Nhà báo “ký tạc” chân dung các anh hùng tình báo: Mọi công dân có quyền nghĩ lớn cơ mà!

23/08/2022
971

“Trong những lúc khó khăn như vậy, vẫn có những con người nuôi được chí lớn, khát vọng như Đặng Lê Nguyên Vũ, thì xin hãy cứ ủng hộ, trân trọng.”

Nhà văn – Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải đã trở nên quen thuộc với hàng triệu độc giả qua hàng loạt cuốn sách vô cùng giá trị, ký tạc chân dung các anh hùng tình báo Việt Nam, điển hình là “Phạm Xuân Ẩn, tên người như cuộc đời” (2002). Bên cạnh viết sách, bà cũng là một giảng viên đại học đồng thời là nhà báo nổi tiếng với các thể loại phỏng vấn và chân dung nhân vật. Bà đã có nhiều những trang viết chân thực về giới doanh nhân nổi tiếng của Việt Nam trong thời đại mới; trong đó, bà đã khắc họa đậm nét chân dung một người trong số đó – Đặng Lê Nguyên Vũ.

Bắt đầu từ sự tò mò về những phát biểu “có vẻ là đại ngôn”, nhà báo luôn tâm huyết với những con người đặc biệt đã nhận ra ở Đặng Lê Nguyên Vũ khát vọng lớn lao đóng góp cho kinh tế và thương hiệu quốc gia. Và bài báo với tựa đề dẫn lời ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã được ra đời: “Mọi công dân đều có quyền nghĩ lớn”.

Nhà báo “ký tạc chân dung các anh hùng tình báo: Mọi công dân có quyền nghĩ lớn cơ mà! - Ảnh 1.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải và cuốn sách khơi nguồn cho mọi cuốn sách về anh hùng tình báo Phạm Xuân Ẩn.

Đến nay, sau hơn 10 năm, chúng tôi mới lại có cơ hội trò chuyện với nhà báo Ngọc Hải về ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Và thú vị là, người viết nhận thấy ở đây sự chiêm nghiệm và đánh giá sâu sắc của nhà báo Ngọc Hải về một đóng góp khác của ông Vũ: đóng góp cho khát vọng và nguồn nhân lực quốc gia, thông qua Hành trình Từ Trái Tim, với mục tiêu tặng 100 triệu cuốn sách thuộc tủ sách “Nền tảng đổi đời” cho 30 triệu thanh niên Việt.

Hành trình Từ Trái Tim, bắt đầu từ tháng 11/2012, đến tháng 11 sắp tới cũng vừa tròn 10 năm, và sẽ tiếp tục nối dài như đã là vậy suốt 10 năm qua.

Trong 10 năm qua, ở góc độ nguồn nhân lực phát triển quốc gia, làn sóng doanh nhân khởi nghiệp đã vấp phải thử thách lớn với 2 năm Covid-19, nhưng không hề đứt gãy. Những doanh nghiệp Kỳ Lân (start-up có giá trị tỉ đô) xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở Việt Nam; những tập đoàn đầu tàu của nền kinh tế đan xen cả ở khu vực nhà nước và tư nhân. Việt Nam đang được dự báo sẽ sớm trở thành một “con hổ mới của kinh tế châu Á”. Ngày càng nhiều hơn những thương hiệu Việt tầm cỡ toàn cầu, và một trong số đó có Trung Nguyên Legend của Đặng Lê Nguyên Vũ – hiện có mặt trên hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, có nơi đã chiếm lĩnh thị phần hàng đầu; được Forbes Việt Nam vinh danh là “thương hiệu tỉnh thức”…

Nhà báo “ký tạc chân dung các anh hùng tình báo: Mọi công dân có quyền nghĩ lớn cơ mà! - Ảnh 2.

PV: Cách đây hơn 10 năm, bài báo “Mọi công dân đều có quyền nghĩ lớn” mà bà từng phỏng vấn ông Đặng Lê Nguyên Vũ gây tiếng vang lớn trên truyền thông. Nhà báo có thể kể lại: Ngày đó, cơ duyên nào khiến một người chuyên viết ký sự, đặc biệt là về các nhân vật tình báo lớn của đất nước, lại phỏng vấn doanh nhân?

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải: Ngoài làm báo, tôi còn là giảng viên Đại học ở Sài Gòn. Năm đó, khi dạy môn phỏng vấn, tôi đã mời rất nhiều nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn ở Việt Nam tới trường để sinh viên có cơ hội phỏng vấn, viết bài.

Bấy giờ, nhân vật tôi mời toàn nghệ sĩ, trí thức, mà học trò thì mỗi người một thế mạnh, không phải ai cũng hợp với gu của tôi. Có nhiều em thích viết về doanh nhân, mà trong giới doanh nhân, người đang nổi lên hồi đó có anh Đặng Lê Nguyên Vũ. Tôi mời anh Vũ đến nói chuyện với sinh viên, và nhờ đó mới nhận thấy, đây là con người rất lạ lùng.

Thời điểm đó, Đặng Lê Nguyên Vũ xuất hiện trên truyền thông rất nhiều. Vậy là tôi cũng tò mò, muốn đi phỏng vấn anh Vũ xem sao. Quả thực khi đến gặp Đặng Lê Nguyên Vũ, tôi cũng… run, vì tôi không thạo gì về kinh tế, cũng không giỏi viết về doanh nhân, mà chỉ cảm nhận tốt về chân dung con người.

Nhưng có lẽ, chính sự không chuyên đó lại là lý do khiến bài báo tôi được chú ý. Vì thời đó, hầu như nhà báo nào gặp anh Vũ cũng đều hỏi về con đường khởi nghiệp, vượt khó vươn lên. Còn tôi lại không quan tâm những chuyện đó mà chỉ tập trung nói về chân dung con người và khát vọng của anh Vũ.

Sau khi viết xong, tôi đặt tựa bài viết ấy là “Mọi công dân đều có quyền nghĩ lớn”. Tôi nghĩ, cái tựa đó rất đúng và nói được nhiều điều về Đặng Lê Nguyên Vũ. Vì thời đó, có nhiều phát ngôn của người doanh nhân trẻ này bị dư luận xem là đại ngôn.

Nhưng, nếu ai cũng hiểu, mọi công dân đều có quyền nghĩ lớn, có lẽ chúng ta sẽ nhìn nhận, trân trọng Đặng Lê Nguyên Vũ hơn.

Bây giờ có nhiều triết lý về kinh doanh, trong đó có cả những người theo kiểu “small think” – nghĩ nhỏ. Tôi không đi sâu vào các triết lý của họ. Dù kiểu gì thì cũng nên tôn trọng các suy nghĩ cá nhân, trải nghiệm của những người tìm đường đi đến thành công.

Nhà báo “ký tạc chân dung các anh hùng tình báo: Mọi công dân có quyền nghĩ lớn cơ mà! - Ảnh 3.

PV: Trong quá trình tiếp xúc để thực hiện bài phỏng vấn ấy, có những ấn tượng, kỉ niệm nào đặc biệt của bà về ông Đặng Lê Nguyên Vũ không?

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải: Ngày đó, rất nhiều trí thức lớn ở Việt Nam ủng hộ Đặng Lê Nguyên Vũ, ví dụ như nhà văn Lê Đạt, GS Vũ Khiêu, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Võ Trí Thành… Chuyện một người nhận được sự ủng hộ của hẳn một đội ngũ đông đảo trí thức lớn, thực lòng muốn giúp đỡ, đã là một điểm lạ lùng, tôi thấy xưa nay hiếm gặp. Cá nhân tôi cũng khá tò mò về con người này vì nhiều phát biểu mà lúc đó, nhiều người nói là “đại ngôn”.

Tôi nghĩ: thay vì những câu hỏi về bề nổi, về chuyện kinh doanh của anh Vũ, mình hãy thử lục tìm sâu ở bên trong bản chất của con người này, xem họ có gì khác biệt mà lại thành công tới như vậy?

Tôi còn nhớ, câu hỏi cuối cùng trong bài phỏng vấn anh Vũ, tôi đã nói vui: “Anh thành đạt như hôm nay, thì liệu anh có cám ơn cây cà phê hay không?”

Và Đặng Lê Nguyên Vũ đã trả lời rất hay, khiến tôi rất ấn tượng. Anh nói rằng: “Với cung cách và khao khát cháy bỏng của tôi, nếu tôi không làm cà phê, thì chắc chắn tôi sẽ còn làm nhiều thứ khác nữa. Tôi yêu cây cà phê theo một cách khác. Và nói theo một cách nào đó, thì cây cà phê cũng sẽ ghi công tôi chứ nhỉ?”

Tôi thấy rất quý trọng một người lúc đó còn trẻ, lại thông minh, sâu sắc như thế. Và tôi nghĩ rằng, con người này không phải chỉ là một người sinh ra để bán hàng. Tất nhiên, khi xây dựng thương hiệu, họ cũng có những cách làm bài bản. Nhưng tôi nghĩ, mục đích của anh Vũ không phải chỉ để kiếm tiền, vì anh là người có khát vọng thực sự.

Vì hiểu được khát vọng của Đặng Lê Nguyên Vũ, nên tôi có thể vượt qua mọi điều người khác nói, để nhìn thấy ở sâu bên trong con người đó rất nhiều phẩm tính đáng quý. Hãy nghĩ mà xem, từ một người sinh viên đi bỏ mối sỉ cà phê rang xay thôi, mà anh Vũ đã xây dựng Trung Nguyên thành thương hiệu đứng trong top đầu của Việt Nam bấy giờ (và cho đến bây giờ). Làm được như như thế, đâu phải chuyện đùa, nên anh Vũ đâu phải là một con người bình thường.

Nhưng sau đó và đến thời điểm này, chúng ta đều thấy, những lời lẽ đó của anh Vũ đã được thực tế chứng minh. Kinh tế Việt Nam nói chung với rất nhiều mô hình và thành tựu mà thế hệ những người có tầm nhìn, khát vọng như Đặng Lê Nguyên Vũ đã hướng đén, tạo ra, là không thể phủ nhận. Nói riêng về thương hiệu Trung Nguyên, đã đi ra toàn cầu.

Nhà báo “ký tạc chân dung các anh hùng tình báo: Mọi công dân có quyền nghĩ lớn cơ mà! - Ảnh 4.

Nhà báo “ký tạc chân dung các anh hùng tình báo: Mọi công dân có quyền nghĩ lớn cơ mà! - Ảnh 5.

PV: Điều gì khiến bà tin tưởng vào khát vọng Đặng Lê Nguyên Vũ chứ không phải chỉ là chuyện “kinh doanh để kiếm tiền” như thế?

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải: Ví dụ, Đặng Lê Nguyên Vũ đổ rất nhiều tiền làm các lễ hội cà phê ở Tây Nguyên. Và anh Vũ tự bỏ tiền của mình để mời phóng viên đi, không chỉ để viết bài giới thiệu về cà phê Trung Nguyên, mà chủ yếu nói về cái hay của cà phê cả nước ở lễ hội ấy. Tôi thấy anh Vũ rất hồ hởi với những công việc như thế, mà những việc ấy, rõ ràng đâu phải chỉ vì cà phê Trung Nguyên.

Tôi từng đi thăm bảo tàng cà phê của Trung Nguyên ở Tây Nguyên, và thấy đó là tình yêu thực sự chứ không phải là cách làm màu. Phải nói rằng, người doanh nhân này quá yêu cây cà phê, yêu tới nỗi có thể nhìn ra vẻ đẹp mà nhiều người không thấy ở những món đồ cổ cũ kỹ, mốc meo, nhưng trị giá rất nhiều tiền.

Chẳng hạn, khi người Đức chịu nhượng lại những món đồ có giá trị lịch sử quan trọng về cà phê đó cho một người Việt – là anh Vũ, tôi tin là họ đã tìm được người yêu cà phê đích thực.

Nhà báo “ký tạc chân dung các anh hùng tình báo: Mọi công dân có quyền nghĩ lớn cơ mà! - Ảnh 6.

Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đưa những dàn xe sang đi khắp đất nước và chi rất nhiều tiền để tặng sách. Cũng có người nói làm như thế là phô trương. Tôi lại thấy trong sâu thẳm, anh Vũ rất khát khao tri thức sẽ đến với người trẻ.

Bây giờ, rất nhiều người trẻ, ví dụ sinh viên của tôi sau khi ra trường cũng khởi nghiệp, nếu không làm cà phê, họ cũng làm cái này, cái khác. Cho dù họ không nói ra đã ảnh hưởng từ ai, nhưng những người có khát vọng làm giàu vì quốc gia, dân tộc như Đặng Lê Nguyên Vũ dù ít hay nhiều, dù muốn hay không, vẫn là tấm gương khích lệ họ.

Đó là tấm gương về chuyện khó khăn gian khổ vẫn quyết tâm, và thực sự yêu công việc mình đang làm, thậm chí sẵn sàng trả giá bằng sự hiểu lầm của cả xã hội để cuối cùng vẫn đóng góp được điều gì đó ý nghĩa cho cuộc đời, chứ không đơn thuần chỉ sống qua ngày, và làm việc để kiếm tiền.

Nhà báo “ký tạc chân dung các anh hùng tình báo: Mọi công dân có quyền nghĩ lớn cơ mà! - Ảnh 7.

PV: Hẳn là bà đã theo dõi kỹ Hành trình tặng sách của Trung Nguyên nên mới có sự thấu hiểu như vậy…

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải: Gần đây, anh Vũ và Trung Nguyên có khá nhiều hoạt động đáng chú ý. Ví dụ như việc họ tôn vinh cà phê trở thành loại đồ uống chứa đựng sức mạnh tinh thần, làm cho con người minh mẫn, hưng phấn, để có thể suy nghĩ, sáng tạo.

Tôi cho đây là ý tưởng hay và rõ ràng, anh Vũ đã có công tìm ra sức mạnh của cà phê, nâng tầm nó lên, chứ không coi đó chỉ là một loại thực phẩm đơn thuần.

Phía Trung Nguyên cũng tổ chức mô hình quán cà phê nhượng quyền kiểu mới, thực hiện các show trải nghiệm nền văn minh cà phê. Tôi đánh giá rất cao những sự sáng tạo, phát hiện ấy.

Nhưng có một thứ đã gần 10 năm qua không thay đổi, đó là Hành trình Khởi nghiệp Kiến quốc, trang bị tri thức cho 30 triệu thanh niên Việt, bằng cách trao tặng hàng chục triệu cuốn sách quý. Thời gian đã nhiều năm, nhưng Trung Nguyên vẫn làm bền bỉ, không thay đổi.

Chỉ nhìn vào Hành trình ấy với 3 số liệu: 10 năm, 30 triệu thanh niên, hàng chục triệu cuốn sách… đã thấy được ý chí, sự kiên định của anh Vũ. Điều ấy cũng chứng minh, anh Vũ là người rất chú ý về văn hóa.

Nhà báo “ký tạc chân dung các anh hùng tình báo: Mọi công dân có quyền nghĩ lớn cơ mà! - Ảnh 8.

Ở Việt Nam có thể nhiều người giàu, tiếng tăm hơn anh Vũ, nhưng đầu tư về văn hóa thì anh ấy thật là người hiếm có.

Anh Vũ là người nghĩ lớn, và rất trung thành với lý tưởng của mình, dù cho bất cứ ai nói gì, dù cuộc đời anh ấy có gặp những điều không may, thì anh Vũ vẫn giữ được chí lớn, kiên trì thực hiện nó, mà điều đó thì khó lắm, nhất là trong hoàn cảnh xã hội hiện nay. Vậy mà anh Vũ không chỉ giữ được ý chí, lại còn có thể biến chí lớn đó thành hiện thực, đóng góp cho đất nước thì càng đáng quý hơn.

Tất nhiên trong quá trình thực hiện, luôn có đúng, có sai, nhưng tôi nghĩ rằng, nhìn một cách tổng thể thì đây là một hành trình rất thành công.

Xã hội có thể có người giàu hơn, nhưng họ không làm như anh Vũ, không đi con đường ấy, không nói năng, hành động như anh Vũ… Những gì anh Vũ đã làm, có thể gây tranh cãi, nhưng rõ ràng có hiệu quả. Mà hiệu quả lớn nhất, theo tôi, là anh Vũ đã trở thành tấm gương tích cực về sự vượt khó, vươn lên nhờ chí lớn và muốn đóng góp cho cộng đồng.

Tôi đánh giá, ảnh hưởng của Đặng Lê Nguyên Vũ là ảnh hưởng về văn hóa, đã tác động đến rất nhiều người. Dù cho họ có thừa nhận, có nói ra hay không, thì trong hành động, lời nói của giới trẻ hiện nay, vẫn đâu đó có bóng dáng sự ảnh hưởng của Đặng Lê Nguyên Vũ.

Nhà báo “ký tạc chân dung các anh hùng tình báo: Mọi công dân có quyền nghĩ lớn cơ mà! - Ảnh 9.

PV: Xin hỏi nhà báo một câu cuối: Bà có cùng quan điểm với ông Vũ về viễn cảnh Việt Nam có thể trở thành dân tộc dẫn dắt trên toàn cầu?

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải: Về những phát ngôn của Đặng Lê Nguyên Vũ, cũng có người nói anh Vũ mộng lớn hay đại ngôn, thì tôi nghĩ, đó cũng là quyền suy nghĩ của mỗi người, tôi không phê phán họ.

Tôi không thể phán xét những phát ngôn của anh Vũ như vậy là sai hay đúng, vì tôi nghĩ, một người có lòng nghĩ cho đất nước luôn rất đáng trân trọng.

Chỉ có điều ở phía cá nhân tôi, tôi tin rằng, tất cả mọi điều anh Vũ nói và làm, vẫn nằm trong tổng thể khát vọng muốn phụng sự, cống hiến cho đất nước của anh ấy mà thôi.

Tất nhiên, để đất nước đi lên, dẫn dắt các dân tộc khác là chuyện khó khăn, không dễ dàng trong một sớm, một chiều.

Nhưng trong thời buổi này, không chỉ có đất nước, mà khát vọng của bất cứ ai muốn thành hiện thực, cũng đều rất gian nan. Bởi vì không có bài học, con đường nào dễ dàng cả.

Cho nên tất cả chúng ta đều phải nỗ lực. Và chúng ta hãy nghĩ rằng, trong những lúc khó khăn như vậy, vẫn có những con người nuôi được chí lớn, khát vọng như Đặng Lê Nguyên Vũ, thì xin hãy cứ ủng hộ, trân trọng họ, để cho họ đi tiếp và biết đâu, sẽ có lúc họ thành công?

Mọi công dân có quyền nghĩ lớn cơ mà! Cho nên, cá nhân tôi luôn tôn trọng, và muốn chúc cho anh Vũ thực hiện được khát vọng của mình.

PV: Xin cảm ơn nhà báo về những chia sẻ thẳng thắn, chân thành.

Nhà báo “ký tạc chân dung các anh hùng tình báo: Mọi công dân có quyền nghĩ lớn cơ mà! - Ảnh 10.