Trung Nguyên – Buôn Ma Thuột: Hành trình kiến tạo nền văn minh cà phê Thiền thế giới

31/03/2023
1740

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 (2023) được tổ chức vào tháng Ba, giữa mùa hoa cà phê nở rộ. Sau hai năm gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, thành phố cao nguyên thơ mộng thuộc tỉnh Đắk Lắk đã khoác lên mình tấm áo mới, chào đón du khách bằng hương thơm quyến rũ, sâu lắng của những ly cà phê, bằng tiếng cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số; và bằng không khí lễ hội tràn ngập khắp các nẻo đường, tuyến phố. Đây là Lễ hội Cà phê có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, bao gồm 18 hoạt động, sự kiện được tổ chức xuyên suốt từ ngày 10/3 – 14/3/2023, đón tiếp hàng nghìn lượt khách nội địa và quốc tế. Các hoạt động nổi bật trong Lễ hội trải rộng từ Triển lãm chuyên đề, Triển lãm ảnh nghệ thuật tại Bảo tàng Thế giới Cà phê cho đến diễu hành Lễ hội đường phố, Hội chợ thương mại và Hội nghị, Hội thảo về phát triển cà phê Việt Nam. Đặc biệt, Lễ hội khai mạc đúng vào dịp kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3/1975 – 10/3/2023), với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và hơn 40 đoàn khách quốc tế, trong đó có đại diện các Đại sứ quán Hoa Kỳ, Trung Quốc, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ, đoàn nghệ thuật Hàn Quốc. Đây đều là những quốc gia có nền kinh tế phát triển và là những thị trường xuất khẩu cà phê tiềm năng của Việt Nam.

Toàn cảnh Lễ khai mạc và diễu hành Lễ hội đường phố thuộc khuôn khổ Lễ hội Cà phê tại Trung tâm Văn hoá tỉnh Đắk Lắk, thành phố Buôn Ma Thuột (10/3/2023). Ảnh: Ngọc Lan

Toàn cảnh Lễ khai mạc và diễu hành Lễ hội đường phố thuộc khuôn khổ Lễ hội Cà phê tại Trung tâm Văn hoá tỉnh Đắk Lắk, thành phố Buôn Ma Thuột (10/3/2023). Ảnh: Ngọc Lan

Tập đoàn Trung Nguyên Legend đóng vai trò là đơn vị tài trợ đặc biệt và là nhà đồng tổ chức sự kiện của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 (2023). Bằng sự chuyên nghiệp và tận tâm, Trung Nguyên đã làm rộn ràng lại thế giới cà phê sau hai năm trầm lắng do đại dịch, hướng con người đến một miền tỉnh thức thanh tịnh với màu trắng tinh khôi của Thiền và màu xanh tươi mát của núi rừng Tây Nguyên. Cũng chính từ vùng đất đỏ bazan đầy nắng và gió này, những khát vọng kiến tạo nền văn minh cà phê Thiền thế giới đã được Trung Nguyên ấp ủ và thực hiện trong suốt gần ba thập kỉ nay…

Hoa hậu H’Hen Niê đảm nhận vai trò Đại sứ Truyền thông cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Ảnh: Trung Nguyên Legend

Hoa hậu H’Hen Niê đảm nhận vai trò Đại sứ Truyền thông cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Ảnh: Trung Nguyên Legend

1. Buôn Ma Thuột – Vùng đất của cây cà phê Robusta số 1 thế giới

Cây cà phê Robusta có tên khoa học là Coffea Robusta, hay Coffea Canephora. Đây là loại hạt sinh trưởng tốt ở vùng đất đỏ có độ cao phổ biến từ 850 – 900 mét, nhiệt độ dao động ở mức 24 – 29 độ C, nhiều mưa và nắng mặt trời. Với tất cả các tiêu chí đó, khu vực Tây Nguyên với nền đất đỏ bazan hình thành từ hơn 160 triệu năm, đã trở thành địa hạt lý tưởng để gieo trồng những cây cà phê Robusta hàng đầu thế giới. Nhắc đến Tây Nguyên là nhắc đến hạt cà phê robusta, nó sẽ chính là điểm độc đáo riêng để làm nên màu sắc riêng biệt cho nền văn minh cà phê.

Kể từ những năm 1990 đến nay, Việt Nam luôn là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng đầu châu lục và là nhà sản xuất, xuất khẩu cà phê nhân đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Brazil. Sản lượng vụ 2021 – 2022 đã đạt đến 1,8 triệu tấn, trong đó cà phê Robusta chiếm gần 95% (1,7 triệu tấn). Không những thế, tổng diện tích các vùng trồng cà phê của nước ta ngày càng được mở rộng, hiện đã đạt tới 710.590 ha, tăng 67.370 ha so với năm 2015. Hiện tại, Tây Nguyên vẫn là vùng sản xuất cà phê chính của cả nước, “thủ phủ” đặt tại tỉnh Đắk Lắk với 213.000 ha cà phê, tổng sản lượng ước đạt hơn 526.000 tấn vào năm 2022.

Có thể nói, cây cà phê Robusta đã đem lại những khởi sắc rõ rệt cho nền kinh tế và góp phần cải thiện đời sống của người dân Tây Nguyên. Nổi tiếng toàn cầu với thương hiệu “canh tác Robusta cường độ cao”, năng suất cà phê của Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng luôn dẫn đầu với mức tăng kỷ lục mỗi năm, bỏ xa nhiều nước xuất khẩu cà phê khác trong khu vực và thế giới. Năm 2022 vừa qua, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận sản lượng cà phê xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay, với 380.000 tấn (trong tổng số 550.000 tấn cà phê sản xuất ra), kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 798 triệu USD, chiếm 53,2% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Nhờ những con số “kỷ lục” nói trên mà tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Đắk Lắk trong năm 2022 cũng có những khởi sắc đáng kể. Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn toàn tỉnh (giá so sánh 2010) đạt 58.355,1 tỷ đồng, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm 2021, vượt 3,65% so với kế hoạch. Năm 2022, riêng thành phố Buôn Ma Thuột đã giảm được 115 hộ nghèo (đạt 111%) và 150 hộ cận nghèo (đạt 100%). Đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên đáng kể. Những thành quả này có được chủ yếu nhờ vào cây cà phê Robusta thượng hạng mà vùng đất đỏ Tây Nguyên sở hữu, cùng với bàn tay lao động, nghiên cứu miệt mài của những con người nơi đây.

Không dừng lại ở câu chuyện xuất khẩu, một khát vọng nâng tầm cà phê Việt, đưa thành phố Buôn Ma Thuột trở thành một trong những trung tâm của nền văn minh cà phê thế giới, đã được Tập đoàn Trung Nguyên Legend nhen nhóm và gây dựng từ những năm đầu thành lập. Ra đời vào năm 1996, thương hiệu cà phê Trung Nguyên không ngừng lớn mạnh, vươn tầm Quốc tế với triết lý kinh doanh độc đáo và một định hướng phát triển bền vững, đề cao những giá trị đích thực của dân tộc.

2. Buôn Ma Thuột – Cái nôi của Cà phê Đạo với triết lý Thiền và thực hành tỉnh thức

Nền tảng cốt lõi của Cà phê Đạo do Trung Nguyên khởi xướng được xây dựng dựa trên triết lý Thiền và thực hành tỉnh thức – một đặc trưng khu biệt của tư duy phương Đông, kết hợp với văn hoá cà phê lâu đời từ phương Tây. Đã thành một quy luật, nếu Trà Đạo của Trung Hoa, Nhật Bản gắn liền với truyền thuyết về một thứ lá mọc ra từ mí mắt vị Tổ Thiền Bồ Đề Đạt Ma; lịch sử văn minh cà phê Ottoman, Roman bắt nguồn từ truyền thuyết về những con dê vùng Kaffka, Ethiopia giúp các vị mục sư sử dụng nước ép hạt cà phê để cầu nguyện xuyên đêm; thì người sáng lập cà phê Trung Nguyên – ông Đặng Lê Nguyên Vũ – lại là người dung hoà, kết hợp được cả hai truyền thống Đông – Tây để tạo ra Cà phê Đạo.

Thiền là hoạt động sử dụng các kỹ thuật khác nhau để tập trung tâm trí vào khoảnh khắc hiện tại, nhằm rèn luyện sự chú ý và đạt đến độ cân bằng về lý trí và cảm xúc. Với ý nghĩa này, Thiền được ứng dụng trong nghi thức, thực hành của nhiều tôn giáo, thậm chí nâng lên thành triết lý chánh niệm trong Phật giáo và đóng một vai trò lớn đối với tâm lý học lâm sàng hiện đại. Nhận thấy mối tương quan giữa tác dụng của cà phê và Thiền trong việc khơi dậy nguồn năng lượng tỉnh thức, tinh thần tập trung cao độ, hướng tới sự cân bằng về Thân – Tâm – Trí, Tập đoàn Trung Nguyên đã đưa cà phê trở thành một nghi thức hành Thiền với các quy tắc nghiêm ngặt, nâng lên thành Cà phê Đạo (Cà phê Triết đạo Nhân sinh) – tinh hoa độc đáo, duy nhất trên thế giới được khai sinh và lan toả từ vùng đất Buôn Ma Thuột.

Biểu diễn nghi thức Thiền Cà phê tại Bảo tàng Thế giới Cà phê (9/3/2023). Ảnh: Ngọc Lan

Biểu diễn nghi thức Thiền Cà phê tại Bảo tàng Thế giới Cà phê (9/3/2023). Ảnh: Ngọc Lan

Thông qua cà phê Đạo, Trung Nguyên thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nền văn minh cà phê đặt trọng tâm ở khu vực châu Á, tiếp tục thực hiện vai trò dẫn dắt nhân loại trên con đường phát triển cân bằng, hài hoà và bền vững ở mọi cấp độ. Cụ thể, đó là sự hài hoà trong mối quan hệ giữa cá nhân với chính mình và với tổ chức, giữa tập thể với tập thể, quốc gia với quốc gia, dân tộc với dân tộc và giữa con người với tự nhiên. Tư tưởng cốt lõi của Cà phê Đạo tập trung vào các giá trị Hoà – Kính – Thanh – Tịnh – Trách nhiệm – Tôn tạo ở tất cả các mối quan hệ nêu trên. Theo Trung Nguyên, đây chính là tinh thần cà phê giải quyết được hầu hết các vấn nạn, nguy cơ mà nhân loại đang phải đối mặt như nạn đói, bệnh dịch, chiến tranh, thiên tai, suy giảm sức khoẻ tinh thần, tổn thương tâm lý… đưa mỗi cá nhân, mỗi quốc gia hướng tới sự phát triển toàn diện, đích thực về thể chất, vật chất và tinh thần.

3. Chiến lược xây dựng Thành phố Buôn Ma Thuột thành trung tâm văn minh cà phê Thiền thế giới

Từ những giá trị vật lý của vùng đất bazan, kết hợp với giá trị tinh thần từ triết lý Thiền đặc trưng phương Đông, Tập đoàn Trung Nguyên đã đề xuất xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm của nền văn minh cà phê Thiền Việt Nam – nền văn minh cà phê thứ ba thế giới, sau Ottoman và Roman. Trong bản tham luận tại Hội nghị Kết nối Giao thương Quốc tế (10/3/2023), Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã đưa ra những sáng kiến và bài học kinh nghiệm để cà phê Việt Nam chinh phục toàn cầu, bao gồm: “Tầm nhìn, khát vọng dẫn dắt; chiến lược xây dựng thương hiệu và tạo dựng bản sắc; kiến tạo những giá trị độc đáo mà cà phê Việt Nam phụng sự thế giới”. Giá trị độc đáo đó chính là những thành quả hiện hữu ngay trên mảnh đất Buôn Ma Thuột ngày nay.

 Làng cà phê Trung Nguyên Legend đón tiếp hơn 20,000 lượt du khách ghé thăm và thưởng thức những tuyệt phẩm cà phê năng lượng

Làng cà phê Trung Nguyên Legend đón tiếp hơn 20,000 lượt du khách ghé thăm và thưởng thức những tuyệt phẩm cà phê năng lượng

Bên cạnh việc chế biến, sản xuất ra những hạt cà phê robusta ngon nhất thế giới với bí quyết độc đáo, Tập đoàn Trung Nguyên đã khánh thành Bảo tàng Thế giới Cà phê (2018) tại thành phố Buôn Ma Thuột, trưng bày hơn 10.000 hiện vật tái hiện quá trình phát triển của cà phê nhân loại trải qua ba nền văn minh. Tập đoàn cũng xây dựng tổ hợp Làng Văn hoá Cà phê và khu nghỉ dưỡng Trung Nguyên Coffee Tour cùng các dịch vụ tham quan, hướng dẫn thiền, trị liệu, nuôi dưỡng và kiến tạo nguồn năng lượng tỉnh thức đúng theo tôn chỉ của Cà phê Đạo. Ngoài ra, khu du lịch sinh thái thác Dray Nur và thác Gia Long cách thành phố Buôn Ma Thuột 25km chính là nỗ lực của Trung Nguyên trong việc tôn tạo các giá trị bền vững, kết nối con người với môi sinh của thủ phủ cà phê Thiền thế giới. Dẫu tiếp đón hàng trăm ngàn lượt khách du lịch mỗi năm, song cảnh quan sinh thái tự nhiên của khu vực này vẫn được bảo tồn trọn vẹn, xứng đáng là mô hình lý tưởng mà du lịch Việt Nam hướng đến trong thời gian tới.

Bằng tất cả những nỗ lực ấy, Trung Nguyên đã và đang triển khai tầm nhìn chiến lược cho một nền văn minh cà phê thế giới, với khát vọng về doanh thu tiềm năng đạt đến 20 tỉ USD/năm. Những sáng kiến của Trung Nguyên đề xuất với thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh vào việc phát triển thương hiệu “Ly cà phê sữa đá”, “Ly cà phê phin Việt Nam”… xúc tiến quảng bá du lịch và nâng tầm chất lượng hạt cà phê Robusta, từ đó góp phần đưa Việt Nam trở thành nền văn minh cà phê thứ ba được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong thời gian sắp tới.

Với những gì mà Trung Nguyên nói riêng và thành phố Buôn Ma Thuột nói chung đã đạt được ở thời điểm hiện tại, chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng rằng tầm nhìn ấy có thể sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai không xa.■

Ngọc Lan (Theo Tạp chí Phương Đông)