Cà phê triết đạo kỳ 62: Cà phê và khát vọng Đại Hàn

09/03/2021
2600

Cà phê triết đạo kỳ 62: Cà phê và khát vọng Đại Hàn - Hình 1

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… của cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Chỉ trong một thế hệ, Hàn Quốc đã chuyển mình từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành cường quốc kinh tế. Động lực của sự thay đổi này nằm ở khát vọng sáng tạo đổi mới mà người Hàn luôn vun bồi.

Cà phê và giấc mộng đế quốc

Nửa sau thế kỉ 19 đến đầu thế kỉ 20 là giai đoạn biến động nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Chủ nghĩa đế quốc từ châu Âu tràn qua châu Á, mang theo các khái niệm về văn minh lan rộng trong các đoàn thể quần chúng. Từ đây khởi lên những trăn trở về giấc mộng phản phong kiến và xây dựng quốc gia hiện đại.

Vua Gojong (Cao Tông) – vị vua cuối cùng của triều đại Joseon đã thực hiện cuộc chuyển đổi quan trọng, đưa Hàn Quốc từ vương triều phong kiến thành nhà nước cận đại, xưng danh Đế quốc Đại Hàn. Gojong trở thành hoàng đế đầu tiên và bắt đầu công cuộc cải cách, đặt nền tảng cơ bản cho sự phát triển của đất nước sau này.

Cà phê triết đạo kỳ 62: Cà phê và khát vọng Đại Hàn - Hình 2

Gojong từng du hành đến Mỹ, châu Âu, Nga và ông nhận ra Hàn Quốc đang tụt hậu so với phần còn lại của thế giới. Gojong cứng rắn thực thi các chính sách hiện đại hóa quốc gia. Dưới sự lãnh đạo của ông, lần đầu tiên Hàn Quốc có chính sách giáo dục bắt buộc, có học viện khoa học hiện đại, nhà in sách, văn phòng cấp bằng sáng chế, trung tâm toán học,… Gojong cũng bảo hộ các hoạt động nghiên cứu học hỏi tinh hoa văn hóa các cường quốc đương thời.

Năm 1882, Hàn – Mỹ ký Hiệp ước Hoà bình, Hữu nghị, Thương mại và Hàng hải. Đây là cột mốc quan trọng tạo thuận lợi cho cà phê – thức uống thời thượng lúc bấy giờ ở Mỹ du nhập vào Đế quốc Đại Hàn. Hoàng đế Gojong rất yêu thích thức uống đặc biệt khiến thần trí con người tỉnh táo và yêu cầu phục vụ cà phê trong hoàng gia.

Trong cung điện Deoksugung, Gojong xây dựng tòa nhà Seokjojeon theo phong cách phương Tây. Đây là nơi Hoàng đế Gojong uống cà phê cùng các bộ trưởng trong khi thảo luận vấn đề quốc gia. Đại sứ quán Nga tại Hàn Quốc lúc bấy giờ có một phụ nữ gốc Đức tên Antoinette Sontag (1845-1925) nổi tiếng pha chế cà phê ngon và am hiểu văn hóa Âu châu. Bà được mời vào hoàng cung phụ trách pha cà phê riêng cho hoàng gia. Đến năm 1902, Gojong hỗ trợ Antoinette Sontag mở quán cà phê đầu tiên ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Loại hình quán cà phê thời kỳ đầu được gọi là Dabang dành riêng cho hoàng gia, chính trị gia, giới thượng lưu và các nhà ngoại giao. Thủ tướng Anh Winston Churchill, tiểu thuyết gia Jack London, Mark Twain đều đã từng đến quán cà phê này.

Chỉ trong thời gian ngắn, quán cà phê trở thành nơi gặp gỡ của những nhân vật có tầm ảnh hưởng và giới trí thức ủng hộ cải cách. Quán cà phê Sontag đóng vai trò quan trọng đến mức có thể xem là trung tâm ngoại giao của Đế quốc Đại Hàn lúc bấy giờ. Nhóm các nhà khai sáng khao khát thúc đẩy tự cường quốc gia “Jeongdong-gurakbu” đã hoạt động chủ yếu ở đây. Tờ báo Daehan Maeil Shinbo luận về các vấn đề thời cuộc xã hội nhằm khai sáng cho người Hàn hiểu biết hơn về quốc gia cũng được ra đời tại quán cà phê này. Có thể nói hầu hết các phong trào đổi mới đã được thảo luận ở quán cà phê Sontag. Trong những năm cải cách, Hàn Quốc thực hiện hàng trăm dự án hiện đại hóa toàn diện trên các lĩnh vực chính trị lẫn đời sống nhân sinh. Đầu thế kỷ 20, Đế quốc Đại Hàn đã được công nhận là một cường quốc ở Đông Á.

Cà phê triết đạo kỳ 62: Cà phê và khát vọng Đại Hàn - Hình 3

Năm 1910, Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc, tham vọng đồng hóa người Hàn. Giai đoạn này phong trào yêu nước triển khai mạnh mẽ dưới dạng các phong trào văn hóa, mục tiêu nhấn mạnh vào tính quan trọng của việc nuôi dưỡng, vun bồi nội lực chuẩn bị cho độc lập dân tộc. Đặc trưng tiêu biểu là nhu cầu khẳng định bản sắc – bản thể thông qua hệ thống các biểu tượng, giá trị tượng trưng làm trụ cột cho tính chính thể dân tộc.

Từ sau phong trào Độc lập Samil (sự kiện xúc tác cho việc thành lập Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc) hàng quán cà phê phát triển và phổ biến sâu rộng hơn vào đời sống xã hội Hàn Quốc. Năm 1927, giới văn nhân nghệ sĩ Hàn Quốc mở quán cà phê theo phong cách riêng. Những quán cà phê đầu tiên do người Hàn Quốc điều hành như Kakadu, Jebidabang, Cafe Tsuru sử dụng nội thất đại diện văn hóa Hàn Quốc hiện đại được sáng tạo bởi các họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nghệ nhân Hàn. Quán cà phê được tổ chức như không gian trải nghiệm văn hóa và thức tỉnh thời đại, là nơi tổ chức các sự kiện triển lãm nghệ thuật, thảo luận văn học và biểu diễn âm nhạc… Nhà thơ thiên tài Lee Sang, Lee Kwang- soo, tiểu thuyết gia Kim Yoo-jeong, Park Tae-won, họa sĩ Koo Bon-woong đã sáng tạo phần lớn các tác phẩm lay động tư tưởng dân chúng tại quán cà phê.

Nỗ lực thay đổi, nhưng khi thế chiến II kết thúc, Hàn Quốc rơi vào cuộc chiến chia cắt Bắc – Nam gây thiệt hại nặng nề, biến Hàn Quốc thành một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Cà phê và tinh thần dám thách thức thất bại

Những năm 1950 – 1960, hầu hết người dân Hàn Quốc lâm cảnh đói nghèo, không thể đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Giữa khó khăn cùng cực, chính phủ Hàn Quốc phát động phong trào Saemaul Undong, một lần nữa đánh thức khát vọng Đại Hàn. Hàn Quốc đã có một giấc ngủ dài trong những năm thuộc địa và tranh chiến, người dân phải thức tỉnh cùng nhau hành động. Nguồn lực tự nhiên có hạn, nhưng sức sáng tạo và nỗ lực của con người là vô hạn, phong trào Saemaul Undong kêu gọi người Hàn hãy khao khát “một cuộc sống tốt hơn”, hãy khắc sâu tinh thần “cùng nhau chúng ta có thể làm được”.

Cà phê triết đạo kỳ 62: Cà phê và khát vọng Đại Hàn - Hình 4

Về cơ bản, Saemaul Undong tập trung tăng trưởng phi vật chất, một chiến lược tạo ra sự thay đổi xã hội thông qua việc thiết lập lối sống mới, chuyển hóa ý thức cộng đồng và đào luyện năng lực cá nhân. Người Hàn Quốc hiểu rằng, muốn trở thành một dân tộc lớn thì mỗi cá nhân phải nghĩ lớn. Một cá nhân khởi nghiệp, sẽ có một cộng đồng hỗ trợ. Những con người có ý chí vươn lên, có tinh thần tiến thủ bất chấp nghịch cảnh như Chung Ju-yung (nhà sáng lập Tập đoàn Hyundai), Kim Woo-jung (nhà sáng lập Tập đoàn Daewoo), Lee Byung-chul (nhà sáng lập Tập đoàn Samsung), Koo In Hwoi (nhà sáng tập Tập đoàn LG)… được tin tưởng giao phó trách nhiệm gánh vác các mục tiêu lớn trong chiến lược phát triển nền kinh tế quốc gia.

Người dân tham gia Saemaul Undong bằng các sáng kiến đóng góp vào những dự án phát triển chung. Có thể nói đây là một hình thức hợp lực trí tuệ cộng đồng, khơi dậy thái độ sống năng động và sáng tạo nhằm thúc đẩy tiến trình đổi mới nhanh, toàn diện vì một tương lai đáng mơ ước.

Hàng quán cà phê giai đoạn này tăng trưởng nhanh chóng, những năm 1960 – 1970, Hàn Quốc có hơn 5.000 quán cà phê. Không gian hàng quán cà phê là nơi những nhân tài sáng tạo khởi sự nên những kế hoạch lớn. Quán cà phê Haklim Tea House nằm đối diện Trường Đại học Quốc gia Seoul được gọi tên là “Giảng đường thứ 25” vì đây là nơi gặp gỡ, chia sẻ các nghiên cứu của giới trí thức tiến bộ với sinh viên. Quán cà phê Eagle Tea House ở Shinchon, quán Doksuri Teahouse gần đại học Yonsei là nơi những thanh niên trẻ bàn luận các mối quan tâm về thời đại. Quán Galchae Coffee House, Baeknok Coffee House luôn luôn chứa đầy tạp chí và các bản thảo của giới văn nhân, nghệ sĩ. Những quán cà phê Dongdong, Obis Cabin ở Myeong-dong và Shelbourg ở Jongno-gu là nơi khởi đầu thời kỳ hoàng kim của loại hình cà phê âm nhạc.

Giới doanh nhân sử dụng quán cà phê như phòng làm việc không chính thức khi chưa đủ khả năng mở văn phòng riêng. Quán cà phê Myeongdabang mang phong cách hiện đại lúc nào cũng đông nghịt doanh nhân. Quán cà phê Deawon, Woobong, Jim, Byeol là nơi làm việc thường xuyên của rất nhiều chủ sở hữu các doanh nghiệp Hàn Quốc giai đoạn đổi mới. Thậm chí, người quản lý quán cà phê cũng đảm đương nhiệm vụ thư ký cho những doanh nhân này và các công ty gọi chung là “công ty quán cà phê”. Khu thương mại Jongno là trung tâm tập kết của hàng loạt quán cà phê như Hangaram, Asia, Gyeongseong, Namgung, Shinsa, Kukje, Jeil, Danseongsa… đó đều là những không gian thương mại dành cho người trẻ ôm mộng khởi nghiệp.

Cà phê triết đạo kỳ 62: Cà phê và khát vọng Đại Hàn - Hình 5

Năm 1977, Lotte Industries giới thiệu máy bán cà phê tự động tại Hàn Quốc. Chỉ trong một năm, hơn 1.100 máy bán cà phê tự động đã được lắp đặt tại các địa điểm công cộng lớn, các văn phòng công ty, phòng chờ thư viện, khuôn viên trường đại học,… kỷ lục trung bình mỗi ngày có hơn 150.000 cốc cà phê được bán ra. Kể từ đó, Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia tiêu thụ cà phê tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

Đổi mới và sáng tạo là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội Hàn Quốc. Khát vọng Đại Hàn đã thực sự được đánh thức. Cuối thế kỷ 20, Hàn Quốc là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Những năm 1980, hai tập đoàn Samsung, Hyundai được xếp vào danh sách 50 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Cuối năm 1995, Hàn Quốc được xếp hạng nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới, rũ bỏ hình ảnh thuộc địa nghèo đói.

Thay đổi hệ cảm thức là tiền đề thay đổi cung cách hành động. Từ một dân tộc kiệt quệ sau chiến tranh, một quốc gia không có bất kỳ tài nguyên nào khác đã đạt kỳ tích chỉ với cuộc cách mạng tư duy và năng lượng sáng tạo. Suốt diễn trình băng mình về phía trước, cà phê vẫn luôn là thức uống lý tưởng đánh thức khát vọng sáng tạo, góp phần cơ bản vào việc khởi tạo ý chí tự cường, để mỗi một cá nhân dấn thân vào sự nghiệp đổi thay vận mệnh thần kỳ của dân tộc.

Chung Ju-yung, nhà sáng lập Tập đoàn Hyundai, tác giả tự truyện “Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách” đã khẳng định “Nền kinh tế Hàn Quốc phát triển như ngày hôm nay là dựa vào ý chí bất khuất của con người sáng tạo”. Đây cũng là một trong 100 cuốn sách quý thuộc tủ sách Nền Tảng Đổi Đời được Nhà sáng lập – Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết tuyển chọn và trao tặng đến hàng chục triệu thanh niên Việt, thôi thúc thế hệ trẻ có khát vọng lớn, có chí hướng lớn, khởi nghiệp kiến quốc để cùng nhau tạo nên một nước Việt hùng cường và ảnh hưởng.

*Đón đọc kỳ sau: Brazil từ thuộc địa trở thành cường quốc cà phê thế giới.