Nhà báo Hoàng Thiên Nga: Khát vọng chấn hưng dân trí của Đặng Lê Nguyên Vũ đã lan tỏa

18/10/2022
1362

Sách giúp tất cả mọi người trên thế giới này luôn được bình đẳng như nhau khi tiếp cận tri thức mà nó đem tới. Sách thật sự là “nền tảng đổi đời” vững chắc.

Tháng 11/2021, Trung Nguyên Legend đã khởi tạo Hành trình Khởi nghiệp Kiến quốc – Hành trình tặng 100 triệu cuốn sách cho 30 triệu thanh niên Việt Nam. Con số 100 triệu lập tức gây sốc trong dư luận, hầu như ai cũng khó có thể tin.

Nhưng Hành trình mang tên Từ Trái Tim, đến nay sắp vừa tròn 10 năm đầu tiên, đã chứng minh sự kiên định, kiên trì và bền bỉ của nhà sáng lập Đặng Lê Nguyên Vũ. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện sâu sắc với Nhà báo Hoàng Thiên Nga, nữ nhà báo luôn hướng tâm nhiệt thành đến những điều đẹp đẽ trong xã hội đồng thời lại chống tiêu cực không nản chí. Buổi nói chuyện không chỉ là về Đặng Lê Nguyên Vũ, Trung Nguyên, mà còn là về cách mà chúng ta nên bày tỏ thái độ sống sao cho luôn hướng thiện, mang lại lợi ích cho cộng đồng.

PV: Là một người bạn tâm giao của Chủ tịch Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ, cũng là một trong những nhà báo đầu tiên viết về hành trình tặng sách mà ông Vũ cùng Trung Nguyên đang thực hiện, chị có kỉ niệm nào đáng nhớ khi nhắc tới Hành trình Từ Trái Tim?

Nhà báo Hoàng Thiên Nga: Về hành trình tặng sách này, đúng là ban đầu xã hội có khá nhiều khen chê trái chiều. Chính tôi vốn là người rất tôn trọng, quý mến Đặng Lê Nguyên Vũ cũng như Trung Nguyên, thời gian đầu cũng cảm thấy hành trình này hình như không ổn lắm!

Tôi nghĩ, sách phù hợp không gian yên tĩnh, trang nhã, nhưng Trung Nguyên lại dùng siêu xe, hoa hậu, người đẹp đi tặng một cách rầm rộ. Làm vậy, liệu có quá phù phiếm, đi ngược với tính chất vốn có của sách hay không?

Sau này, tôi lại thấy, cách làm đó cũng có cái lý riêng. Nó cũng giống như quan điểm của anh Vũ trong chuyện sắm siêu xe vốn không phải để chơi, mà coi đấy là một trong những cách quảng bá thương hiệu khôn ngoan và hiệu quả.

Tổ chức những hành trình đình đám, dài ngày như vậy, chắc chắn sẽ vô cùng tốn kém. Và ai cũng biết một điều chắc chắn, có một tỷ lệ không nhỏ số sách được tặng, không được người nhận đón đọc.

Tuy nhiên, quan điểm của anh Vũ là mưa dầm thấm lâu. Và sự kiện nào khi đã tổ chức, cũng đều cần thu hút chú ý của công chúng. Để rồi trong số hàng trăm, hàng nghìn người nhận sách, chỉ cần có một số người đồng cảm, góp sức, chung tay với anh Vũ, thì mục đích ban đầu của anh ấy có thể gọi là đã thành công.

Nhà báo dũng cảm của đại ngàn Tây Nguyên” Hoàng Thiên Nga là một người bạn tâm giao của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Nguồn ảnh: Hanoitv.

PV: Vậy theo chị thì đến nay, cách tặng sách “lạ lùng” này của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Trung Nguyên có thành công?

Nhà báo Hoàng Thiên Nga: Ban đầu, khi anh Vũ thông tin ra sẽ tặng 100 triệu cuốn sách thì không ai tin con số đó cả. Ngay chính tôi khi viết bản tin đó cũng đã phải hỏi đi hỏi lại giám đốc truyền thông của Trung Nguyên rằng: có nhầm lẫn gì ở đây chăng? Gửi ra tòa soạn, ban biên tập càng không tin. Tổng thư ký tòa soạn bực bội hỏi tôi: “Ông Vũ có nhầm không? Vì tặng 1-2 triệu cuốn sách đã là con số rất kinh khủng rồi. Tại sao lại có thể đưa vào tuyên ngôn một con số lớn tới như vậy?”.

Anh Vũ giải thích: Cả nước gần 100 triệu dân. Trừ số trẻ em chưa biết đọc, người già yếu, người mù chữ, thì 100 triệu cuốn này cũng chỉ đủ chia bình quân cho số người có thể đọc mỗi người vài ba cuốn. Trung Nguyên không độc hành, mà sẽ vừa làm vừa kêu gọi nhiều cá nhân, tổ chức khác cùng vào cuộc.

Nhìn lại thời điểm tháng 11/2012, khi Trung Nguyên tổ chức họp báo, công bố chương trình tặng 100 triệu cuốn sách khởi nghiệp sáng tạo cho 23 triệu thanh niên Việt Nam, việc chọn sách, mua bản quyền và in sách để tặng khi đó mới có mỗi mình anh Vũ làm cùng các cộng sự.

Vài năm trở lại đây, ai cũng có thể thấy, việc tặng sách, tặng tủ sách, thư viện, mở điểm phục vụ đọc sách miễn phí đã thấm vào nhiều tầng lớp xã hội, trở thành trào lưu sôi nổi, nhất là trong giới trẻ.

Rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị, công ty, đoàn thể đã vào cuộc, tổ chức những phong trào khác nhau để tặng sách cho các buôn làng nghèo, các địa phương, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo.

Rõ ràng có công Trung Nguyên đi đầu, khởi xướng cho tinh thần ấy.

Dù có nói ra hay không nói ra chuyện hưởng ứng từ đâu, nhưng rõ ràng thiện tâm cùng niềm say mê đọc sách, khát vọng chấn hưng dân trí trong câu chuyện về sách của Đặng Lê Nguyên Vũ đã lan tỏa.

Cho nên dù ít dù nhiều, dù muốn hay không muốn thừa nhận, thì thực tế cũng đã chứng minh, những lời kêu gọi đầu tiên đó, cách làm đầu tiên đó của Vũ và Trung Nguyên, đã có tác động tích cực tới xã hội, lan tỏa được tinh thần khởi nghiệp kiến quốc tới toàn dân.

Tôi có vài lần được anh Vũ mời cà phê trò chuyện. Cuộc cà phê nào cũng đầy ắp những chia sẻ về khát vọng mãnh liệt của anh ấy trong việc khởi xướng những cách làm mới mẻ, táo bạo, bất ngờ; Về mục tiêu đem lại những giá trị lớn lao nhất cho cộng đồng, đất nước, dân tộc; Về nỗi khắc khoải xuyên suốt, rằng Việt Nam có đầy đủ yếu tố, điều kiện trở thành một “dân tộc dẫn dắt”, thu hút và truyền bá được tinh hoa toàn cầu.

Đặng Lê Nguyên Vũ luôn thể hiện tinh thần, khát vọng cháy bỏng đó qua những cách hành động với tư duy rất khác biệt, liên tục gây sốc với nhiều người.

Nhưng tôi lại nghĩ, nếu anh Vũ giống như mọi người thì anh đã không làm được những điều đáng cho công chúng sửng sốt đến như vậy, và anh cũng không đủ đức tin để kiên định mãi với con đường phụng sự gian khó qua quá nhiều giông bão, thử thách, cho tới giờ phút này.

Mặc dù vậy, tôi cũng luôn góp ý với đội ngũ làm truyền thông của Trung Nguyên nên cố gắng hơn nữa, để số sách được mọi người đón nhận và đọc đến những trang cuối cùng ngày càng nhiều hơn, để những thiện tâm, thiện tình của anh Vũ không bị lãng phí.

PV: Vài năm gần đây, Trung Nguyên không chỉ chú trọng việc tặng sách ở những đô thị, vùng đồng bằng dọc theo chiều dài đất nước, mà còn đi tới những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất, rồi tới cả biên cương, hải đảo – những nơi người dân còn thiếu sách – để trao tặng. Chị có đánh giá gì về cách làm này?

Nhà báo Hoàng Thiên Nga: Hằng chục năm qua, năm nào tôi cũng tổ chức các hoạt động cộng đồng, thiện nguyện, trong đó có chương trình trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, hiếu thảo. Mỗi lần tổ chức, tôi lại vận động Trung Nguyên hỗ trợ sách mới, để tặng kèm suất tiền học bổng trao cho các em.

Hầu hết học sinh nghèo vượt khó khi được nhận bộ sách của Trung Nguyên, với những cuốn sách xinh xắn mà sâu sắc, đều cảm thấy phần quà này rất giá trị. Trao cho các em, tôi luôn nhớ ngày xưa mình cũng đã từng là một học sinh nghèo ở vùng sâu vùng xa. Để tự tin vươn lên không ngừng như ngày hôm nay, tôi đã không ngừng say mê đọc bất cứ cuốn sách hay nào có thể tìm được.

Và tôi thật sự tin sách quả thật là “nền tảng đổi đời” một cách vững chắc.

Sách giúp tất cả mọi người trên thế giới này, dù thân phận như thế nào, cũng luôn được bình đẳng như nhau khi tiếp cận tri thức mà nó đem tới. Cho nên, thực lòng tôi tin giá trị từng cuốn sách giàu tri thức mà Trung Nguyên hay bất cứ ai khác trao tặng cộng đồng đều rất đáng trân trọng. Chỉ có điều, cách tặng làm sao tránh lãng phí là việc luôn cần phải chú ý.

PV: Khi nhắc tới sách của Trung Nguyên, có phải chị đang nói tới 5 cuốn: Nghĩ giàu làm giàu, Quốc gia khởi nghiệp, Đắc Nhân Tâm, Khuyến Học, Không bao giờ thất bại tất cả là thử thách? Hay là nói về cả “tủ” gần 100 đầu sách do ông Vũ trực tiếp tuyển chọn – trong đó 5 cuốn nói trên chỉ là bắt đầu?

Nhà báo Hoàng Thiên Nga: Ngay trên sách cũng đã ghi, người tuyển chọn là Đặng Lê Nguyên Vũ. Một doanh nhân lẫy lừng như Vũ mà lại về sống ở nơi heo hút như Madrak để nghiên cứu, đọc sách. Một người như vậy mà đã tuyển chọn sách thì không thể nhầm được.

Tôi cũng thấy rằng, 5 cuốn ban đầu đó là những cuốn sách rất hay. Và dù 5 cuốn đó không phải sẽ thích hợp với tất cả mọi người, nhưng chắc chắn một tỷ lệ đáng kể thanh thiếu niên Việt Nam, khi đọc những sách đó sẽ gợi mở trong họ suy nghĩ, khát vọng vươn lên.

Vì một trong những điều xuyên suốt tất cả cuốn sách Đặng Lê Nguyên Vũ chọn lựa, là nói về những dân tộc, con người… đã vượt qua thử thách khốc liệt để trở thành danh nhân, dân tộc hoặc xã hội dẫn đầu.

Giống như bài học của Nhật Bản vươn lên từ chế độ phong kiến lạc hậu, hay Isreal làm sao dẫn đầu về nông nghiệp khi xuất phát là quốc gia sa mạc khô cằn… Đó là những bài học hết sức giá trị.

Cá nhân tôi nhận được không chỉ có bộ 5 cuốn đó mà còn được tặng rất nhiều sách khác. Có cuốn do doanh nghiệp tặng hàng năm vào dịp lễ, Tết. Có cuốn do cá nhân anh Vũ tận tay trao. Có những chuyến bay từ Sài Gòn về Tây Nguyên, tới nửa vali nặng trịch của tôi toàn sách anh Vũ tặng.

Đối với tôi, sách là món quà vô giá, dù chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian để đọc cho hết chỉ riêng chồng sách chọn lọc và biên soạn bởi anh Vũ. Vì đó không phải những cuốn sách dễ đọc, có thể đọc nhanh như tiểu thuyết, mà chứa đầy hàm lượng tri thức. Kể cả những tri thức không dễ thấm, dễ tin.

Nhưng nếu đã chịu đọc, thì khi đọc xong, người đọc có thể thấy mình được bổ túc thêm cái nhìn đa chiều, thấu suốt, để nhìn nhận một số vấn đề thấu đáo, tinh tường hơn trước.

PV: Chị vừa nói, ông Đặng Lê Nguyên Vũ luôn thể hiện xuyên suốt niềm tin mãnh liệt rằng, Việt Nam có đầy đủ yếu tố để trở thành dân tộc dẫn dắt. Chị có biết vì sao ông Vũ lại có niềm tin như vậy không?

Nhà báo Hoàng Thiên Nga: Anh Vũ đã tặng tôi những cuốn sách riêng, do anh viết rất sâu, lý giải, chứng minh về điều đó. Tôi lại nghĩ: Khát vọng Việt Nam trở thành quốc gia đủ sức mạnh để dẫn dắt thì quá tuyệt vời, nhưng chưa biết tới bao giờ mới có thể khả thi, vì còn phụ thuộc quá nhiều yếu tố nan giải.

Thực lòng, hiện tại, ai cũng biết, nước ta muốn vươn lên bằng các cường quốc đã rất khó, chứ chưa nói tới việc vượt lên trước, cao hơn để dẫn dắt họ. Nhưng thực tế đã cho thấy, nhiều điều anh Vũ nói ban đầu tuy rất khó tin, nhưng sau đó dần trở thành hiện thực. Cho nên, có lẽ chúng ta nên chờ thời gian minh chứng.

Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ, trách nhiệm của mỗi người là đều phải đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội chứ không phải đứng nhìn xem người khác làm hay khoanh tay chờ ai đó cống hiến. Vì thế, thay vì ném đá quan điểm của anh Vũ, tôi cho là ai cũng cần tự thấy trách nhiệm của mình trong việc chung tay xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, ngày càng tiến bộ. Giống như những điều anh Vũ đã và đang làm.

PV: Nhưng có một thực tế là, thời gian qua khi nhắc đến ông Đặng Lê Nguyên Vũ, rất nhiều người sẽ nhớ đến những ồn ào đời tư nhiều hơn là những khát vọng tốt đẹp ấy.

Nhà báo Hoàng Thiên Nga: Rất đáng buồn, vụ ly hôn của đôi vợ chồng chủ nhân Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã khiến dư luận xã hội có nhiều nhầm lẫn về anh Vũ.

Rõ ràng, Trung Nguyên là thương hiệu hiếm quý của Việt Nam ở tầm thế giới. Nếu không có cuộc ly hôn ồn ào đó, chắc chắn bước tiến như vũ bão của Trung Nguyên vào thị trường cà phê toàn cầu đã đi xa hơn rất nhiều, kéo theo đó là lợi ích của cả vạn người lao động.

Sự cắt xẻ đau đớn đã khiến độ lao đi của Trung Nguyên đột ngột chững lại, có lúc rã rời, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Dù với tư cách một nhà báo nhìn từ góc độ lợi ích cộng đồng, hay với tư cách là một người bạn, tôi chỉ có thể nói rằng, tôi rất tiếc về những chuyện như thế. Vì nó không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nó còn khiến anh Vũ bị hiểu nhầm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thanh danh và cuộc sống vốn đầy nỗi trăn trở của anh.

Với tính cách “rất đàn ông” của anh Vũ, chẳng những anh không muốn nói gì, mà lại càng không muốn cho bất cứ ai quen thân nói gì về vấn đề này. Tôi cho rằng, quan điểm đó là đúng, và đấy là cách xử sự rất văn minh.

Tôi chỉ muốn nói rằng, có rất nhiều chuyện, nhìn bên ngoài thì tưởng là vậy, nhưng bên trong nó không phải như thế. Và cũng không phải điều gì cũng có thể chia sẻ với số đông, nhất là trong những mối quan hệ rất giằng xé, có thể gây tổn hại tới rất nhiều người khác.

Theo tôi, cách ứng xử tốt nhất là khi nhìn nhận một người, hãy nhìn vào cái tâm của họ. Hãy trân trọng Đặng Lê Nguyên Vũ, vì đó là con người có tấm lòng vì cộng đồng, luôn sống với lý tưởng tốt đẹp.

Mọi cách làm của anh Vũ dù lạ lùng tới đâu cũng xuất phát từ cái tâm thiện lành, hướng tới cộng đồng, và đầy tính sáng tạo, đem đến nhiều lợi ích không thể phủ nhận cho xã hội mà chúng ta đang sống.

Hãy nghĩ mà xem, một cậu bé lớn lên trong gia đình rất nghèo, ở huyện miền núi M’Đrắk heo hút nhất tỉnh Đắk Lắk như anh Vũ, chỉ trong một thời gian rất ngắn đã vượt lên rất xa, trở thành doanh nhân tên tuổi lẫy lừng, sánh vai và ngồi nói chuyện đầy mạnh mẽ, tự tin giữa những nhà khoa học hàng đầu, kể cả những vị từng đạt giải Nobel. Những nhà khoa học đó đâu dễ nhầm lẫn về tri thức và tầm vóc của người ngồi đối diện với mình?

Ở nước ta, rõ ràng vẫn có chuyện hễ ai khác mình đều rất dễ bị nghi kỵ. Với riêng tôi, những điều anh Vũ nói ra, có thể tôi hiểu được ngay, có thể chưa hiểu, có thể cảm thấy sốc, thậm chí còn thấy hơi phản cảm. Nhưng vì tin vào cái tâm rất sáng của anh, tôi lại im lặng chờ xem. Và một số điều qua thời gian lại cho tôi thấy mình sai, anh Vũ đã chứng minh được anh đúng. Tôi lớn hơn anh Vũ 6 tuổi, nhưng vẫn gọi là anh vì rất tôn trọng. Không ít lần ngồi nghe anh nói, tôi thấy như đang ngồi với một người thầy.

Có những điều anh Vũ nói ra thuộc về yếu tố tâm linh thì tôi nghĩ, đây là lĩnh vực không phải ai cũng dày công nghiên cứu, cũng không nhiều người đủ nhân duyên để cảm hay hiểu được. Cho nên tốt nhất, những sự khác biệt về vấn đề đó, chúng ta đừng vội vàng đánh giá!

Với tôi, điều quan trọng khi nghĩ về ai đó, là họ đã hoặc sẽ để lại được điều gì, đóng góp được gì cho cộng đồng, cho xã hội và những người xung quanh. Hãy trân trọng bất cứ ai có những đóng góp giá trị cho cộng đồng, bỏ qua những khác biệt chỉ vì chưa hiểu hết.

PV: Ngoài việc nhìn vào những đóng góp dành cho cộng đồng, liệu có những kỷ niệm, ấn tượng nào khiến chị quý mến ông Vũ như vậy?

Nhà báo Hoàng Thiên Nga: Tôi với anh Vũ cùng giống nhau ở một điều: Luôn sống vì mọi người. Trong mọi việc, anh Vũ luôn nghĩ tới mọi người trước, sau khi cộng đồng tốt, tự khắc mình sẽ tốt. Chưa bao giờ, anh Vũ hành động, sống vì cá nhân của mình trước.

Dân gian vẫn có câu: “Ở hiền gặp lành”, triết lý của nhà Phật cũng nói như thế. Vậy thì nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi, tại sao một người tốt, vì cộng đồng như anh Vũ lại phải chịu đựng những mất mát, đau thương như thế do chính người thân của anh ấy gây ra?

Đã có lần tôi cũng từng hỏi anh Vũ, và anh nói rằng: Cứ coi như đây là một kiếp nạn phải trải qua để vững vàng hơn mà sống. Cũng có thể, biết đâu từ kiếp trước đã có điều gì đó để lại, buộc con người ta phải trả giá.

Trong cuộc trò chuyện gần đây nhất, tôi hỏi thẳng: “Đã nhận thức thấu suốt như vậy, thì hiện tại, anh có hạnh phúc không?”

Im lặng vài giây, với ánh mắt tràn ngập nỗi buồn, anh thành thật trả lời: “Không! Mình rất đau đớn, nhưng sẽ cố gắng vượt qua, bởi vì không có cách nào khác”!

Tôi tin anh đã chia sẻ thật đến tận cùng. Bởi dù với niềm tin tâm linh khác biệt tới đâu đi nữa, anh Vũ vẫn là một con người đầy nhạy cảm và cô độc suốt hành trình đầy khát vọng lớn lao mà anh đã chọn. Nếu chỉ sống vì cá nhân mình, thì từ lâu anh chỉ cần hưởng thụ, thanh nhàn, không cần vất vả như thế.

Ví dụ, anh Vũ rất thích cưỡi ngựa, chơi siêu xe. Anh đã sắm nhiều siêu xe, nhưng có bao giờ, anh chạy siêu xe đi chơi đâu! Cũng như anh Vũ nuôi cả trang trại ngựa, toàn những giống ngựa quý tuyệt đẹp nhập về từ các phiên đấu xảo, mỗi con trị giá hàng trăm nghìn đô, nhưng cũng có ai thấy anh Vũ giải trí bằng trò cưỡi ngựa hàng ngày trên thảo nguyên, nơi anh có trang trại rộng tới 600 hecta ở M’Đrắk?

Anh Vũ ở đó và những con ngựa vẫn đó. Vậy anh Vũ có chúng để làm gì? Điều đầu tiên anh muốn làm, là giúp vùng chuyên nuôi ngựa ở Lâm Đồng cải tạo lại những giống ngựa cỏ còi cọc thành loại ngựa vừa có tố chất bản địa dễ nuôi, lại to đẹp hơn. Đôi khi, Vũ lao tâm chỉ vì những điều như thế, kể ra nghe lạ lùng quá, phải không? (cười).

Là một người bạn, tôi rất tiếc dư luận xã hội cứ ồn ào mãi những điều không đúng về anh Vũ như thế. Nhưng thế mới là xã hội! Những người kiên định đều chẳng bận tâm với thị phi, mới có thể tập trung được sức lực và toàn tâm toàn ý để cống hiến!