Cà phê triết đạo kỳ 80: Đi tìm nguồn gốc sự giàu có từ quán cà phê

15/11/2021
2543

Nhà kinh tế học Adam Smith đã soạn thảo phần lớn tác phẩm kinh điển “Nguồn gốc của cải các Quốc gia” (1776) trong một quán cà phê Anh. Từ đó, nhận thức nhân loại về kinh tế học đã thay đổi hoàn toàn.


Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… của cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Nơi khởi xướng những phát kiến cơ bản của hành vi kinh tế

Trong thời đại chứng kiến sự trỗi dậy của xã hội công nghiệp và tư bản hiện đại, sự ra đời của văn hóa cà phê đã thay đổi tiến trình lịch sử nền văn minh phương Tây, đặc biệt là vương quốc Anh. Những quán cà phê đầu tiên ở London trải dài trên phố Cornhill, nơi có sàn giao dịch Hoàng gia (Royal Exchange) – tòa nhà thương mại chuyên dụng đầu tiên của Anh. Thế kỷ 17, London được mệnh danh là thủ đô kinh doanh quốc tế, còn Cornhill chính là hạt nhân tài chính của London. Cùng với Royal Exchange, sự nổi lên của các công ty cổ phần như Virginia, Đông Ấn, Royal African đã thu hút nhiều thương gia đến Cornhill. Quán cà phê trở thành chốn gặp gỡ của những người cùng chí hướng tìm kiếm cơ hội thương mại hoặc đầu tư tài chính.

Đặc biệt, sau khi chế độ quân chủ được khôi phục vào năm 1660, Anh trải qua sự hồi sinh mạnh mẽ của thương mại và đầu tư. Quán cà phê càng thịnh hành, phát triển thành mạng lưới lớn khắp London. Giới thương nhân sử dụng quán cà phê như phòng làm việc, từ đó dẫn đến cuộc Cách mạng Tài chính khai sinh các tổ chức tài chính và mô hình kinh doanh mới.

Quán cà phê Edward Lloyd’s vào những năm 1680 là nơi diễn ra những giao dịch quan trọng của các thương nhân hàng hải và chủ tàu. Đây là tiền đề thành lập nên đế chế bảo hiểm Lloyd’s lâu đời nhất thế giới. Quán cà phê Jonathan’s là cứ địa của giới tài chính và môi giới tiến hành đấu giá công khai đã phát triển thành Sở giao dịch chứng khoán London. Sở giao dịch Baltic ra đời từ quán cà phê Virginia và Baltick ở phố Threadneedle cho đến nay vẫn tồn tại như một nguồn cung cấp thông tin thị trường hàng hải uy tín. Những sàn đấu giá toàn cầu như Sotheby’s và Christie’s đều có mối liên hệ gốc gác từ quán cà phê.

Hoạt động như một thị trường hữu hình, chính vì thế quán cà phê hội nhập triệt để vào nền kinh tế và làm thay đổi bản chất của xã hội cũng như đời sống kinh tế Anh cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Sự tăng trưởng của các tổ chức tài chính và thị trường chứng khoán kéo theo sự bành trướng thương mại, đồng thời gia tăng quyền lực quân sự Anh. Trong khi các cường quốc khác còn đang tranh giành lãnh thổ, thì nước Anh đã xây dựng mạng lưới thương mại toàn cầu. Vào những năm 1720, Anh là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới. Vị trí dẫn đầu trong thương mại là nền tảng giúp Anh trở thành quốc gia công nghiệp đầu tiên.

Sự định hình và lan tỏa lý thuyết về bản chất sự giàu có trong quán cà phê

Vai trò quan trọng nhất của quán cà phê trong hệ thống kinh tế chính là cung ứng môi trường hoàn hảo cho việc hình thành những học thuyết kinh tế. Bên cạnh giao dịch thương mại, các thương gia đến quán cà phê để uống cà phê và đàm luận tình hình tài chính. Do đó, quán cà phê còn là trung tâm phổ biến thông tin diễn biến nền kinh tế lục địa châu Âu và các thuộc địa xa xôi. Chủ quán cà phê xuất bản những bản tin liệt kê danh sách giá hàng hóa, tỷ giá hối đoái, giá cổ phiếu chính phủ và các ấn phẩm thương mại phục vụ khách hàng. Quán cà phê Edward Lloyd’s còn in tờ báo riêng có tên Lloyd’s News ghi lại những cuộc thảo luận phân tích thị trường của giới thương gia để cung cấp cho khách hàng.

Môi trường đặc biệt của hàng quán cà phê thu hút cả giới tinh hoa trong nhiều lĩnh vực khác như chính trị gia, triết gia, học giả. Họ tới để nghe và tham gia vào những cuộc thảo luận đầy tính gợi mở, đồng thời ghi chép các thông tin đổ về từ khắp nơi trên thế giới. Adam Smith (1723 – 1790) – cha đẻ của kinh tế học hiện đại cùng với nhà kinh tế David Hume (1711 – 1776), thường xuyên gặp nhau tại quán cà phê John’s Coffee House trên đường Royal Mile, Edinburgh để chia sẻ những quan điểm về triết học và đạo đức kinh tế. Lý luận về chủ nghĩa trọng thương và thương mại tự do của David Hume ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng Adam Smith. David Hume cũng là người giới thiệu Adam Smith với các nhà lý thuyết và cải cách kinh tế Pháp (les économistes), đứng đầu là Francois Quesnay – người khai sinh học thuyết trọng nông. Những buổi đàm đạo với nhà kinh tế Pháp thôi thúc Smith đi tìm lời giải cho sự bế tắc của nền kinh tế trên toàn lục địa châu Âu.

Trong giai đoạn đầu của nền sản xuất công nghiệp, xã hội phát triển hỗn loạn, một số ít người có nhiều tiền đầu tư vào sản xuất và nhanh chóng chiếm thế độc quyền, có thể thống trị thị trường, còn người lao động và giới tiêu thụ nhỏ thì bị bòn rút của cải. Adam Smith muốn xóa bỏ tư tưởng kinh tế lỗi thời của trường phái trọng thương, đồng thời thiết lập luận thuyết kinh tế đặt trên nền tảng tự do toàn diện của từng người trong xã hội. Của cải tích lũy được đưa đến tay mọi người, từ tầng lớp doanh nhân cho đến tầng lớp lao động thấp nhất.

Năm 1773, Adam Smith đến London và được bầu làm thành viên của Hiệp hội Hoàng gia London. Trong khi ở London, Adam Smith dành phần lớn thời gian làm việc tại quán cà phê Bristish Coffee House trên phố Cockspur. Ông thậm chí còn thuê nhà ngay cạnh đó để thuận tiện thường xuyên lui tới. British Coffee House là điểm tập trung của giới trí thức Scotland và thường sẵn có các tờ báo Caledonian Mercury, Evening Courant, tạp chí Weekly, tạp chí Scots. Tại đó, Adam Smith đã hoàn thiện cuốn “Nguồn gốc của cải các quốc gia” – một tác phẩm kinh điển đặt nền móng cho khoa học về kinh tế thị trường.

“Nguồn gốc của cải các quốc gia” đúc rút những nghiên cứu sau khi tham gia những cuộc luận bàn giữa các nhà kinh tế liên quan đến các điều kiện kinh tế và xã hội trong thời kỳ đầu của Cách mạng Công nghiệp. “Nguồn gốc của cải các quốc gia” lý giải nguyên nhân tăng trưởng của cải quốc dân và cách thức mang thịnh vượng đến mọi người. Smith lập luận rằng, thịnh vượng không chỉ có nghĩa là làm tăng thêm của cải vật chất mà còn là sự đối xử công bằng và nhân bản với con người. Lý thuyết kinh tế của Adam Smith cung cấp nền tảng cho các nhà hoạch định chính sách kiến tạo một khung hoạt động hữu hiệu, trong đó việc sản xuất, hình thành giá cả và phân phối được tiến hành một cách hài hòa hợp lý giữa người lao động, nhà tư bản và hệ thống quyền lực nhà nước.

“Nguồn gốc của cải các quốc gia” tạo được ảnh hưởng đối với kinh tế học có thể sánh ngang “Nguyên tắc toán học trong vạn vật học” của Isaac Newton trong vật lý và “Nguồn gốc các loài” của Charles Darwin trong sinh vật học. Đây cũng là một trong những cuốn sách quý được Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết tuyển chọn vào Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời – Tủ sách hợp nhất tinh hoa tri thức nhân loại, góp phần kiến tạo nên một dân tộc hình mẫu, giàu có toàn diện về thể chất, vật chất, tinh thần.

Kinh tế, suy cho cùng là góp phần tạo ra sự giàu có thực sự cho con người và cho toàn hệ sinh thái địa cầu. Nhìn nhận theo đường hướng đó, những tư tưởng tiến bộ bộc lộ hết sức năng động tại không gian hàng quán cà phê đã trợ thủ cho việc thức tỉnh tư duy về bản chất sự giàu có cũng như những giá trị tạo ra sự thịnh vượng, đó cũng chính là một phần trong quá trình đạt đến sự thịnh vượng bền vững.

Cà Phê Triết Đạo

Đón đọc kỳ sau: Cà phê và con đường thịnh vượng từ nền kinh tế xanh.