Kỳ 76: Søren Kierkegaard – triết học bên tách cà phê
Søren Kierkegaard là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế kỷ 19. Pha tách cà phê theo cách riêng của mình, ông miệt mài tìm kiếm ý nghĩa hiện tồn của con người để được sống trọn vẹn với chính mình.
Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… của cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!
Chúng ta đang sống đúng với những khao khát của chính mình hay sống theo những tiêu chuẩn khuôn mẫu của tha nhân? Chúng ta đang hiện hữu trong hiện tại hay sống bằng những dằn vặt quá khứ và lo sợ toan tính tương lai? Rốt cuộc, sinh ra trong thân phận làm người là làm gì để hoàn thành xuất sắc vai trò của bản thân và sống ý nghĩa, sống hạnh phúc.
Lựa chọn lối sống cho mình
Thế kỷ 19, tiến bộ khoa học – kỹ thuật ngày một phát triển đã nảy sinh những chiều hướng mới trong suy tư triết học. Các triết gia đặt nhiều vấn đề về sự hiện hữu của con người trong thế giới và xã hội cụ thể. Con người với tư cách tồn tại đặc biệt, là giao điểm của hai thế giới – thế giới tinh thần và thế giới tự nhiên, do đó cần phải xem xét con người một cách sâu sắc không chỉ là tồn tại, mà còn đào sâu nghiên cứu sự tồn tại thông qua những lực lượng bản chất khác ngoài lý tính. Cái trăn trở của giai đoạn này là con người cần phải suy nghĩ và làm gì để trở thành “Người” theo đúng nghĩa.
Triết gia người Đan Mạch Søren Kierkegaard (1813-1855) là nhân vật quan trọng tạo ra bước ngoặt trong sự phát triển của triết học châu Âu, ông được vinh danh là cha đẻ của triết học Hiện sinh (Existentialism). Kierkegaard lấy con người trong tình huống hiện sinh làm xuất phát điểm toàn bộ tư duy triết học của mình. Ông cho rằng mỗi con người cá nhân, chứ không phải xã hội hay tôn giáo, phải chịu trách nhiệm tự mình tạo nên ý nghĩa cho cuộc sống để sống một cách trọn vẹn và đích thực (authentically).
Cuộc sống con người là một cuộc hiện sinh với những uẩn khúc, vui – buồn, sướng – khổ, thành công – thất bại, hạnh phúc – chán chường… con người phải đối diện trước thế giới với tư cách là một cá nhân. Để được là chính mình, có nhân vị, có lẽ sống đích thực, con người phải dấn thân vào những tầng sâu của cuộc sống và cảm nghiệm thân phận trong thế giới vạn thể này, từ đó lựa chọn cách hiện hữu phù hợp với bản sắc riêng của mình.
Chính Kierkegaard cũng đã trải qua cuộc sống không bình lặng. Kierkegaard thông minh, sáng tạo nhưng lại luôn bị đè nặng bởi sự lo lắng, u sầu vì bối cảnh gia đình. Cha ông là một thương gia giàu có nhưng luôn ám ảnh ý nghĩ về sự trừng phạt từ Thiên Chúa vì tội lỗi từng nguyền rủa danh Chúa. Kierkegaard được cha dạy lòng mộ đạo và niềm tin rằng Chúa không tha thứ cho những tội lỗi mà con người đã gây ra. Để làm hài lòng cha, mặc dù yêu thích triết học nhưng Kierkegaard chọn ngành nghiên cứu thần học tại Đại học Copenhagen. Những năm đầu, Kierkegaard không chú tâm học hành mà gieo mình vào đời sống nổi loạn, phóng túng. Sau cái chết của cha vào năm 1838 ông mới nghiêm túc dốc hết tâm lực đầu tư cho việc học và hoàn thành luận án tiến sĩ vào năm 1841, khi ông 28 tuổi.
Cùng năm này, Kierkegaard hủy hôn với người mình yêu thương hết mực và chọn cuộc sống độc thân vì cảm thấy không thể xây hạnh phúc bằng con đường hôn phối giữa hai tâm hồn có quá nhiều khác biệt. Qua những trải nghiệm đau khổ cá nhân, ông trăn trở nhiều hơn về kiếp người và nghĩ sâu sắc hơn về sự lựa chọn lối sống.
Thức tỉnh và dấn thân
Kierkegaard xem tội lỗi, lo lắng và tuyệt vọng là nhân tố căn bản định hình khuynh hướng tâm linh và đạo đức của con người. Bởi vì đó là bóng đêm phủ lên phần lớn cuộc đời ông. Ông tự nhận thấy bản thân cần gánh vác sứ mạng tìm ra con đường giải thoát bằng cách nhận biết sức mạnh khủng khiếp bên trong mỗi người.
Søren Kierkegaard như người đàn ông u sầu đang cố gắng tìm hiểu và giải đáp những câu hỏi về cuộc sống. Ông quyết tâm hiểu bản thân trước khi biết bất cứ điều gì khác bên ngoài. Mỗi ngày của Søren Kierkegaard bị chi phối bởi ba việc, theo một lối sống đặc biệt: viết, đi dạo và uống nhiều cà phê. Kierkegaard có cách thưởng thức cà phê khá kỳ lạ. Ông đổ đường vào tách cà phê cho đến khi nó cao hơn cả miệng tách. Sau đó pha cà phê đen siêu đặc vào, từ từ hòa tan tháp đường và uống hết tách. Kierkegaard sở hữu ít nhất 50 bộ tách dĩa, nhưng mỗi loại chỉ có 1 cái, trước khi pha cà phê, thư ký của ông phải chọn xem tách và dĩa nào mà ông thích hôm đó, sau đó giải thích lựa chọn này với Kierkegaard như một nghi thức hoặc một ý nghĩa triết lý. Nhà thần học Joakim Garff làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Søren Kierkegaard đã viết, cà phê giống như hoạt chất làm trí não của Kierkegaard sôi sục và bùng nổ – thứ luôn vận hành hiệu quả trong suốt một ngày và cả về đêm để ông tỉnh táo suy niệm viết lách. Dù có khi các ngón tay đã bị vắt kiệt sức lực nhưng Kierkegaard vẫn cầm chắc quai mảnh mai của tách cà phê để uống đến giọt cuối cùng.
Kierkegaard viết và xuất bản hầu hết các tác phẩm chính của mình từ năm 1843 đến năm 1846. Ông đặt con người giữa hai tình trạng: bây giờ đang là gì, và cốt yếu phải là gì. Con người luôn cảm nhận sự bất an và hữu hạn của họ, là nguyên nhân làm họ trở nên tha hóa, thất vọng và ngày càng tệ hại hơn. Tuy vậy, sự tha hóa cũng tạo ra động lực để con người phục hồi bản ngã bản chất của mình. Quá trình chuyển động của bản ngã là đi từ một bình diện tồn tại này sang một bình diện tồn tại khác bằng hành động của ý chí và sự lựa chọn. Có thể hiểu, con người hiện sinh bị ném vào thế giới với rất nhiều giới hạn và ràng buộc, đôi lúc bị nhấn chìm trong tình trạng khủng hoảng, giằng xé nhưng nó cũng thúc đẩy con người đi tìm ý nghĩa của cuộc đời, để sống cho ra sống chứ không phải sống chỉ để sống.
Kierkegaard ủng hộ triệt để cho sự dấn thân của những cá thể trên con đường tìm kiếm chân lý. Thực thi sứ mệnh trở thành bản ngã của chính mình đòi hỏi sự dấn thân, con người dấn thân mới có thể đạt tới sự hiện hữu đích thực, chứ không dừng lại ở lý tưởng cao vời hay những ý định tốt đẹp. Kierkegaard đã viết liên tục và để lại gia tài các tác phẩm có giá trị rất lớn như: Kính sợ và Run rẩy (1843), Lặp lại (1843), Những mảnh vụn triết học (1844), Những chặng đường đời (1845)…
Tư tưởng của ông phổ biến rộng rãi vào những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi con người đang rơi vào khủng hoảng niềm tin, hoài nghi thực tại và khao khát giải thoát bằng lối sống mới. Triết học Hiện sinh gắn chặt với các hàng quán cà phê vùng tả ngạn sông Seine (Paris, Pháp) với đại diện tiêu biểu như triết gia Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Albert Camus… Bên cạnh triết học, triết học Hiện sinh ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực khác như thần học, kịch nghệ, nghệ thuật, văn học và tâm lý học.
Hình ảnh con người trong thế giới hiện sinh gợi lên những suy tư, trăn trở về ý thức trách nhiệm, về vai trò của phận người và chọn lựa thái độ sống cũng như hành động dấn thân nhập cuộc vì tha nhân. Từ đó, đưa con người trở về với nguồn cội của hiện hữu con người. Song song diễn trình đó, hình ảnh của cà phê – một thức uống có công năng “thức tỉnh và sáng tạo” mở hướng tầm nhìn và tâm cảm nhằm đạt được mục đích tường minh về đời sống của một con người đích thực, giúp mỗi người làm chủ được những ám ảnh và khao khát của chính mình để dấn thân trọn vẹn vào việc khám phá và tạo nên ý nghĩa của cuộc sống.
Đón đọc kỳ sau: Cà phê – năng lượng thăng hoa tư duy khoa học