Giao lưu văn hóa Việt Nam – Indonesia: Batik & Thổ cẩm Ê-đê

21/12/2018
2911

Ngày 21 tháng 12 năm 2018, tại Bảo tàng Thế giới Cà phê, Tập đoàn Trung Nguyên Legend phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa Indonesia tổ chức khai mạc chương trình Giao lưu văn hóa Việt Nam – Indonesia với chủ đề: Batik & Thổ cẩm Ê-đê. Chương trình sẽ diễn ra trong 03 ngày, từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 12 năm 2018. Đây là một trong những hoạt động định kỳ, thường xuyên của Bảo tàng Thế giới Cà phê nhằm thể hiện vai trò là một trung tâm giáo dục, đào tạo kiến thức nền tảng, nâng cao hiểu biết và tạo cảm hứng sáng tạo, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa dân tộc. Với sự góp mặt của các nghệ nhân hàng đầu Indonesia trong lĩnh vực nghệ thuật Batik cùng các nghệ nhân dệt thổ cẩm Ê đê, chương trình đã và sẽ mang đến một trải nghiệm mới mẻ, đặc sắc cho những người tham dự thông qua các hoạt động vẽ Batik và dệt thổ cẩm ngay trong khuôn khổ chương trình. Không chỉ được thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật trên vải, người tham dự còn được trực tiếp tạo ra những tác phẩm của riêng mình dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.

Chương trình Giao lưu văn hóa Việt Nam – Indonesia: Batik & Thổ cẩm Ê-đê tại Bảo tàng Thế giới Cà phê

Batik được thế giới biết đến là một loại vải truyền thống được làm thủ công, những người thợ thường phủ sáp ong và nhuộm lên bề mặt các chất liệu như lụa, len, vải sợi bông. Nghệ thuật Batik đã xuất hiện từ hơn 2500 năm trước ở Viễn Đông, Trung Đông, Trung Á, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… Dù không phải là nơi sản sinh ra Batik nhưng Indonesia được coi là quốc gia của Batik, nơi mà nghệ thuật Batik đạt đến đỉnh cao. Vải Batik được coi là một sản phẩm thương hiệu quốc gia Indonesia trên thế giới. Với người Indonesia, Batik không chỉ là một nghệ thuật mà còn là một biểu tượng văn hoá của Indonesia với những nét độc đáo riêng. Batik không chỉ thể hiện sự tinh xảo, thủ công của người thợ mà còn chứa đựng những triết lý sâu sắc trong cuộc sống của con người. Ngày 2 tháng 10 năm 2009, kỹ thuật nhuộm truyền thống Batik của Indonesia đã được UNESCO đưa vào danh sách đại diện di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Chương trình Giao lưu văn hóa Việt Nam – Indonesia: Batik & Thổ cẩm Ê-đê tại Bảo tàng Thế giới Cà phê

Tại Việt Nam, nghề dệt thổ cẩm cũng có từ rất lâu đời và trở thành một nét văn hóa riêng của cộng đồng các dân tộc ít người Việt Nam, được nhiều bạn bè quốc tế trên thế giới biết đến. Từ bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa cổ truyền không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Êđê.  Lưu giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống đối với phụ nữ Tây Nguyên là một niềm say mê, ai cũng biết nghề, và được lưu truyền đến ngày nay. Những người phụ nữ Ê đê ngày ngày cặm cụi bên khung cửi để tạo ra những tấm vải thổ cẩm với nhiều hoa văn độc đáo. Thổ cẩm không đơn thuần là tấm vải bình thường mà ẩn chứa cả tâm hồn của người đồng bào Ê Đê. Mỗi sản phẩm thổ cẩm làm ra đều mang nét đẹp truyền thống của dân tộc, đồng thời nói lên sự cần cù, khéo tay của người phụ nữ nơi đây.

Nghe nhan Indonesia gioi thieu ve vai Batik

Nghệ nhân Indonesia giới thiệu về vải Batik

Tham dự chương trình, có nhiều nghệ nhân dệt thổ cẩm Ê-đê, các nhà nghiên cứu văn hoá, nghệ thuật và đông đảo các cơ quan truyền thông tại tỉnh Đắk Lắk. Khi nói về thổ cẩm Ê-đê và vải Batik của Indonesia, cô Nurul Kartika Sari – nghệ nhân Batik đến từ Indonesia chia sẻ: “Vải Batik của chúng tôi có 3 loại: vẽ thủ công hoàn toàn, in và dập khuôn. Khi tới Việt Nam tham gia chương trình giao lưu văn hoá Batik của Indonesia và Thổ cẩm của người Ê-đê, tôi nhận thấy cả hai loại vải đều làm thủ công và mất nhiều thời gian hoàn thiện. Vải Batik của chúng tôi các hoa văn được vẽ, in trực tiếp lên vải, còn các hoạ tiết trên vải thổ cẩm thì dùng màu sắc của chỉ để dệt lại với nhau rất độc đáo và mang nét đặc trưng riêng của các bạn.”

Nghệ nhân Batik giới thiệu cách làm vải Batik

Nghệ nhân Batik giới thiệu cách làm vải Batik

Là một trong những khách tham gia trải nghiệm chương trình, hoạ sĩ Lê Vấn chia sẻ: “Tôi đã biết đến cách làm vải Batik của Indonesia từ lâu và biết rằng hoa văn, hoạ tiết trên vải là nét đặc biệt, biểu trưng cho đời sống tinh thần của người Indonesia. Hôm nay tham dự chương trình này, tôi còn được biết cách để tạo ra những màu sắc hoa văn ấy. Điều này rất hữu ích cho những người làm nghệ thuật như chúng tôi của chúng tôi rất nhiều. Xin cảm ơn Bảo tàng thế giới Cà phê và Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã tổ chức chương trình rất ý nghĩa này”.

Cũng là một trong những khách mời nghệ nhân của chương trình, bà H’Yam Bkrông – nghệ nhân dệt thổ cẩm Ê-đê chia sẻ: “Tôi thấy rất vinh hạnh và tự hào khi được tham gia chương trình giao lưu văn hoá, giới thiệu thổ cẩm Ê-đê với mọi người, đặc biệt là nước bạn Indonesia. Batik và thổ cẩm của Tây Nguyên có rất nhiều điểm tương đồng, nhưng nước bạn đã quảng bá thành công và đưa Batik trở thành một sản phẩm thương hiệu quốc gia, được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Vải thổ cẩm của chúng tôi cũng rất đặc biệt trong cách làm ra nó và có gắn liền với đời sống, văn hoá của đồng bào Ê-đê nhưng lại chưa thật sự được nhiều người biết đến trên thế giới. Chính vì vậy tôi cũng mong muốn các ban ngành nhà nước sẽ đồng hành nhiều hơn cùng các doanh nghiệp để có thể đưa vải thổ cẩm của chúng ta lên một tầm cao mới với bạn bè Quốc tế. Cảm ơn Trung Nguyên đã tổ chức chương trình giao lưu văn hoá này để chúng tôi có dịp học hỏi, mở mang kiến thức.”

Nghệ nhân Việt Nam giới thiệu dệt thổ cẩm Ê-đê tại Bảo tàng Thế giới Cà phê

Nghệ nhân Việt Nam giới thiệu dệt thổ cẩm Ê-đê tại Bảo tàng Thế giới Cà phê

Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hoá, vải hoa văn trên vải Batik và Thổ cẩm đều thể hiện đời sống văn hoá, tinh thần và đưa thiên nhiên cây cỏ vào sản phẩm của mình. Nhưng hoa văn của Batik mang nhiều nét đặc trưng của vùng biển như màu sắc, hoạ tiết, thể hiện rất rõ về đất nước triệu đảo; còn hoa văn thổ cẩm Ê-đê lại mang tính núi rừng nhiều hơn. Đây là điểm rất thú vị với những người nghiên cứu về văn hoá.

Thật thú vị khi Tập đoàn Trung Nguyên Legend tổ chức chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Indonesia: Batik & Dệt thổ cẩm tại Bảo tàng Thế giới Cà phê. Là một người thường xuyên dùng các loại vải trong thiết kế, trang trí tôi, luôn tìm cách để đưa vải thổ cẩm của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại Việt Nam vào các sản phẩm sáng tạo. Nhờ chương trình giao lưu văn hóa này, tôi có cơ hội được biết đến vải Batik được vẽ bởi các nghệ nhân hàng đầu của Indonesia; cũng như các sản phẩm dệt thổ cẩm của Việt Nam sẽ có cơ hội được quảng bá rộng rãi hơn với bạn bè Quốc tế. Hai loại vải có những nét khá tương đồng trong cách tạo ra chúng nhưng Indonesia có thể nâng tầm nghệ thuật vẽ Batik của họ, để sản phẩm trở thành thương hiệu quốc gia đại diện cho dân tộc, trở thành di sản văn hóa thế giới mà chúng ta lại không làm được điều đó với vải dệt thổ cẩm của mình? Đây là cơ hội để chúng ta từng bước thực hiện việc đấy” – Anh Lưu Minh Triết, giám đốc công ty Soft Décor chia sẻ về chương trình.

Batik và Thổ cẩm được giới thiệu trong Chương trình Giao lưu Văn hóa Việt Nam – Indonesia thông qua phần trình diễn của các nghệ nhân nổi tiếng. Bên cạnh đó, các nghệ nhân cũng đã hướng dẫn khách tham dự tạo ra những tác phẩm cho riêng mình.

Khách tham gia trải nghiệm về Batik dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân

Khách tham gia trải nghiệm về Batik dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân

Về phía Indonesia, hai nghệ nhân từng tham gia Chương trình Hữu nghị Indonesia – Australia năm 2015, và Triển lãm Du lịch Quốc tế tại Trung tâm Hội nghị Queen Sirikit Bangkok, Thái Lan vào tháng 3/2017. Nghệ nhân Nurul Kartika Sari của Indonesia là nữ nghệ nhân Batik tài năng và kinh nghiệm. Bà đã tham gia rất nhiều triển lãm Batik, các hoạt động đào tạo tại các tổ chức giáo dục, các chương trình giới thiệu, trình diễn về Batik tại nhiều sự kiện ở Indonesia cũng như các nước trên thế giới. Một trong nhiều triển lãm Batik tiêu biểu như: tại Grand Indonesia năm 2014 do Cựu Đệ nhất Phu Nhân Ani Yudhoyono tổ chức chào mừng Bà Ann Dunham, mẹ của Barrack Obama.

Nghệ nhân H’Yam Bkrông là người đã phát triển thành công Hợp tác xã thổ cẩm Tơng Bông ở Buôn Ma Thuột với 42 xã viên. Sản phẩm dệt của bà hiện nay rất được ưa chuộng và đang được phân phối đến nhiều tỉnh thành trong cả nước.  Bà còn là người tiên phong, đặt những viên gạch đầu tiên cho hoạt động du lịch cộng đồng ở buôn Tơng Jú, xã Eakao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Với những thành tích đã đạt được, bà đã hai lần được tiếp kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân dịp trao Cúp vàng “Hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng” của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (2012) và nhân dịp được trao Huân chương Lao động hạng Ba.

Nghệ nhân H’Yam Bkrông (giữa) và các nghệ nhân dệt thổ cẩm giao lưu vẽ batik

Nghệ nhân H’Yam Bkrông (giữa) và các nghệ nhân dệt thổ cẩm giao lưu vẽ batik

Bạn Hiền Phạm chia sẻ: “Tôi nghĩ đây là một trải nghiệm rất hay  dành cho giới trẻ, đặc biệt với những bạn yêu thích văn hóa truyền thống. Với sự hướng dẫn từ các nghệ nhân Batik, bạn chỉ việc phối màu sao cho hài hòa và phù hợp với sở thích cá nhân rồi vẽ lên vải,  sau đó được giữ các tác phẩm của bạn; hoặc trải nghiệm cảm xúc ngồi sau khung cửi dệt thổ cẩm để hiểu rõ, mỗi tấm vải thổ cẩm mà bạn nhìn thấy bình thường nó đã được làm ra như thế nào. Tôi mong sẽ có nhiều hoạt động như vậy về nhiều lĩnh vực khác nhau tại Bảo tàng Thế giới Cà phê dành cho giới trẻ hơn nữa.”.

Bảo tàng Thế giới Cà phê không chỉ là điểm đến của cộng đồng yêu và đam mê cà phê trên toàn thế giới mà còn định vị lại giá trị của ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới, góp phần đưa ngành cà phê Việt Nam đạt được con số xuất khẩu cà phê 20 tỷ USD, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê toàn cầu.

Bảo tàng Thế giới Cà phê là một bảo tàng của tương lai sống động trong cách trưng bày, triển lãm; có Không gian triển lãm tương tác với khách tham quan cùng những trải nghiệm tham quan với ngũ quan (nghe, nhìn, nếm, ngửi, chạm). Là nơi thẩm thấu các giá trị đương đại và tiếp biến của đời sống không đóng mình vào với khái niệm “bảo tàng” theo cách tư duy cũ. Ở đây có không gian triển lãm mang tính Mở: mở rộng cho các hoạt động về Thân – Tâm – Trí với giá trị cốt lõi là Tinh thần Cà phê, mở mang tư tưởng, tri thức và tầm nhìn.

Là người đã đồng hành và luôn ủng hộ Dự án Thủ phủ Cà phê Toàn cầu từ những ngày đầu tiên, Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước – Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển viết:

Bảo tàng Thế giới Cà phê chính thức khai trương, mở cửa đón khách tham quan từ ngày 23/11/2018 và được biết đến như “Điểm đến mới của Việt Nam” với rất nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng và giới chuyên gia về kiến trúc độc bản, mang đậm nét văn hoá bản địa cũng như cách sắp xếp trưng bày tại bảo tàng.

Ngay trong đêm Khai trương, khách mời tham dự đã được thưởng lãm một “bữa tiệc” nghệ thuât với sự kết hợp giữa âm nhạc đương đại, có nội dung giao thoa giữa âm nhạc Việt Nam và quốc tế, sử dụng nhạc cụ giao hưởng cùng nhạc cụ truyền thống của The Rainbow với những bộ sưu tập thời trang áo dài, lụa Việt Nam mang đậm dấu ấn nghệ thuật. Mỗi chương trình nghệ thuật, một buổi biểu diễn hay một buổi gặp gỡ diễn ra tại Bảo tàng Thế giới Cà phê sẽ mang một dấu ấn đặc biệt như thế, dấu ấn về sự sáng tạo, về tinh thần và niềm tự hào mang tên Việt Nam

Sau gần một tháng mở cửa khai trương, Bảo tàng Thế giới Cà phê đã đón hàng chục nghìn lượt khách thăm quan và nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ trên mạng xã hội về “Điểm đến mới của Việt Nam.”