. Đương khi ấy, Tề đánh Lỗ. Ngô Khởi cầm quân ra trận và thắng ngay. Nhưng vì có lời gièm pha mà Lỗ Mục Công nghi kỵ. Thế là Ngô Khởi lại rời bỏ nước Lỗ, sang xin theo Ngụy Văn Hầu. Vào đầu thời Chiến Quốc này, nước Ngụy đang hùng cường hơn hẳn.

Trong triều đình Ngụy, có người bảo Ngô Khởi là kẻ bạc tình tàn nhẫn, có người bảo Ngô Khởi là kẻ bất hiếu, lại có người bảo Ngô Khởi tham lam vô độ. Ngụy Văn Hầu bán tín bán nghi, liền vời đại thần Lý Khắc. Lý tâu rằng: “Ngô Khởi tuy ham công danh hiếu sắc nhưng có thực tài cầm quân đánh trận, thần trộm nghĩ Tư Mã Nhương Tư của nước Tề cũng không giỏi hơn“. Ngụy Văn Hầu nghe vậy liền tin dùng Ngô Khởi làm Đại Tướng đem quân đi đánh Tần ở phía tây.

Ngô Khởi cầm quân tây tiến. Dù có tàn nhẫn bạc tình với ai nhưng đối với thủ hạ thì Ngô Khởi hết mực đối đãi. Viên đại tướng không ngồi lưng ngựa mà cùng đi bộ với binh sĩ, khoác chiến y sơ sài và cùng ăn chung một nồi với thuộc cấp thấp nhất. Đêm đến thì ông cùng màn trời chiếu đất như lính, không quan cách chút nào. Ngô Khởi thương lính như con. Lòng Trắc ẩn của ông với binh sĩ không phải vì ông muốn họ sống sung sướng mà muốn khiến họ sẵn lòng chết nơi sa trường. Đội quân của ông đánh đâu thắng đó, quân Tần liên tiếp thất bại. Ngô Khởi hạ liền 5 thành.

Ngụy Văn Hầu nghe tin báo về cả mừng. Ngô Khởi không chỉ giỏi dùng binh, xác lập Quyền lực Cứng khi đối mặt kẻ địch, mà trong mắt tướng sĩ thì ông Tướng ấy chan hòa liêm khiết, rất được lòng quân – tức là có Quyền lực Mềm. Ngụy Văn Hầu giao cho ông trấn giữ Tây Hà. Tại đây, Ngô Khởi cho tu sửa thành lũy, luyện tập binh mã, chống nước Tần hùng mạnh ở phía tây, khiến nước Tần không dám xâm phạm bờ cõi nước Ngụy.

Năm 396 TCN, Ngụy Văn Hầu mất. Ngụy Vũ Hầu lên kế ngôi. Tể tướng nước Ngụy khi ấy là Công Thúc đã bày mưu gièm pha Ngô Khởi với Ngụy Vũ Hầu khiến nhà vua không còn tin dùng ông nữa. Ngô Khởi một lần nữa phải bỏ sang nước Sở để không bị tội chết.

Sở Điệu Vương nghe uy danh của Ngô Khởi đã vời ông đến và phong làm Tể tướng. Ngô Khởi tâu với vua Sở cần tiến hành cải cách chính trị trong nước: xóa bỏ những chức quan không cần thiết, cắt chu cấp cho những người họ hàng xa của hoàng gia để dành ngân sách hậu đãi nuôi dưỡng những người chiến đấu.

Ngô Khởi cho rằng muốn làm cho nước mạnh phải biết đạo nuôi quân. Ông tâu lên Sở Điệu Vương: “Đạo nuôi quân, trước hết phải cấp lương cho hậu thì họ mới chịu hết sức, nay trong triều có nhiều chức quan không cần, nhiều người họ xa của nhà vua cũng ăn hại của kho nhà nước, còn lương chiến sĩ thì cấp cho chẳng được bao nhiêu, thế mà muốn khiến cho họ phải vì nước liều mình, chẳng cũng khó lắm ư! Nếu đại vương chịu theo kế sách của thần, đem bổng lộc mà cấp cho binh sĩ, như thế mà nước không cường thịnh thì thần xin chịu tội chết.

Quả thực Ngô Khởi giúp Sở giàu mạnh hẳn lên, phía nam bình định Bách Việt, phía bắc tiêu diệt nước Trần, nước Sái, cự tuyệt Tam Tấn (Hàn, Triệu, Ngụy), phía tây vững chắc chống Tần. Ông đến giúp nước nào thì nước đó hùng mạnh bởi lẽ ông coi việc binh bị là phương tiện hữu hiệu để nhà vua xưng Bá xưng Vương. Chư hầu lo lắng vì nước Sở mạnh, mặt khác các gia tộc đại thần nước Sở bị giảm quyền lợi cũng muốn hại Ngô Khởi.

Năm 381 TCN, Sở Điệu vương mất. Các đại thần, tôn thất đã tiến hành binh biến để đánh Ngô Khởi. Ông bị họ hạ sát ngay bên cạnh thi thể Sở Điệu Vương, để lại cho hậu thế quyển Ngô Tử Binh pháp.

Hiện cuốn Binh pháp này chỉ còn lưu truyền 6 thiên là: Đồ quốc, Liệu địch, Trị binh, Luận tướng, Ứng biến và Lệ sĩ nhưng đủ để diễn giải một số tư tưởng chính trị quân sự thời cổ đại mà phần nào trong số ấy vẫn còn đúng đắn đến tận bây giờ.

Cụ thể, Ngô Khởi lập thuyết rằng: Quan điểm về chiến tranh: nước nào cũng cần “trong thì sửa văn đức, ngoài thì lo võ bị”, không thể coi nhẹ mặt nào. Thắng bại trong chiến tranh là do Đạo, tức là làm cho muôn dân và binh sĩ thuận theo ý chí của nhà vua. “Trước nhất cần giáo dục bách tính, gần gũi muôn dân. Không hành động trong 4 tình huống bất hòa: Trong nước không thống nhất ý chí thì không thể xuất quân; tướng sĩ chưa đoàn kết thì không thể ra trận, khi lâm chiến, trận thế không chỉnh tề thì không thể ra đánh, hành động tác chiến chưa phối hợp thì không thể thắng. Do đó, bậc minh quân khi chuẩn bị chiến tranh trước hết phải đoàn kết toàn dân và binh lính lại. Dân chúng biết được nhà vua yêu quý tính mạng họ, tướng sĩ hiểu vua thương xót trước cái chết của họ, thì dẫu chiến cuộc xảy đến họ vẫn tận lực lấy cái chết làm vinh, coi việc sợ chết thoái lui là sỉ nhục”.

Thêm một quan điểm nữa khá mới mẻ trong thời Chiến Quốc: “Giành thắng lợi là tương đối dễ dàng hơn so với việc củng cố thắng lợi ấy. Việc củng cố chiến thắng đồng nghĩa với sự khuất phục hoàn toàn của địch“. Ngô Khởi đã cẩn trọng nghiên cứu những cuộc chiến tranh trong các thời đại trước ông để khái quát thành nguyên tắc bất kể mọi thiên biến vạn hóa trên chiến trận. Những cung cách ứng xử trong một số tình huống cụ thể như tao ngộ chiến, đánh địch có thành lũy vững chắc, tác chiến trong vùng rừng núi hay đầm lầy… vẫn còn giá trị tham khảo trong tác chiến hiện đại của thế kỷ 21.

“Ngô Tử binh pháp” thuộc binh pháp số 5 trong 12 binh pháp của cuốn sách “Thập Nhị Binh Thư” được Nhà sáng lập – Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng, tuyển chọn thuộc lĩnh vực Chính trị – Ngoại giao – Quân sự trong “Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời”.

Tủ sách Nền tảng Đổi đời bao gồm hơn 100 đầu sách quý được Nhà sáng lập – Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết tuyển chọn từ hàng triệu cuốn sách, từ hàng nghìn tấm gương danh – vĩ nhân thành công của nhân loại.

Tủ sách Nền tảng đổi đời cung cấp kiến thức, giúp học hỏi về 12 lĩnh vực căn bản: Huyền học, Triết học, Khoa học, Chính trị học, Kinh tài học, Tâm lý học, Xã hội học, Đạo đức học, Nghệ thuật và Mỹ học, Âm thanh và Ngôn ngữ học, Y học, Võ học nhằm khuyến khích việc học hỏi, tiếp thu và ứng dụng tinh hoa tri thức nhân loại; từ đó, chuyển hóa sức mạnh tri thức thành sức mạnh vật chất, sức mạnh thể chất và sức mạnh tinh thần, giúp mỗi cá nhân rút ngắn con đường đến thành công và hạnh phúc đích thực.

Tri thức là ánh sáng! Tri thức là sức mạnh của dân tộc!
Khi cùng nhau, không gì là không thể!