Xây dựng Thành phố Cà phê của thế giới trở thành mục tiêu quốc gia
Ngày 27/5/2022, Trung Nguyên Legend đã đồng hành với UBND TP. Buôn Ma Thuột trong Hội thảo khoa học với chủ đề: Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới” và nhận được rất nhiều ý kiến tham luận, đóng góp của các chuyên gia trong nước, quốc tế.
Hạ tầng giao thông kết nối quốc tế
Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới” do TP. Buôn Ma Thuột phối hợp với Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức và có 300 đại biểu lãnh đạo bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, du lịch đầu ngành của cả nước và các chuyên gia cao cấp thuộc các lĩnh vực xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng thương hiệu, phát triển đô thị, cơ chế chính sách… Đây là đề án quan trọng theo Nghị quyết số 103/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính Trị về việc Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Các chuyên gia quy hoạch hạ tầng hàng đầu trong nước đã đưa ra ý kiến, về vị trí địa lý Tp. Buôn Ma Thuột là nơi có tiềm năng, lợi thế kết nối vùng, kết nối cả nước và quốc tế tốt nhất, hơn cả thành phố du lịch Đà Lạt. PGS.TS Trần Đình Thiên – thành viên tổ tư vấn chính phủ phát biểu: “Buôn Ma Thuột cần hoàn thiện nhanh tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa để du khách từ Nha Trang chỉ cần mất 1-2 tiếng đồng hồ có thể lên đây uống cà phê; sân bay Buôn Ma Thuột cần là sân bay Quốc tế và có định hướng cụ thể để kết nối với các thành phố mang tính định danh toàn cầu. Ngay cả từ tên gọi cho mục tiêu phát triển thương hiệu Thành phố Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố cà phê của thế giới cũng cần phải xem xét, ngắn gọn, dễ nhớ, mạnh hơn. Hàng chục năm trước Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã đề xướng về tên gọi, và tôi cũng đã tham gia, đồng hành cùng để đưa ra nhiều tên gọi như: Thủ phủ cà phê toàn cầu, Thánh địa cà phê toàn cầu, Thiên đường cà phê, Địa đàng cà phê…”.
Ngoài thúc đẩy hạ tầng liên kết vùng, trong nước và quốc tế, các đại biểu cũng nêu các vấn đề hạ tầng nội khu của Buôn Ma Thuột cũng cần quy hoạch để du khách có thể dễ dàng đi lại hơn với các phương tiện công cộng như xe bus, xe đạp… theo từng giai đoạn tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045.
Thúc đẩy cà phê xã hội cùng mục tiêu kinh tế
Tham gia với vai trò đại biểu của hội thảo, Trung Nguyên Legend đưa ra ba góc độ toàn diện của Cà Phê Vật Lý (là toàn bộ chuỗi giá trị vật lý của ngành cà phê từ nghiên cứu, trồng trọt, chế biến, thưởng lãm; từ cà phê thô tới cà phê tinh; từ cà phê đóng gói cho đến không gian thưởng lãm cà phê hay thưởng thức tiêu dùng cà phê tại nhà,…), Cà Phê Tinh Thần (toàn bộ các yếu tố mỹ thật và nghệ thuật để thể hiện và đi kèm với cà phê; các giá trị văn hoá – tinh thần tạo nên cà phê và từ cà phê mà có) và Cà Phê Xã Hội (là sự kết nối và sáng tạo của những người dùng cà phê và tác động tích cực hay tiêu cực của họ đến với sự phát triển chung của xã hội).
Những nội hàm về ba trụ cột: Cà phê vật lý – Cà phê tinh thần – Cà phê xã hội, được nhiều đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến tham luận, chỉ ra tiềm năng cũng như các vấn đề cần giải quyết cho mục tiêu phát triển Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố Cà phê của thế giới. Tiến sĩ Kiến trúc, ông Emmanuel Cerise, đại diện vùng Ile-de-France tại Hà Nội chia sẻ về các cách làm điển hình của Bordeaux (trung tâm rượu vang toàn cầu); Grasse (kinh đô nước hoa của thế giới)… khi những nơi này xây dựng được một mạng lưới dịch vụ chuyên về rượu vang hay nước hoa, từ những chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn thông tin… giúp du khách có thể tìm hiểu, trải nghiệm được toàn bộ quy trình từ vùng trồng nguyên liệu, sản xuất, tới các sản phẩm ứng dụng. “Quần thể rượu vang La Cité Du Vin – Bordeaux còn có rất nhiều các hội thảo, các hoạt động giới thiệu chuyên đề về rượu vang dành cho du khách cùng với nhiều ứng dụng công nghệ. Với Buôn Ma Thuột, còn cần phải xây dựng các trường đại học, viện đào tạo chuyên ngành về cà phê”, ông Emmanuel Cerise nói. Để xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố Cà phê của thế giới cũng cần nghiên cứu, học hỏi từ các bài học thành công này.
Cũng trong buổi tham luận, PGS.TS Đặng Hùng Võ – nguyên thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường chia sẻ: “Để Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố Cà phê của thế giới, phải tạo ra nhiều sản phẩm liên quan tới cà phê để cà phê trở thành văn hóa, nghệ thuật… chứ không phải là một loại thức uống. Trên nền tảng văn hóa, nghệ thuật… cà phê chạm vào những rung cảm của con người, giúp xóa bỏ đi ranh giới dân tộc, quốc gia, vùng miền… Và với định hướng này thì Trung Nguyên Legend là một tập đoàn có những đóng góp rất lớn cho địa phương và cà phê Việt Nam.”
“Người dân tại Buôn Ma Thuột, các cộng đồng dân tộc nơi đây cần có sự am hiểu về cà phê như một phần đời sống của họ. Hàng quán cà phê tại Thành phố cũng cần đa dạng hơn để du khách tới đây đều có thể tiếp cận dễ dàng văn hóa cà phê, văn hóa đại ngàn nơi đây”. – ý kiến của một đại biểu tại hội thảo.
Đề án xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ cà phê toàn cầu đã được tập đoàn Trung Nguyên Legend khởi xướng từ năm 2006 và kiên trì theo đuổi tầm nhìn mục tiêu với việc đầu tư hàng loạt các dự án trọng điểm tại đây như: khu đô thị Thành phố Cà phê; Bảo tàng Thế giới Cà phê; Làng cà phê;… cùng với nhiều sản phẩm sáng tạo nhằm nâng tầm cà phê trở thành văn hóa, nghệ thuật như: Show 3 văn minh cà phê: Thiền – Roman – Ottoman, kết hợp giữa công nghệ 3D mapping và nghệ thuật trình diễn; Show nghệ thuật 3 văn minh cà phê; chương trình trải nghiệm Thiền cà phê… duy nhất có tại Buôn Ma Thuột.
Dự kiến trong năm 2022, Trung Nguyên Legend tiếp tục đầu tư xây dựng không gian bán lẻ chuyên về cà phê lớn nhất thế giới tại dự án Thành phố Cà phê để thực sự đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của hơn 2.5 tỷ người yêu và đam mê trên toàn cầu; biến nơi đây thành địa điểm tạo dựng giá trị lâu dài về đầu tư cũng như tạo ra cộng đồng sống đặc sắc, khác biệt của thế giới.