Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên tầm nhìn 20 tỷ USD?

10/03/2023
4161

Từ 10 năm trước, tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Nhà sáng lập – Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ đã chia sẻ “Ngành cà phê Việt Nam có thể đem về lợi nhuận khoảng 20 tỷ USD/năm nếu chúng ta biết cách làm tốt hơn hiện nay cũng như xây dựng được một chiến lược quốc gia về phát triển ngành cà phê”. Đến nay, ngành cà phê Việt Nam đang ở đâu trên tầm nhìn đó?

Bài học từ Top 3 cường quốc xuất khẩu cà phê trên thế giới

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt hơn 1.78 triệu tấn, kim ngạch trên 4.06 tỷ USD, tăng 32% so với năm ngoái, đạt cao kỷ lục từ trước đến nay.

Kết quả trên có được nhờ đẩy mạnh xuất khẩu, khi năm vừa qua, giá cà phê tăng cao trên toàn cầu, kết hợp với Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 7 lần liên tiếp khiến tỷ giá USD/VND tăng mạnh.

Cùng với đó, sự chênh lệch giá giữa cà phê Arabica và Robusta trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế, khiến người mua hàng có xu hướng chuyển từ tiêu dùng Arabica sang Robusta để giảm thiểu chi phí nhưng vẫn có thể sử dụng cà phê. Theo dự báo của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2023-2033.

Năm 2022, xuất khẩu cà phê Việt Nam lần đầu vượt mốc 4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, thúc đẩy triển vọng cho hạt cà phê Robusta Việt Nam trên tầm nhìn 20 tỷ USD.

Năm 2022, xuất khẩu cà phê Việt Nam lần đầu vượt mốc 4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, thúc đẩy triển vọng cho hạt cà phê Robusta Việt Nam trên tầm nhìn 20 tỷ USD.

Đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê, với sản lượng, giá trị ngày càng tăng, tuy nhiên, trong nhiều năm qua, thế giới chỉ biết đến Việt Nam như một quốc gia xuất khẩu cà phê thô. Xuất khẩu cà phê có thương hiệu và mang tính toàn cầu của Việt Nam còn rất hạn chế.

Theo tầm nhìn của tập đoàn cà phê hàng đầu Trung Nguyên Legend, ngành cà phê Việt Nam có thể đạt 20 tỷ USD trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu nếu có những chiến lược, chính sách đúng đắn. Tại hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới” do TP. Buôn Ma Thuột tổ chức năm 2022 – đề án quan trọng theo Nghị quyết số 103/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính Trị về việc Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã có bài tham luận đóng góp nhiều kiến giải, bài học kinh nghiệm để ngành cà phê Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn 20 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý là bài học thành công từ các cường quốc cà phê thế giới như Colombia, Brazil với những công thức và chiến lược đúng đắn để gia tăng giá trị xuất khẩu cho ngành cà phê quốc gia.

Tại Colombia, quốc gia này có sản lượng xuất khẩu chỉ gần 1 triệu tấn nhưng thu về giá trị 3,2 tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới (trong khi đó Việt Nam xuất khẩu 1.78 triệu tấn, thu về trên 4.06 tỷ USD, tương đương giá trị xuất khẩu đạt được thấp hơn 30% so với Colombia). Điều giúp Colombia thu về giá trị cao hơn là nhờ vào chất lượng và thương hiệu cà phê mà nước này xây dựng. Từ năm 1927, Chính phủ Colombia đã thành lập Liên đoàn Cà phê Colombia, với vai trò giúp nông dân cải thiện chất lượng cà phê thông qua hệ thống canh tác được liên kết sâu rộng, cũng như chuyển giao kỹ thuật sản xuất cà phê đạt hiệu quả tối ưu. Liên đoàn Cà phê Colombia cũng đưa ra những tiêu chuẩn về phát triển cà phê bền vững cho khu vực “Tam giác cà phê” trong các khâu từ sản xuất, môi trường, chất lượng sản phẩm, xây dựng các chính sách nhằm bảo tồn hài hòa giữa việc bảo tồn cảnh quan văn hóa cà phê với lợi ích kinh tế.

Colombia cũng chú trọng xây dựng các chính sách bảo tồn và phát triển cà phê Colombia như: xây dựng Quỹ bình ổn giá cà phê, chính sách bảo tồn cảnh quan văn hóa cà phê Colombia, xây dựng Công viên cà phê Quốc gia, bảo tàng Văn hóa cà phê, quảng bá văn hóa cà phê Colombia đến gần hơn với công chúng…

Cùng với thông điệp truyền thông tiếp thị “100% cà phê Colombia” ra thế giới, ngành cà phê Colombia không những được nâng cao vị thế, thương hiệu trên các thị trường quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới như: Mỹ, Canada, Châu Âu; thúc đẩy thị trường lao động cho ngành cà phê, phát triển kinh tế và các ngành liên quan như du lịch, vận tải,…

Triển lãm vành đai cà phê (coffee belt) tại Bảo tàng Thế giới cà phê hưởng ứng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 (10-14/3/2023)

Triển lãm vành đai cà phê (coffee belt) tại Bảo tàng Thế giới cà phê hưởng ứng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 (10-14/3/2023)

Trong khi đó, Brazil – cường quốc sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, các chính sách điều hành và tổ chức quản lý ngành hàng cà phê đã được xây dựng và vận hành từ một thế kỷ trước.

Brazil miễn thuế xuất khẩu cà phê, nhưng cà phê nhân và cà phê rang xay nhập khẩu bị đánh thuế 10% và cà phê hòa tan là 16%. Đặc biệt, Brazil rất chú trọng tiêu thụ nội địa, áp dụng chính sách không có hạt cà phê thô nào có thể được nhập khẩu vào Brazil. Theo Hiệp hội Cà phê thế giới, Brazil là nước tiêu thụ cà phê nội địa cao thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ và là nước có lượng tiêu thụ nội địa cao nhất trong các nước sản xuất cà phê. Hiện nay, Brazil tiêu thụ nội địa hàng năm khoảng 600.000 tấn cà phê, lượng tiêu thụ cà phê bình quân đầu người đạt 4,7kg/năm.

Cùng với các chính sách xúc tiến thương mại, Brazil xây dựng nhiều chính sách để bảo vệ quyền lợi của người nông dân trồng cà phê, đảm bảo chất lượng của nguồn nguyên liệu, như chương trình trợ cấp phí bảo hiểm nông thôn (PSR) của Nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hợp đồng bảo hiểm nông thôn về ngành cà phê vào năm 2021, với tỷ lệ trợ cấp là 40%.

Đồng thời, chú trọng đầu tư công nghệ, cơ giới hóa trong khâu trồng, thu hoạch, chế biến cà phê và đầu tư ngân sách để quảng bá thương hiệu cà phê Brazil trên khắp thế giới cũng như đứng ra tổ chức thường xuyên, định kỳ các sự kiện, giải thưởng cà phê uy tín cấp quốc gia và quốc tế cũng là những chiến lược để Brazil nâng cao giá trị thương hiệu và cà phê của mình.

Colombia, Brazil là những bài học thành công gần gũi nhất để ngành cà phê Việt Nam có thể học hỏi, nâng cao giá trị cà phê Việt Nam với việc chú trọng phát triển và bảo tồn vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao theo hướng bền vững ở nhiều mặt về kinh tế, xã hội và môi trường, tiến tới hình thành chuỗi giá trị, hệ sinh thái riêng mang đặc trưng ở thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

Để biến tầm nhìn 20 tỷ USD của cà phê Việt Nam thành hiện thực

Trong bối cảnh hiện nay, chất lượng Robusta Việt Nam đã bắt đầu được các chuyên gia trong ngành cà phê và lĩnh vực ẩm thực toàn cầu công nhận, chiếm vị thế cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thế giới. Đồng thời, cà phê Robusta ngày càng được sử dụng rộng rãi, phổ biến hơn do ảnh hưởng từ các hoạt động truyền thông, quảng bá, kết hợp xu hướng tiêu dùng trong giai đoạn kinh tế toàn cầu đang bắt đầu có dấu hiệu suy thoái. Giá trị kinh tế của cà phê Robusta cũng được dự đoán tăng lên bởi điều kiện canh tác Robusta thuận lợi hơn trước tình hình biến đổi khí hậu. Điều này đem đến cơ hội cho thương hiệu cà phê Robusta Buôn Ma Thuột và ngành cà phê Việt Nam ngày càng lớn hơn.

Từ năm 2015, Việt Nam cũng đã bắt đầu tham gia đào tạo và sản xuất chế biến cà phê đặc sản Fine Robusta bài bản theo tiêu chuẩn thế giới. Nhiều sân chơi đánh giá thử nếm cà phê chất lượng cũng đã được tạo nên thông qua cuộc thi “Vietnam Amazing Cup” các năm 2018, 2019 và 2020. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tầm nhìn 20 tỷ USD cho ngành cà phê Việt Nam, chiến lược chất lượng, hàm lượng giá trị của cà phê Việt Nam cần được gia tăng toàn diện hơn nữa.

Việc canh tác, thu hoạch cà phê cần chú trọng đến sự hài hòa với môi trường, thiên nhiên để đảm bảo tính bền vững môi sinh, hạn chế được nạn mất cân bằng sinh thái bản địa, và tạo ra những hạt cà phê chất lượng tốt hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ can thiệp tự nhiên hoặc trực tiếp lên hạt trong quá trình chế biến, rang xay cà phê để nâng cao hơn nữa chất lượng hạt Robusta.

Bên cạnh đó, đặc trưng của cà phê Robusta cũng như giá trị thực sự của hạt cà phê Robusta Việt Nam hiện vẫn chưa được người tiêu dùng hiểu đúng. Những nghiên cứu khoa học chuyên sâu về tính chất của hạt cà phê Robusta Buôn Ma Thuột cần được các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu để khẳng định chất lượng và tính vượt trội chỉ riêng cà phê Robusta từ vùng đất này có được.

Không chỉ nâng cao chất lượng hạt cà phê Robusta Việt Nam, việc một chính sách phù hợp cho phép nhập khẩu các nguồn nguyên liệu cà phê ngon của thế giới sẽ giúp các doanh nghiệp sáng tạo, phối trộn cùng hạt cà phê Robusta chất lượng tạo nên những sản phẩm cà phê ngon mang thương hiệu Việt Nam ra với thế giới.

Khát vọng và tầm nhìn 20 tỷ USD cho ngành cà phê Việt Nam từ “7 sáng kiến cho ngành cà phê toàn cầu” của Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tiếp tục được chia sẻ tại buổi họp báo Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8.

Khát vọng và tầm nhìn 20 tỷ USD cho ngành cà phê Việt Nam từ “7 sáng kiến cho ngành cà phê toàn cầu” của Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tiếp tục được chia sẻ tại buổi họp báo Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8.

Đặc biệt, sáng kiến “Tư duy lại khái niệm về cà phê” trong “7 sáng kiến cho ngành cà phê toàn cầu” do tập đoàn Trung Nguyên Legend đề xướng vào tháng 11/2012, đang từng bước được thực hiện đã mở ra đường hướng cho ngành cà phê Việt Nam định vị lại ở tầm vóc cao hơn. Theo đó, tầm nhìn Việt Nam không chỉ là cường quốc xuất khẩu cà phê Robusta hàng đầu thế giới về sản lượng, chất lượng mà còn là trung tâm, lấy Buôn Ma Thuột – quê hương hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới làm thủ phủ, khởi xướng tư tưởng, triết lý, văn hóa cà phê đặc sắc của Việt Nam.

Cùng những dự án, công trình biểu tượng như Thành phố cà phê, Bảo tàng thế giới cà phê, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, các sản phẩm sáng tạo nhằm nâng tầm cà phê trở thành văn hóa, nghệ thuật….đang được hình thành, phát triển tại vùng đất này, tại Hội thảo khoa học “Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành ‘Thành Phố Cà Phê của Thế Giới’; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia”, Trung Nguyên Legend đưa ra ba góc độ toàn diện của ngành cà phê: đó là Cà Phê Vật Lý (toàn bộ chuỗi giá trị vật lý của ngành cà phê từ nghiên cứu, trồng trọt, chế biến, thưởng lãm; từ cà phê thô tới cà phê tinh; từ cà phê đóng gói cho đến không gian thưởng lãm cà phê hay thưởng thức tiêu dùng cà phê tại nhà,…), Cà Phê Tinh Thần (toàn bộ các yếu tố mỹ thuật và nghệ thuật để thể hiện và đi kèm với cà phê; các giá trị văn hoá – tinh thần tạo nên cà phê và từ cà phê mà có) và Cà Phê Xã Hội (sự kết nối và sáng tạo của những người dùng cà phê và tác động tích cực hay tiêu cực của họ đến với sự phát triển chung của xã hội).

Ý kiến này đã được hưởng ứng bởi nhiều đại biểu, lãnh đạo bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, du lịch đầu ngành của cả nước và các chuyên gia cao cấp thuộc các lĩnh vực xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng thương hiệu, phát triển đô thị. PGS.TS Đặng Hùng Võ – nguyên thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường chia sẻ: “Để Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố Cà phê của thế giới, phải tạo ra nhiều sản phẩm liên quan tới cà phê để cà phê trở thành văn hóa, nghệ thuật… chứ không phải là một loại thức uống. Trên nền tảng văn hóa, nghệ thuật… cà phê chạm vào những rung cảm của con người, giúp xóa bỏ đi ranh giới dân tộc, quốc gia, vùng miền… Và với định hướng này thì Trung Nguyên Legend là một tập đoàn có những đóng góp rất lớn cho địa phương và cà phê Việt Nam.”

Chế biến và thưởng lãm ly cà phê phin, cà phê sữa đá Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Chế biến và thưởng lãm ly cà phê phin, cà phê sữa đá Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Sáng nghiệp tại Buôn Ma Thuột, Trung Nguyên Legend đã và đang là một trong số ít doanh nghiệp tiên phong đồng hành xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới” với những hành động cụ thể, như: Thực hiện tiến trình đề xuất “Cà phê sữa đá”, “cà phê phin” của Việt Nam và vùng trồng cà phê Buôn Ma Thuột trở thành di sản văn hóa được UNESCO công nhận;  Đồng hành xây dựng Lễ hội Cà Phê Buôn Ma Thuột trở thành lễ hội mang tầm vóc quốc tế; Đồng hành đưa các sự kiện quốc tế về cà phê đến Buôn Ma Thuột; Đóng góp ý tưởng và cách thức xây dựng Mạng xã hội cà phê toàn cầu – trung tâm xây dựng, truyền thông cho Buôn Ma Thuột; Quảng bá và phát huy các giá trị văn hóa gắn với các di tích quốc gia qua các hoạt động du lịch chữa lành; Kiến tạo các chương trình, không gian trải nghiệm tư tưởng, văn hóa, tinh thần cà phê.

 

Với sự cam kết của những doanh nghiệp như Trung Nguyên Legend, sự ủng hộ của các cơ quan nhà nước, quyết tâm của chính quyền địa phương và chung tay đồng hành của cộng đồng các chuyên gia, người trồng, sản xuất cà phê… sẽ tạo nên những cột trụ chính vững chắc từ chính sách công – cơ sở hạ tầng – nguồn nhân lực – tài chính – công nghệ để ngành cà phê Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn 20 tỷ USD, khẳng định được vị thế trên bản đồ cà phê thế giới.