Kỳ 77: Cà phê – năng lượng thăng hoa tư duy khoa học

05/10/2021
2564

Phát xuất từ chính công năng thức tỉnh và sáng tạo, cà phê cùng hàng quán cà phê thích ứng cho việc nghiệm thu, trao đổi tri thức hàn lâm lẫn thực nghiệp, dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy khoa học.

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… của cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Không gian thống lĩnh luận lý khoa học

Từ giữa thế kỷ 16, cách mạng khoa học đã trở thành tâm điểm văn minh châu Âu. Thuyết vũ trụ nhật tâm của Nicolaus Copernicus (1473-1543) kích hoạt sự phát triển bùng nổ các ngành toán học, vật lý, thiên văn học, sinh học và hóa học, phát những tín hiệu đầu tiên để bắt đầu một thế giới mới. Các nhà tư tưởng cho rằng, thông qua lý trí và khoa học, con người có thể hiểu được thiên nhiên và tồn tại hài hoà với qui luật của nó, từ đó tiến tới hạnh phúc và đạt được đời sống hoàn hảo. Nhưng trước tiên, con người phải biết về bản chất của tự nhiên dựa trên những khám phá thực nghiệm.

Xung lực ấy đã tác động sâu sắc lên tâm lý con người ở mọi giới, đặc biệt là giới trí thức. Họ đòi hỏi một cuộc cải tổ lớn đối với tất cả quy trình kiến thức nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của việc học hỏi và sáng tạo thiêng liêng của con người. Sự thay đổi nhận thức về giá trị của bằng chứng, thực nghiệm hoặc quan sát đòi hỏi phương pháp luận khoa học phù hợp hơn. Lúc này, phương pháp thực nghiệm của Francis Bacon được xem là vượt trội so với các cách suy luận cũ. Theo Francis Bacon, khoa học phải dựa trên các quan sát cụ thể, tiến tới giả định rồi mới đến định luật khoa học.

Phương pháp của Francis Bacon tạo nên biến đổi lớn trong hoạt động khoa học. Nhu cầu thông tin ngày càng tăng, các kết quả nghiên cứu cần được lan truyền rộng rãi và nhanh chóng. Do đó, cần một không gian xã hội mới, như một tổ chức trao đổi tri thức, làm tiền đề cho các phát minh cải thiện cuộc sống của nhân loại.

Vào thời điểm đó, cà phê xuất hiện tại châu Âu được ca ngợi như thần dược cho não, thức uống mang lại sự tỉnh táo, phù hợp với những người muốn cải thiện tư duy và năng lực làm việc hiệu quả. Sự trỗi dậy của thói quen uống cà phê dẫn đến sự hình thành các quán cà phê được nhận định là một tổ chức xã hội quan trọng, đáp ứng yêu cầu cung ứng không gian học thuật – nơi những nhà khoa học có thể tập hợp lại để xem xét, thảo luận và phản biện những khám phá mới hoặc lý thuyết cũ.

Quán cà phê Slaughter’s ở London (Anh) nổi tiếng là trung tâm nghiên cứu toán học. Abraham de Moivre – người tiên phong phát triển lượng giác giải tích và lý thuyết xác suất gần như thường trú tại Slaughter’s. Cũng ở Anh, quán cà phê Tillyard’s là nơi nhà hóa học Peter Staehl tổ chức những buổi giảng dạy chuyên môn cho các sinh viên của ông. Những nhà khoa học lỗi lạc Isaac Newton, William Whiston, Francis Hauksbee, Robert Hooke, Edward Tyson, Edmund Halley… cũng đã thực hiện những thí nghiệm khoa học ngay tại các quán cà phê. Robert Boyle – một trong những người sáng lập hóa học hiện đại, đã gọi hàng quán cà phê là “trường học ẩn hình” thích ứng cho việc nghiệm thu và trao đổi tri thức.

Các hiệp hội khoa học hình thành trong quán cà phê trở thành mô hình đào luyện – nghiên cứu, thiết lập nền móng quan trọng trong việc phát triển các ngành khoa học. Năm 1655, một nhóm nhà khoa học uyên bác đã thành lập câu lạc bộ cà phê Oxford tại quán cà phê Tillyard’s để cùng thảo luận về các lý thuyết và nghiên cứu của họ. Đây là tổ chức tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học Vương quốc Anh, cho đến nay vẫn là một trong những hiệp hội khoa học hàng đầu thế giới. Sau đó, Hội Toán học Spitalfields (1717), Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia (1754), Hiệp hội Thiên văn (1820)… đều được ra đời từ các hàng quán cà phê Anh.

Thế kỷ 17, 18 có thể nói là thời đại của hàng quán cà phê và các hiệp hội, học viện khoa học. Những buổi thuyết giảng và thí nghiệm công khai của các nhà khoa học tại quán cà phê đã đào tạo một lực lượng nhà khoa học mới, đồng thời phổ biến kiến thức từ giới hàn lâm đến đại chúng. Nhà khảo cổ Philippe Sylvestre Dufour cùng các cộng sự thực hiện phân tích tác dụng dược lý của cà phê và khẳng định cà phê tốt cho thể chất lẫn tinh thần. Nhà hóa học Louis Lémery cũng tiến hành nghiên cứu tác dụng của cà phê và đưa ra kết luận tương đồng với Dufour.

Cà phê – năng lượng của nhà khoa học

Trong suốt thế kỷ 19, kiến thức khoa học ứng dụng vào cuộc cách mạng công nghiệp làm thay đổi đáng kể đời sống xã hội. Một trong những điểm nổi bật của khoa học thế kỷ 19 là khám phá về bản chất vật chất. Cà phê cũng trở thành đối tượng nghiên cứu của khoa học. Năm 1820, nhà hóa học Friedlieb Ferdinand Runge lần đầu tiên phân lập được caffeine. Tiếp đó, năm 1821, nhà hóa học Pierre Jean Robiquet phân lập và mô tả các đặc tính của caffeine. Cùng năm, hai nhà hóa học Pierre Joseph Pelletier và Joseph Bienaimé Caventou thực hiện phân tích nguyên tố caffeine. Năm 1895, nhà hóa học Emil Fischer lần đầu tiên tổng hợp được caffeine, hai năm sau, ông đưa ra công thức cấu trúc của hợp chất. Đây là một phần của công trình mà Emil Fischer được trao giải Nobel năm 1902.

Những nghiên cứu khoa học khẳng định ảnh hưởng chung của cà phê đến tư duy, thể chất, thần trí con người đã đẩy lượng tiêu thụ cà trên thế giới mở rộng gấp 20 lần. Chuyển sang thế kỷ 20, công nghệ và khoa học phát triển như vũ bão, ảnh hưởng đến ý thức hệ và lối sống của con người. Thụ hưởng cà phê cũng bắt đầu đa dạng hóa với những sáng chế máy móc sản xuất và thiết bị pha chế. Cà phê hòa tan (1901), bộ lọc cà phê bằng giấy (1908), cà phê đông khô chân không (1938), máy pha cà phê espresso hiện đại (1946) ra đời làm cho cà phê dễ dàng đi từ hàng quán đến từng gia đình, trên mỗi bàn làm việc và có mặt trong các phòng nghiên cứu, thậm chí theo chân các nhà khoa học đến tận bối cảnh thực địa tự nhiên.

Sau những năm 1950, cà phê trở thành thức uống toàn cầu, phổ biến chỉ sau nước lọc. Đặc biệt, các cường quốc có nền khoa học phát triển đều là những nước tiêu thụ cà phê bình quân đầu người cao nhất thế giới. Theo khảo sát của CareerBuilder, những người làm việc trong lĩnh vực khoa học, sáng tạo và giáo dục uống nhiều cà phê hơn so với các ngành nghề khác.

Cà phê gần như là năng lượng khởi động và song hành trong suốt tiến trình phát triển của khoa học hiện đại. Khoa học cho rằng các sự vật và hiện tượng trong vũ trụ xảy ra theo những mô hình nhất quán có thể hiểu được thông qua nghiên cứu có hệ thống. Các nhà khoa học nhận thức chân lý bằng trực cảm trí tuệ và bằng năng lực suy luận. Ngay trong quá trình đó, cà phê tác động trực tiếp đến khả năng tập trung quan sát, tư duy, phân tích và suy luận để đúc rút những lý thuyết đúng đắn làm nền tảng cho các phát minh có thể thay đổi thế giới.

Cũng từ công năng tăng cường chức năng của hệ thần kinh trung ương, thăng hoa trí tuệ và tăng hiệu suất nhận thức, cà phê vừa là năng lượng của nhà khoa học vừa là đối tượng nghiên cứu khoa học. Trong nhiều thế kỷ, các khám phá về cà phê xuất hiện liên tục ở tất cả các ngành khoa học tự nhiên và xã hội. Đồng thời, nhiều thiết bị được sáng chế nhằm thụ hưởng triệt để ích lợi từ cà phê cũng như phát triển đa dạng các hình thức thưởng lãm cà phê. Có không ít nhà khoa học đã thừa nhận cà phê là điều kỳ diệu của tạo hóa. Giáo sư Charles Bass Reed (Đại học California) đã nói rằng “Cà phê có thể được coi là dưỡng chất của thiên tài”. Hay như nhà toán học Alfréd Rényi cũng từng nói “Nhà toán học là một cỗ máy biến cà phê thành các định lý”. Từ đó, lại hiểu vì sao khoa học đã cần đến cà phê như năng lượng thiết yếu.

Đón đọc kỳ sau: Stephen Hawking – Giải mã vũ trụ bên tách cà phê.