Kỳ 96: Cà phê và sự hình thành các trường phái nghệ thuật

23/05/2023
5981

Trong lịch sử phát triển nghệ thuật, cà phê luôn song hành, trở thành nguồn năng lượng khơi nguồn cảm hứng, thúc đẩy sáng tạo vô hạn.

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… của cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Bước ngoặt thời đại của nghệ thuật

Thế kỷ 17, lần đầu tiên nghệ thuật mang ý nghĩa Creative art – nghệ thuật sáng tạo, hay Fine art – mỹ thuật được hình thành. Nghệ thuật được xem là một kỹ năng diễn tả sự sáng tạo của người nghệ sĩ, khơi gợi cảm quan thẩm mỹ, kích thích suy nghĩ, cảm xúc niềm tin hoặc ý tưởng của khán giả. Với bản chất là sự phản ảnh những thay đổi rộng lớn của xã hội, cũng như cái nhìn của người nghệ sĩ, định nghĩa này hoàn toàn tương thích với sự dịch chuyển của xã hội châu Âu lúc bấy giờ.

Thế kỷ 17, châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng tâm thức (La Crise de la conscience européenne). Con người mất niềm tin vào các định chế chính trị, nghi ngờ hệ tư tưởng, thế giới quan và vũ trụ quan của giáo hội. Từ đó thúc đẩy ý chí đấu tranh vì chân lý và hành động để thay đổi cuộc đời trong mỗi cá nhân, đặc biệt là giới học giả tinh hoa. Tư tưởng này đã mở đầu cho thời kỳ Khai sáng tại châu Âu trong thế kỷ 17 và 18 với những sáng tạo vĩ đại, đem lại những tiến bộ vượt bậc trong hiểu biết của con người và cách vận dụng tri thức khoa học, tạo nên những bước ngoặt lớn trong sự phát triển của nhiều lĩnh vực, từ khoa học, kỹ thuật, kinh tế, chính trị đến văn hóa, nghệ thuật …

Với niềm tin duy lý về vũ trụ và tầm nhìn lạc quan về một xã hội lý tưởng hậu quân chủ, các nhà triết học Khai sáng đã định hình vai trò mới cho nghệ thuật. Nếu quá khứ, nghệ thuật phục vụ giới quý tộc, nhà thờ và nhà nước, thì trong xã hội mới, nghệ thuật phải “vì con người”, phải là đạo đức thay vì vô đạo đức, và dạy con người đúng sai. Đây là bước ngoặt quan trọng của thế giới nghệ thuật, xác định nhiệm vụ của nghệ thuật hướng đến việc tạo giá trị cho công chúng, xã hội. Giới nghệ thuật bắt đầu có sự thấu đạt về bản thân, xã hội, mang khát vọng khám phá và thử nghiệm những điều mới mẻ. Các tác phẩm nghệ thuật nhấn mạnh vào tính khách quan, chân lý thực nghiệm hơn là sự trừu tượng, vĩ đại.

Bước sang thế kỷ 19, châu Âu và cả thế giới trải qua những thay đổi nhanh chóng và sâu sắc bởi sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp trong sản xuất, vận chuyển và lối sống, cách làm việc. Những thay đổi về mặt xã hội đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ khám phá những chủ đề mới, tạo điều kiện cho nghệ thuật phát triển mạnh mẽ. Nghệ thuật, đặc biệt là văn học và hội họa, đã có những thay đổi ấn tượng, chuyển từ các tác phẩm theo phong cách “Old Masters” sang buổi bình minh của Hiện đại.

Nếu như trước đây các họa sĩ được giao nhiệm vụ sản xuất các tác phẩm cho giới quý tộc hoặc tổ chức, từ thế kỷ 19, các họa sĩ mới thực sự bắt đầu sáng tác theo hệ giá trị mà cá nhân đặt ra, khám phá các lĩnh vực mới. Bên cạnh đó, cùng những tiến bộ trong nhiếp ảnh ở thời kỳ này, phát minh ống sơn thiếc có thể gập đã tạo điều kiện cho các họa sĩ rời xưởng vẽ bước ra thế giới tìm nguồn cảm hứng sáng tác.

Văn học cũng thế, các tác phẩm được phát triển theo cách tiếp cận mới, tập trung khám phá những điều sâu bên trong, phản chiếu hiện thực xã hội hơn những phù phiếm bên ngoài của cấp bậc xã hội.

Tư tưởng tự do tìm kiếm chân lý theo chủ nghĩa lý tưởng thúc đẩy sự sáng tạo vô tận của các nghệ sĩ. Những tiêu chuẩn nghệ thuật mới liên tục được đưa ra, phá bỏ liên tiếp các quy tắc cũ. ​​Một loạt các trường phái nghệ thuật như Chủ nghĩa Lãng mạn, Ấn tượng, Lập thể, Vị lai, Dã thú, Biểu hiện, Dada, Siêu thực… được hình thành, tạo nên giai đoạn đầy ấn tượng trong lịch sử nghệ thuật thế kỷ 19 – 20.

Cà phê – nguồn năng lượng sáng tạo vô hạn của nghệ thuật

Thế kỷ 17, thời kỳ nghệ thuật sơ khai chuyển sang nghệ thuật sáng tạo, mỹ thuật cũng là giai đoạn cà phê du nhập vào châu Âu.  Được ví như thần dược cho não, cà phê đã trở thành thức uống khai sáng và song hành với nhiều trí thức từ triết gia, nhà khoa học, đến họa sĩ, nhà văn, nhà soạn nhạc như: Nhà tư tưởng Voltaire, Carlo Goldoni, nhà khoa học Issac Newton, đại văn hào Balzac, Hemingway, Peter Altenberg, nhà soạn nhạc Wolfgang Amadeus Mozart, danh họa Pablo Picasso…

Các nhà trí thức đều hiển dương cà phê như nguồn năng lượng thức tỉnh nhân tâm và sáng tạo vô hạn. Tiêu biểu như nhà soạn nhạc vĩ đại Beethoven – người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn, có thói quen lựa chọn đủ 60 hạt cà phê để pha một tách Moka. Johann Wolfgang von Goethe, nhà viết kịch và tiểu thuyết gia vĩ đại, nổi tiếng nhất của Đức, người khởi đầu cho chủ nghĩa Lãng mạn, có thói quen uống cà phê mỗi ngày và sở thích tự tay chưng cất cà phê. Đại văn hào Balzac – người đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực trong văn học châu Âu, uống đến 50 tách cà phê, để giúp trí tưởng tưởng tạo ra những điều kỳ diệu. Hay Gustave Courbet nổi tiếng là người đứng đầu “trường phái hiện thực” thường đến quán Café du Center (Thụy Sỹ), nơi có chiếc bàn riêng cho ông sáng tạo và tranh luận với những người bạn.

Cùng với cà phê, hàng quán cà phê châu Âu mà điển hình là Pháp, Ý, Viên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử nghệ thuật. Đó là trung tâm tri thức dành cho giới nghệ thuật tự do đối thoại, quan sát, tương tác xã hội và sáng tạo. Rời xa những giới hạn của giới hàn lâm, người nghệ sĩ có thể đến quán cà phê, gặp gỡ những con người cùng chí hướng, chia sẻ ý tưởng và nguồn cảm hứng, sáng tạo nên những nguyên tắc nghệ thuật mới.

Từ thế kỷ 19, với mong muốn quyền tự chủ ngày càng tăng, các nghệ sĩ muốn tạo ra không gian và chuyển động riêng, được tự do suy nghĩ. Hàng quán cà phê trở thành biểu tượng của cuộc sống hiện đại, một địa điểm tuyệt vời, một bối cảnh hoàn hảo để ngắm nhìn thế giới và lấy cảm hứng cho các bức tranh, bài thơ và tiểu thuyết.

Thêm vào đó, không gian nghệ thuật đã giao thoa với hàng quán cà phê. Những không gian cà phê ở Ý, Pháp, Viên là nơi trưng bày và triển lãm độc đáo các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, thúc đẩy các cuộc trò chuyện thú vị và ý thức mạnh mẽ về văn hóa. Từ đây kích xúc những trường phái nghệ thuật mới tiêu biểu của thế kỷ 19 – 20 hình thành, như: Ấn tượng, Biểu hiện, Siêu thực, Hiện đại, Chủ nghĩa Vị lai….

Cuối thế kỷ 19, Édouard Manet (1832 – 1883) thành lập nhóm Batignolles (Le groupe des Batignolles), gồm những danh họa Edgar Degas, Claude Monet, Alfred Sisley… Nhóm thường xuyên sinh hoạt tại Café de la Nouvelle Athènes, Café Guerbois, Café Tortoni… vào Chủ Nhật và Thứ Năm với sự tham gia của các nhà văn, những người yêu nghệ thuật. Họ chia sẻ những ý tưởng cách tân hội họa, khởi sinh cho sự thành lập trường phái Ấn tượng. Đặc biệt, năm 1874, tại Guerbois Café, cuộc triển lãm tập thể đầu tiên của nhóm đã chính thức khai sinh trường phái Ấn tượng.

Khi trường phái Ấn tượng phát triển mạnh mẽ, các hoạt động thảo luận được lan rộng sang nhiều hàng quán như Femme au café, Le Café du Rat-Mort, Le café Momus… Những tác phẩm sáng tạo và triết lý của trường phái Ấn tượng theo đó được phổ biến rộng rãi và nhiều danh họa đã phát triển các phong cách nghệ thuật mới, đặt nền móng cho nghệ thuật hiện đại với các trường phái Lập thể, Dã thú, phong cách Phân điểm, chủ nghĩa Biểu hiện…

Hàng quán cà phê còn là nơi để các nghệ sĩ Ấn tượng khám phá về đời sống, truyền cảm hứng tạo nên nhiều bức tranh đẹp, như “At Cafe Guerbois”, “The Café-Concert”, “Cafe Terrace at Night”, “Terrace of a Cafe on Montmartre”…


Bước sang thế kỷ 20, mang khát vọng tái tạo thế giới, nguồn cảm hứng và các ý tưởng được chia sẻ từ hàng quán cà phê trở thành chất xúc tác nuôi dưỡng các phong trào nghệ thuật và văn học Pháp. Quán Cafe de Flore là nơi André Breton, Louis Aragon, Philippe Soupault trao đổi và phát triển Chủ nghĩa Siêu thực, phong trào văn học nghệ thuật Dadaism. Quán La Rotonde là không gian triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của nhiều danh họa như Pablo Picasso, Alexandre Jacovleff, Dieago Rivera… Quán cà phê La Closerie Des Lilas là nơi tụ hội của những tên tuổi lớn trên văn đàn thi họa Hemingway, Paul Fort, Paul Cézanne… với những buổi bình luận văn chương, văn hóa vào thứ 3 hàng tuần.

Cũng trong giai đoạn này, hàng quán cà phê Viên là nơi vinh thăng cho những phong trào mới của Chủ nghĩa Hiện đại. Các kiến trúc sư, họa sĩ lừng danh Gustav Klimt, Egon Schiele, Oskar Kokoschka và Adolf Loos… thường gặp nhau bàn luận tại Café Museum. Từ đây, phong cách sáng tác của Oskar Kokoschka đã thoát ra khỏi khuôn khổ những quy tắc truyền thống của hội họa cổ điển, đặt nền tảng cho trào lưu hội họa Biểu hiện (Expressionism), tiếng nói của con người thời đại mới, hướng tới tinh thần nhân văn, tự do.

Bên cạnh đó, Café Korb, Café Central, Café Herrenhof, Café Hawelka… ở Viên được gọi là “nơi gặp gỡ trung thành” của giới văn nhân, góp phần tạo nên kỷ nguyên văn học Áo rạng danh. Đặc biệt, Café Hawelka là nơi nhóm nhà văn, nhà thơ Wiener Gruppe nghiên cứu bản chất ý nghĩa ngôn ngữ và thúc đẩy văn học Baroque cũng như Chủ nghĩa Biểu hiện, Chủ nghĩa Dada, Chủ nghĩa Siêu thực…


Tại Ý, các nhân vật quan trọng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật của Ý đều tập hợp trong không gian cà phê để thảo luận và phát triển hệ tư tưởng mới. Tiêu biểu như quán Caffè Michelangiolo (Florence) là nơi những họa sĩ Ý khởi xướng phong trào nghệ thuật Macchiaioli tái tạo nghệ thuật Ý. Quán cà phê Caffè delle Giubbe Rosse được vinh danh là nơi Chủ nghĩa Vị lai (Futurism) hình thành và phát triển.

Không phải ngẫu nhiên mà cà phê và hàng quán cà phê là mắt xích quan trọng thúc đẩy tiến trình lịch sử phát triển của nghệ thuật thế giới. Cà phê mang đến nguồn năng lượng để giới trí thức nói chung và giới nghệ thuật nói riêng trở nên thấu suốt, sáng tạo đột phá. Trong khi đó, hàng quán cà phê là nơi hội tụ tinh hoa của tri thức, văn hóa, nghệ thuật thời đại. Những khoảnh khắc bên ly cà phê để cùng tranh luận, trao đổi, hoặc chỉ đơn giản lặng yên cảm nhận nhân sinh, để tìm cảm hứng sáng tạo, đã thúc đây dự hình thành những tác phẩm, quy tắc, trường phái nghệ thuật vang danh, trường tồn qua bao thế kỷ.

Thân mời bạn đọc đón xem loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh https://bit.ly/caphetrietdao

Đón đọc kỳ sau: Hoạt động nghệ thuật trong không gian hàng quán cà phê