Ngôi làng gần biên giới Campuchia với khát vọng lạ thường: Thành cụm dân cư khởi nghiệp!
“Hóa ra vẫn còn cách khác để ở gần bố mẹ là học giỏi, làm giàu, thành công hơn là đi làm thuê. Đây là lần đầu có người nói với em như vậy…”
Cùng Hành trình Từ Trái Tim đến Đồng Tháp, nơi khiến chúng tôi ấn tượng nhất là thôn Nam Hang thuộc xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Những hình ảnh ấn tượng mà Hành trình Từ Trái Tim ghi lại trong chuyến đi đến Đồng Tháp.
“Mong những cuốn sách ông Đặng Lê Nguyên vũ tặng sẽ giúp người dân xây nên một cụm dân cư khởi nghiệp”
Nơi đây cách cột mốc biên giới với Campuchia chừng 5-7km, được dẫn vào bằng một con đường đất đỏ khó đi. Đa số là những nóc nhà lá tạm bợ dựng bằng những thân cây khẳng khiu. Bao quanh ngôi làng hình tam giác này là sông Tiền mênh mông nước.
Thành lập từ năm 2002, Nam Hang hiện vẫn là thôn nghèo nhất của xã Thường Phước 2. Thôn có khoảng 200 hộ dân thì hơn 30 hộ nghèo. Những con đường trải bê tông quanh làng nhỏ xíu. Mùa lũ, nước có thể tràn về lênh láng. Ở đây thiếu nước sạch. Người dân muốn có nước sinh hoạt phải bơm từ sông lên, dùng phèn lắng lại. Cảnh sinh hoạt tạm bợ, rác thải không có nơi chứa phải vứt xuống sông hoặc đốt bỏ khiến hình ảnh cụm dân cư còn nhếch nhác.
Đường vào làng Nam Hang.
Rất ít thấy những thanh niên trẻ tuổi ở làng vì đa số họ đều đi làm thuê xa. Những người còn ở lại bám làng thì chủ yếu làm nghề giăng lưới nên cuộc sống bấp bênh theo mùa nước. Học sinh học hết cấp 1, cấp 2 là nghỉ học, đi làm nông hoặc làm thuê phụ giúp ba mẹ. Cuộc sống nghèo quẩn quanh từ lâu đã thiếu những đốm sáng của khát vọng và tri thức.
Chị Đào Thị Ngọc Loan, Chủ tịch xã Thường Phước 2, cho biết: “Đường đi lên trường cấp 2 cách cụm dân cư chừng 15km. Đường xa, kinh tế khó khăn nên nhiều em bỏ học. Thiếu tri thức nên các em cũng không có ước mơ gì lớn lao, chỉ mong sau này có tiền để ba má sống đỡ cực hoặc có tiền để được ở cạnh ba, giúp ba không cần đi làm xa nhà nhưng nếu hỏi các em là làm sao để có tiền thì ít em thực sự có câu trả lời”.
Chị Loan nói, thiếu tri thức là một trong những nguyên nhân khiến Nam Hang còn nghèo “bền vững”. Sống ở vùng sông nước bao quanh, thiếu tri thức, các bậc phụ huynh cũng không biết việc học, truy cầu tri thức sẽ đem lại giá trị gì?
“Khi nghe nói có chương trình Hành trình Từ Trái Tim đến thăm, trao quà, tặng sách và động viên dân nghèo, tôi thấy rất vui. 5 đầu sách Khuyến học, Đắc nhân tâm, Nghĩ giàu làm giàu, Không bao giờ thất bại – Tất cả là thử thách, Quốc gia khởi nghiệp đều rất hay, là những cuốn trang bị kiến thức nền tảng”.
Chị Đào Thị Ngọc Loan, Chủ tịch xã Thường Phước 2.
Theo chị Loan, cuốn Quốc gia khởi nghiệp với việc phân tích phẩm chất người Do Thái, đề cập đến khát vọng phục quốc và nhiều ý tưởng khởi nghiệp táo bạo sẽ rất phù hợp với người dân nơi đây.
“Tôi rất cảm ơn và mong rằng những cuốn sách mà Chủ tịch Trung Nguyên – Đặng Lê Nguyên Vũ gửi tặng sẽ giúp Nam Hang trở thành cụm dân cư khởi nghiệp. Tôi cũng sẽ mang những cuốn sách này về tặng lại cho con mình. Chắc chắn các con sẽ rất thích”.
Cảm động giấc mơ được sống gần ba và điều ước của người mẹ nghèo dốc lòng nuôi con ăn học
Nhà nghèo, mấy năm nay bố mẹ của Lê Nguyên Quyền và Võ Huy Khánh đều lên Bình Dương làm công nhân. 2 cậu bé học chung lớp, sống cùng ông bà già cả. Mỗi lần nhìn thấy gia đình các bạn có đủ ba má quây quần bên bữa cơm chiều, 2 đứa lại nắm chặt tay nhau vì tủi thân và vì muốn động viên nhau cùng cố gắng.
Tâm sự với chúng tôi, cả Quyền và Khánh đều mong có thể kiếm ra tiền để ba má quay về nhà sống chung. “Ở với ông bà buồn lắm, không có ai làm bạn, không có ai chơi với mình như ba má. Em cũng muốn đi làm sớm để có tiền giúp ba má đỡ cực”.
Quyền và Khánh rất háo hức khi nhận được sách mà Hành trình Từ Trái Tim trao tặng.
Suy nghĩ của Quyền và Khánh cũng là tâm lý chung của học sinh nơi đây. Tuy nhiên, trong số rất nhiều bậc phụ huynh đồng ý với cách nghĩ ấy thì cũng có nhiều người chăm lo tới việc học, mong muốn con mình sẽ được sống cuộc đời khác với ba má chúng.
Gia đình chị Bùi Trúc Linh đang có con trai học lớp 9 và con gái học lớp 1. Dù thuộc diện hộ nghèo nhưng chị Linh vẫn cố gắng cho con ăn học đàng hoàng.
“Chồng mình đi làm ở Bình Dương, nhà chỉ có mấy bà cháu ở với nhau. Ảnh nói dù cực cỡ nào cũng ráng nuôi 2 con học ít nhất hết cấp 3 để tụi nó có cái bàn đạp, sau này học thêm hoặc làm được cái nghề mà tụi nó thích chứ cả đời cứ đi làm xa hoài cực khổ ghê gớm lắm”.
Khi Hành trình Từ Trái Tim tới trao sách, chị Linh tỏ ra rất vui mừng. Nâng niu những cuốn sách trên tay, chị Linh nói đây sẽ là món quà quý dành cho 2 con nhỏ. “Những cuốn sách này sẽ giúp đánh thức khát vọng lớn cho các con. Mình đã nghe kể về cuốn tự truyện Không bao giờ thất bại – Tất cả là thử thách. Tấm gương Chung Ju Yung chắc chắn sẽ khiến các con rất yêu thích và học hỏi được nhiều điều”.
Nhận những cuốn sách Hành trình trao tặng, Quyền và Khánh cũng tỏ ra rất háo hức. Nghe chúng tôi kể qua cuộc đời của Chung Ju Yung trong cuốn tự truyện mà các em đang cầm trên tay, ai nấy đều đỏ hoe mắt. Đó là lần đầu tiên các em nghe nói đến những khát vọng và giấc mơ lớn.
“Hóa ra vẫn còn cách khác để ở gần bố mẹ là học giỏi, làm giàu, thành công hơn là đi làm thuê. Đây là lần đầu có người nói với em như vậy”, Quyền nói.
Rời khỏi cụm dân cư Nam Hang vào lúc hoàng hôn vừa buông, những người trong đoàn Hành trình Từ Trái Tim dù rất mệt mỏi vì phải đi xa nhưng bỗng cảm thấy rất vui và tràn đầy hứng khởi. Những đốm sáng của tri thức, khát vọng, những ánh mắt sáng lên niềm hy vọng, ước mơ mới của người dân nơi đây là nguồn động viên to lớn giúp đoàn công tác thêm tin tưởng vào công việc ý nghĩa họ đã và đang và sẽ làm.