Cuộc sống trong hang đá của Đặng Lê Nguyên Vũ: 4 năm sau phiên tòa ly hôn

10/07/2023
16176

Cuộc sống trong hang đá của Đặng Lê Nguyên Vũ: 4 năm sau phiên tòa ly hôn

Lần cuối, tôi gặp ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên) vào đầu tháng 12/2019, trong phiên tòa phúc thẩm vụ ly hôn giữa ông và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại TAND Cấp cao TPHCM.

Sau khi tòa phúc thẩm tuyên ông Vũ được quyền sở hữu toàn bộ Trung Nguyên, tài sản chia đôi cho bà Thảo, ông Vũ có hỏi các phóng viên pháp đình: “Có muốn nói chuyện gì lớn lao không. Nếu không thì Qua (cách xưng hô của ông Vũ – PV) đi”.

Trước khi rời đi, ông có tặng tôi một số cuốn sách rồi nhắn: “Đọc mấy quyển sách đi rồi sau này lên núi thăm Qua. Qua sẽ nói chuyện thêm”.

Tôi giữ lời hẹn đó cho tới năm 2020 và chủ động liên lạc với Trung Nguyên để lên núi thăm ông. Do dịch Covid-19 xuất hiện, bùng phát và kéo dài tới 2 năm sau nên cuộc hẹn giữa 2 bên đành phải hoãn lại.

Cuộc sống trong hang đá của Đặng Lê Nguyên Vũ: 4 năm sau phiên tòa ly hôn

Gần đây, thi thoảng, tôi thấy ông Vũ xuất hiện trên báo khi cầm lái những chiếc siêu xe. Nhưng đó chỉ là hình ảnh, còn lại các thông tin về ông sống ra sao, đang làm gì không mấy người biết. Đến những sự kiện lớn của Trung Nguyên cũng vắng bóng người lãnh đạo này.

Một ngày giữa tháng 6, tôi lại ngỏ ý lên thăm ông Vũ. Lời đề nghị này nhanh chóng được đồng ý.

Theo lịch bên Trung Nguyên thông báo, tôi đi cùng 2 người là bạn của ông Vũ. Họ đều lớn tuổi. Chuyến bay khởi hành sáng 21/6 từ TPHCM lên Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk). Sau vài chục phút trễ chuyến bay, tôi có mặt ở sân bay Buôn Mê Thuột lúc 9h.

“Chủ tịch có hỏi về em. Sau khi chị nhắc em là cô bé ở tòa thì chủ tịch nhớ. Chủ tịch nói thấy vui vì em có lòng”, người của Trung Nguyên đón tôi thuật lại ngay sân bay.

Khung cảnh trang trại ở M'Drắk của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Ảnh: Trung Nguyên Legend).

Khung cảnh trang trại ở M’Drắk của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Ảnh: Trung Nguyên Legend).

Từ sân bay, tôi ngồi ô tô chạy trên con đường nhựa khoảng hơn 2 giờ. Lúc này, tấm biển đề “thị trấn M’Drắk” hiện ra trước mắt. Chúng tôi được thông báo đi khoảng 10km nữa là tới trang trại của ông Vũ.

Trang trại rộng khoảng 600ha, xung quanh đường vào là cây cối, hồ nước, đá được đặt nhiều hai bên, một vài loài hoa nở rộ. Khi tảng đá có dòng chữ “Nhà trên đồi” xuất hiện, xe chở chúng tôi chạy lên hướng đó.

Căn nhà 1 trệt, 1 lầu rộng rãi với mái lợp bằng rơm, màu gỗ đen dần hiện ra trước mắt. Đón tôi là 3 cô gái phụ trách chăm lo cho ngôi nhà này. Họ để sẵn những đôi dép cao su màu đen với đủ kích cỡ để khách mang vào nhà.

Bên trong căn nhà được chia thành các phòng với các tên gọi như Sky, Wind, Air…, thiết kế và trang trí hoàn toàn bằng chất liệu gỗ và đá, rèm treo và khăn, chăn, gối đều là vải linen (vải được làm từ sợi cây lanh). Những vật dụng trong nhà mộc mạc, từ đá, gốm, mây, tre…

Tầng trệt trong "Nhà trên đồi" - nơi tiếp đón khách đến thăm ông Vũ. (Ảnh: Hoài Thanh).

Tầng trệt trong “Nhà trên đồi” – nơi tiếp đón khách đến thăm ông Vũ. (Ảnh: Hoài Thanh).

Nền nhà được rải đá dăm trắng, lối đi là những phiến đá lớn hơn, màu sẫm nổi bật. Chính giữa sảnh tầng trệt đặt một khối hình vuông, bên trong là những gộc củi khô gác lên nhau, hệt cái bếp lửa.

Phía tay trái tòa nhà là một quầy bar dài với nhiều loại máy pha cà phê, các loại cà phê, sách, một đĩa khoai lang luộc và đậu luộc, chôm chôm…

Lối đi lên lầu là gỗ đen, sảnh giữa của lầu có một chiếc bàn dài đặt các loại bình gốm, đồ vật đặc trưng của xứ Tây Nguyên. Kế đó là một không gian có bàn ghế và kệ đặt nhiều sách. Khu nhà không có wifi, khách đến nếu có nhu cầu thì bật 3-4G lên xài. Theo như lời người của Trung Nguyên, họ mong muốn ở đây sẽ được tĩnh lặng hoàn toàn.

Trong lúc dùng bữa trưa, người của Trung Nguyên thông báo ông Vũ sẽ gặp tôi vào 18h tại hang đá, chỉ nói chuyện, không dùng bữa. “Cuộc gặp thường sẽ kéo dài, nên mọi người ăn tối trước chứ không sẽ đói. Chủ tịch chỉ gặp mọi người một lần duy nhất thôi”, người của Trung Nguyên nói.

Từ “Nhà trên đồi”, xe đưa tôi đi tham quan khu nuôi ngựa và trưng bày hàng trăm siêu xe của ông Vũ cách đó khoảng 3km. Ngay phiến đá to đề “Địa đàng nơi hạ giới”, xe rẽ phía tay phải.

Tôi được giới thiệu ông Vũ ở hang đá hướng bên tay trái, xe không được qua nếu vị chủ tịch không cho phép. Những người làm việc ở “Nhà trên đồi” cho biết, họ chưa từng gặp ông Vũ dù đã làm ở đó vài năm.

Trang trại nuôi ngựa và để xe rộng. Theo lời người đưa tôi đi, ngựa ở đây giờ không còn nhiều, ông Vũ trước đây đã cho một khu du lịch ở Bình Dương cả trăm con.

Khi khách tới, những người chăm sóc ngựa vẫn miệt mài làm công việc.

Khu chứa xe có quá nhiều ô tô khiến tôi choáng ngợp. Hầu hết xe được dán chữ UN. Trong một bài phỏng vấn gần đây, ông Vũ nói có khoảng 500 chiếc.

Những tảng đá được đặt nhiều ở đường đi trong trang trại, có một khu còn chất đá lên như núi. Đá được mua ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) rồi vận chuyển lên đây.

Tôi có một lần hỏi ông Vũ ở tòa, rằng vì sao lại chọn sống trên núi. Ông trả lời rằng chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào việc ngửi, nghe gì. Ở trên núi không khí trong lành, nghe tiếng chim hót suối chảy, yên tĩnh sẽ suy tư được nhiều chuyện hơn.

Hai tiếng trước giờ hẹn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, trời đổ mưa. Khi mưa tạnh, cầu vồng hiện lên thật đẹp. Từ “Nhà trên đồi” đi thêm 3km, qua một lớp cổng, xe chạy men theo con đường đất hai bên trồng tre khoảng vài trăm mét rồi dừng lại. Tôi được thông báo đã tới nơi ông Vũ ở.

Bước xuống xe, nhìn xa xa phía tay trái là bãi để mấy chiếc ô tô. Tôi đoán là xe ông Vũ thường lái.

Khuôn viên trồng nhiều cây bồ đề, một ít cây tràm, nhiều bậc đá được thiết kế theo dụng ý của ông Vũ. Đi khoảng 50m có một cổng gỗ, đó cũng là lối dẫn vào hang. Lúc này cầu vồng hiện lên giữa khung trời rộng, sáng trưng, hai bên hồ nước xanh, giữa là con đường lót đá dẫn quanh co, hệt như tiên cảnh.

Khu vực hang đá nơi ông Đặng Lê Nguyên Vũ ở suốt 10 năm qua. Đây là một quần thể hang liền kề, được anh Sơn (quản lý trang trại) thiết kế lại theo yêu cầu của ông Vũ. Hiện tại, ông Vũ ở hang phía trên, cao hơn hang này (Ảnh: Trung Nguyên Legend).

Khu vực hang đá nơi ông Đặng Lê Nguyên Vũ ở suốt 10 năm qua. Đây là một quần thể hang liền kề, được anh Sơn (quản lý trang trại) thiết kế lại theo yêu cầu của ông Vũ. Hiện tại, ông Vũ ở hang phía trên, cao hơn hang này (Ảnh: Trung Nguyên Legend).

Trong hang đá sáng trưng với vài chiếc đèn, mấy bình gốm, máy pha cà phê, ông Đặng Lê Nguyên Vũ ngồi khoanh chân ở chiếc ghế viền gỗ đen, nệm trắng. Tôi ngồi đối diện ông trên băng ghế dài hơn.

Chiếc bàn gỗ đen để sẵn 3 ly nước cho 3 người, còn ông Vũ là một ly cà phê, kế đó đặt chiếc bật lửa. Chủ tịch Trung Nguyên mặc chiếc áo thun đen tay dài, quần trắng, cổ quấn khăn rằn quen thuộc. Nhìn dung mạo ông xơ xác hơn một chút so với thời điểm xuất hiện ở phiên tòa ly hôn cách đây 4 năm.

“Qua hiện nay rất cực đoan, luyện tâm luyện trí quá nên cái thân bây giờ đôi khi yếu hơn ngày xưa. Yếu là hình tướng thôi chứ không có bệnh nào xâm nhập được Qua. Qua không có bệnh, không còn bệnh nữa, không có dịch nào, bệnh nào vô được”, ông nói.

Khi mọi người ngồi yên vị trên ghế, ông Vũ bắt đầu trò chuyện. Giọng điệu trầm, âm lượng nhỏ, vị Chủ tịch Trung Nguyên thổ lộ ra những tâm tư như đã được ấp ủ từ lâu, chờ gặp được đúng người để trải lòng.

“Thế gian đang ngó Qua chỉ là Chủ tịch Trung Nguyên, nhưng 10 năm nay Qua không dính dáng gì tới Trung Nguyên nữa. Qua chuẩn bị hết rồi thì cứ vậy mà làm đi. Qua duyệt hồ sơ cách 2 ngày mất 5 phút, dính tới chữ ký thì Qua phải đích thân làm. Qua dạy cho các em tự động, tự chủ, tự quyết định”, ông Vũ chia sẻ.

Ông Vũ tiếp lời: “Xưa nay Qua lúc nào cũng vậy. Qua luôn suy nghĩ cho chuyện lớn, không bao giờ nghĩ cho bản thân, cho gia đình hay Trung Nguyên này đâu. Đương nhiên Trung Nguyên là nồi cơm để nuôi anh chị em có nguồn lực để làm một số việc. Không có Trung Nguyên cũng mệt nhưng nó không nằm trong tâm trí của Qua”.

Vị Chủ tịch Trung Nguyên tay cầm điếu thuốc nhưng không hút. Cứ thế, ông nói liên tục, mọi ý tứ được sắp xếp một cách logic.

“Suốt 10 năm đó bao nhiêu kiến thức không có thời giờ, Qua gạt hết mọi chuyện, chỉ ngồi tĩnh lặng dưới hang này, xưa ngồi ở ngoài gốc đa mà nay là cái nhà để xe. Mục tiêu mà Qua được dạy là siêu việt hóa dân tộc. Nói như vậy với các người anh em, điều đó nó sẽ diễn ra”, ông nói.

“3 năm tới các người anh chị em sẽ thấy những điều Qua nói rất rõ. Năm 2026 bắt đầu thấy những điều kỳ diệu sẽ diễn ra ở thế gian. Trật tự cho loài người đang được sắp đặt lại. Để ý đi”, ông Vũ nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt buổi trò chuyện.

Đây không phải lần đầu người đứng đầu Trung Nguyên nhắc đến việc “Trời đích thân dạy”. Trước đó, những ai đã theo dõi phiên tòa ly hôn hay đọc các bài phỏng vấn ông Vũ mấy năm gần đây đều đã được nghe ông nói về việc này. Một doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ quen thuộc trước đó dường như không còn.

“Cứ nghe đi. Có lý thì mình làm mà không có lý thì thôi. Thứ này là thứ Qua bầm dập để có”, ông Vũ nói.

Trong một bài phỏng vấn gần đây, tác giả bài viết có trích dẫn ông Vũ nói, kế hoạch của ông tối thiểu lấy về 1.000 tỷ USD/năm cho Việt Nam để làm những chuyện lớn.

“Qua thấy một số anh em nói Qua hoang tưởng. Nhưng Qua đâu nói qua đi bán cà phê đâu. Cái Qua có là cái ai cũng cần mà không bao giờ có. Bởi vì tạo hóa chỉ có thử thách Qua, rồi cho Qua chứ không cho ai. Có hiểu không? 216 quốc gia cần sự khai sáng. Mỗi quốc gia Qua trung bình lấy 5 tỷ USD, đó là việc có thể làm”, ông Vũ phân trần.

“Dân tộc lãnh tụ là phải đi giúp các dân tộc khác, giúp người ta thì người ta giúp mình, vì người ta thì người ta vì mình. Nhưng giờ như hiện tại mình đâu có cái gì mình cho. Nhưng đừng có lo cái đó”, ông Vũ nói.

“Qua học được kiến thức về “quân cờ”, “con chốt” trên bàn cờ để trở thành người “thiết kế bàn cờ”. Không ai ở đây có thể dám nghĩ”, nói rồi ông đứng dậy đi lấy đồ hình được đặt trong một cái ống trụ dài màu đen.

“10 năm để có những tài liệu này?”, tôi hỏi.

“10 năm. Nhưng 10 năm mà không có ai dạy thì bé có ngồi 100 trăm cũng không bao giờ biết được những kiến thức này”, ông Vũ đáp.

Cầm trên tay chiếc ống trụ tròn, ông Vũ khó khăn để có thể lấy những tờ đồ hình ra khỏi ống vì chật. “Toàn bộ văn minh nhân loại các người anh chị em nó nằm trong mười mấy cái đồ hình như vậy. Mỗi đồ hình gần như toàn bộ kiến thức của nhân loại, có các nền văn minh, mọi cấp độ”, ông Vũ cho biết.

Vừa nói, vị Chủ tịch Trung Nguyên vừa lấy từng tờ đồ hình ra, đọc tên gọi từng đồ hình rồi đưa cho tôi xem. Nếu đoạn đầu của cuộc nói chuyện, giọng ông Vũ nhỏ nhẹ, trầm ngâm, có lúc buồn bã, nhiều khoảng lặng, thì đến lúc này, tôi cảm thấy như ông dồn hết tâm huyết, sức lực để trình bày những gì 10 năm qua ông được dạy.

Cầm trên tay chiếc ống trụ tròn, ông Vũ khó khăn để có thể lấy những tờ đồ hình ra khỏi ống vì chật.

Cầm trên tay chiếc ống trụ tròn, ông Vũ khó khăn để có thể lấy những tờ đồ hình ra khỏi ống vì chật.

Theo ông, quốc gia sẽ định hình dựa trên cá nhân, gia đình, mọi loại tổ chức. Những đồ hình này như là công thức, bản đồ dẫn đường, để từ đó hình thành nên tài liệu hướng dẫn cụ thể.

“Mô hình này các người anh em không bao giờ hiểu nổi đâu, nó chỉ có vài chữ, nhưng là vô lượng chữ. Bao nhiêu kinh kệ sách vở học thuyết lý thuyết chỉ là phần nhỏ bé trong này.

Theo lời ông Vũ, đó là bản đồ tư duy, nhận thức toàn diện về khoa học tư duy. “Tư duy thế gian là nhị nguyên phân lập đối kháng. Nhưng trong thái cực dương có âm, âm có dương, phải hiểu cái đó. Ví dụ trong nam tính dương nhiều hơn âm, nhưng trong nữ cũng có dương, phải hiểu như vậy chứ không là loại trừ nhau, triệt tiêu nhau”, Chủ tịch Vũ nói trong say mê.

Quả thật tôi chỉ đọc được chữ viết trên các đồ hình, chứ không hiểu nổi ý nghĩa của chúng. Theo lời một người của Trung Nguyên kể lại, ông Vũ có một tổ trợ lý ngồi lắng nghe những kiến thức ông được dạy, rồi ghi chép, mô tả lại, và cuối cùng gửi để ông Vũ duyệt. Quá trình chỉnh sửa để đúng ý vị chủ tịch không dưới 100 lần.

Khi cho mọi người xem gần hết đồ hình, ông Vũ lại đứng bật dậy, ôm từng chồng tài liệu được đóng lại thành sách dày cộm, nặng trịch đặt mạnh lên bàn. Đôi mắt ông lại mở to, ánh nhìn cương nghị, tin tưởng vào những gì mình nói.

Từng quyển sách với tiêu đề chi tiết gia đình kiểu mẫu, tổ chức kiểu mẫu, trường học kiểu mẫu, bệnh viện kiểu mẫu, kiến tạo thành phố kiểu mẫu, buôn làng minh triết… được buộc lại thành từng chồng riêng biệt. Mỗi quyển dày vài trăm trang.

“Dân tộc người anh em chỉ cần có nhiêu đây là biết làm những gì cần rồi. Không được dạy thì không thể nào làm được. Chứ kiến thức này Qua đâu có, không có sách vở nào ở thế gian có những chuyện này hết. Từng chữ trong này nhiều anh em không hiểu được”, ông Vũ nhìn thẳng vào người đối diện, giọng chắc chắn nói.

Suốt 3 tiếng cuộc trò chuyện, ông Vũ nhắc đi nhắc lại việc bản thân không muốn gặp ai, dù trong đó nhiều người “có chức tước” đề nghị gặp. Ông say sưa nói về 10 năm được dạy để chuẩn bị cho “sứ mệnh” đã “được mặc định”.

Nhiều điều khó có thể hiểu, nhiều thứ thuộc về tâm linh. Nhưng vẫn có một Đặng Lê Nguyên Vũ bình thường khi thừa nhận mình cô độc, buồn với những biến cố đã xảy ra, kỳ vọng vào những đứa con của mình.

*Bài tiếp: Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: “Qua cô độc, nói không ai hiểu”

Nguồn:  Dân Trí