Kỳ 12: Cà phê chinh phục Châu Âu

28/08/2019
4801

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…của cà phê trong mọi lĩnh vực của đời sống để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo ”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Cà phê khởi sinh ở Ethiopia, thiết lập văn minh cà phê đầu tiên vào thời cực thịnh của đế chế Ottoman và được vinh thăng như thức uống khai triển trí tuệ con người trong thời kỳ Khai sáng Châu Âu.

Những nghiên cứu đầu tiên

Kiến thức về cà phê được người Châu Âu biết đến từ nghiên cứu của những nhà thám hiểm Địa Trung Hải. Tài liệu đầu tiên ghi nhận việc thưởng thức cà phê được viết bởi một bác sĩ, nhà thực vật học nổi tiếng người Đức có tên Leonhard Rauwolf. Ông cũng là nhà thực vật học Châu Âu đầu tiên thời hậu trung cổ thám hiểm đến Syria và ấn tượng mạnh với thức uống rất ngon, được người bản địa gọi là Chaube (cà phê).

Cuốn Rauwolf’s Travels xuất bản năm 1582 ghi rõ: “Chaube đen gần như mực và có thể chống lại bệnh tật, đặc biệt là dạ dày. Họ uống vào buổi sáng sớm ở những không gian thoáng đãng hoặc trải thảm và uống cùng nhau, nhấm nháp từng chút một”.

Đến năm 1592, bác sĩ, giáo sư thực vật học Prospero Alpini (người Ý) xuất bản cuốn “De Plantis Aegypti” mô tả chi tiết về cà phê và lợi ích khoa học của cà phê với sức khỏe con người. Cuốn sách là thành quả của 3 năm du hành đến Ai Cập nghiên cứu về hệ thực vật ở đây. Rất nhiều đặc tính dược lý của cà phê trong sách của Prospero Alpini còn được lưu giữ trong kho tài liệu dược liệu của Châu Âu đến ngày nay.

Đại sứ ngoại giao Đông và Tây

Thế kỷ 17, cà phê chính thức du nhập vào Châu Âu theo đường ngoại giao. Năm 1669, Đại sứ Đế chế Ottoman – Suleiman Aga mang cà phê đến Pháp như quà tặng đối ngoại giữa các lãnh đạo cao nhất phương Đông và phương Tây.

Tại Paris, Suleiman thuê một không gian xa hoa và trình diễn văn hóa thưởng thức cà phê Ottoman. “Thức uống kỳ diệu” của người Ottoman tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt, được mời một tách cà phê là vinh dự lớn trong giới quý tộc Paris.

Hoạt động của Suleiman thúc đẩy sự truyền bá văn hóa cà phê Ottoman vào Pháp thời kỳ đầu hiện đại. Sau chuyến thăm nổi tiếng này, hàng quán cà phê phát triển mạnh, lan tỏa đến tầng lớp bình dân. Chủ quán cà phê thường là người Armenia, Syria hoặc Hy Lạp.

17 năm sau, năm 1686 một người Pháp gốc Sicille tên là Francesco Procopio dei Coltelli từng làm thuê trong quán cà phê Ottoman đã nhận thấy vai trò của quán cà phê trong việc kết nối xã hội và phát triển kinh tế. Ông quyết định xây dựng quán cà phê đầu tiên theo phong cách Pháp lấy tên Café Procope.

Đến thế kỷ 18, Café Procope cùng những quán cà phê khác đã trở thành nơi đóng vai trò xúc tác cho những cuộc cách mạng làm thay đổi xã hội Châu Âu trong thời kỳ khai sáng.

Café Procope là nơi hội tụ giới tri thức tinh hoa như Diderot, Rousseau, Voltaire,… Quán De la Régence là chốn tranh luận yêu thích của những nhà khai sáng Robespierre (một trong những nhà lãnh đạo Cách mạng Pháp 1789), Napoléon Bonaparte (Hoàng đế Pháp), Benjamin Franklin (người sáng lập nước Mỹ), Karl Marx (người sáng lập Chủ nghĩa Xã hội khoa học)…

Có thể thấy, cà phê đã chinh phục Châu Âu không chỉ như một thức uống thông thường mà chính là nguồn năng lượng tỉnh thức, thúc đẩy tư duy sáng tạo trong thời kỳ khai sáng Châu Âu.

* Đón đọc kỳ sau: Cà phê thức tỉnh nhân tình – Đẳng cấp Pháp