Thập Nhị Binh Thư – Binh thư số 7: Binh pháp Khổng Minh

25/05/2021
2591

“Binh Pháp Khổng Minh” không chỉ đúc kết những tinh hoa về phương diện quân sự và chánh trị mà còn tài thao lược đầy mưu trí của Gia Cát Lượng – vị khai quốc công thần giúp chấn hưng đất nước, bá tính thoát khỏi cảnh lầm than.

Biểu tượng của Tài Trí

Cuối thế kỷ thứ 2 – đầu thế kỷ thứ 3 là thời tàn suy của nhà Hán. Những hoàng đế cuối cùng bị thao túng bởi nhóm hoạn quan đã gạt bỏ những bề tôi liêm chính, trung nghĩa. Triều đình ngày càng hủ bại, kinh tế đình đốn và an ninh bất ổn.

Thời Hán Linh Đế, Hán Thiếu Đế (giai đoạn 168 –189) loạn lạc khắp nơi. Không còn triều đình trung ương vững mạnh, các quan lại quay về địa phương mình và bắt đầu giao chiến lẫn nhau để tranh giành quyền lực. Tào Tháo trỗi dậy và ngày càng hùng mạnh, trở thành quyền thần thao túng dù danh nghĩa vẫn là phò Thiên tử (Hán Hiến Đế). Nhiều bậc hào kiệt khác, vốn không xuất thân đại quan Hán triều, cũng tập hợp binh mã cho riêng mình.

Sử sách chép rằng trong số các đấng hùng anh đó có Lưu Bị (161 – 223). Ông vốn thuộc dòng dõi xa của hoàng tộc nhà Hán. Lưu Bị cùng hai người anh em kết nghĩa là Quan Vũ và Trương Phi nuôi chí hướng lớn: phục hưng nhà Hán, chinh phạt gian thần cướp quyền (Tào Tháo) và thôn tính các thế lực chư hầu cát cứ địa phương (mà tiêu biểu là Tôn Quyền ở Giang Đông).

Tiếc là sau nhiều năm lo nghĩ việc dân việc nước và tranh đấu khắp nơi, ba anh em Lưu Bị vẫn liên tiếp thất bại. Nhà Hán vẫn nghiêng đổ, bá tánh không thoát cảnh lầm than.

Năm 208, nhờ các cao sĩ tiến cử mà Lưu Bị ba lần tìm đến lều tranh cầu hiền. Ông mời được quân sư Gia Cát Lượng (181 – 234, biểu tự Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long) về phò tá. Nhân vật này về sau trở thành Thừa tướng, khai quốc công thần nhà Thục Hán của Lưu Bị.

Với tài năng kiệt xuất về chính trị, ngoại giao, quân sự, giáo dục, cùng các phát minh kỹ thuật, Gia Cát Khổng Minh rạng danh từ thời Tam Quốc đến tận hôm nay. Thông qua bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, ông lại càng trở thành một biểu tượng của chí hướng xưng Vương, nhân đức, trung nghĩa trọn đời, đặc biệt là trí huệ.

Tiểu thuyết lịch sử này viết rằng ngay trong cuộc đàm luận lần đầu tiên, Gia Cát sau khi thấu tỏ chí hướng của Lưu tướng quân đã đáp lời:

Nay Tào Tháo đã cầm được quân trăm vạn, mượn tiếng thiên tử để khống chế chư hầu, xem đó thật không thể tranh giành với hắn được. Tôn Quyền giữ đất Giang Đông đã được ba đời, đất đai hiểm trở mà lòng dân lại quy phục, xem thế Giang Đông cũng chỉ dùng để giúp ta, chớ không thôn tính được. Duy chỉ còn Kinh Châu, chỗ ấy là đất dụng võ, phải có chúa giỏi mới giữ nổi, trời để dành riêng cho Lưu tướng quân đó. Lại còn Ích Châu, hình thế hiểm trở, ruộng đất phì nhiêu nghìn dặm, thực là một vựa thóc của trời. Tướng quân đã là dòng dõi nhà vua, tín nghĩa tỏa ra bốn bể, thu nạp anh hùng, mong người hiền như khát nuớc, nếu tướng quân gộp được châu Kinh, châu Ích, giữ vững nơi hiểm trở, mặt tây hòa với các tộc, mặt nam phủ dụ các nước Di, Việt; ngoài thì liên kết với Tôn Quyền, trong thì sửa sang việc chính trị, đợi lúc thiên hạ có biến, sai một thượng tướng đem quân Kinh Châu tiến sang Uyển Lạc, còn tướng quân thì đem quân Ích Châu tiến xa Tần Xuyên, nhất định trăm họ phải đem giỏ cơm bầu nước đến đón tướng quân. Nếu được như thế, nghiệp lớn mới thành, nhà Hán mới phục hưng.”

Nói xong, sai tiểu đồng đem bản đồ treo giữa nhà, rồi trỏ bảo Lưu Bị rằng: “Đây là địa đồ năm mươi bốn châu ở Tây Xuyên. Tướng quân muốn thành nghiệp bá, thì phải nhường thiên thời cho Tào Tháo ở phía bắc, nhường địa lợi cho Tôn Quyền ở phía nam, còn tướng quân thì nắm vững lấy Nhân Hòa. Trước hãy chiếm Kinh Châu làm nơi căn bản, sau lấy đến Tây Xuyên để dựng cơ đồ, hình thành cái thế chân vạc, rồi sau mới tính đến Trung Nguyên được.

Lưu Bị nghe nói, chắp tay tạ rằng: “Lời nói của tiên sinh, mở sáng chỗ tối tăm cho Bị, làm cho Bị này như gạt đám mây đen trông thấu đến trời xanh.” Khổng Minh chưa ra khỏi lều tranh mà đã biết tình thế thiên hạ chia ba rồi. Thật ngàn xưa không ai sánh kịp!

3 dạng quyền lực mềm của Gia Cát Khổng Minh

Gia Cát Lượng vận động xoay chuyển thành thế tam phân không nhờ binh hùng, lực mạnh. Tất cả thành tựu lớn lúc ông mới về phò Lưu Bị đều nhờ vào năng lực biện thuyết (1).

Thứ Quyền lực Mềm này trong tay Khổng Minh quả là rộng lớn mãnh liệt. Ông giỏi biện thuyết với Chủ Công, với các tướng Thục, với tùy tùng thuộc hạ, với đồng minh và thậm chí với kẻ địch. Muốn vậy người biện thuyết giỏi phải đầy đủ bốn đức tính: Cơ: Xét thời, xét thế nhân lợi thừa tiện; Dũng: Quyết đoán quả cảm, làm và tin những điều thiên hạ còn do dự sợ sệt; Trí: Biết rõ sự lý, thông đạt nhân tình, giải quyết giỏi giang; Biến: Thay đổi không ai liệu được.

Vậy nên Lưu Bị từ ngày có Gia Cát quân sư mới tay trắng khởi nghiệp để chiếm được Kinh Châu, rồi Ba Thục. Cơ đồ từ nhỏ hóa lớn, từ không thành có. Nước Thục Hán được hình thành rồi lớn mạnh dần.

Và trong 26 năm tiếp theo, Khổng Minh nỗ lực cúc cung tận tụy với những đại sách lược sáng suốt cho một nước Thục vững bền: Hòa hiếu với Đông Ngô; Giữ đất Thục làm căn cứ, ổn định chính trị nội bộ; Chống giữ với các lực lượng bên ngoài, bình định man tộc; Hưng binh đánh Ngụy. Vừa là nhà chính trị, nhà ngoại giao, chỉ huy quân sự, nhà giáo dục, nhà phát minh kỹ thuật, Gia Cát Lượng đích thực là cột trụ then chốt của Thục Hán.

Quyền lực mềm thứ 2 của Gia Cát Lượng là tài mượn lực (2): nhờ sức người làm sức mình, mượn công người bồi đắp việc của ta. Đúng như Quản Trọng thời Tề Hoàn Công khi xưa (thế kỷ 6 TCN) từng nói: “Bậc thánh dùng được cả những gì mình không có, sai khiến cả những người không phải của mình“.

Để mượn lực thành công, Khổng Minh đã nghiên cứu chu toàn các xu hướng vận động của sự việc, thấu tỏ những mối liên kết trong các sự việc đó. Điển tích “thuyền cỏ mượn tên” đã đi vào sử sách, là một trong nhiều minh chứng cho tài mượn lực phi phàm của ông. Trước Đại chiến Xích Bích đánh Tào Tháo, ông lợi dụng một đêm sương mù dày đặc, nhờ một đội thuyền nhanh nhẹ của Đông Ngô, chất đầy rơm tiến sát thủy trại của Tào, rồi đánh trống reo hò ầm lên. Trời đêm sương giáp mặt không thấy nhau, Tào Tháo sợ phục binh nên không dám cho thủy quân ra tiếp chiến, chỉ lệnh cho cung nỏ bắn ra tứ tung. Trời gần sáng, sương mù tan dần thì Khổng Minh thu thuyền về, các bó cỏ trên đoàn thuyền chi chít tên cắm. Khổng Minh đã mượn thật tài tình: mượn thuyền của Đông Ngô, mượn tên của Tào Ngụy, mượn cả sương mù của trời.

Dạng Quyền lực Mềm thứ ba của Gia Cát Lượng là khả năng dùng người (3). Câu châm ngôn của ông là: Không vì người mà giao việc, phải vì việc mà chọn người. Gia Cát dùng được nhiều dạng người. Tùy từng vị trí công việc và tùy bối cảnh chánh trị, quân sự, ngoại giao… ông soát xét phẩm tính và năng lực của mỗi viên tướng, vị quan lại rồi cắt cử họ làm việc. Nhiều phen Khổng Minh còn chu đáo giao thêm cho họ “cẩm nang” để lúc có biến mở ra xem. Về phương pháp nhận định con người, Gia Cát Lượng ghi trong Binh pháp như sau:

Tính người thật khó hiểu. Dung mạo bất nhất, hành động trăm ngàn lối. Kẻ trông hiền lành nhu thuận mà vô đạo. Kẻ bề ngoài cung kính mà trong lòng trí trá vô lễ. Kẻ trông rất hùng dũng nhưng lại nhát sợ. Kẻ thật tận lực mà bất trung. Tuy nhiên đạo biết người cũng có thể chia làm 7 phép: Đem điều phải lẽ trái hỏi họ để biết chí hướng; Lấy lý luận dồn vào thế bí để biết thái độ biến chuyển; Lấy mưu trí trị họ để trông thấy kiến thức; Nói với họ những nỗi khó khăn để xem đức dũng; Cho họ uống rượu say để dò tâm tính; Đưa họ vào lợi lộc để biết tấm lòng liêm chính; Hẹn công việc với họ để biết chữ Tín.

Thế nước Thục Hán là kém hơn so với cả Tào Ngụy lẫn Đông Ngô nên toàn bộ chánh sách nhân trị của Gia Cát đều quy vào việc tiến cử và trọng dụng người hiền tài. Ông viết: “Trị nước chẳng khác gì trị bản thân. Trị thân cần nuôi dưỡng thần khí, đạo trị quốc là tiến cử người hiền năng. Nước có người hiền như nhà có cột kèo vững chắc. Quốc gia nào mà dân chúng nghèo đói, quan lại giầu sang, bọn nịnh hót ở ngôi cao, người trung lương bị đầy ải, thì quốc gia đó không thể bình an được.”

Cả một đời chiến trận, tài trí của Gia Cát Khổng Minh hội tụ trong trước tác của ông – Binh Pháp Khổng Minh – đúc kết những tinh hoa về phương diện quân sự và chính trị. Từ suy xét thế lực của ta, của địch, tìm phương cách thắng địch, trọng địch khinh địch, đến sự chủ động chiếm tiên cơ, tước đoạt nhu yếu của địch, dùng ngay lực lượng địch làm cho địch hoang mang, dẫn đến sai lầm, tạo dựng thêm đồng minh vây cánh cho ta… nhất nhất Khổng Minh chu toàn hiếm khi sơ hở.

Tư Mã Ý là một chính trị gia lão luyện, đồng thời là vị đại tướng lừng lẫy của nước Ngụy thời Tam Quốc. Là kỳ phùng địch thủ của Gia Cát trên chiến trường nhưng Tư Mã Ý không bao giờ dám tự so sánh mình ngang bằng với Khổng Minh. Mỗi khi bình phẩm Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý chỉ than rằng: “Đấy là kỳ tài trong thiên hạ.”

“Binh pháp Khổng Minh” thuộc binh pháp số 7 trong 12 binh pháp của cuốn sách “Thập Nhị Binh Thư” được Nhà sáng lập – Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng, tuyển chọn thuộc lĩnh vực Chính trị – Ngoại giao – Quân sự trong “Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời”.

Tủ sách Nền tảng Đổi đời bao gồm hơn 100 đầu sách quý được Nhà sáng lập – Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết tuyển chọn từ hàng triệu cuốn sách, từ hàng nghìn tấm gương danh – vĩ nhân thành công của nhân loại.

Tủ sách Nền tảng đổi đời cung cấp kiến thức, giúp học hỏi về 12 lĩnh vực căn bản: Huyền học, Triết học, Khoa học, Chính trị học, Kinh tài học, Tâm lý học, Xã hội học, Đạo đức học, Nghệ thuật và Mỹ học, Âm thanh và Ngôn ngữ học, Y học, Võ học nhằm khuyến khích việc học hỏi, tiếp thu và ứng dụng tinh hoa tri thức nhân loại; từ đó, chuyển hóa sức mạnh tri thức thành sức mạnh vật chất, sức mạnh thể chất và sức mạnh tinh thần, giúp mỗi cá nhân rút ngắn con đường đến thành công và hạnh phúc đích thực.

Tri thức là ánh sáng! Tri thức là sức mạnh của dân tộc!
Khi cùng nhau, không gì là không thể!